Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh
Từ bỏ con người và nếp sống cũ để đi vào tinh thần và sự sống mới
(Xh 12,1-8.11-14; 1C 11,23-26; Yn
13,1-15)
Phúc
Âm: Yn 13, 1-15
"Ngài
yêu thương họ đến cùng".
Trước
ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng
Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì
đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô,
con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong
tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người
chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân
cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông
này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa
Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu".
Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo:
"Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với
Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con,
mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa
chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy
đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả
các con đều sạch đâu".
Sau
khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho
các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật
Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì
các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các
con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".
Suy
Niệm:
Lễ
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh
Xh
12,1-8.11-14; 1C 11,23-26; Yn 13,1-15
Thánh
lễ hôm nay rất phong phú; chứa nhiều mầu nhiệm. Ít nhất chúng ta phải suy nghĩ
về ba đề tài chính trong ba bài đọc. Không thể bỏ rơi bài nào mà không làm
thiệt hại cho mầu nhiệm cử hành hôm nay. Bài đọc I nhắc nhở hôm nay là ngày
mừng lễ Vượt qua của người Dothái; bài đọc II thuật lại việc Ðức Kitô đã lập
phép Thánh Thể trong bữa ăn vượt qua này; và bài Tin Mừng thúc giục ta bắt
chước gương Chúa thi hành việc rửa chân cho anh em.
Lễ
nghi rửa chân này xem ra không cần thiết; nhưng căn cứ vào giọng văn trang
trọng của bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn sẽ khám phá được nhiều điều quan
trọng, nếu biết tìm hiểu. Và cho được như vậy phải theo gương tác giả Yoan suy
nghĩ việc rửa chân trong bối cảnh của lễ Vượt qua của người Dothái và của bữa
Tiệc ly mà Ðức Kitô đã dùng để lập phép Thánh Thể.
A.
Lễ Vượt Qua Của Người Do Thái
Bài
sách Xuất hành có vẻ dễ hiểu; nhưng thật sự là một bản văn gọt dũa, cân nhắc,
có nhiều ám chỉ. Phải là bàn tay tư tế, thông luật sau Lưu đày mới viết nên
được một kiệt tác như vậy.
Chúa
dạy dân Dothái hằng năm phải long trọng cử hành lễ Vượt qua như là một nhắc
nhở, như là một kỷ niệm (c.14). Là vì theo nguồn gốc, đây không phải là một
cuộc nhắc nhở kỷ niệm gì cả. Người Dothái trước kia là dân du mục, sống nay đây
mai đó với chiên cừu, lạc đà và dê. Vào dịp đầu xuân, dân du mục có thói quen
làm lễ lên đường, đưa đàn vật lên miền núi cho chiên cừu gặm có. Họ chọn ngày
rằm để làm lễ đó, hầu có thể ra đi ngay ban đêm cho mát mẻ. Họ giết một con vật
trong đàn để làm lễ tế, cầu xin cho mùa lên đường năm mới được tốt đẹp. Họ lấy
máu tế vật bôi lên cửa lều trại để xua đuổi thần khí ám hại súc vật. Và để lên
đường cho mau lẹ, họ nướng tế vật chứ không bung, nấu. Họ dùng bánh không men
vì không có giờ ủ và để bánh lâu hư. Họ cũng ăn rau đắng để kháng trùng và trừ
tà. Tất cả những yếu tố đó không nhắc nhở gì cả; nhưng chỉ là phong tục của dân
du mục. Và là phong tục quan trọng, không thể bỏ qua, vì Vượt qua là xuất hành
đầu năm xây dựng đời sống mới.
Thế
mà năm ấy hoàng đế Aicập lại cấm người Dothái làm lễ ấy. Ông sợ công trình xây
cất đình trệ. Và nhất là ông sợ Môsê dùng cơ hội này để đưa dân đi hẳn. Nhưng
cưỡng lại làm sao được chương trình của Chúa! Người đã quyết định giải phóng
dân khỏi cảnh nô lệ lầm than. Môsê truyền cho Dân cứ làm lễ Vượt qua, cứ trang
bị lên đường. Và chính lúc Dân ăn lễ ấy, thần tiêu diệt của Chúa đã sát hại mọi
con đầu lòng người Aicập. Pharaô vội vã giục dân ra đi. Thế là lễ Vượt qua năm
ấy trở thành muôn đời đáng ghi nhớ.
Người
Dothái ở bất cứ nơi nào và làm nghề gì hàng năm cử hành lễ Vượt qua, không phải
để tiếp tục đời sống du mục nữa, nhưng để nhắc nhở, kỷ niệm cuộc giải phóng lạ
lùng và tin tưởng Chúa còn giải phóng mình ra khỏi tình trạng hiện tại, vì dù
sao đã lý tưởng gì cái kiếp sống hiện nay. Lễ Vượt qua vì thế căn cứ vào quá
khứ để tin tưởng ở tương lai. Ðó là lễ của dân tín hữu, nên Luật chỉ cho những
người cắt bì được dự lễ này. Ðó còn là lễ cho mọi người, ban ơn giải phóng mọi
người, nên mọi người đều đồng tế. Sở dĩ phải chọn tế vật vào 6 ngày trước lễ,
là để đánh dấu con vật đó đã được hiến dâng, không còn phàm tục nữa, nhắc nhở
người ta thanh tẩy lòng trí mừng lễ. Việc ăn hết và đốt cháy mọi của còn lại
cũng phải hiểu theo nghĩa đó: những gì đã dâng cúng không còn được dùng để
chung với những cái phàm tục. Tất cả những yếu tố trên đây rất thuận lợi để Ðức
Kitô dùng làm lễ Vượt qua của Người, khi Người ăn bữa Tiệc ly với các môn đệ.
B.
Lập Phép Thánh Thể
Không
tác giả nào đã kể lại đầy đủ bữa ăn lịch sử ấy. Thánh Phaolô trong bài thư hôm
nay chỉ giữ lại phần tối thiểu và cốt yếu. Nói đúng hơn người như chép lại một
lời kinh phụng vụ, giống như các Kinh nguyện Thánh Thể mà chúng ta vẫn đọc. Ðối
với người, cũng như đối với tất cả Giáo hội, bữa Tiệc ly chỉ còn là bữa ăn
Thánh Thể. Mọi nghi lễ cũ đã bị đẩy vào dĩ vãng. Từ nay, lễ Vượt qua chỉ còn
nhắc nhở một việc: hôm ấy Ðức Kitô đã cầm lấy bánh rượu để ban Thịt Máu Người
cho môn đệ.
Nhưng
muốn hiểu rõ ý nghĩa của việc trao ban này, phải luôn luôn nhớ khung cảnh của
lễ Vượt qua Dothái. Thế mà như trên đã nói, lễ này mang nhiều ý nghĩa. Thoạt
đầu dân du mục cử hành vượt qua như một lễ lên đường, từ giã nơi đồn trú trong
mùa đông tháng giá, ra đi nhắm tới những vùng cỏ xanh tươi để súc vật được chăm
nuôi nhờ thức ăn mới. Rồi Chúa đã dùng dịp lễ này để giải phóng Dân khỏi ách nô
lệ và tập họp lại thành Dân được giải phóng. Ý nghĩa giải phóng mạnh mẽ đến nỗi
hàng năm khi cử hành lễ Vượt qua, dân Chúa vẫn tin tưởng sẽ còn được giải phóng
thêm nữa khỏi những trói buộc của kiếp sống hiện tại. Ðức Kitô lập Bí tích
Thánh Thể để thay thế hẳn lễ nghi đạo cũ; thì theo cách thức Người vẫn làm: chẳng
hủy bỏ cái gì một chỉ thăng hoa mọi sự, Người đã đem mọi ý nghĩa của Lễ Vượt
qua đạo cũ vào Bí tích vừa thiết lập để thăng tiến chúng đến chỗ hoàn toàn. Như
vậy, Thánh Thể cũng là một nghi lễ Vượt qua, một hành vi giải phóng, một cuộc
Vượt qua giải phóng toàn diện và quyết liệt. Thêm vào đó, chúng ta còn phải
nhớ, mọi người ăn lễ Vượt qua này đều đồng tế, đến nỗi người chủ tọa không
"khác" lắm đối với mọi người.
Trước
hết, ý nghĩa Vượt qua nổi bật trong bữa ăn Tiệc ly. Ngay khi bước vào bàn tiệc,
Ðức Yêsu đã ý thức và đã tuyên bố: Người từng ao ước ăn bữa Vượt qua này với
các môn đệ. Rồi lập tức Người làm cho họ hiểu ngay, đây không còn là lễ Vượt
qua của dân du mục hay của người Dothái nữa, nhưng là Vượt qua của chính Người.
Người sẽ vượt đời này về cùng Chúa Cha; Người cầm lấy bánh và nói: Ðây là Mình
Ta sẽ bị nộp vì chúng con. Người cầm chén rượu và bảo: Ðây là Máu Ta sẽ đổ ra
ký Giao ước mới. Chiên Vượt qua hôm nay là chính Người. Thánh Thể mà Người vừa
trao là của Vượt qua sang thế giới mới, lương thực mà Người vừa ban cần để sống
đời đời.
Và
cuộc Vượt qua này giải phóng Người ra khỏi thân phận trần ai, đưa Người về vinh
quang Người vẫn có bên Chúa Cha; đồng thời hủy Giao ước cũ, lập Giao ước mới
trong Máu Người, giải phóng con người khỏi chế độ luật pháp, đưa họ vào ân sủng
tình yêu.
Mọi
ngăn cách đã bị hạ, nên mọi người ăn lễ Vượt qua đều đồng tế. Tính cách đồng
đẳng giữa mọi người tham dự thật là rõ rệt trong lễ Vượt qua của người du mục
và người Dothái. Ðó là một gia đình, một dân tộc mà mọi người là chi thể và
đồng bào của nhau. Trong lễ Vượt qua của Ðức Kitô, tính cách hòa đồng, hiệp
nhất còn sâu xa hơn nữa khi chính Người trở nên Thịt Máu cho mọi người dùng.
Nhờ vậy công cuộc vượt qua và giải phóng cũng trở nên công việc của mọi người;
vì khi Thánh Thể được trao ban cho mọi người trong ý nghĩa vượt qua và giải
phóng, thì ai lãnh nhận cũng loan báo sự chết của Ðức Kitô cho đến khi Người
trở lại, tức cũng tham gia cuộc vượt qua và giải phóng của Người.
Thế
nên từ việc bánh rượu trong Thánh lễ trở nên Thịt Máu Chúa để thực hiện việc
vượt qua, các yếu tố tự nhiên ấy không còn là lương thực tự nhiên nữa, nhưng
nhờ lời thần linh đã vượt qua giới hạn của mình để trở nên Thánh Thể. Và khi đi
từ cõi tục đến cõi thánh, tức là khi được hiến thánh, thì không những là vượt
qua mà còn là giải phóng thực sự và sâu xa nữa. Người dâng Thánh Thể và nhận
lấy Thánh Thể sẽ tham dự vào sự hiến thánh đó; họ cũng thôi là mình để trở nên
chi thể Ðức Kitô; họ vượt qua giới hạn của mình để được chia sẻ sự sống tự do
của Con Thiên Chúa. Họ phải chủ động thật sự khiến hơn bao giờ hết, trong Thánh
lễ mỗi người đều thi hành chức vụ phó tế.
Ngày
Chúa lập phép Thánh Thể là ngày tất cả con cái Chúa được thi hành chức vụ tư tế
để vượt qua và giải phóng mình khỏi thân phận tội lỗi, hầu được tham dự vào sự
sống giấu ẩn nơi Thiên Chúa Cha. Và cho được như vậy, hôm nay Phụng vụ muốn
chúng ta phải cử hành nghi lễ rửa chân.
C.
Rửa Chân
Ðây
là hành vi hi hữu mà Ðức Kitô đã làm. Khi nào? Theo thánh Yoan, trong bữa Tiệc
ly. Hơn nữa thánh Yoan còn trình bày câu chuyện này như sự việc duy nhất mà
người còn nhớ lại về bữa ăn tối ấy. Ít ra người cũng coi việc rửa chân như có
khả năng diễn tả con người Ðức Kitô hôm trước lễ Vượt qua.
Hôm
ấy Ðức Kitô biết rõ Yuđa sắp nộp Người. Người còn ý thức Chúa Cha đã trao cho
Người mọi sự. Người thấy đã đến Giờ Vượt Qua để về cùng Chúa Cha. Người liền
đứng dậy khỏi bàn ăn.
Cử
chỉ ấy phải làm cho môn đệ ngạc nhiên. Chúa đứng lên làm gì? Kìa! Người cởi áo,
thắt lưng, đổ nước vào chậu và bắt đầu đi rửa chân cho môn đệ. Thật là lạ lùng!
Xưa nay có bao giờ Người làm như vậy? Chẳng ai có thể tưởng tượng được một việc
như thế. Chủ có đưa nước cho khách rửa chân thì cũng làm vào lúc khách mới đến
nhà... nhưng bây giờ thì khách đang ngồi ăn rồi. Không ai hiểu được, nhưng chỉ
một mình Phêrô dám cất tiếng hỏi: Thầy mà lại rửa chân cho con sao? - Phải! Bây
giờ con chưa hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu.
Sau
này là bao giờ? Lâu quá đối với Phêrô. Ông chỉ biết hiện tại; mà hiện tại thì
không thể nào có việc Thầy rửa chân cho môn đệ. Ngược lại thì có. Môn đệ được
rửa chân cho Thầy, thì theo giáo dục xưa, giây phút đó sẽ huấn luyện môn đệ
thắm thiết ghê! Phêrô cương quyết từ chối. Nhưng này: "Nếu Thầy không rửa
cho con, thì con không được có phần với Thầy". Thế là "không những Thầy
cứ rửa chân, mà rửa cả mình con nữa".
Tất
cả ý nghĩa của câu chuyện có lẽ nằm trong mấy câu đối đáp này. Ðức Kitô rửa
chân cho môn đệ để họ được có phần với Người. Và muốn có phần với Người, họ
phải chấp nhận Người cúi mình rửa chân cho họ. Việc Người làm đây thật ý nghĩa
và mầu nhiệm. Tác giả Yoan hay diễn tả mầu nhiệm theo kiểu này. Tức là người
hay kể một sự việc như dấu hiệu nói lên mầu nhiệm sâu xa. Và vì thế, từ ngữ
người dùng mang nặng ý nghĩa mầu nhiệm. Như ở đây, rõ rệt thái độ Ðức Kitô đứng
lên khỏi bàn ăn sau khi đã biết giờ phải về cùng Chúa Cha, là để làm một hành
vi vượt qua. Mà Vượt qua đối với Ðức Kitô là ra khỏi đời này, là trao ban Thịt
Máu, là thí bỏ mạng sống, nên đứng lên khỏi bàn ăn, Người đã cởi áo ra, tức là
lột xác và bỏ mình đi. Người hư vô hóa mình nên người tôi tớ, cúi lưng làm công
việc của tên nô lệ ngoại quốc, vì ngay người tôi tớ Dothái cũng không buộc phải
rửa chân cho chủ. Người đã hóa thành người Tôi Tớ đau khổ của Ðức Yavê, không
còn sắc thái gì nữa và đã bị liệt vào số dân ngoại, bị đóng đinh ở ngoài thành.
Hành vi rửa chân, như vậy là biểu tượng việc Người sắp hư vô hóa mình cho đến
chết và chết trên Thập giá. Thế nên lúc này không ai hiểu được. Phải đợi khi
Người đã chết và đã phục sinh, môn đệ mới khám phá ra được ý nghĩa. Thế nên
không để cho Người rửa chân, không chấp nhận việc Người chịu chết, không để
cuộc tử nạn của Người lan sang mình, Phêrô cũng như bất cứ ai, sẽ không được có
phần với Người nghĩa là kết hợp với Người và đồng dự vào gia sản các Lời Hứa của
Người.
Như
vậy, lời giải thích sau này bảo rằng Ðức Kitô đã rửa chân để làm gương cho ta,
thật ra không chắc đã được viết ngay từ đầu hay chỉ đã được thêm vào sau này.
Ít ra khi muốn cắt nghĩa đến nơi đến chốn, cũng phải nói rằng, như Ðức Kitô đã
bỏ mạng sống mình vì ta, thì ta cũng phải biết bỏ mạng sống mình vì anh em.
Thế
thì lễ nghi rửa chân mà ta làm bây giờ không tầm thường đâu. Ðây không phải là
một nghi thức làm cho qua. Cũng không phải chỉ là hành vi mỗi năm ta làm cho
người khác. Có ý nghĩa đó. Và tôi xin mọi người nhìn nhận hành vi chủ tế rửa
chân cho 12 người tiêu biểu đây như là cử chỉ biểu lộ những tâm tình chân thật
muốn đền bù những thái độ bất công, bất nhân, bất nghĩa của chúng tôi đối với
mọi người. Nhưng chưa đủ! Phụng vụ còn muốn lễ nghi rửa chân này biểu tượng
hành vi lột xác, bỏ mình của Ðức Kitô để chúng ta cùng chấp nhận, đi vào mầu
nhiệm tử nạn của Người, hư vô hóa chính mình chúng ta, để có như vậy, chúng ta
mới cởi bỏ được con người cũ và người anh em đối diện với chúng ta bây giờ mới
thật sự trở thành người anh em của ta không còn gì ngăn cách nữa.
Có
như vậy, chúng ta mới thật sự cử hành nghi lễ rửa chân như Ðức Kitô đã làm. Có
như vậy, chúng ta mới có tâm tình để tái hiện mầu nhiệm Tiệc ly như Ðức Kitô đã
thiết lập chiều thứ Năm Tuần Thánh. Có như vậy, buổi chiều hôm nay, chúng ta
mới thật sự cùng làm với Người cuộc vượt qua giải phóng, tức là từ bỏ con người
và nếp sống cũ để đi vào tinh thần và sự sống mới tự do của con cái Thiên Chúa.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)