CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG
NIÊN
Đánh đổi mọi sự để
lấy Nước Trời
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
13:44-52)
Nếu chúng ta đã biết về sự phát triển của Nước Trời qua ba
dụ ngôn Hạt cải, Men trong bột, Lúa tốt với cỏ lùng trong bài Tin Mừng tuần
trước, thì hôm nay với ba dụ ngôn khác chúng ta sẽ hiểu về giá trị đích thực
của Nước Trời. Giá trị ấy được diễn tả
rõ rệt qua dụ ngôn Kho báu giấu trong ruộng và dụ ngôn Viên ngọc vô giá. Tuy nhiên bên cạnh giá trị ấy lại gặp thấy
những cái vô giá trị khiến chúng ta phải cẩn thận nhận định. Dường như hai dụ ngôn đầu cũng chỉ nhắm mục
đích giới thiệu giá trị Nước Trời để đưa chúng ta tới một thái độ đúng đắn khi
phải thi hành bổn phận chọn lựa và xây dựng Nước Trời.
Đúng vậy, giá trị của Nước Trời là trên hết, không có bất
cứ giá trị nào khác có thể so sánh được.
Thậm chí giá trị tuyệt đối của Nước Trời đòi hỏi người ta phải đánh đổi
mọi sự, phải “vui mừng đi bán tất cả
những gì mình có” để sở hữu được Nước Trời.
Chúng ta rất quen thuộc với câu truyện “Thằng Bờm có cái quạt mo”. Giá trị của cái quạt mo đối với thằng Bờm là
tuyệt đối. Cho dù phú ông muốn đổi bằng
mọi thứ đắt tiền, Bờm vẫn từ chối. Nhưng
khi phú ông xin đổi “nắm xôi” để lấy quạt, thì “Bờm cười”. Chúng ta cứ tạm hiểu là Bờm cười vì được như
ý. Nếu như trước mặt Chúa, chúng ta là
những thằng Bờm, liệu chúng ta có can đảm đổi cái quạt mo để lấy nắm xôi
không? Hay nói khác đi, chúng ta có dám
bỏ đi mọi sự để “trước hết tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mát-thêu 6:33) hay không? Cái quạt mo của thằng Bờm so sánh với nắm xôi
của phú ông có lẽ còn ngang nhau, nhưng tất cả những gì chúng ta có trên đời
này đem so sánh với Nước Trời thì vô cùng chênh lệch, như hữu hạn với vô biên.
Chọn lựa Nước Trời vì giá trị tuyệt đối của nó, đó là bổn
phận của chúng ta. Vậy mà đứng trước sự
chọn lựa ấy lại có hai loại người: đón
nhận và từ chối. Thiên Chúa giăng chiếc
lưới Nước Trời trên toàn thể nhân loại là mong thu nhận hết thảy “cá tốt” mà
thôi. Người ban ơn cứu độ phổ quát, muốn
cho mọi người được sống đời đời với Người, không muốn một ai bị mất đi (xem
Gio-an 17:12). Ai cũng có cơ hội và khả
năng làm “cá tốt”. Vậy mà trong chiếc
lưới ấy vẫn có lẫn lộn cá tốt lẫn cá xấu.
Cá tốt là những người đã dám đánh đổi mọi giá trị trần thế để sống những
giá trị Tin Mừng, can đảm đi ngược lại lối sống của thế gian để thực hành lối
sống gương mẫu của Chúa Ki-tô. Còn cá
xấu là những người lấy tiền bạc, của cải, danh vọng và thú vui trần thế làm mục
đích cuộc đời, không muốn từ bỏ mình, vác thập giá và đi theo Chúa Ki-tô làm
môn đệ Người (Mát-thêu 16:24).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Vô tri bất mộ, không biết thì không yêu mến. Chúa Giê-su đã kết thúc các dụ ngôn về Nước
Trời với lời kêu gọi hãy “học hỏi về Nước Trời”. Người đan cử trường hợp vị kinh sư: nhờ sử dụng lòng tin trong Cựu Ước và Tân
Ước để học hỏi thêm về Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập nên ông đã trở thành
môn đệ Chúa. Chúng ta cũng vậy. Học hỏi về Nước Trời là học biết về Chúa
Ki-tô và giáo lý của Người. Hơn thế nữa,
chúng ta còn phải trở nên môn đệ của Người.
Kho báu hay viên ngọc quý là chính Chúa Ki-tô. Chẳng phải tất cả chúng ta đều đã “gặp được
kho báu chôn giấu trong ruộng” và đã “tìm được một viên ngọc quý”, tức là đã
được diễm phúc làm con cái Chúa rồi hay sao?
Tuy nhiên chỉ mới “gặp được” hoặc “tìm được” thì chưa phải là kết
thúc. Đó mới là khởi đầu. Chúng ta còn phải tiếp tục “bán đi tất cả
những gì mình có” để sở hữu được Nước Trời.
Mà tất cả những gì chúng ta có là gì?
Là nhà lầu, xe hơi, những cuộc vui chóng tàn, những chức vị tạm bợ đời
này… Nhưng chúng không thể so sánh với giá
trị tuyệt đối của Tin Mừng Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta. Cho nên chúng ta phải chọn đón nhận Nước Trời
bằng mọi giá, để trước hết học hỏi về Nước Trời, về giáo lý của Chúa Ki-tô và
Hội Thánh, rồi thực hành những gì chúng ta đã học hỏi. Chắc chắn khi sống như vậy, chúng ta sẽ là
“cá tốt” được thu vào giỏ thiên đàng trong ngày tận thế!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi