CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
Chúa Thánh Thần và sứ mệnh tông đồ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
20:19-23)
Giáo Hội hôm nay đã lớn mạnh và lan rộng khắp thế giới. Nhưng nếu trở lại thời điểm được thánh Gio-an
kể lại trong bài Tin Mừng, chúng ta sẽ khó tin được sự phát triển ấy làm sao mà
có. Đó là nhờ quyền năng của Chúa Thánh
Thần. Khác với bài trích sách Công Vụ
Tông Đồ thuật lại việc Chúa Thánh Thần ngự đến trong “tiếng gió mạnh” và “hình
lưỡi giống như lưỡi lửa”, bài Tin Mừng hôm nay chỉ vắn tắt nói đến việc Chúa
Giê-su Phục sinh hiện ra với các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ. Mục đích chính của cuộc hiện ra này là để
Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Vậy
chúng ta hãy xem Chúa Giê-su nói gì với họ về vai trò của Thánh Thần.
Trước hết thánh Gio-an cho chúng ta biết tâm trạng của các môn
đệ lúc này. Các ông “sợ người Do-thái”,
những người đã giết chết Thầy của các ông, nên “nơi các ông ở, cửa đều đóng
kín”. Chúa Giê-su đến và chúc bình an
cho họ. Với sự hiện diện này, “các môn đệ
vui mừng vì được thấy Chúa”. Tuy nhiên mục
đích chuyến hiện ra này của Chúa không phải chỉ là để giúp các môn đệ hết sợ
hãi, được bình an và vui mừng, nhưng Người đến để chuẩn bị cho họ sẵn sàng thi
hành sứ vụ Người sẽ trao ban cho họ. Hai
lần Chúa chúc bình an cho môn đệ. Nếu lời
chúc bình an đầu tiên chỉ là lời chào bình thường và giúp cho các môn đệ được
vui mừng, thì lời chúc bình an thứ hai phải là để các ông vững tâm và sẵn sàng
lãnh nhận một sứ mệnh khó khăn. Sứ mệnh
đó là “được sai đi” để tiếp tục những gì Chúa đã làm khi Người còn sống tại trần
gian. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Các môn đệ là những người đã đi theo
Chúa. Họ đã nghe Người giảng Tin Mừng cứu
độ, thấy Người làm những phép lạ chữa lành, nhất là khai mở Nước Thiên Chúa để
quy tụ mọi người lại làm con cái Cha trên trời.
Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai đi để làm tất cả những điều ấy. Giờ đây, với quyền năng Thiên Chúa, Chúa
Giê-su cho các môn đệ chia sẻ sứ mệnh của Người và sai họ đi để tiếp tục sứ mệnh
ấy.
Nhưng làm sao các môn đệ có thể tiếp tục những gì Chúa đã
làm? Quả là một sứ mệnh vượt quá khả
năng của họ. Chúng ta có thể tưởng tượng
ra vẻ sợ hãi của họ. Có lẽ họ nhìn nhau,
ngầm hỏi nhau làm sao mình dám nhận một sứ mệnh vĩ đại như thế. Chúa đọc được ý nghĩ của họ. Người làm một cử chỉ đầy ý nghĩa của Thiên
Chúa. Như Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi
A-đam để truyền sự sống cho ông thế nào, Chúa Giê-su cũng thổi hơi vào các môn
đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống mới và sức mạnh của Thiên Chúa để
lên đường truyền giáo. Chúa Giê-su đã
“trao Thần Khí” khi Người chết trên thập giá để bắt đầu công cuộc Tạo dựng Mới. Tiếp tục công việc này của Chúa, các môn đệ
cũng ra đi để cộng tác với Người trong công cuộc Tạo dựng Mới.
Ở đây Chúa Giê-su không cần kể ra chi tiết những gì các môn
đệ phải làm khi được sai đi, nhưng Người cho các ông thấy họ được sai đi như những
người có đầy đủ tư cách và khả năng để thi hành sứ mệnh. Người nói vắn tắt: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được
tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị
cầm giữ”. Thánh Thần được ban cho họ
chính là quyền bính và sức mạnh của Thiên Chúa.
Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội và cầm giữ. Tha tội và cầm giữ cũng
là công việc hòa giải nhân loại với Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã thi hành. Các môn đệ lãnh nhận quyền bính và sức mạnh của
Thiên Chúa là để tha tội cho người ta, tức là giải thoát nhân loại khỏi ách nô
lệ tội lỗi, và để cầm giữ quyền lực của ma quỷ tội lỗi đang hoành hành nơi nhiều
người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Công tác của Chúa Thánh Thần là “đổi mới bộ mặt trái đất”. Thế giới vẫn cần được thay đổi, từ cá nhân đến
gia đình, xã hội và Giáo Hội. Chúa kêu gọi
chúng ta lãnh nhận Thánh Thần Người ban để giúp Người hoàn tất cuộc Tạo dựng Mới. Xây dựng lại những gì bị phá đổ do tội lỗi,
thù hận, kiêu căng… là nhiệm vụ của mỗi Ki-tô hữu. Cuộc tái tạo này chúng ta hãy bắt đầu từ chính
mình, thay đổi lối sống sao cho xứng làm con Chúa, rồi đến môi trường chung
quanh, thí dụ hàn gắn những tương quan đổ vỡ… giúp cho Nước Chúa trị đến. Về công tác này, quả thực có nhiều điều bắt
chúng ta phải suy nghĩ!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi