Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên A

Hãy Làm Trở Thành Môn Đệ

 

Mt 28:16-20: 16 Mười một môn đồ trẩy đi Galilê, lên núi Ðức Yêsu đã hẹn với họ. 17 Thấy Ngài, họ phục lạy Ngài, và họ hoài nghi. 18 Ðức Yêsu tiến lại và nói với họ, rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta. 19 Vậy các người hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, 20 Dạy chúng giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi"."Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế".

 

 

Đoạn 28:16-20 là cao điểm của chương 28, bàn về sự sống lại của Chúa Giêsu. Thiên sứ đã cho các phụ nữ thấy mồ trống, và loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu. Đồng thời thiên sứ còn bảo họ đi loan báo tin nầy cho các môn đệ của Người, và nói cho họ biết cuộc hẹn tại Galilêa (28:1-7). Trên đường về, Chúa Giêsu đã hiện ra cho các phụ nữ và tái xác nhận cuộc gặp gỡ với các môn đệ của Người (28:8-10). Đoạn đang bàn đây nói đến cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và  các môn đệ của Người tại Galilêa, và Người ban cho họ một sứ mạng. Có thể phân chia đoạn thành hai phần: - Tường thuật việc các môn đệ đến gặp Chúa Giêsu (28:16-18a); - Lời Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ (28: 18b-20).

 

Các môn đệ đến gặp Chúa Giêsu (28:16-18a)

 

Đoạn nầy mô tả chủ yếu hành động của các môn đệ. Theo lời nhắn bảo của Chúa Giêsu qua các phụ nữ, các ông đến Galilêa (c. 16). “Nhóm mười một môn đệ” làm chúng ta nghĩ đến “nhóm mười hai môn đệ” (10:1; 11:1). Họ được Chúa tuyển chọn và được gần gũi với Người. Người giáo huấn họ riêng về việc truyền giáo (10:1-11:1) và cho họ tham dự bữa Tiệc ly (26:20). Họ không còn là nhóm mười hai nữa, mà là mười một, do thiếu Giuđa Iscariốt (26:14.47). Galilêa là nơi Chúa Giêsu chỉ định để gặp họ (28:10). Người đã quyết định và nói trước điều nầy với (26:32). Từ thời điểm ở vườn Cây Dầu cho đến lúc ấy, các môn đệ đã không thấy Chúa Giêsu. Họ đi cả nhóm lên Galilêa lần nầy vì hy vọng được thấy lại Người.

 

Về lại Galilêa gặp Chúa Giêsu phục sinh gợi cho các môn đệ nhớ lại tất cả những hoạt động Chúa Giêsu đã thực hiện tại đó. Họ đã luôn bên cạnh Người trước khi Người lên Giêrusalem (4:12-16:20). Họ vừa là môn đệ, vừa là những chứng nhân về lời giảng dạy và các việc Người làm. Khi thấy lại Chúa Giêsu trong vinh quang phục sinh, chắc chắn họ nhớ lại tất cả những điều Người đã nói về cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Người (16:21; 17:22tt; 20:17-19); do đó họ có thêm kinh nghiệm về Chúa Giêsu trong giai đoạn khổ nạn phục sinh mà họ đã từng phản đối và chạy trốn (x. 16:22tt; 20:20-23). Vậy trước khi được sai đi, họ đã là những người có kinh nghiệm trọn vẹn và đầy đủ về Chúa Giêsu.

 

 Chi tiết “trên một ngọn núi”, eis to horos, được thêm vào ở câu nầy so với những lời Chúa Giêsu nói qua các phụ nữ. Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ bằng bài giảng ở trên núi (5:1), và các môn đệ đã có mặt tại đó. Tiếp theo là các hoạt động khác của Người, và luôn luôn tại “một ngọn núi” ở Galilêa (x. 8:1; 14:23; 15:29; 28:16). Bây giờ, lúc Người sắp kết thúc thời gian tại thế và chuẩn bị về với Chúa Cha, Người gọi các môn đệ của Người lên núi tại Galilêa nầy để chuyển giao sứ mạng cho họ. Như thế, họ được đặt trong tương quan mật thiết với Người. Ơn gọi và sứ mạng của họ đều phát xuất từ ý muốn của Người.

 

Thấy Chúa Giêsu, các môn đệ phục lạy Người. Cử chỉ nầy ám chỉ là nhận biết Người chính là Đức Giêsu, và Người đã sống lại từ cõi chết. Theo sau hành vi nầy là “họ nghi ngờ” (c. 17b). Mathêô đã không nói họ nghi ngờ điều gì, mà chỉ ghi nhận sự kiện. Theo ngữ pháp “oi de” có thể chỉ “một số” trong các môn đệ, và cũng có thể hiểu là “họ”, chỉ các môn đệ (x. 2:5; 4:20, 22; 14:17, 33; 15:34; 16:7, 14; 20:5, 31; 21:25; 22:19; 26:15; 26:67; 27:4, 21, 23; 28:15). Động từ “distazō”, “nghi ngờ”, xem ra đối nghịch với việc phục lạy, vì việc nầy hàm ý là các môn đệ đã tin và nhận biết Chúa Giêsu sống lại. Động từ distazō chỉ xuất hiện hai lần trong Tân ước và cả hai nằm trong tin mừng Matthêô (14:31; 28:17). Thì aorist của động từ cho biết động từ hàm ý một hành động qua mau trong quá khứ, chứ không kéo dài như một tình trạng. Phêrô bị trách “nghi ngờ” vì ông đã không có đủ một thái độ tin tưởng thích đáng với điều ông đang làm. Các môn đệ cũng thế. Họ nghi ngờ vì chưa có thể đồng hoá ngay niềm tin vào Chúa Giêsu sống lại. Sự kiện xảy ra quá nhanh chóng vượt quá suy tưởng của họ. Như thế, ý nghĩa của động từ không liên quan trực tiếp đến lòng tin như động từ “apisteō”, “không có niềm tin” (Mc 16:11; Lc 24:11). Nó chỉ một sự không chắc chắn chóng qua về một biến cố xảy ra với họ mà trước đó họ không thể nghĩ tới. “Thờ lạy” và “nghi ngờ” vẫn có thể đi đôi với nhau, dù thứ tự có thay đổi (14:31.33 và 28:17), khi mà con người vẫn còn “ít lòng tin” (14:31). Chính trong tình trạng nầy mà Chúa Giêsu có những lời khuyến dụ ngỏ với họ trong những câu tiếp theo sau (cc.18-20).

 

Lời Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ (28:18b-20)

 

Lời nầy gồm: mạc khải quyền hành của Người (c. 18), lệnh truyền làm mọi người thành môn đệ (c. 19a) và lời hứa ở với họ luôn mãi (20b). 

 

Mạc khải quyền hành của Chúa Giêsu (c. 18b). Động từ “cho” ở thể thụ động ám chỉ Thiên Chúa là tác nhân. Thì aorist chỉ một sự kiện đã xảy ra; chứ không phải là một lời hứa. “Tất cả quyền hành” bao hàm trọn vẹn mọi sự trên trời dưới đất. Matthêô thuật lại một số quyền hành Người đã thực thi: giảng dạy (7:29; 21:23), tha tội (9:6), xua trừ ma qủy (10:1). Người luôn nhận Chúa Cha là nguồn xuất phát mọi quyền hành của Người (11:25; 28:18; so sánh với 4:9), và Người nhận lãnh quyền năng ấy với tư cách là Con (x. 21:37). Dân chúng cũng nhận biết điều nầy nơi Chúa Gisêu và họ ca ngợi Thiên Chúa (9:8).

 

Thâu nạp môn đệ (c. 19a). “Oun”, “vậy”, nối kết câu nầy với câu đi trước, và xem việc làm cho các môn đệ biết quyền năng của Người là nền tảng để Người sai các môn đệ đi.  Mệnh lệnh manthēteusate, “hãy làm cho trở thành môn đệ”, có động từ ở thể phân từ aorist đi trước là “đi”, và theo sau là hai động từ ở thể phân từ hiện tại “rửa tội” và “dạy dỗ”. Việc chính là đi thâu nạp môn đệ. Điều nầy giả thiết là phải ra đi, và rửa tội và giảng dạy cho người môn đệ mới gia nhập. “Làm cho trở thành môn đệ” có gốc là “môn đệ”. “Môn đệ”(mathētēs) đối lại là “thầy” (didaskalos). Thầy là người  dạy (didaskein), môn đệ là người học (manthanō). Tương quan trước tiên giữa thầy và môn đệ là dạy và học. Thầy đi trước dẫn đường (x. 26:23; 28:7), và môn đệ đi theo (x. 4:20.22; 8:23; 19:27.28). Môn đệ còn được đồng hóa với số phận của thầy mình (10:24).

 

Chúa Giêsu là “Thầy” duy nhất. Khi đi thâu nạp môn đệ, nhóm mười một không làm điều nầy cho họ, mà cho Chúa Giêsu. “Làm cho trở thành môn đệ” là làm cho người khác trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu như họ đang là. Đồng thời thông truyền lại cho người khác tất cả kinh nghiệm họ đã có về Người, để những người ấy cũng có một tương quan nhân vị và mật thiết như họ đang có với Người. Như thế công việc nầy vẫn còn là hiện tại. Là ngoại động từ, manthēteusate có đối tượng là panta ta ethnē “tất cả mọi dân tộc” (x. 27:57 như nội động từ). Khác với việc giới hạn trước đây, việc rao giảng chỉ dành cho dân Israel (10:24). “Ethnē”, “dân tộc”, chỉ các dân tộc ngoài Israel (x. 4:15; 6:32; 10:5-6; 15:24; 20:19). Panta được thêm vào ta ethnē để chỉ tính cách phổ quát và toàn vẹn; và chắc chắn là không loại trừ dân tộc Israel (x. Lc 24:47). Chúa Giêsu sống lại làm cho mọi lời tiên báo về việc dân ngoại được nghe lời rao giảng được thực hiện (21:43; 24:14). Hơn nữa, vì đã nhận lãnh mọi quyền năng trên trời dưới đất, quyền năng ấy phải được thể hiện khắp nơi, chứ không chỉ còn trong giới hạn dân Israel.

 

Sự sống lại của Chúa Giêsu đánh dấu sự chấm dứt thời gian tại thế của Người; đồng thời khai mở sứ vụ mới cho các tông đồ. Sứ vụ của họ là tiếp nối và mở rộng sứ vụ của Người đến mọi dân tộc để mọi người có thể trở nên môn đệ của Người.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A