Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh A
Người Tôi Tớ Của Thiên Chúa
(Ys 52,13-53,12; Hr 4,14-16;5,7-9; Yn 18,1-19,42)
Phụng
Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh A
Ys
52,13-53,12; Hr 4,14-16;5,7-9; Yn 18,1-19,42
Phụng
vụ hôm nay không phải là Phụng vụ Thánh Thể mà là Phụng vụ Thánh Giá. Cao điểm
của buổi phụng vụ này là nghi thức mở Thánh Giá và thờ lạy Thánh Giá. Nhưng để
giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm Thánh Giá, ba bài Kinh Thánh vừa nghe lần
lượt giới thiệu với chúng ta những khía cạnh của Thánh gía Ðức Kitô, cũng là
những nét chính trên khuôn mặt Ðức Kitô ở trên Thánh giá. Là vì từ ngày Người
bị đóng đinh, thập giá đã trở thành Thánh giá khi mang xác thánh Người; và như
lời thánh Phaolô nói, chúng ta cũng chẳng biết một Ðức Kitô nào khác ngoài
chính Ðức Kitô đã bị đóng đinh vào Thập giá. Nên suy nghĩ về Thánh giá, là
chiêm ngưỡng Ðức Kitô chịu đóng đinh. Qua những bài Kinh Thánh vừa nghe, Phụng
vụ muốn chúng ta nhìn ngắm Ðức Kitô trên Thánh giá như là Người Tôi Tớ của
Thiên Chúa, như là Vị Thượng Tế của Ðạo Mới, và như là Ðấng Hoàng Ðế đã cứu
chuộc chúng ta.
A.
Người Tôi Tớ Của Thiên Chúa
Isaia
có một đoạn sách rất mầu nhiệm, đoạn mà chúng ta vừa nghe đọc. Cho đến ngày Ðức
Kitô chịu treo trên Thập giá, người ta chẳng hiểu gì về đoạn sách này. Tác giả
nói đến một người Tôi Tớ của Ðức Yavê. Người có đủ mọi tư cách của một người
công chính và của một vị tiên tri. Hơn nữa đó còn là Vị Tiên tri công chính đặc
biệt. Chẳng người công chính và vị tiên tri nào trong lịch sử hội đủ những tư
cách của Người. Phải nói Người là vị thánh duy nhất và là Người của Thiên Chúa
có một không hai. Bản chất của con người của Người đã rất mầu nhiệm vì dường
như Người không phải là một cá nhân nhưng là toàn dân Thiên Chúa ở nơi Người.
Ðịnh mệnh của Người còn mầu nhiệm hơn nữa. Người đạo đức thánh thiện tuyệt vời,
thế mà không hiểu sao lại bị đánh đập, mắng chửi, ruồng rẫy, vất bỏ như một tên
vô đạo, như một kẻ bất lương. Và cực hình Người phải chịu dữ dằn đến nỗi làm
nát khuôn mặt Người, khiến ai nhìn vào cũng phải rùng rợn ngó đi nơi khác. Thế
rồi Người được tôn vinh, tôn vinh đến cùng độ khiến cả thiên hạ phải ngỡ ngàng.
Ai hiểu được con người lạ lùng ấy? Isaia viết ra theo ơn linh hứng cũng phải
bàng hoàng. Ông suy nghĩ và táo bạo viết thêm chính vì tội lỗi loài người mà Vị
công chính kia phải chịu khổ như vậy. Người là bầy tôi Thiên Chúa dùng để gánh
vác các khổ đau của chúng ta, hầu trở nên Vị trung gian cầu bầu cho tội nhân.
Isaia được linh hứng viết đoạn trên, nhưng ông cũng như mọi độc giả đều ngậm
tăm, chẳng biết nhân vật mình mô tả đó là ai. Lời tiên tri trên còn chờ mạc
khải.
Nay
Ðức Kitô chịu treo trên Thập giá. Và chính lúc ấy trời đất chuyển động. Nhiều
kẻ đấm ngực ăn năn thú nhận: Người bị treo kia thật là Con Thiên Chúa. Mầu
nhiệm Phục sinh tiếp đến chứng thực cho lời thú nhận trên. Và bài sách Isaia
nay được ứng nghiệm. Ðức Kitô bị đóng đinh chính là Ðấng Thánh đã mang lấy tội
lỗi và khổ đau của loài người. Người bị đánh đập, ruồng rẫy, vứt bỏ như viên đá
mà thợ xây quẳng đi. Nhưng Thiên Chúa đã nhặt lại làm đá góc xây nên Ðền thờ
mới là Hội Thánh hiện thời. Ðức Kitô Chúa chúng ta đã hoàn tất lời tiên tri; đã
làm trọn thời Cựu ước; đã trở nên phương xá cứu rỗi loài người.
Bài
sách Isaia ít nhất khuyên nhủ chúng ta điều này: mỗi khi nhìn vào Thập giá Ðức
Kitô, lập tức chúng ta phải nghĩ đến tội lỗi lớn lao và khổ đau dữ dằn của loài
người. Không có tội lỗi và hậu quả của nó, thì không có việc Ðức Kitô phải đập
đánh và khổ đau trên Thập giá. Thân thể rách nát của Người nhắc nhở chúng ta ý
thức sự kiện tội lỗi tràn lan mọi nơi, mọi thời một cách thật độc dữ. Và trước
hết chính mỗi người chúng ta phải nhận thức lương tâm và đời sống nhiều khi còn
tội lỗi của mình. Thiếu sự công nhận này là phủ nhận Thánh giá Ðức Kitô; là
không chấp nhận ý nghĩa cứu thế của việc Người tử nạn; là cho rằng việc Người
chịu chết thật vô ích, nếu không phải chỉ có hệ tới Người. Và như vậy rõ rệt là
phạm thượng và xúc phạm.
Ngược
lại, ai có cái nhìn như Isaia, ai nhận thức rằng Ðấng bị treo trên Thập giá đã
phải khổ hình vì tội lỗi chúng ta, người đó dễ nhận ra Ðức Kitô bị đóng đinh
hiện nay là Vị trung gian cầu bầu cho kẻ có tội. Khi ấy Thập giá của Người trở
nên Thánh giá, trở thành phương xa cứu độ loài người tội nhân.
Thế
nên thái độ đầu tiên phải có để cử hành Phụng vụ Thánh giá hôm nay là tâm tình
nhận thức mình là tội nhân và Ðấng bị đóng đinh kia đang đau khổ vì mình; chúng
ta đến với Thập giá vừa khiêm cung vừa cảm mến. Cái hôn nồng nàn đặt vào chân
Ðấng bị đóng đinh sẽ có giá trị tha tội khác nào những cái hôn đầy nước mắt của
bà Maria đặt vào chân Chúa khi Người còn sống. Ðó là những cái hôn thú nhận tội
lỗi và trao phó chúng cho Ðấng đầy yêu thương muốn gánh đỡ hết tội lỗi của loài
người.
Tuy
nhiên bài sách Isaia mới đem đến thái độ mở đầu. Chúng ta còn phải đi xa hơn
nữa vào Phụng vụ Thánh giá hôm nay. Và bài thư Hipri tiếp sau gợi lên một tâm
tình mới.
B.
Vị Thượng Tế Của Ðạo Mới
Tác
giả thư Hipri nói với chúng ta: Ðức Kitô bị đóng đinh Thập giá là Vị Thượng tế
đã tiến vào thiên cung. Không giống như bất cứ vị thượng tế nào trong đạo cũ,
hay đã gặp ở trần gian này, Vị Thượng tế của chúng ta độc nhất vô song và đáng
tin cậy hoàn toàn, vì lẽ Người đã chịu khổ nạn.
Ý
tác giả muốn nói gì? Mấy lời thư chúng ta vừa nghe chỉ nêu lên một ý tưởng.
Theo ông, cuộc khổ nạn Ðức Kitô đã chịu chứng tỏ Người có lòng tôn kính vâng
phục Thiên Chúa. Người đã khiêm nhường sấp mình nài van Ðấng có thể cứu thoát
Người khỏi chết. Lòng vâng phục của Người đã khiến Người được chấp nhận. Và
cũng nhờ sự vâng phục cho đến chết như thế, Người đã trở nên phương xá tội tất
cả những ai tùng phục Người.
Muốn
hiểu ý tác giả một cách đơn sơ, có lẽ chúng ta có thể nói theo như đã học biết.
Thánh Kinh dạy loài người đã sa ngã phạm tội bất vâng phục Thiên Chúa và càng
đi càng vấp váp nặng nề. Ðức Kitô đến gánh vác mọi tội lỗi trần gian. Người
phải tỏ ra vâng phục hết mình, tức là phải vâng phục cho đến chết và chết trên
Thập giá. Khi đó Người mới được nâng lên, trở thành phương xá cứu độ tất cả
những ai chấp nhận tinh thần vâng phục của Người. Nói một cách vắn tắt hơn, như
vì sự bất tuân phục của một người mà cả loài người phải chết, thì nay nhờ sự
vâng phục của một người khác mà cả nhân loại lại được sống. Nhiều tác giả đạo
đức còn suy nghĩ thêm: như loài người đã hư đi vì một người đã bất tuân phục
nơi cây trái cấm, thì nay nhân loại được cứu chuộc nhờ một người khác đã vâng
phục cho đến chết và chết trên cây gỗ. Do đó, Thánh giá Ðức Kitô đã trở thành
cây thang đưa người ta trở về Thiên Quốc. Và Ðức Kitô cũng chỉ có thể lên nơi
vinh hiển qua nhiều gian khổ đớn đau để học biết vâng phục.
Tuy
nhiên như vậy chúng ta vẫn chưa nói đủ về tư cách Thượng tế của Ðức Kitô như
bài Thánh thư hôm nay muốn. Tác giả nghĩ đến ngày xá tội trong dân Dothái. Ông
thấy đạo cũ đặt cả tin tưởng vào vị thượng tế, khi ngài bước vào cung cực
thánh, dâng máu chiên máu bò để xin ơn tha tội. Ðó là lễ xá tội lớn nhất của
đạo cũ. Ðó là ngày thượng tế thi hành đặc quyền của mình. Nhưng nếu chỉ có vậy,
thì sánh làm sao được với lễ xá tội trong Ðạo Mới? Hay nói cách khác, lễ đền
tội trên Thánh giá tỏ ra trổi vượt hơn biết bao! Ở đây không phải là vị thượng
tế thường, nhưng là vị Thượng tế tuyệt vời. Ở đây không phải chỉ là máu chiên
máu bò, nhưng là chính Máu Thánh Ðức Kitô. Ở đây vị Thượng tế không khách quan
dùng một hy lễ ngoài mình để dâng lên, nhưng dâng chính sự đau khổ và sự chết
của mình làm Hy tế. Nhất định vị Thượng tế này thật là trổi vượt, Hy tế của
Người thật là giá trị. Thế nên chúng ta hãy tin tưởng đến gần ngai ân sủng để
được cứu độ. Và để lòng tin tưởng không bị một nghi ngờ nào có thể làm lung
lay, thì chúng ta cũng cần biết: Vị Thượng tế của chúng ta thông cảm vô ngần,
vì Người đã kinh nghiệm nơi cuộc đời và thân thể của Người mọi nỗi khổ đau của
chúng ta ngoài trừ tội lỗi.
Nói
đúng ra, khi nêu lên lý do tin tưởng này, tác giả cũng hàm ý bảo chúng ta: muốn
tin tưởng đến gần ngai ân sủng, chúng ta cũng phải cảm thông những đau khổ đớn
đau của Người. Cũng như khi gợi lên giá trị của sự vâng lời trong cuộc Khổ nạn
của Ðức Kitô, tác giả đã khuyên ta chỉ mong được cứu độ khi chúng ta tuân phục
Người.
Như
vậy bài thư Hipri đã đi xa hơn bài sách Isaia nhiều. Nhìn vào Thánh giá Ðức
Kitô không những chúng ta phải nhận thức rằng chính vì tội lỗi của loài người
chúng ta mà Người Tôi Tớ Thiên Chúa đã phải cực hình như vậy; nhưng sau bài thư
Hipri, chúng ta còn thấy rõ hơn; Ðức Kitô đã phải đi qua nhiều đau khổ và chết
trên Thập giá để học biết và chứng tỏ lòng vâng phục hầu chuộc tội bất tuân
phục, khiến một đàng Người trở thành vị Thượng tế duy nhất có thể ban ơn tha
tội và đàng khác chúng ta chỉ có thể đến gần ngai ân sủng nếu tùng phục Ðấng đã
bị đóng đinh, tức là tham gia vào cuộc Khổ nạn của Người. Tư tưởng cuối cùng
này dẫn ta sang bài tường thuật việc Chúa chịu nạn theo Tin Mừng Yoan.
C.
Ðấng Hoàng Ðế Cứu Ðộ
Như
đã có lần chúng ta nói: mỗi tác giả Tin Mừng có một lối riêng để trình bày việc
Chúa chịu chết. Nhờ vậy chúng ta có những bài tường thuật phong phú và độc đáo.
Cách thánh Yoan thuật lại việc Chúa chịu nạn cũng thật là của người. Ở đây
chúng ta chỉ làm nổi bật lên hai tư tưởng: Ðức Kitô là Thượng Tế và là Hoàng Ðế.
Nếu
tác giả thư Hipri còn nhận thấy Chúa chịu đóng đinh là Thượng tế tuyệt vời, thì
huống nữa là tác giả Tin Mừng Yoan. Cuốn Tin Mừng sau chót này luôn có khuynh
hướng phụng vụ: làm sao lại có thể không nhận ra khuôn mặt Tư tế của Ðức Kitô
trong cuộc Người thương khó?
Theo
Yoan, sau khi bị bắt, Ðức Yêsu bị điệu đến nhà Hanna là thân phụ của vị thượng
tế năm ấy là Caipha. Và khi Người ở trước mặt ông này, Yoan dùng đi dùng lại
danh từ thượng tế để chúng ta thấy rõ tư cách trổi vượt của Ðức Yêsu, khiến
chúng ta công nhận chức thượng tế của đạo cũ không còn giá trị gì nữa.
Rồi
Yoan phân biệt rõ trong số y phục của Chúa mà lý hình đem ra chia nhau, có cái
áo dài một đường chỉ. Lý hình đã để nguyên và rút thăm. Cái áo ấy gợi lên hình
ảnh cái áo dài của thầy thượng tế. Và như vậy, Yoan muốn cho chúng ta nhìn nhận
nơi Ðức Kitô chịu đóng đinh, vị Thượng tế ở trên bàn thờ Thánh giá.
Mà
quả thật Thánh giá đã trở thành bàn thờ của Ðạo Mới. Khi người lính không đánh
dập ống chân Chúa như đã làm cho hai người tử tội hai bên, Yoan đã nhận ra
Người là Chiên Vượt qua, mà khi hy tế không được để gẫy một cái xương nào.
Hơn
nữa, lúc người lính cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa, Yoan thấy nước với máu chảy
ra. Ông thấy ngay đó là Ðền thờ Yêrusalem mới, có nước sinh sống chảy ra từ bên
hông, đem sự sống mới đến phục sinh mọi loài.
Như
vậy Yoan đã kín đáo nhưng rất tài tình và sâu sắc giới thiệu Ðức Kitô chịu cực
hình là Thượng tế, là Ðền thờ, là Hy lễ, tức là tất cả tôn giáo mới của chúng
ta. Ông đồng ý với tác giả thư Hipri. Cũng như ông nhắc lại một câu trong sách
Isaia để chứng tỏ ông coi Ðức Kitô chịu nạn đây là Người Tôi Tớ Thiên Chúa:
"Chúng sẽ trông lên Người chúng đã đâm".
Nhưng
khi trông lên Ðấng đã bị đâm, Yoan còn nhìn thấy Người là Hoàng đế muôn dân
trông đợi. Tác giả sách Tin Mừng thứ tư có cái nhìn đặc biệt này: ngay khi thấy
Ðức Yêsu còn sinh hoạt ở trần gian này, ông đã nhìn ra vinh quang của Người là
Ngôi Lời Thiên Chúa. Lúc nào Người cũng có vẻ uy nghi, mặc dầu kín đáo, vì Ngôi
Lời đã hóa thành xác phàm. Thế nên cả trong cuộc Khổ nạn này, Ðức Kitô uy nghi,
lẫm liệt, và có thể nói, hơn bao giờ hết. Một mình Yoan đã nói lên cái oai của
Ðức Kitô nơi vườn Cây Dầu. Tiếng của Người vừa phán, bọn lính đã ngã lăn ra. Mà
không phải chỉ một lần! Thái độ của Người ở trước tòa Caipha cũng vậy. Ðặc biệt
cuộc đối thoại giữa Người với Philatô. Yoan thuật lại tỉ mỉ và ông đã giải
thích vương quyền của Chúa là gì. Ðến nỗi Philatô bị ám ảnh. Hay bị chinh phục?
Ông đã đưa Ðức Kitô ra trước mặt dân, chỉ vào Người mà tuyên bố: Ðây là Người.
Nhưng ông cũng đã nói: Ðây là Vua các ngươi! Rồi một mình tác giả Tin Mừng thứ
tư nhấn mạnh việc Philatô từ chối không sửa lại bảng viết đặt trên đầu Thánh
giá Ðức Yêsu. Ông muốn muôn đời người ta nhìn nhận Ðấng chịu đóng đanh đây là
Hoàng đế cứu độ muôn dân. Ông ngồi ghế quan tòa, mà cuối cùng đã thú nhận người
bị xét xử kia là Vua! Cũng như Caipha là thượng tế đã bị mất mặt trước Vị
Thượng tế mới!
Vậy,
nếu chúng ta phải tóm tắt những tư tưởng và tâm tình của Phụng vụ muốn chúng ta
phải có khi đến với Thánh giá Ðức Kitô, thì chúng ta có thể nói:
*
Mọi người hãy như Isaia nhìn lên Thập giá mà nhận thức rằng: Thân thể tan nát
kia là nạn nhân của tội lỗi. Ðó là Người Tôi Tớ Thiên Chúa đã gánh chịu mọi tội
lỗi và hậu quả của trần gian. Không thể tôn thờ Thánh giá mà không nhìn nhận
phần trách nhiệm tội lỗi của mình; nên phải thống hối ăn năn đến với Thánh giá
Chúa Kitô.
*
Khi đó, theo lời thư Hipri, chúng ta sẽ được dạn dĩ, tin tưởng đến gần ngai ân
sủng vì có Ðức Kitô làm Thượng tế. Người đã chịu đóng đinh để tiến vào thiên
cung với Máu Thánh của Người, hầu cầu bầu ơn tha thứ cho chúng ta với một tấm
lòng rất thông cảm mọi sự yếu đuối của chúng ta.
*
Như vậy, chúng ta hãy để Ðức Kitô chịu đóng đinh kéo mình lên với Người. Chính
Người đã phán: khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta. Người
thống nhất mọi sự khi ở trên Thánh giá. Người chinh phục mọi người khi hy sinh
đến cả mạng sống cho người mình yêu. Người là Vua Tình yêu khi chịu đóng đinh.
Phụng
vụ hôm nay quy tụ chúng ta lại bên Thánh giá. Chúng ta hãy nhìn lên Ðấng đã bị
đóng đinh và bị lưỡi đòng đâm thâu. Người đang khẩn khoản nài xin Chúa Cha tha
tội cho chúng ta. Và ơn tha tội ấy như đang chảy ra từ cạnh sườn Người trong
Nước và Máu để rửa sạch và tưới mát chúng ta thành tạo vật mới. Như vậy Ðấng bị
đóng đinh vừa là Của Lễ Ðền Tội, vừa là Vị Thượng Tế ban ơn cứu độ và là Thủ
Cấp của một cơ thể mới, hay là Vua của Dân Thánh Mới. Chúng ta đến với Thánh
giá không những trong tâm tình ăn năn thống hối, nhưng còn để được đổi mới canh
tân và ý thức từ nay phải liên kết với Vị Thủ Lãnh của mình đang giang tay trên
Thập giá để cầu bầu cho nhân loại và đang để mở cạnh sườn cho thiên hạ thấy
tình yêu to lớn đã hy sinh phục vụ cho đến chết và chết trên Thập giá. Liên kết
với Ðấng yêu thương loài người như vậy, chúng ta hãy đứng lên cầu nguyện cho
mọi hạng người, mong mọi người đến thờ lạy Thánh giá Chúa Kitô.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)