CHÚA
NHẬT LỄ KÍNH CHÚA BA NGÔI
Yêu là
sinh hoạt của Ba Ngôi
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 3:16-18)
Nói về Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ đến những điều phải
tin thuộc về một mầu nhiệm. Nhưng bài
Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô, lại
cho chúng ta một cơ hội để suy niệm về mầu nhiệm này theo ngôn ngữ hoàn toàn
của con người, đó là việc yêu thương: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một…
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Định nghĩa này của thánh Gio-an nhiều khi đã trở nên quá quen thuộc đến
độ chúng ta không còn để ý suy nghĩ xem Thiên Chúa yêu tới mức nào. Chúa Giê-su trả lời: Yêu đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian. Để giúp chúng ta nhận ra mức độ yêu thương ấy,
thánh Phao-lô đã cầu xin: “Xin cho anh
em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự
trong tâm hồn; xin cho anh em được bén
rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái,
để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao
sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô , là tình thương vượt quá sự hiểu
biết” (Ê-phê-xô 3:17-18).
Đúng vậy, Chúa Giê-su thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, cho
nên qua con người và sứ mệnh của Người, chúng ta hiểu được sinh hoạt yêu thương
của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thử
nhìn Ba Ngôi yêu thế gian, hay nói đúng hơn, yêu chúng ta như thế nào. Trước hết là tình yêu phải đến từ Thiên Chúa
trước. Nó đã được biểu lộ qua việc Người
dựng nên chúng ta. Nó còn được biểu lộ
mạnh mẽ hơn khi Chúa Cha quyết định cứu độ chúng ta. Chúa Thánh Thần thực hiện việc Nhập Thể, để
Tình Yêu không còn là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một tình yêu bằng xương
thịt sống giữa chúng ta (Gio-an 1:14).
Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu Thiên Chúa bằng tất cả cuộc sống của Người: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, tha
thứ tội lỗi, nhất là lấy chính mạng sống mình để đền bù cho tội lỗi của toàn
thể nhân loại và đưa họ trở về sống trong tình phụ tử của Thiên Chúa.
Tuy là đã hết mình với nhân loại, nhưng Thiên Chúa vẫn để
cho nhân loại tự do đáp trả, vì trong tình yêu đích thực không có ép buộc. Thiên Chúa rất rõ ràng trong vấn đề yêu
thương. Người thẳng thắn đặt vấn đề mục
đích của việc Người yêu thương chúng ta:
là để chúng ta được cứu độ. Quả là một tình yêu vô vị lợi và vô điều
kiện! Phương thức đáp trả tình yêu Thiên
Chúa không có gì là khó khăn, nhưng gói ghém trong một động từ là TIN vào Con của Người, hay nói khác đi
là tin vào Tình Yêu Nhập Thể của Thiên Chúa.
Chúng ta đều có kinh nghiệm thế nào là tin khi chúng ta yêu. Cho nên chúng ta chỉ cần sử dụng chính khả
năng tin yêu để đáp lại tình yêu Thiên Chúa.
Khả năng ấy là bẩm sinh nơi chúng ta.
Nếu chúng ta sử dụng khả năng ấy trong mối tương quan con người với nhau
thì chúng ta cũng có thể sử dụng nó trong tương quan với Thiên Chúa. Tới đây, vấn đề mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
không còn là thiên khảo luận thần học tín lý cao siêu, mà là một lẽ sống được
thể hiện ngay trong cuộc đời chúng ta bằng cách sống với Chúa Giê-su, sống để
nói lên sinh hoạt của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chiêm ngưỡng Ba Ngôi Thiên Chúa dưới lăng kính sinh hoạt
tình yêu nhân loại không có nghĩa là làm cho mầu nhiệm Thiên Chúa trở nên tầm
thường. Trái lại nó giúp chúng ta cảm
nghiệm được mức độ tình yêu đích thực của Thiên Chúa và mở ra cho chúng ta một
lối sống xứng đáng làm con cái Chúa. Có
khi nào Thiên Chúa sinh ra chúng ta trong tình yêu lại đành lòng nhìn chúng ta
sống trong hận thù ghen ghét? Thiên Chúa
Cha yêu thương đến nỗi sai Con Một.
Thiên Chúa Con yêu thương đến nỗi chết vì chúng ta. Thiên Chúa Thánh Thần yêu thương đến nỗi sẵn
sàng ở lại với chúng ta trong Giáo Hội cho đến ngày tận thế.
Vậy thì chúng ta phải yêu thương đến mực độ nào đây? Những hy sinh chúng ta chịu vì yêu thương
không thể so sánh với những gì Chúa Giê-su đã chịu vì chúng ta. Nhưng đó là những dấu chỉ rõ ràng nói lên
rằng chúng ta đang tham dự vào sinh hoạt của tình yêu Thiên Chúa và đang giúp
cho sinh hoạt ấy thể hiện qua cuộc sống chúng ta.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi