CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Bị cám dỗ khi thi hành
sứ mệnh
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
4:1-11)
Các sách Tin Mừng Nhất lãm đều ghi lại Chúa Giê-su bị cám
dỗ trong hoang địa. Thời điểm là sau khi
Người lãnh phép rửa của ông Gio-an và trước khi thi hành sứ vụ rao giảng. Cám dỗ trong hoang địa khi Chúa Giê-su sắp bắt
đầu đi rao giảng và cám dỗ trong Vườn Dầu khi Người sắp kết thúc sứ mệnh với
cái chết trên thập giá, cả hai muốn nói lên rằng xuyên suốt cuộc đời thi hành
sứ mệnh, Chúa Giê-su luôn luôn phải đối phó với cám dỗ, hoặc thử thách tư
bề. Chiến thắng cám dỗ hôm nay và chiến
thắng cám dỗ trong Vườn Dầu bằng thái độ tuân phục thánh ý Chúa Cha báo trước
việc Chúa Giê-su chiến thắng ma quỷ, thần chết và tội lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta suy nghĩ về
cám dỗ đối với việc thi hành sứ mệnh của Chúa Giê-su.
Trước hết, chúng ta thử nhìn vào diễn tiến cám dỗ của
Xa-tan như thế nào. Thánh Mát-thêu chia
cám dỗ làm ba giai đoạn: trong hoang địa biến đá thành bánh ăn , từ trên nóc Đền Thờ thử thách quyền năng
Thiên Chúa và trên ngọn núi rất cao sấp mình bái lạy Xa-tan. Trong cả ba cám dỗ, Xa-tan đều xúi giục Chúa
Giê-su chỉ nên nghĩ đến tư lợi và đừng quan tâm tới Thiên Chúa và kế hoạch cứu
độ của Người. Nó muốn thuyết phục Người
rằng quyền năng Thiên Chúa là để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, như bánh ăn, sự
yên ổn và vinh hoa lợi lộc thế gian.
Vậy Chúa Giê-su đã chống trả như thế nào? Người là Lời Thiên Chúa, là “bánh từ trời
xuống”, là bánh ban sự sống. Sứ mệnh của
Người là đem lại sự sống đời đời cho nhân loại, chứ không phải sự sống tạm bợ
trần gian. Người phải sống “nhờ mọi lời
miệng Thiên Chúa phán ra”, sau đó Người mới có thể đem lại sự sống cho đoàn
chiên và cho chúng được sống dồi dào (Gio-an 10:10).
Thay vì nhảy xuống từ nóc Đền Thờ để Thiên Chúa sai thiên
sứ đỡ chân cứu lấy mạng sống, Chúa Giê-su đã tự nguyện để quân lính đóng đinh
Người vào thập giá, giương lên cao, nhờ đó Người cứu độ nhân loại và đem tất cả
về sum họp với Thiên Chúa Cha.
Sau hết, trên núi rất cao Chúa Giê-su đã khước từ mọi thứ
vinh hoa Xa-tan muốn dành riêng cho Người nếu Người chọn nó thay vì chọn Thiên
Chúa. Người khước từ lời mời mọc đó, vì
Người muốn chấp nhận việc bị lột bỏ tất cả, từ quần áo cho đến danh dự, chịu
nhục nhã trên thập giá để đem lại cho nhân loại vinh quang của chính Thiên Chúa
là Đấng tạo dựng muôn vật muôn loài.
Dù diễn tả thế nào đi nữa thì những cám dỗ Chúa Giê-su phải
đương đầu đều là những xúi giục làm ngược lại sứ mệnh Chúa Cha trao phó. Đây chỉ là những diễn tả cụ thể về cám dỗ. Nhưng chắc chắn trong khi thi hành sứ vụ,
Chúa Giê-su vẫn tiếp tục phải đương đầu với cùng những cám dỗ này, những cám dỗ
và chống trả xảy ra trong nội tâm Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su thường xuyên tới chỗ thanh vắng cầu nguyện, thí dụ sau khi
dân chúng muốn tôn Người lên làm vua (Gio-an 6:15; Lu-ca 5:15). Người cầu nguyện như thế là để được sức mạnh
mà chiến thắng cám dỗ và trung thành với sứ mệnh.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sứ mệnh nào cũng có cám dỗ.
Làm linh mục tu sĩ có những cám dỗ đối với sứ mệnh theo Chúa và phục vụ
các linh hồn. Làm vợ chồng hay cha mẹ
thì có những cám dỗ trước những bổn phận gia đình hoặc tình yêu hôn nhân. Cám dỗ đi theo sứ mệnh như hình với bóng. Nhưng cũng vì bị cám dỗ, chúng ta mới biết
Chúa, biết mình và biết ma quỷ thế gian.
Chúa là sức mạnh và là núi đá cho chúng ta ẩn nấp. Chúng ta phải cầu nguyện luôn để khỏi sa
chước cám dỗ. Còn ma quỷ luôn rình rập,
bây giờ tạm “bỏ đi, nhưng chờ đợi thời cơ” sẽ trở lại (Lu-ca 4:13).
Nhưng bên cạnh mỗi cám dỗ của ma quỷ, chúng ta lại có chiến
thắng của Chúa Giê-su. Chiến thắng đó là
mẫu gương và khích lệ cho chúng ta cố gắng phấn đấu mỗi khi bị cám dỗ. Cùng đích của cám dỗ là muốn chúng ta quay
lưng lại với Thiên Chúa. Vì thế, chúng
ta chỉ cần nhớ: Phải thờ phượng một mình
Chúa mà thôi!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi