Chúa Nhật IV Mùa Chay A
Tôi Phải Làm Việc Của Đấng
Đã Sai Tôi
Gio 9:1-41: 1 Ði
ngang qua, Ngài thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2 Môn đồ hỏi
Ngài, rằng: "Rabbi, ai đã phạm tội, nó hay cha mẹ nó, để nó phải sinh ra
mù lòa như vậy?" 3 Ðức Yêsu đáp lại: "Chẳng phải tội nó
hay cha mẹ nó phạm, song để nơi nó, công việc Thiên Chúa được hiện tỏ.
4 "Bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào việc
của Ðấng đã sai Ta;rồi đêm đến,bấy giờ không ai còn có thẻ làm công việc gì.5
Khi Ta còn ở thế gian. Ta là sự sáng thế gian". 6 Nói thế rồi,
Ngài nhổ xuống đất, trộn nước miếng thành bùn và thoa
vào mắt người mù, 7 đoạn Ngài bảo nó: "Hãy đi rửa trong ao
Siloam" - dịch ra là: Kẻ được sai. Nó ra đi rửa mặt, và về thì mắt đã sáng…
Chương 9 thuật lại việc thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành người mù từ
lúc mới sinh và những bàn luận liên quan đến Người. Có thể chia chương nầy thành hai phần chính: - Người mù và việc chữa lành
(9:1-7); - Các tranh luận và thái độ của những người
liên quan đến việc chữa lành nầy (9:8-41). Chương nầy được kết cấu theo các cuộc tranh luận liên tiếp nhau. Người
tham gia tranh luận thay đổi khác nhau trong mỗi tranh luận. Chủ đề của mỗi tranh luận cũng thay đổi ít nhiều. Chương 9
phân chia như sau:
1/ Chúa Giêsu, người mù và việc chữa lành (9:1-7)
2/
Những người láng giềng và cha mẹ người mù được chữa lành (9:8-12)
3/ Các Pharisêô và người được chữa lành (9:13-17)
4/
Các người do thái và cha mẹ người được chữa lành (9:18-23)
5/
Các người do thái và người được chữa lành (9:24-34)
6/ Chúa Giêsu và người được chữa lành (9:35-38)
7/ Chúa Giêsu và các Pharisêô (9:39-41)
Theo Johannes Beutler (xem Gesù a
Gierusalemme (Gv 9-12), Lezione al Pontificio Istituto Biblico, Roma
2001-2002, p. 27) có thể nhận ra một cấu trúc đối đảo trong chương 9 nầy, trong
đó các cảnh tương ứng với nhau như sau:
A 9:1-7;
B 9:8-12; C 9:13- 17; D 9:18-23; C’ 9:24-34; B’ 9:35-38; A’ 9:39-41
Chúa Giêsu chữa lành người mù (9:1-7). Bối cảnh không gian và thời gian của đoạn bắt đầu từ câu 8:59b “Nhưng
Chúa Giêsu ẩn mình, và đi ra khỏi đến thờ”, và trong câu 9:1 thêm yếu tố nhân vật:
Chúa Giêsu và người mù bẩm sinh, “Người đi ngang qua đó và gặp một người mù từ
lúc mới sinh”. Hành động chữa lành chủ yếu của Chúa Giêsu được
mô tả trong các câu 6 và 7. Những câu còn lại đề cập đến
nguồn gốc/nguyên nhân của sự mù loà, trong đó cho thấy quan niệm của người thời
đó và Chúa Giêsu (cc. 2 và 3), và căn tính của Người (c. 5). Sứ điệp chính
yếu nói đến sứ mạng của Chúa Giêsu ở câu 4: “Bao lâu
còn là ngày, chúng ta phải lao công vào việc của Ðấng
đã sai Tôi; rồi đêm đến, bấy giờ không ai còn có thể làm công việc gì”. Hai phần 9:1-7 và 9:8-41 liên kết rất chặt chẽ với nhau và soi sáng
cho nhau; do đó những sự kiện và lời nói trong đoạn 9:1-7 sẽ được bàn rộng
trong các cuộc tranh luận trong 9:8-41.
Cảnh chữa lành
(9:1.6-7) và đoạn liên hệ 9:39-41. Chủ đề trong phần nầy là
“mù” (cc. 1 và 41), và “thấy” (7 và 40-41). Chúa Giêsu
chữa lành người mù bẩm sinh và cho người nầy được thấy. Trong khi đó, các Pharisêô là những người đang thấy, lại trở nên mù
lòa. Lời kết luận của Chúa Giêsu: “Chính để phán xét mà Ta đã đến trong thế gian,
ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù!” (c. 41).
Căn tính của Chúa Giêsu và người được chữa lành (9:2 và 6) và đoạn liên
hệ (9:8-12 và 35-38). Chủ đề trong phần nầy: Người chữa lành
cho người mù là ai? “Người gọi là Giêsu” (c. 11); “Người
Con của Nhân Loại” (c. 35). Thoạt đầu người được chữa
lành chỉ biết người đã chữa lành ông có tên là “Giêsu”; tên nầy được lập lại thêm
hai lần với ý nhấn mạnh trong các câu 35 và 37. Trong
gặp gỡ khác, Chúa Giêsu cho ông biết Người là ai qua tước hiệu “Người Con của
Nhân Loại”. Ông đã tin và “sấp mình thờ lạy Người” (c.
38). Tin vào Người là cao điểm của việc chữa lành cho
người mù bẩm sinh, vì Người đòi hỏi điều nầy (c. 35).
Những câu hỏi về nguồn gốc (9:3 và 5) và đoạn
liên hệ (9:13-17 và 24-34). Chủ đề trong phần nầy: nguồn gốc của sự mù loà (cc. 2-3) và nguồn gốc
của Chúa Giêsu (c. 5). Các môn đệ đặt vấn đề là có phải người nầy bị mù
loà bẩm sinh là do tội lỗi của chính người nầy hay của cha mẹ anh (c. 2). Đó là suy nghĩ của người thời ấy. Chúa Giêsu không theo hướng nầy. Người khẳng định tội, của
người nầy hay cha mẹ anh, không phải là nguồn gốc của sự mù loà (c. 3).
Về nguồn gốc của Chúa Giêsu, Người khẳng định “Tôi ở trong thế gian, Tôi là ánh sáng thế
gian” (c. 5). Là “Ánh
sáng”, phōs, Chúa Giêsu muốn nói Người
đến từ Thiên Chúa, và sứ mạng của Người là soi sáng cho thế gian (1:4.5.9;
3:19; 8:12). Về phần những người chống đối Chúa Giêsu, các Pharisêô quả quyết
Người không đến từ Thiên Chúa, vì Người đã chẳng giữ luật ngày hưu lễ (c. 16).
Cũng thế, người do thái quả quyết Chúa Giêsu là một “người tội lỗi” (c.
24) và họ không biết Người từ đâu mà đến (c. 29). Họ chỉ lắng
nghe Môsê mà thôi (c. 29). Phần người được chữa lành,
anh tuyên xưng công khai Chúa Giêsu là một “ngôn sứ” (c. 17) và làm chứng là Chúa
Giêsu là người của Thiên Chúa, và Người đã chữa lành anh với quyền năng của Thiên
Chúa (cc. 30-33). Anh hành động như là một môn đệ làm
chứng cho Thầy mình (c. 28).
Làm việc của Thiên Chúa (9:4) và đoạn liên hệ 9:18-23. Câu 4 nằm ở trung
tâm của đoạn 9:1-7, và đoạn 9:18-23 ở trung tâm của chương 9. Sứ điệp chính của chương nằm ở đây. Chúa Giêsu cho biết nội
dung sứ mạng của Người khi đến trần gian là làm việc của Cha Người. Gioan nói nhiều về “việc của Thiên Chúa” (4:34; 5:36) mà Chúa Giêsu
phải thực hiện. Việc ấy có thể là phép lạ. Phép
lạ có mục đích là làm cho người ta tin vào Chúa Giêsu (x. 10:25.32). Ngay cả nếu không tin vào Người, ít là tin vào phép lạ để nhận biết
và hiểu là Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha” (19:38). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu là Người làm việc của Thiên Chúa muốn nói
là Người có Chúa Cha ở trong Người (x. 14:10-11). Bởi đó,
“làm việc của Thiên Chúa” là làm cho con người tin vào Đấng được sai đến (x.
6:29). Trong đoạn 9:18-23, Gioan cho thấy cách tiêu biểu thái độ của hai
hạng người. Người do thái không tin ngay cả phép lạ người mù bẩm sinh được sáng
mắt (c. 18); qua đó họ không tin vào Chúa Giêsu. Cha mẹ
của người được chữa lành thì sợ, không dám mạnh dạn tuyên xưng đức tin vào Chúa
Giêsu (c. 22); trong khi đó bởi nhận biết Thiên Chúa ở và hành động trong Chúa
Giêsu người được chữa lành đã tin vào Người. Vậy “việc của
Thiên Chúa” là làm cho người ta phải chọn một thái độ đối với Người. Nếu
tin, thuộc về ánh sáng. Nếu không tin, thuộc về bóng tối.
Chúa Giêsu là trung tâm của trình thuật về
người mù bẩm sinh. Người
để trần gian để làm công việc của Thiên Chúa. Là ánh sáng, Người mở mắt
cho con người thấy để có thể tin vào Người. Những người tự cho mình sáng mắt,
không thể nhìn thấy và tin vào Người. Như thế, việc Người xuất hiện trên trần
gian như là ánh sáng đã là một sự phán xét cho trần gian.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến