CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG
NIÊN
Nỗi lòng của Vị Mục
Tử
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
14:13-21)
Thường chúng ta chỉ nghĩ đến lời giảng Chúa Giê-su đã dạy
và những phép lạ Người đã làm, nhưng ít nghĩ tới những tâm tình hay cảm xúc của
Người với tư cách là một Vị Mục Tử. Đoạn
Tin Mừng ngắn hôm nay hé mở cho chúng ta thấy một chút về trái tim bằng thịt của
Thiên Chúa nơi con người.
Trước hết thánh Mát-thêu nhắc tới một khung cảnh đặc
biệt: Sau khi được tin ông Gio-an Tẩy Giả bị giết, Chúa Giê-su đã “xuống thuyền
đến một chỗ hoang vắng riêng biệt”. Địa
lý vùng quanh biển hồ Ga-li-lê tương đối nhỏ bé, nên khó mà tìm được nơi thanh
vắng, tránh con mắt tò mò của dân chúng.
Nhưng Chúa Giê-su vẫn tìm được, vì Người cần một không gian và thời gian
tĩnh mịch để cầu nguyện và suy niệm. Cái
chết của ông Gio-an Tẩy Giả chắc chắn là đề tài cầu nguyện của Chúa. Nhớ người lại nghĩ đến ta. Hôm nay là ông Gio-an. Ngày mai đến lượt mình! Cho nên mặc dù thánh sử Mát-thêu không nói
Chúa Giê-su làm gì ở nơi hoang vắng ấy thì chúng ta cũng dư hiểu. Tóm lại chỉ là suy nghĩ và cầu nguyện, để được
trung thành tiếp tục sứ mệnh và can đảm chấp nhận thánh ý Chúa Cha.
Tuy nhiên, thuyền vừa mới tới chỗ hoang vắng, Chúa Giê-su
đã phải xếp chuyện của mình lại để lo phục vụ tha nhân. Người lại rao giảng và đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Lòng nhiệt thành của Vị Mục Tử đã được đáp
lại. Giảng dạy mà không có người nghe
thì còn gì nản bằng! Lòng nhiệt thành vì
công việc của Chúa Cha đã nung đốt tâm hồn Chúa Giê-su và “đẹp thay trên đồi
núi bước chân người loan báo tin mừng” (I-sai-a 52:7). Nhìn đám dân chúng vất vả đi bộ theo mình,
chắc chắn Chúa Giê-su cũng cảm thấy được an ủi, nhưng Người lại nghĩ đến họ hơn
nghĩ đến mình. Người thấy rõ nhu cầu thực
tiễn của họ: không chỉ đói khát lời
Chúa, mà còn đói khát vì cái bụng rỗng nữa.
Bình thường Người không muốn tỏ quyền năng Thiên Chúa của mình ra, cho
nên sau khi chữa lành người bệnh Người vẫn ngăn cấm không cho họ nói ra. Nhưng bây giờ Người không thể không “chạnh
lòng thương”, nên đành phải sử dụng quyền năng Thiên Chúa để lấy năm cái bánh
và hai con cá mà nuôi đám đông “khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà
và trẻ con”!
Từ chuyện mình cho đến chuyện người, Chúa Giê-su đều có
những tâm tình và cảm xúc bình thường như chúng ta. Nhưng khác biệt là ở điểm Người biết tìm đến
với Thiên Chúa trong cầu nguyện và suy nghĩ ở “một chỗ hoang vắng riêng biệt”,
rồi Người biết “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng”. Khác biệt ở điểm Người muốn giúp những người
khác giải quyết khó khăn trước khi họ phải tự mình “vào các làng mạc mua lấy
thức ăn”. Khác biệt ở điểm Người biết
“bẻ ra và chia sẻ” chính mình với tha nhân, biểu lộ tâm tình “chạnh lòng
thương” qua việc làm cụ thể. Như thế,
nỗi lòng của Vị Mục Tử chẳng phải là một đề tài để chúng ta suy niệm và nhất là
để hết lòng cảm tạ Người hay sao?
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sống đời Ki-tô hữu, chúng ta cũng giống như bao người khác
trên thế giới. Cũng lo lắng chăm sóc cho
bản thân, gia đình, cộng đoàn và đất nước.
Nhưng như Chúa Giê-su, chúng ta khác biệt với người đời là do sống đức
tin và bác ái. Chúng ta có một “nơi
hoang vắng riêng biệt” là khoảng thời gian và không gian mỗi ngày để một mình
với Chúa trong thinh lặng cầu nguyện và kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh
Thể. Nhưng chúng ta cũng không quên sự
hiện diện của anh chị em, nhất là những người đói khát và bệnh tật, không quên
những nhu cầu thiết thực của họ, để chúng ta mở lòng ra bằng trái tim của Vị
Mục Tử Nhân lành, chạnh lòng thương đối với mọi người. Đoạn Tin Mừng hôm nay không chỉ là những gì
đã xảy ra hai ngàn năm trước tại Ga-li-lê.
Nhưng nó cần phải được lập lại ở đây và lúc này do chính chúng ta, lập
lại trong gia đình, giáo xứ, sở làm… với những người thân, bạn bè cùng sở, giáo
dân cùng xứ đạo. Thánh Phao-lô dạy: “Anh em
hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Phi-líp-phê 2:5).
Lm Đa-minh Trần đình
Nhi