Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô Năm A

Từ Mình Chúa Ðến Chúng Ta

(Tl 8,2-3.14-16; 1C 10,16-17; Yn 6,51-59)

 

Phúc Âm: Yn 6, 51-59

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?" Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Tl 8,2-3.14-16; 1C 10,16-17; Yn 6,51-59

Ngay từ đầu, cộng đoàn tín hữu ở Yêrusalem đã chuyên cần đến việc bẻ bánh. Và từ ngày đó Giáo Hội không ngớt cử hành lễ tế tạ ơn và hiệp thông trong Mình và Máu Chúa Kitô. Nhưng từ thế kỷ thứ XI người ta đã chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh hiện diện của Chúa Kitô nơi hình bánh.

Từ đó người ta khao khát được chiêm ngắm Chúa ngoài giờ thánh lễ. Và một nữ tu ở Liège, chân phước Julienne, được nhiều thị kiến thúc giục xin Tòa Thánh lập một lễ lớn kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa. Bà được thị kiến vào khoảng những năm 1208-1210; nhưng mãi đến 1317, tức là một thế kỷ sau, Giáo hội mới truyền mọi nơi phải tổ chức lễ này. Khi ấy nhiều giáo phận đã có thói quen mừng rất lớn. Ðặc biệt, khởi sự từ bên Ðức, người ta tổ chức kiệu Mình Thánh rất long trọng trong ngày ấy. Thói quen kiệu ra ngoài đường phố cốt để ai ai cũng được chiêm ngưỡng và cúng bái; cũng như để tỏ ra vương quyền của Ðức Kitô, và để cho người Tin Lành biết Giáo Hội Công giáo tin thật Chúa hiện diện trong Thánh Thể. Dĩ nhiên đó cũng là một hình thức sinh hoạt của giáo xứ.

Như vậy không phải mọi khía cạnh trong ngày lễ hôm nay đều có giá trị như nhau và cần phải duy trì tất cả. Ðặc biệt việc chầu Mình Thánh và kiệu Thánh Thể sẽ rất thiếu sót nếu không được suy nghĩ và gắn liền với việc bẻ bánh, tức là thánh lễ tạ ơn, là cơ sở của Phụng vụ Thánh Thể. Và để quý trọng lễ nghi cao cả này, phải dựa vào Lời Chúa.

 

A. Từ Manna Ðến Lời Chúa

Bài sách Thứ luật hôm nay không trực tiếp nói đến chuyện Chúa ban Manna nuôi dân trong sa mạc. Muốn có bài tường thuật trực tiếp, phải đọc trong sách Xuất hành (chương 16).

Bấy giờ dân kêu trách Môsê và Aharôn: Phải chi chúng tôi chết đi bởi tay Yavê trong đất Aicập, khi còn ngồi bên niêu thịt và được ăn bánh thỏa thuê! Thật các ông đã đem chúng tôi ra sa mạc này để làm cả lũ chết đói ở đây. Nhưng Yavê đã phán với Môsê: Này Ta sẽ cho mưa bánh bởi trời xuống cho các ngươi. Và xảy ra là khi sương mai bốc lên rồi thì này trên mặt sa mạc có một lớp gì dòn mỏng như sương giá trên đất. Con cái Israel nói với nhau: Manhu, nghĩa là cái gì vậy? Môsê nói với họ: đó là bánh Yavê đã ban cho các ngươi. Và kể từ ngày đó có chuyện mưa Manna trong sa mạc.

Câu chuyện này hôm nay sách Thứ luật nhắc lại với nhiều chuyện khác, đặc biệt là chuyện rắn lửa bò ra cắn dân và chuyện đập đá ra nước trong sa mạc. Tác giả mượn uy tín của Môsê, nhắc lại những chuyện trên để dạy dỗ người đồng thời. Bây giờ họ không còn sống trong sa mạc nữa. Ngược lại nay là thời hậu Lưu đày; người Dothái đã tái thiết Quê hương và bắt đầu có đời sống phồn thịnh. Họ đang sống khá giả thì vì sao tác giả còn lấy lại câu chuyện chết đói, chết khát ngày xưa nơi sa mạc ra mà khuyên nhủ?

Bài học của ông như thế này. Ngày xưa Yavê lưu dân 40 năm nơi hoang địa là để họ có kinh nghiệm về sự thiếu thốn và bất lực, mà tin tưởng vào Yavê và trông chờ mọi sự từ miệng Người phán ra (vì có gì mà lại không do lời quyền năng Người làm ra?). Kể cả manna và nước uống vọt ra từ đá cũng do Lời Yavê mà có. Bài học ấy, Môsê bảo dân đừng có quên khi đã vào Hứa Ðịa, là đất chảy sữa và mật. Vì con người không sống nguyên bởi bánh; mà còn cần nhiều sự khác có lẽ và chắc chắn còn quan trọng hơn để được hạnh phúc. Mà tất cả đều do Chúa, bởi Lời quyền năng của Người! Và để được Chúa ban cho, người ta phải giữ lệnh truyền của Người. Vì thế thật là hữu lý khi nói: con người sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi Lời từ miệng Chúa phán ra. Và chúng ta luôn luôn phải sống khiêm nhường, đặt mọi tin tưởng vào Chúa.

Vậy như dân sống trong sa mạc nhờ manna, thì nay người ta sống nhờ Lời Chúa, tức là giữ lệnh Người truyền.

 

B. Từ Lời Chúa Ðến Mình Chúa

Ðó là bài học của sách Thứ luật, của Luật pháp, truyền đạt đến thời Chúa Yêsu. Người không đến để hủy bỏ nhưng để hoàn tất và kiện toàn Luật pháp. Thế nên hôm ấy dân tuốn đến với Người, không phải vì đã thấy dấu lạ nhưng vì đã được ăn bánh no (6,26). Người nói ngay: "Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống muôn đời". Lập tức họ đã xin Người, như người phụ nữ Samari khi nghe nói đến nước hằng sống: Thưa Ngài, hãy luôn luôn cho chúng tôi thứ bánh ấy. Chúa Yêsu đáp: "Bánh sự sống, chính là Ta! Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Lẽ ra họ đã phải hiểu ngay lời của Người. Sách Thứ luật đã nói: con người sống không nguyên bằng bánh, nhưng bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Thế nên khi bảo họ đừng tìm bánh hư nát nhưng hãy tìm lương thực nuôi sống đời đời, Người muốn bảo họ hãy tìm Lời hằng sống và Lời ấy chính là Người, là Lời Thiên Chúa đang nói với họ. Nếu họ tin vào Người thì sẽ không còn đói còn khát.

Nhưng người Dothái đã không hiểu, và đã không muốn hiểu. Họ đang loay hoay với ý tưởng bánh nuôi sống con người, bánh nuôi sống đời đời. Mà bánh ấy phải từ trời xuống như manna... thế mà ông Yêsu này là con của Yuse, làm sao ông có thể bảo mình từ trời xuống?

Thành ra cuộc đối thoại đã chuyển sang vấn đề tông tích của Ðức Yêsu, khiến Người khẳng định ngay: "Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta!". Người muốn quả quyết mình từ trời đến.

Nhiều tác giả nghĩ rằng chương 6 của Yoan phải chấm dứt ở đây. Và mục đích của chương này chỉ là để mạc khải nguồn gốc đích thực của Ðức Yêsu là Ðấng từ trời đến, là Lời Thiên Chúa đến trong thế gian, là Lời Thiên Chúa nhập thể để ai tin thì được sống.

Nhưng vì ghi lại Lời mạc khải sau khi Chúa Yêsu đã về trời và đang thời Giáo hội chuyên cần với việc bẻ Bánh và việc tham dự vào Bí Tích này thiết yếu cho sự sống của Giáo hội, nên tác giả đã thêm những câu làm nên bài Tin Mừng của lễ Mình Thánh Chúa hôm nay. Ðúng hơn, có lẽ chúng ta nên nói trong khi các tác giả Phúc Âm khác chỉ kể lại thuần túy việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, tác giả Yoan nhìn thấy đây là "dấu lạ" gợi lên mầu nhiệm Chúa Yêsu là Ngôi Lời ban sự sống, và là cơ hội để ông viết về Bí tính Thánh Thể, hầu bù vào chỗ ông sẽ không thuật lại việc Chúa thiết lập Bí tích này, vì ai ai cũng đã biết rồi.

Dù sao, sau khi đã đọc lại phần trên, chúng ta thấy bài Tin Mừng hôm nay thật sáng sủa và chúng ta phải hiểu theo chiều hướng đó.

Chúa Yêsu đã khẳng định Người là bánh hằng sống bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì được sống đời đời. Lẽ ra người Dothái có thể hiểu theo nghĩa trên kia, nhận Ðức Kitô là Con Thiên Chúa đến ban sự sống cho loài người nên phải tin ở Người và vào Lời của Người. Nhưng Người biết họ không tin. Họ sẽ giết Người. Nhưng chính sự chết của Người sẽ làm cho người ta được sống. Nên Người tiếp theo "Và bánh Ta sẽ ban ấy là Thịt Mình Ta vì sự sống thế gian".

Người Dothái không chịu đựng nổi nữa. Tin vào Người đã khổ, bây giờ lại còn phải tin vào sự chết của Người! Do đó, vì không tin, họ đã rì rầm với nhau để phản đối: làm sao Ông có thể cho ta ăn thịt mình được?

Chúa Yêsu lợi dụng ngay sự kiện họ muốn hiểu lời Người một cách cụ thể để nói rõ việc Người sẽ bị giết, thịt máu phân rẽ và bảo người ta phải tin ở mầu nhiệm Tử nạn của Người để được sống. Và những lời ấy rất thích hợp để nói về Bí tích Thánh Thể. Nói cách khác, tác giả Yoan đã nhìn vào cử hành Thánh Thể trong Giáo hội để nói về sự chết cứu thế của Chúa và cũng để người ta luôn luôn liên kết Thánh Thể với cuộc Tử nạn cứu độ của Người. Có thể nói cả bài Tin Mừng hôm nay chỉ muốn giải thích câu Bánh hằng sống, chính là Ta: và Bánh Ta sẽ ban ấy là Thịt Mình Ta vì sự sống thế gian. Và câu nói ấy có ý bảo người ta phải tin vào cuộc đời của Chúa Yêsu và sự chết của Người. Tác giả đã dùng cử hành Thánh Thể ở trong Giáo hội để diễn tả chân lý trên. Và đồng thời cũng muốn dùng chân lý ấy để nói về nội dung của Thánh Thể. Bí tích này ban Chúa Yêsu trong lễ tế hy sinh của Người cho chúng ta. Ai tin và nhận lấy thì được sống đời đời.

 

C. Từ Mình Chúa Ðến Chúng Ta

Thế nên mượn lời thư Phaolô hôm nay, Phụng vụ nhắc nhở chúng ta Chén thánh và Bánh thánh chúng ta cầm lấy nơi bàn thờ là chính Chúa Yêsu trong mầu nhiệm Tử nạn cứu thế. Chúng ta phải tin Chúa hiện diện dưới hình thức bánh rượu. Nhưng chưa đủ. Còn phải tin Người là Bánh bởi trời, tức là Lời hằng sống nuôi sống chúng ta. Hơn nữa ở đây, trong Bí tích này, bánh rượu còn là Thịt Máu Người ban vì sự sống thế gian, tức là sự chết của Người khiến cho chúng ta được sống đời đời. Ðến với Thánh Thể chúng ta chỉ được ơn nếu tin như vậy. Và khi thông hiệp với Bí tích này, chúng ta phải chia sẻ lễ hy sinh của Chúa.

Nhiều người nghe nói đến mầu nhiệm sự chết của Chúa, chỉ nhìn thấy những nét bề ngoài là những đớn đau, như người Dothái chỉ nhìn thấy thịt và máu. Họ không đạt tới các thực tại bên trong. Dưới hình thức thịt máu, có con người Ðức Kitô, có ý chí hy sinh cứu thế của Người, có ơn cứu độ giao hòa con người với Thiên Chúa và loài người với nhau. Phaolô nhắc nhở chúng ta, khi chịu Mình và Máu Thánh Chúa, phải tin vào mầu nhiệm hy tế hòa giải và phải muốn kết hợp với Thiên Chúa và với đồng loại trong Thân thể Ðức Kitô. Có như vậy Thánh Thể mới là lương thực nuôi dưỡng sự sống đời đời, vì sống đời đời là sống với Thiên Chúa và các thánh của Người. Thánh Thể vì thế là bí tích tình yêu vì khiến chúng ta được lưu lại trong Chúa và Chúa trong chúng ta, để chúng ta làm nên Thân Thể Chúa và nên chi thể của nhau. Và tất cả những ơn đó đều nhờ Thập giá Ðức Kitô và sự chết của Người, mà Thánh Thể là Bí tích.

Ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa không những nhắc nhở chúng ta niềm tin vào sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể và vào hiệu lực của Bí tích tình yêu duy nhất hóa chúng ta trong Thân thể Ðức Kitô nhờ việc Người hiến dâng Thịt Máu trong hy lễ hòa giải. Các bài đọc của Thánh lễ hôm nay còn gợi lên bối cảnh chúng ta phải nhớ mỗi lần đến với Mình Máu Thánh Chúa. Ðây là Bánh hằng sống bởi trời xuống như manna, dành cho Dân Chúa đang trên đường sa mạc trần gian. Chúa đòi dân phải cảm thấy thiếu thốn, bất lực và đặt hết niềm tin vào Người. Và chờ mong được sống nhờ mọi sự do Lời Chúa phán ra. Chúa muốn chúng ta luôn luôn ý thức thân phận khó nghèo về hạnh phúc đời đời để trông chờ Nguời ban sự sống vĩnh cửu, khi chúng ta giữ Lời Người và kết hợp với Người nhờ Bí tích Thánh Thể. Và khi chúng ta thi hành hai điều này thì nhất định chúng ta sẽ trở thành Kitô hữu hoàn toàn hơn, tức là sống giống như Người hơn. Và cuộc đời của Người rõ ràng là đã hy sinh cho Thiên Chúa và tận hiến cho hạnh phúc của mọi người. Chúng ta sẽ đạo đức và phục vụ. Chúng ta sẽ mến Chúa và yêu người. Chúng ta sẽ làm đẹp đạo và tốt đời.

Ðó là điều chúng ta phải ao ước mỗi khi đến với Thánh Thể và đặc biệt trong Thánh Lễ hôm nay.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A