MỒNG BA TẾT TÂN MÃO 2011

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Mt 25, 14-30

 

CHÚA CŨNG LÀM VIỆC

 

Người ta cứ tưởng đã là Chúa thì chẳng cần phải làm việc, tự nhiên, hằng ngày Ngài cứ làm phép lạ là đã có của ăn. Không Chúa Giêsu khi xuống thế gian đã làm việc không ngừng, Ngài lao động để nâng cao giá trị của công ăn việc làm. Chúa Cha làm việc, Chúa Con cũng làm việc không ngừng. Ngày mồng ba tết mỗi năm, Giáo Hội dành riêng một ngày để mọi người nhớ tới Chúa, bởi vì làm bởi chúng ta mà ban cho lại do Thiên Chúa. Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Chúa, Ngài đã miệt mài tạo dựng vũ trụ, tạo nên con người suốt trong sáu ngày, và Ngài chỉ dành ngày thứ bảy để ca tụng Thiên Chúa Cha và nghỉ ngơi, dưỡng sức và cầu nguyện. Giáo Hội cũng khích lệ chúng ta hãy xem gương lao động của cả gia đình Nagiarét để noi gương bắt chước. Thánh Phaolô nói một câu chí lý, để đời, dạy chúng ta và mọi người phải lao động :” Không làm thì đừng có ăn “.

 

Thật là chí tình, chí lý khi ca nhập lễ viết :” Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt, còn vun còn trồng ; bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên “ ( St 8, 22 ) và Thánh vịnh 64, 2 cũng viết :” Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi “. Qui chiếu ba bài đọc Thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm, Giáo Hội cho thấy Lời Chúa xoay quanh việc lao động. Cả ba bài đọc đều nêu cao giá trị của công ăn việc làm, của sự lao động sản xuất. Bài đọc I, đoạn sách Sáng thế cho thấy Chúa dạy con người phải trồng trọt nghĩa là làm việc để tạo ra lương thực. Thiên Chúa luôn muốn con người góp tay cai quản vũ trụ và tô đẹp vũ trụ, công trình của Chúa theo ý của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng Mt 25, 14-30 là một bài học lớn về sự lao động, con người sẽ không có lợi nhuận nếu làm biếng không chịu đầu tư kiếm lời như người nhận một nén bạc mà đem chôn cất…Lao động đòi hỏi sự cố gắng và óc sáng tạo, bởi không thể có thành công mà không phải đổ mồ hôi, không phải cố gắng vv…Mọi người, mọi dân tộc đều phải lao động, đều phải làm việc mới có của ăn của để. Việt Nam chúng ta cũng có câu ca dao tục ngữ chí lý:” Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa. Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày “. Lao động theo ngôn ngữ nhà đạo là góp tay xây dựng thế giới do Chúa tạo thành. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố :” Cha Ta hằng làm việc thì Ta cũng làm việc “. Lao động theo cái nhìn Kitô giáo là bài ca tình yêu, là lời cảm tạ tri ân không ngừng bởi Thiên Chúa không ngừng sáng tạo và Chúa Giêsu cũng đã lao động liên lỉ, làm việc không ngơi nghỉ như Thánh Kinh đã tường thuật.

 

Đức Kitô khi sống với Cha mẹ của Ngài 30 năm ở làng quê Nazarét, Ngài đã cùng Cha mẹ là thánh Giuse và mẹ Maria làm việc không ngừng. Ngài đã làm cho việc làm có giá trị cao cả như thánh Phaolô đã từng viết :” Anh em không làm việc thì đừng có ăn “. Con Thiên Chúa làm người cũng đã nêu gương lao động cho mọi người, do đó, con người thế hệ này qua thế hệ khác vẫn luôn phải làm việc, luôn phải lao động để góp phần xây dựng thế giới, tô đẹp thế giới do Chúa sáng tạo. Kinh tiền tụng thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm nói rất rõ :” Chính Cha đã tạo dựng con người giống hình ảnh Cha, và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm rạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế “.

 

Ngày mồng ba tết, dâng thánh lễ xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm để mọi người rằng :” Không Thầy các con không thể làm gì được “ và để mọi Kitô hữu xác tín :” Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế “. Con người có nhiều dự phóng, có nhiều chương trình, có nhiều việc làm nhưng nếu Chúa không ban trí khôn, sức khỏe thì dù con người có cố gắng mấy cũng không thành công.  Con người theo kế hoạch của Chúa luôn phải làm việc để tạo ra của cải, nhưng làm ra của cải vật chất mà biết chia sẻ bố thí cho những người túng thiếu, nghèo nàn, bất hạnh, của cải sẽ mang ý nghĩa cao vời, ý nghĩa cứu rỗi.

 

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo , để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen. ( Lời nguyện nhập lễ thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm ).

 

Linh mục Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A