Chúa Nhật I Mùa Chay A

Lời Xuất Từ Miệng Thiên Chúa

 

Mt 4:1-11: 1 Bấy giờ Ðức Yêsu được Thần khí dẫn vào sa mạc để chịu ma quỉ cám dỗ. 2 Và Ngài đã giữ chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, sau đó Ngài đói. 3 Và tên cám dỗ tiến lại nói với Ngài: "Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho các viên đá này biến thành bánh!" 4 Nhưng Ngài đáp lại bảo rằng: "Ðã viết:

Người ta sống không chỉ nhờ bánh,

nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa".

5 Bấy giờ ma quỉ đem Ngài theo nó đến thành thánh và đặt Ngài lên thượng đỉnh Ðền thờ, 6 mà nói với Ngài: "Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống dưới, vì đã viết rằng:

Vì ngươi, Người sẽ ra lịnh cho các thiên thần,

và họ sẽ nâng ngươi lên bàn tay họ,

kẻo ngươi lỡ vấp chân phải đá".

7 Ðức Yêsu nói với nó: "Lại có viết là:

Ngươi chớ thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi"

8 Ma quỉ lại đem Ngài theo nó lên một núi cao chót vót và chỉ cho Ngài thấy hết các nước thiên hạ cùng vinh quang của chúng, 9 mà nói với Ngài: "Tôi hiến Ngài hết mọi điều đó, nếu Ngài phục mình bái lạy tôi". 10 Bấy giờ Ðức Yêsu phán bảo nó: "Xéo đi! Satan! Vì đã viết:

"Ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi,và chỉ thờ phượng một mình Người".11 Bấy giờ ma quỉ bỏ Ngài, và này: các Thiên Thần tiến lại hầu hạ Ngài.

 

Văn mạch của đoạn 4:1-11 là sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa chịu cám dỗ. Tote, “bấy giờ” đối lại với thời gian trước đó. Tên “Giêsu” và tước hiệu “Con Thiên Chúa” là từ nối kết giữa hai trình thuật Phép rửa (3:13-17) và Chúa Giêsu chịu cám dỗ (4:1-11). Trình thuật nầy mở đầu bằng việc ma quỉ, diabolos, đến gần Chúa để cám dỗ (c. 3) và kết thúc bằng việc nó “bỏ Người mà đi” (c. 11). Đồng thời, trong câu 4:1, Matthêô giới thiệu mục đích vào hoang địa của Chúa Giêsu là để chịu cám dỗ. Người như ở tình trạng thụ động. Tuy nhiên ở đoạn cuối của trình thuật, Người trở nên chủ động và ra lệnh cho Satan đi khỏi mặt Người (c. 10).

 

Trình thuật được cấu tạo dựa trên ba cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ma quỉ. Trước tiên là lời đề nghị của ma quỉ, tiếp theo là lời đáp của Chúa Giêsu. Trong mỗi lời đáp lại, Chúa Giêsu đều dùng một lời Sách Thánh trích từ sách Đệ Nhị Luật 8:3; 6:16 và 6:13. Và cả ba lời Sách Thánh ấy đều qui về Thiên Chúa là Đấng ban lời hằng sống, Đấng mà không ai được phép thử thách Người, và là Đấng mà mọi người phải thờ phượng. Ở mỗi cuộc đối thoại, có một động từ ở thể mệnh lệnh. Hai mệnh lệnh đầu tiên dành cho ma quỉ “Hãy nói cho” những viên đá thành bánh (c. 3) và “Hãy gieo mình xuống” (c. 6). Và mệnh lệnh trong cuộc đối thoại thứ ba Matthêô dành cho Chúa Giêsu “Hãy xéo đi! Satan” (c. 10). Có thể phân chia như sau: - Bối cảnh dẫn nhập (c. 1); - Cám dỗ thứ nhất về nhu cầu để sống (4:3-4); - Cám dỗ thứ hai về việc thử thách Thiên Chúa (4:5-7); - Cám dỗ thứ ba về việc thờ phượng Thiên Chúa (4:8-10); - Kết luận (4:11). Chủ đề chính của trình thuật nầy là ma quỉ cám dỗ Chúa Giêsu hành động nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa.

 

Bối cảnh dẫn nhập (c. 1)

 

 Mục đích của việc Chúa Thánh thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa là để “chịu cám dỗ”; thể nguyên mẫu của động từ “cám dỗ” là để chỉ mục đích. Peirazō, “cám dỗ” “thử thách”, là đặt người nào đó vào trong một thử thách với mục đích là để biết người ấy như thế nào, biết người ấy nghĩ gì, hành động như thế nào (4:7; 16:1; 19:3; 22:18; 22:35). Tuy nhiên khi cám dỗ đến do ma quỉ, peirazō mang ý nghĩa khác là gạ gẫm phạm tội chống lại Thiên Chúa (4:1). Diabolos, tiếng hipri là śātān, “kẻ phạm thượng”, “tên chứng gian”, “kẻ vu khống”. Ma quỉ là kẻ thù thâm hiểm chống lại Thiên Chúa và công việc của Người (13:39). Việc chọn sa mạc như là bối cảnh không gian của các cám dỗ có thể biện giải bằng hai lý do: Chúa Giêsu đi lại những giai đoạn lịch sử của dân Israel; 40 năm trong sa mạc là 40 năm thử thách (x. Dt 18:16). Trong thời gian nầy, dân Israel phải luôn làm một sự chọn lựa hoặc trung tín với Thiên Chúa của họ hay theo các thần của dân ngoại. Cũng thế, trong thử thách nầy ở sa mạc, Chúa Giêsu phải đương đầu với ma quỉ, kẻ thù của Thiên Chúa, và Người phải chứng tỏ lòng trung tín của Người với Thiên Chúa. Người đã đánh bại nó. 

 

Cám dỗ thứ nhất về nhu cầu để sống (4:3-4)

 

Bối cảnh của cám dỗ nầy là Chúa Giêsu đói sau khi Người ăn chay 40 đêm ngày (c. 3a). Cám dỗ liên quan đến bánh, artos, lương thực cần thiết nuôi dưỡng sự sống trần thế (6:11). Việc lập lại con số 40 hai lần “40 ngày 40 đêm” là để nhấn mạnh thời gian thử thách của dân Israel. Khi ra khỏi Ai cập họ thiếu lương thực và Thiên Chúa đã ban bánh mana hằng ngày để nuôi sống họ (Xh 16). Sách Đệ Nhị Luật nhìn sự kiện nầy như một thử thách của Thiên Chúa. Người để họ đói khát để cho họ thấy cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cung cấp manna cho họ. Việc cung cấp manna hằng ngày là để họ có kinh nghiệm là sự sống của họ lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa; cũng có nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa. Họ phải biết lắng nghe lời Thiên Chúa hướng dẫn họ mỗi ngày (Đnl 8:3).

 

Câu điều kiện ma quỉ đưa ra “Nếu ông là Con Thiên Chúa” là nhằm lôi kéo cách mánh khoé Người vào trong đề nghị của nó. Câu điều kiện nầy còn được lập lại lần nữa vào cuối đời Người, khi Người đã chịu treo trên thập giá (27:40). Tước hiệu “Con Thiên Chúa” qui chiếu về lời “Nầy là Con Yêu Dấu của Tôi” phán ra từ trời sau khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa (3:17). Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa duy nhất; mạo từ đứng trước từ Theos.

 

Chúa Giêsu sống trong cùng một hoàn cảnh như dân Israel thời đó. Người đang đói vì không có bánh ăn (c. 2). Ma quỉ muốn cám dỗ Chúa Giêsu dùng quyền năng của Thiên Chúa để hoá đá thành bánh. Làm như thế, Người sẽ không phải lệ thuộc vào Thiên Chúa như dân Israel đã lệ thuộc. Chúa Giêsu có khả năng làm biến đá thánh bánh; khác với dân Israel. Người đã làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi năm ngàn người (4:16-20). Tuy nhiên trong câu đáp lại, Người vẫn đặt mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và ý muốn của Người. Người trích lại câu Đnl 8:3 để chứng minh điều nầy. “Điều tự miệng Thiên Chúa” nghĩa lời của Thiên Chúa. Chúa Giêsu tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa, và lời và ý muốn của Thiên Chúa chính là sự sống của Người; động từ zaō epi nghĩa là “sống bởi” (x. 6:10; 7:21; 12:50; 26:42).

 

Con người dễ bị cám dỗ chỉ lo nghĩ đến cơm bánh cho sự sống đời nầy. Sự sống không chỉ nhờ vào cơm bánh, mà tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng ban sự sống. Ai gắn bó đời mình với lời và ý muốn của Người, Người sẽ ban cho họ sự sống đời đời.


Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A