PHÊRÔ, ĐẤNG LÀM ĐẦU
GIÁO HỘI
Linh mục Giuse
Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG
NIÊN, năm A
Mt 16, 13-20
Trong ba năm đi rao giảng về Nước Thiên Chúa,
Chúa Giêsu đã tuyển chọn một số môn đệ đi theo Ngài. Chúa Giêsu đã dạy dỗ dân
chúng, đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền cho dân, đã làm nhiều phép lạ.
Tiếng tăm và danh thơm tiếng tốt của Ngài đã lan tỏa khắp nơi. Nhiều tiếng đồn
đoán về lai lịch, sự nghiệp của Ngài. Có người cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, có
người nói Ngài là Isaia, Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào đó. Thực tế, Chúa rất
muốn biết suy nghĩ của các môn đệ về Ngài…
Chúa Giêsu tin tưởng các môn đệ và muốn biết
quan điểm của các môn đệ về Ngài khi đã có rất nhiều đồn đoán của dân chúng về
lai lịch của Ngài, Phêrô được Thiên Chúa Cha mạc khải, đã nhanh nhảu thay các
môn đệ khác, thưa với Chúa Giêsu :” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống
“ ( Mt 16, 16 ). Chúa Giêsu đã công khai khen Phêrô là người có phúc và trao
trao cho Ông quyền trên Giáo Hội :” Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng
đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng
nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời
cũng sẽ tháo cởi như vậy “ ( Mt 16, 18-19 ).
Chúa đã tuyển chọn và đặt Phêrô làm đầu Giáo
Hội của Ngài dưới trần gian này. Và Ngài đã đổi tên Simon thành Phêrô, tiếng
Aram Phêrô, Kêpha nghĩa là Đá Tảng. Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài trên Tảng Đá
Phêrô vững chắc, trường tồn và Ngài hứa bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi cuộc tấn công
của ma quỷ. Chúa Giêsu lại trao cho Phêrô chìa khóa tượng trưng cho quyền bính
trên trời dưới đất. Với quyền Chúa trao ban, Phêrô cai quản, điều khiển, giáo
huấn và thánh hóa Giáo Hội của Đức Kitô trong tinh thần phục vụ và yêu thương,
sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên được Chúa trao phó.
Phêrô được Chúa thương đó, được Chúa cắt nhắc
làm đầu Giáo Hội nhưng chỉ ít phút sau đó, Đức Kitô đã phải nặng lời với Ông :”
Satan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải
là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người “ ( Mt 16, 23 ). Phêrô yêu mến
Chúa nhưng Phêrô lại rất bộc trực, nóng nảy . Chúa Giêsu biết rõ Phêrô, đã chọn
Ông là một dân chài, nóng nảy, bộc trực, ít học, hay sa ngã và cả phản bội nữa.
Tuy nhiên, Chúa đã nhìn tận tâm can của Phêrô, thấu suốt con người của Phêrô.
Phêrô yếu đuối, sa ngã đó, nhưng Phêrô lại có tâm tình khiêm tốn tột cùng và có
lòng sám hối chân thành.
Chúa Giêsu hiện ra trên bờ hồ Ghennêxarét khi
Phêrô và các môn đệ suốt một đêm thả lưới, mệt nhoài, vất vả nhưng không hề bắt
được một con cá nào, dù rằng Phêrô và các bạn là những dân chài chuyên nghiệp :
họ biết chỗ nào cá hay ăn, chỗ nào nông, chỗ nào sâu, tuy nhiên, nghe lời Chúa
bảo các Ông chèo thuyền ra xa bờ và bỏ lưới bên mạn phải thuyền. Phêrô và các
bạn kéo lưới lên, một mẻ quá lớn đến nỗi lưới muốn rách và các môn đệ đã bắt
được 163 con cá lớn. Phêrô không mừng, Phêrô cũng chẳng hồ hởi vì phép lạ vừa
xẩy đến với Ông, với các bạn đồng môn. Phêrô nghĩ ngay tới thân phận bất xứng,
tội lỗi của mình. Phêrô liền tới sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà thưa :” Lạy
Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi “ ( Lc 5, 8 ). Và trước sự khiêm
tốn thẩm sâu của Phêrô, Chúa Giêsu đã không ngần ngại tuyển chọn Phêrô :” Đừng
sợ, từ nay anh sẽ là người chài lưới người ta “ ( Lc 5, 10 ).
Phêrô là một con người biết ăn năn hối cải,
biết quay trở về với Thiên Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc thống khổ
của Ngài, Phêrô không hiểu gì về cái chết của Chúa. Ông cứ tưởng Chúa Giêsu
thiết lập Vương Quốc và khôi phục dân Israen. Phêrô không thể nào tưởng tượng
được Thầy mình sẽ phải đau khổ, phải chết. Nên, Phêrô đã cản ngăn ý định cứu
thế của Chúa. Chúa đã mắng Phêrô thậm tệ. Phêrô không dám cãi lại vì yêu Thầy,
biết mình sai, Phêrô im lặng, âm thầm ăn năn sám hối. Trong cuộc thương khó của
Chúa, trước đó Phêrô rất hăng, thưa với Chúa :” Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy
đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã “ . Phêrô quả thực là con người
thật mau mắn, rất chân thực, tuy nhiên ngay sau đó Ông đã phản bội Chúa, chối
Chúa tới ba lần. Phêrô đã khóc khi Chúa nhìn Ông và Ông đã thật lòng sám hối ăn
năn. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, nên trong chức vị làm đầu Giáo Hội, Phêrô đã
luôn củng cố đức tin của các tín hữu và rao giảng về lòng tha thứ của Chúa
Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con
luôn biết cảm nghiệm sâu xa lời khuyên bảo của Thánh Phêrô, Vị Tông Đồ Trưởng
lãnh đạo Giáo Hội của Chúa :” Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên
Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em “ ( Cv 3, 19 ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?
1.Tại sao Chúa Giêsu lại muốn biết các môn đệ
nghĩ Ngài là ai ?
2.Nhiều người đã nói gì về Chúa ?
3.Phêrô đã nói gì về Chúa Giêsu ?
4.Quan niệm của các môn đệ về Vương Quốc của
Chúa Giêsu ?
5.Chúa Giêsu có bằng lòng với sự suy nghĩ của
Phêrô về Ngài ?