Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A

Rút ra cả cái mới cũ mà xây dựng cuộc đời

(Kng 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43 hoặc 13,24-30)

 

Phúc Âm: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}

"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian". Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".}

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XVI Thường Niên A

Kng 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43 hoặc 13,24-30

Chúa vừa nói với chúng ta những lời dễ hiểu. Thế gian này là thửa ruộng có cỏ xấu mọc chen với lúa tốt, có người dữ sống lẫn với người lành. Hiện tượng này có thật; ai ai cũng thấy và nhiều khi làm khổ chúng ta. Hơn nữa, nhiều lần chúng ta cũng giống như những người tôi tớ trong bài Tin Mừng, muốn xin lửa bởi trời xuống đốt sạch phường gian ác đi, để thế giới này được bình an và hạnh phúc hơn. Nhưng không hiểu sao một vấn đề xa xưa như vậy mà vẫn còn y nguyên từ đời này qua đời khác. Và khi ngoái cổ nhìn lại chỗ vừa nhổ xong, họ lại thấy cỏ xấu muốn mọc lên. Loài người muốn kêu lên Thiên Chúa để Người giúp đỡ. Nhưng họ chẳng tìm được an ủi nào, trừ những Lời mạc khải chúng ta vừa nghe đọc. Thế nên chúng ta cần thành kính đọc đi đọc lại những bài Thánh Kinh hôm nay để tìm thấy lẽ sống trước một vấn đề nan giải. Chúa dạy chúng ta thế nào đối với hiện tượng lành-dữ pha phôi, xen lẫn ở trần gian này?

 

A. Lời Sách Khôn Ngoan

Cựu Ước có bảy cuốn sách mệnh danh là sách Khôn ngoan. Trong số đó có một cuốn được gọi thẳng là sách Khôn Ngoan. Bài đọc 1 hôm nay trích một đoạn trong sách ấy. Và đoạn trích này cho chúng ta một ý tưởng sơ khởi về các sách Khôn ngoan trong Cựu Ước.

Ðại khái, đó là những tác phẩm được viết ra khi dân Dothái đã tiếp xúc nhiều với triết học của các cường quốc lân bang, đặc biệt khi họ đã liên lạc nhiều với người Hylạp. Họ cũng bắt chước các nhà hiền triết của các dân tộc ấy suy nghĩ về các huyền nhiệm day dứt lương tâm con người. Hiện tượng kẻ lành người dữ chung đụng và chung sống với nhau là một trong những thắc mắc lớn. Làm sao không thể khiến trái đất này chỉ còn có những người lành?

Một số tác giả người Dothái được Chúa linh ứng suy nghĩ về những huyền nhiệm như thế. Và sách vở họ viết ra làm thành các sách Khôn Ngoan của Cựu Ước. Những vấn đề họ nêu lên có màu sắc triết học. Nhưng cách thức họ trình bày, và nhất là suy tư của họ lại quy về tôn giáo, khiến những sách tôn giáo này trở nên những sứ điệp mạc khải ý Chúa nhiệm mầu. Người ta phải nghe với niềm tin và chỉ lãnh hội được nếu có ơn Chúa.

Vậy sách Khôn ngoan và đặc biệt đoạn trích hôm nay nghĩ thế nào về hiện tượng kẻ lành người dữ chung đụng ở trần gian?

Ngay ở câu đầu bài trích hôm nay, tác giả Sách Thánh đã cho chúng ta một cái nhìn đức tin. Chúng ta hãy dịch lại cho đúng lời của ông (theo bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn): "Ngoài Chúa ra không có thần nào lo đến chúng sinh để Ngài phải trình bày là Ngài đã không xét xử bất công". Nghĩa là Thiên Chúa là Ðấng duy nhất cai trị vạn vật. Mọi sự đều do Ngài sắp đặt. Và chẳng có ai hơn Ngài để Ngài phải báo cáo về công việc điều hành của Ngài.

Với những lời lẽ như thế, sách Khôn ngoan đã nói lên lập trường của niềm tin. Người có đức tin không coi mình là chúa tể vạn vật. Họ không được đứng ra vặn hỏi trời đất, dường như mọi sự phải ra như họ suy nghĩ. Không, con người phải nhận biết thân phận của mình. Các nhà khoa học lớn nhất chỉ là những người khám phá ra các định luật sâu xa trong trời đất để tuân theo. Vì cả khi dùng khoa học làm chủ thiên nhiên, họ vẫn phải chấp nhận các đặc tính của tạo vật. Thế nên các nhà khoa học là những người rất khiêm tốn, ít nhất đối với thực tại thiên nhiên. Thế thì vì sao con người lại tự phụ cư xử như chúa tể đối với các vấn đề con người?

Khi bực tức trước hiện tượng lành dữ pha trộn trong thế gian, họ không tự đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và người chết sao? Cha Yves de Montchueil có một nhận xét rất ý vị: thường thường người ta phân biệt có hai hạng người trong xã hội; những người tốt đứng từ bàn chân người ta trở lên, còn những người xấu đứng từ bàn chân người ta trở xuống. Tức là ai cũng coi mình là thước đo, là ranh giới. Những người như mình hay được mình quý là tốt; còn những ai không như mình và không đẹp ý mình đều xấu. Và không biết được mấy người thuộc loại trên! Chỉ nguyên điều đó đã chứng tỏ vấn đề lành dữ tốt xấu vô cùng phức tạp và người ta có thể cãi nhau, đánh nhau mãi mãi để phân biệt người lành kẻ dữ.

Cũng may con người không phải là chúa tể vạn vật. Họ không phải là thước đo mọi sự. Họ không phải là thẩm phán tối cao. Nếu vậy cả trong vấn đề lành dữ này, họ phải lãnh ý Thiên Chúa; họ phải tìm hiểu, khám phá quan điểm của Ngài. Và đó là điều mà câu đầu bài sách Khôn ngoan hôm nay muốn dạy chúng ta.

Tư tưởng thứ hai của bài này là Thiên Chúa điều khiển mọi sự một cách toàn năng, nên Ngài khoan dung lạ lùng. Chứ không như những ai ít quyền thế, vì khả năng có hạn nên luôn luôn muốn xử cứng đối với những ai hơi khó bảo. Thật vậy, bậc trượng phu sợ gì sự chống đối. Chỉ kẻ yếu thế mới vội vàng tác oai. Phạm tội là phản loạn cùng Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa diệt hết kẻ dữ, há chẳng tỏ ra Người không toàn năng sao?

Nhưng lý do cuối cùng của thái độ bao dung của Ngài, chính là lòng bác ái bao la muốn cho tội nhân trở lại mà được sống. Thế nên thái độ của người công chính ở đời, của người đi theo đường lối của Thiên Chúa, là phải nhân đạo, phải thương người, phải muốn cho tội nhân sám hối ăn năn, chứ không phải là mong cho họ bị tiêu diệt.

Thiết tưởng bài học của sách Khôn ngoan đã khá đủ để chúng ta suy nghĩ và sửa mình. Nhưng Phụng vụ hôm nay còn muốn góp ý thêm qua bài Tin Mừng để hiện tượng kẻ lành người dữ chung đụng ở trần gian được soi sáng một cách thỏa đáng.

 

B. Lời Của Tin Mừng

Chúng ta chỉ nói đến một dụ ngôn, dụ ngôn cỏ xấu mọc xen với lúa tốt. Lời Chúa ở đây rất sống động. Ðó là một màn kịch nhỏ, mau lẹ nhưng đầy ý nghĩa. Người ta thấy thái độ nông nổi của tôi tớ. Còn ông chủ thì chín chắn và thực tình muốn xây dựng. Ông chỉ đích danh tác giả gây ra cỏ lùng; nhưng đồng thời ông cũng muốn tôi tớ phải khiêm cung: này, ý tứ khi nhặt cỏ lùng, lỡ ra các anh lại nhổ lúa cả rễ một thể. Nghĩa là phán đoán của các anh chưa bảo đảm đâu. Hơn nữa các anh đừng quên bổn phận của các anh vì "hãy cứ để chúng mọc lên cả hai cho đến mùa gặt". Giống tốt cũng phải mọc lên và sinh bông trái; nếu không, đến mùa gặt là ngày tận thế, giống tốt cũng chỉ là cỏ và khi ấy cũng sẽ bị bó lại để thiêu đi. Thật ra người ta không thu cỏ lùng trước đâu. Người ta thường chỉ gặt lúa mang về nhà. Còn rươm rạ sẽ cắt sau. Nhưng ở đây vì tôi tớ đang muốn biết về số phận của cỏ lùng, nên buộc lòng người chủ phải nói đến nó trước.

Như vậy, qua bài Tin Mừng, Chúa Yêsu cho chúng ta thấy thêm nhiều yếu tố của vấn đề lành dữ lẫn lộn trong thế gian. Nguyên nhân gây nên sự dữ là Satan, kẻ thù của Thiên Chúa. Người ta không nên dán nhãn hiệu lãnh dữ vào trán nhau vì tất cả đang còn thay đổi, đang thời lớn lên. Hãy cố gắng sinh bông trái kẻo trở thành cỏ dại bị thiêu đi sau này. Tuy nhiên ý tưởng cốt yếu ở đây là thời tận thế, lúc chung cuộc. Người ta phải đợi đến ngày ấy để thấy kẻ dữ bị thiêu đi và người lành sáng chói lên.

Nhưng ý tưởng của phần giải thích dụ ngôn dường như lại nhấn mạnh đến hình phạt dành cho kẻ dữ. Chúng ta không nên lấy làm lạ vì sự chuyển hướng này. Nó cho chúng ta thấy ở mỗi thời Lời Chúa muốn mạc khải một khía cạnh riêng biệt. Vì người khôn trong Nước Trời phải biết bắt chước người gia chủ "rút ra cả cái mới cũ" mà xây dựng cuộc đời.

Chúng ta hãy cố ghi lại hết mọi mạc khải Chúa mở ra cho chúng ta trong hai bài đọc trên đây. Một đàng bài Cựu Ước cho chúng ta thấy người công chính phải dành quyền xét xử cho Thiên Chúa và bắt chước Ngài mà có lòng nhân đạo, ước mong cho người tội lỗi ăn năn hối cải. Với bài Tin Mừng, Chúa dạy chúng ta còn phải khiêm nhường hơn nữa. Ðừng dán nhãn hiệu cỏ lùng, cỏ xấu cho ai; và ai ai cũng phải cố gắng sinh hoa kết quả để khỏi trở thành cỏ dại bị thiêu trong ngày tận thế. Và nếu chúng ta để ý , thì trong phần giải thích dụ ngôn, chúng ta đã thấy tác giả Thánh Kinh muốn ám chỉ rằng cỏ dại mọc ngay trong lòng Giáo Hội chứ không riêng gì ở giữa thế gian vì ông viết: Con Người sẽ sai các thiên thần của Ngài đi nhặt khỏi Nước của Ngài mọi cớ vấp phạm và hết thảy những phường tác quái.

Tất cả những giáo lý trên khiến chúng ta phải khiêm nhường hơn, vì cỏ dại có thể mọc cả trong mảnh vườn nhà chúng ta và ngay trong lòng chúng ta. Mọi tâm tình bực tức với kẻ dữ không còn nữa. Ngược lại từ nay chúng ta phải cầu xin lòng nhân đạo của Chúa nhiều hơn. Và ở đây, chúng ta thấy những lời thư Phaolô hôm nay đầy an ủi.

 

C. Lời Thư Phaolô

Tình cảnh chúng ta rất yếu hèn. Cỏ dại có thể đang mọc trong thân xác chúng ta. Dục vọng và nết xấu nhiều khi không che giấu được. Và lương tâm chúng ta nhiều khi phải rên xiết. Ai giúp chúng ta vươn lên tới Chúa để sinh hoa kết quả? Thánh Phaolô ý thức sâu xa về thân phận con người. Và ngài đã tìm thấy ơn cứu độ nơi mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Chúa Yêsu Kitô. Chính nơi sự yếu đuối mà sức mạnh của Thiên Chúa đã tỏ ra tuyệt diệu. Người đã giơ cánh tay uy hùng phục sinh Ðức Yêsu. Người đã ban Thần trí uy dũng xuống trên các xác phàm, khiến hôm nay Phaolô viết: "Thần Khí đỡ đần tình cảnh yếu hèn của ta".

Người đỡ đần chúng ta ngay trong việc đầu tiên khi chúng ta đến với Thiên Chúa. Cầu nguyện thế nào cho phải, đâu chúng ta có biết. Nhưng chính Thần Khí chuyển cầu cho ta. Người dùng chính sự yếu hèn của ta, khiến nó thốt lên những lời rên xiết bay lên trước tòa Chúa. Và khi con người biết thú nhận thân phận yếu hèn và cầu xin ơn cứu độ như vậy, thì họ sẽ được cứu vớt.

Hôm nay chúng ta cũng cầu xin Thần trí đến đỡ đần tình cảnh yếu hèn của chúng ta. Chúng ta không phải là những người thánh thiện hơn ai. Ngược lại chúng ta nhìn nhận mình yếu đuối tội lỗi khốn khổ. Chúng ta đến đây không phải vì xứng đáng hơn mọi người, nhưng chính vì hèn hạ hơn bất cứ ai để xin ơn cứu độ.

Chúng ta mặc lấy tâm tình của Chúa Yêsu Kitô trong mầu nhiệm bàn thờ, là mầu nhiệm Thánh giá và là mầu nhiệm cầu xin ơn tha thứ cho hết mọi tội nhân. Chúng ta muốn ơn của thánh lễ cứu độ này tràn xuống trên tất cả chúng ta và lan ra khắp mặt địa cầu, để đem ơn tha thứ, đổi mới và thánh hóa mọi nơi mọi người. Cỏ xấu trong thế gian sẽ bớt đi, mất đi không phải do ý chí tự cao tự đại muốn tiêu diệt mọi người khác mình, nhưng nhờ lòng nhân đạo của Thiên Chúa bao dung muốn cho mọi người được cứu vớt. Chúng ta hãy chia sẻ tình yêu của Chúa trong Thánh lễ này để thực hiện nó trong đời sống.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A