Chúa Nhật 6 Mùa Phục Sinh Năm A
Hội Thánh Có Thánh Thần Ở Luôn
(Cv 8,5-8.14-17; 1P 3,15-18; Yn 14,15-21)
Phúc Âm: Yn 14, 15-21
"Thầy sẽ xin Cha và
Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và
Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở
với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì
thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết
Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ
côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần
các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó,
các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và
Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì
người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ
yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".
Suy Niệm:
Chúa Nhật VI Phục Sinh
Cv 8,5-8.14-17; 1P 3,15-18;
Yn 14,15-21
Xét về nhiều mặt, Chúa nhật
hôm nay muốn tiếp nối tư tưởng của Chúa nhật trước. Bài sách Công vụ các Tông
đồ Chúa nhật trước nói đến việc thiết lập các Phó tế, trong số đó có Philip.
Hôm nay cũng sách ấy cho ta thấy hoạt động của ông. Chúa nhật trước, thư thánh
Phêrô phân biệt kẻ tin và những người không tin. Vừa giờ chúng ta lại nghe
thánh nhân khuyên nhủ những kẻ tin phải sống thế nào với những người không tin.
Sau cùng bài Tin Mừng hôm nay rõ rệt tiếp theo bài Tin Mừng Chúa nhật trước và
nói đến những việc Chúa Yêsu làm cho chúng ta nơi Cha Người. Vậy nếu quan niệm
duy nhất đã có thể nối kết các tư tưởng của Chúa nhật trước, thì hôm nay đào
sâu thêm quan niệm ấy, chúng ta sẽ thấy cả ba bài Kinh Thánh đều quy về Chúa
Thánh Thần. Nói cách khác, Chúa nhật trước đã để chúng ta thấy Chúa Yêsu chịu
chết và sống lại là Ðá sống xây nên Hội Thánh, thì hôm nay chúng ta sẽ được
chứng kiến Hội Thánh mạnh mẽ như thế nào.
A. Hội Thánh Ðầy Sức Mạnh
Thánh Thần
Những chương đầu trong sách
Công vụ các Tông đồ đã cho chúng ta thấy sức mạnh của Hội Thánh ở Yêrusalem. Số
các tín hữu gia tăng, uy tín các Tông đồ sâu rộng, cộng đoàn được toàn dân mến
phục. Sức sống mạnh mẽ ấy tất nhiên muốn làm nổ tung những giới hạn chật hẹp.
Nhưng xác thịt con người nhiều khi nặng nề, chậm chạp. Mối căng thẳng rõ rệt
đầu tiên đã hiện ra nơi tương quan giữa Dothái và Hylạp. Các Tông đồ đã sáng
suốt đặt tay trên bảy người Hylạp nổi tiếng, đầy Thánh Thần và khôn ngoan. Họ
tỏ ra thật xứng đáng. Stêphanô khiến cả thành chấn động vì lời lẽ và thái độ
tuyên xưng đức tin của ông. Philip lợi dụng ngay hoàn cảnh phải phân tán vì bắt
bớ để đi truyền giáo ở Samari.
Chúng ta để ý: cả hai người
đều đã bắt đầu hoạt động nơi lương dân, rao giảng Tin Mừng cứu độ cho những
người không phải là Dothái. Công việc của họ không phải chỉ là phục vụ bàn ăn,
như thoạt đầu chúng ta tưởng. Nói đúng hơn thấy họ hoạt động như vậy, chúng ta
phải tự hỏi công thức "phục vụ bàn ăn" nghĩa là gì? Cả Stêphanô và
Philip đều rao giảng Tin Mừng. Philip còn làm phép Rửa nữa. Thành ra khi Phêrô
nói: "Còn (các Tông đồ) chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và
phục vụ Lời Chúa", chúng ta phải hiểu như thế nào? Thiết tưởng thật là sai
lầm khi phân biệt phận vụ các Tông đồ là cầu nguyện và giảng Lời Chúa, còn
trách nhiệm các "Phó tế" là phục vụ bàn ăn. Chúng ta đã có lần thấy
không được hạn chế sinh hoạt Giáo hội trong phụng vụ. Thế thì cũng không nên
giới hạn quá mức phận vụ của các Thừa tác viên. Rõ ràng các Phó tế mới cũng đã
giảng Tin Mừng, làm phép Rửa và làm nhiều phép lạ nữa. Hoạt động của họ có khác
với công việc của các Tông đồ bao nhiêu? Hay là chúng ta chỉ nên hiểu kiểu nói
"chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa" áp dụng cho các Tông đồ chỉ
có nghĩa là quyền chủ trì các cộng đồng phụng vụ và tổ chức việc rao giảng Tin Mừng,
thuộc về các ngài. Công việc của những người khác cần đến các ngài một cách nào
đó mới được hoàn toàn. Dường như chính bài sách Công vụ hôm nay khiến ta hiểu
như vậy. Vì cho dù Philip đã truyền giáo ở Samari y như một Tông đồ, tín hữu ở
đó phải đợi Phêrô và Yoan đến mới được lãnh nhận Thánh Thần.
Suy nghĩ trên đây không vô
ích cho đời sống hiện nay của chúng ta. Nhiều khi chúng ta quá tách rời các
phận vụ � giáo dân dửng dưng với công việc của Linh mục và Linh mục cũng hầu
như không muốn biết tới công việc của giáo dân �
Chúng ta quên mọi người trong Giáo hội đều đã lãnh nhận Thánh Thần; và ơn Thánh
Thần phong phú mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Chuyện Stêphanô và Philip cho thấy
rõ: Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ nơi những con người gốc Hylạp ấy. Họ đã làm
việc hầu như các Tông đồ. Chỉ có điều họ đã lựa chọn môi trường dân ngoại, hợp
hơn với họ và họ vẫn công nhận quyền các Tông đồ. Nói đúng hơn, Thánh Thần đã
dùng họ để đi vào những lãnh vực mới, khiến việc truyền giáo cho lương dân đã
khởi sự với chính những người gốc lương dân. Và giáo đoàn Yêrusalem, giáo đoàn
mẹ đã mau mắn đến tiếp sức cho các cộng đoàn mới. Các Tông đồ đã gửi ngay Phêrô
và Yoan tới, Hai người đã ban Thánh Thần, hoàn tất công việc của Philip, khiến
một lần nữa, chúng ta lại thấy chính Thánh Thần là dây bác ái xây dựng và bảo
toàn sự duy nhất trong Giáo hội. Chính điều đó đem lại hân hoan vui mừng không
những cho Samari mà cả Yêrusalem, tức là cho toàn thể Hội Thánh.
Nhưng đời sống không luôn
luôn như vậy. Hội Thánh đã bị bắt bớ ở Yêrusalem trong câu chuyện Stêphanô. Hội
Thánh còn có thể gặp khó khăn ở mọi thời. Khi ấy Thánh Thần sẽ làm việc thế nào
trong Hội Thánh? Chúng ta hãy đọc đoạn thư Phêrô.
B. Hội Thánh Ðược Tái Sinh
Về Thần Khí
Nhìn thấy Giáo hội đang bị
bắt bớ ở nhiều nơi, vị Tông đồ trưởng đã không ngần ngại căn dặn tín hữu những
thái độ cụ thể. Ngài nói: "Anh em hãy hiểu biết Ðức Kitô là Chúa nơi lòng
anh em". Ðó là thái độ căn bản. Hơn bao giờ hết, trong những hoàn cảnh khó
khăn, tín hữu phải tôn vinh Ðức Kitô ở trong lòng. Phải hiểu biết Người là
Chúa, tức là phải nhận thức Người đã sống lại. Không nắm vững niềm tin đó, đức
tin của chúng ta sẽ trở nên vô ích. Ngược lại khi tin vững vàng Người sống lại,
thì như trước đây thư Phêrô đã nói, người ta tất không bị hổ thẹn (2,6).
Và một khi đã tin vững vàng,
bức thư nói tiếp: "Anh em hãy luôn sẵn sàng đáp lời với mọi người hỏi lẽ
anh em... với một lòng hiền từ, kính nể". Phêrô biết, và Chúa Yêsu cũng đã
báo trước, "có ngày người ta lôi chúng con đến pháp đình". Tín hữu sẽ
bị hỏi. Phải trả lời, vì đó là chuyện có hệ đến "mối hy vọng có nơi anh
em", tức là Tin Mừng cứu độ chúng ta mang ở trong mình. Nhưng phải ăn nói
hiền từ, kính nể. Lời rao giảng Tin Mừng không được tựa vào sự khôn ngoan thế
gian và sức mạnh tu từ của loài người. "Lúc đó, không phải chúng con nói,
nhưng là Thần trí nói cho chúng con". Lời ấy mang đầy sức mạnh của Thiên
Chúa; nhưng Thiên Chúa hành động mạnh mẽ mà lại dịu dàng (fortiter et suaviter).
Chính việc nắm bắt chân lý khiến lời nói khoan thai. Vậy nếu "chúng ta đã
hiểu biết Ðức Kitô là Chúa ở trong lòng chúng ta rồi", thì không có lý nào
lời nói của chúng ta lại không hiền từ kính nể.
Ðàng khác, như vậy không
phải chỉ là suy diễn mà còn là bắt chước. Tín hữu luôn phải dõi theo vết chân
Chúa Cứu Thế. Thế mà Người đã đi qua đau khổ làm sao? Phêrô không cần dài dòng
nhắc lại nữa. Ngài chỉ tóm tắt trong một câu rất súc tích: "Ngài, Ðức Yêsu
Kitô Chúa chúng ta, đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tái sinh về Thần
khí. Ước gì khi Giáo hội bị bắt bớ, lúc chúng ta phải đau khổ, bề ngoài xác
thịt có như chết thì tinh thần cũng hãy sống động. Ðúng hơn nữa, ước gì Thần
khí của Chúa tỏ ra mạnh mẽ nơi thân xác yếu hèn của chúng ta!
Như vậy, dù trong hoàn cảnh
nào, thuận cũng như nghịch, sức mạnh của Hội Thánh và của chúng ta vẫn là Thánh
Thần. Ðiều cần duy nhất là phải có Thánh Thần. Thế mà đó lại là ơn Chúa Yêsu
hằng ban cho chúng ta, theo bài Tin Mừng hôm nay.
C. Hội Thánh Có Thánh Thần Ở
Luôn
Nói với môn đệ trong bữa
Tiệc ly, Chúa Yêsu tuyên bố: Người sẽ ra đi, nhưng không để họ mồ côi. Người sẽ
trở lại với họ, không phải trong thân xác như hiện nay, nhưng "sẽ tỏ mình
ra cho họ". Thế gian sẽ không còn thấy Người, nhưng họ thấy vì Người vẫn
sống.
Chắc chắn Lời Chúa chỉ sáng
sủa, dễ hiểu sau khi có ánh sáng Phục sinh. Lúc đó môn đệ mới rõ: Ðức Yêsu đã
đi thật; thế gian không còn thấy Người nữa vì Người đã chết theo xác thịt;
nhưng Người đã trở lại với môn đệ, trong những lần tỏ mình ra. Và nhất là nhận
được Thần Khí Người thổi cho, họ cảm thấy gần Người hơn bao giờ hết. Rõ ràng
Người vẫn sống và họ cũng sống. Họ sống ở trong Người và Người sống ở trong họ.
Ý thức ấy minh chứng được vì "do tay các Tông đồ, lắm dấu lạ điềm thiêng
đã xảy ra trong dân", từ sau ngày Thánh Thần hiện xuống. Thế nên câu Chúa
nói: "Không để họ mồ côi" đã được hiểu như là Thần trí của Người đã
được ban cho họ để lưu lại nơi họ và ở trong họ (c.15-16).
Như vậy, họ cũng ý thức hơn
về mệnh lệnh Chúa truyền như là điều kiện để không bị bỏ mồ côi. Ðó là giữ Lời
Người.
Chắc chắn Hội Thánh lúc ban
đầu đã chuyên cần với việc này. Các tín hữu kiên trì với giáo huấn của các Tông
đồ. Các vị này chuyên lo phục vụ Lời Chúa. Chính nhờ nhiệt tình như vậy mà đức
tin tăng trưởng, Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ, cả thành đều vui mừng và có ai
bị bắt bớ thì cũng hân hoan vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì Danh
Người.
Ðời sống của Hội Thánh luôn
luôn như vậy. Lúc thuận cũng như lúc nghịch, Hội Thánh chỉ mạnh mẽ nhờ Thánh
Thần. Chính Người là sức mạnh của Hội Thánh vì là Thần trí của Ðức Kitô đã được
ban cho Hội Thánh sau khi Chúa Cứu Thế đã về cùng Cha qua mầu nhiệm Tử nạn Phục
sinh. Thánh Thần hoạt động nơi mọi thành phần trong Dân Chúa, không phân biệt
Dothái hay Hylạp, Tông đồ hay Phó tế. Người phân phối phận vụ nhưng đồng thời
hằng xây dựng, thắt chặt tình liên đới để xứ mẹ xứ con cũng chỉ là một Hội
Thánh. Chúng ta cầu xin Người đến trong chúng ta và trong các giáo đoàn của
chúng ta. Thật ra, Người vẫn đến vì có bao giờ Ðức Kitô bỏ chúng ta mồ côi. Mỗi
lần Giáo Hội cử hành Thánh lễ, mầu nhiệm Vượt qua của Chúa lại được tái hiện.
Mầu nhiệm Chúa về cùng Cha ban Thánh Thần xuống lại được cử hành. Tất cả tùy ở
chúng ta và cộng đoàn chúng ta có đón nhận và để Thánh Thần hoạt động nơi mình
và qua mình hay không?
Ước gì Thánh lễ này ban cho
chúng ta được đầy Thánh Thần. Và cũng ước gì lãnh nhận ơn Thánh Thần rồi, mỗi
người sẽ như Stêphanô và Philip, tỏ ra hăng say trong môi trường của mình, thi
hành sứ mệnh Tông đồ, làm cho nhiều người tin Ðức Yêsu là Chúa để xã hội thêm
hân hoan trong tình liên đới nhiệt thành xây dựng hạnh phúc chung mỗi ngày mỗi
lan rộng. Có như vậy mới có Mùa Phục sinh trong đời sống chúng ta và mới đáng
ngưỡng vọng mầu nhiệm Chúa lên trời và ban Thánh Thần xuống, những mầu nhiệm mà
chúng ta sẽ kính nhớ cách đặc biệt trong các Chúa nhật tới.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)