Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm A
Ðấng Cứu Thế Chịu Ðóng Ðinh
(Yr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)
Phúc Âm: Mt 16, 21-27
"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ
mình".
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ
thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật
sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà
can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như
vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra
đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì
thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà
theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất
mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà
thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự
sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các
thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc
họ làm".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXII Thường Niên A
Yr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27
Như bài Tin Mừng vừa cho chúng ta biết: hôm ấy
Chúa Yêsu bắt đầu tỏ cho môn đệ thấy Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ và sẽ bị
giết rồi ngày thứ ba sẽ sống lại. Ðó là một mạc khải kinh khủng đối với các
Tông đồ. Cứ nhìn vào phản ứng của Phêrô thì rõ. Tuy nhiên đó chỉ là những đau
khổ động tới con người của Chúa Yêsu, chứ chưa phải là những đau đớn đổ xuống
trên thân xác các môn đệ. Hôm nay, phụng vụ muốn nói chính bản thân chúng ta
đây phải sẵn sàng chịu mọi đau khổ vì Chúa. Chúng ta phản ứng thế nào? Và trước
hết chúng ta có thâm tín như vậy không? Chúng ta có chắc rằng chúng ta, mọi kẻ
theo Chúa đều phải khổ vì Chúa không? Nếu có, chúng ta phải đón nhận những đau
khổ đó như thế nào? Thiết tưởng việc đọc lại các bài Kinh Thánh hôm nay sẽ có
ích nhiều cho chúng ta.
A. Nhà Tiên Tri Ðau Khổ
Bài sách Yêrêmya vắn tắt nhưng lâm ly. Nhà tiên
tri than thở với Chúa nhưng thực ra cũng muốn cho người khác nghe. Ông tóm tắt
cuộc đời của mình trong những lời rất bi quan và đau xót. Lúc nào ông cũng phải
la lối: "hành hung và bức hiếp", bởi vì ông được Chúa chọn để sai đi
nói với dân: khủng khiếp sắp đổ xuống dân bội bạc, bất tín và dâm đãng này. Ðầu
tiên người ta cũng giật mình, nhưng rồi bị thói quen lôi đi, phù vân hấp dẫn và
được các tiên tri giả luôn luôn phỉnh nịnh, người ta đâm chán, đâm ghét và muốn
xóa bỏ con người cứ liên tiếp đe dọa những tai ương, hình phạt. Có lần người ta
đã bắt ông, tống giam và suýt nữa đập chết ông.
Bị kỳ thị tránh né, hiểu lầm, ghét bỏ, Yêrêmya
suy nghĩ về cuộc đời của mình. Vì sao lại đâm đầu vào cái nghề tiên tri này? Và
sao không bắt chước loại tiên tri kia cứ nói hay, nói tốt cho người ta để được
yêu, được thích, được nhiều tiền nhiều của? Cớ sao cứ nói mãi những điềm dữ và
tuyên bố kinh khủng sắp đổ xuống trên mọi người, để người ta phải tránh, phải
sợ mình như sợ dịch?
Càng suy nghĩ, Yêrêmya càng hiểu rõ bản chất và
ơn gọi của mình. Con người xác thịt của ông chắc chắn không muốn sống như xưa
nay ông vẫn sống. Nếu cứ phải là tiên tri, chắc chắn nó muốn làm như bọn tiên
tri giả, cứ phỉnh nịnh người ta là được chiều chuộng
và sung sướng. Làm tiên tri thật, biết nói lên cái hay nhưng cũng không câm
miệng trước cái dở của người ta, kể cũng đã khó... huống nữa là chỉ rặt kêu la:
"hành hung và bức hiếp!". Lại nữa có chắc gì sẽ xảy ra như vậy? Yôna
cũng có lần bị cám dỗ như thế. Ông được Chúa sai đi để cảnh cáo dân tội lỗi.
Ông không muốn đi vì ông nghĩ Chúa nhân từ vô bờ, chỉ cần người ta quay đầu lại
một tý là Người đã tha thứ và rút cánh tay đe phạt về. Nhưng tại sao Yêrêmya cứ
cố chấp và còn nhiệt thành nữa trong việc rao truyền những hình phạt khủng
khiếp sắp đổ xuống trên con cái
Cuối cùng Yêrêmya phải thốt ra những lời hôm
nay chúng ta vừa nghe đọc. Không phải ông tự chọn cho mình ơn gọi này; không
phải ông thích thú khi tuyên sấm bi quan khủng khiếp như vậy; không phải ông
không biết những ê chề, đau khổ và nguy hiểm cho bản thân khi nói ngược với
những sự chờ mong của người ta. Cực chẳng đã ông phải làm tiên tri. Không phải
để dù sao cũng phải sống và phải có một nghề; nhưng nào ai hiểu được, chỉ để
tuân lệnh Yavê!
Người ta bảo ông bị mê hoặc, lừa dối. Phải, nói
cho cùng, ông thấy mình bị dụ dỗ thật sự. Nhưng không phải là bùa thiêng hay ma
quỷ nào lừa đảo được ông; nhưng là chính sức mạnh của Thiên Chúa. Thần khí
Người ập xuống. Ông bị uy hiếp và bị khắc phục, không phải một cách miễn cưỡng
và khó chịu, nhưng êm ái và bình an. Thiên Chúa uy dũng đã chiếm đoạt lấy ông.
Ông nằm trong tay Người như đứa con trên tay người mẹ: khoan khoái và tin tưởng
làm sao! Gặp Thiên Chúa rồi, cảm tình yêu của Người rồi, Yêrêmya phó thác hoàn
toàn tấm thân và đời sống nhỏ bé và mỏng manh của mình trong tay Người. Từ nay,
Yêrêmya chỉ còn là khí cụ trong tay Ðấng điều khiển tất cả trời đất "vừa
cương vừa nhu" (fortiter et suaviter). Ông không làm chủ đời mình nữa. Ông
thấy thích thú sâu xa lạ lùng khi được sử dụng vào công việc của Thiên Chúa,
cho dù xác thịt tự nhiên cảm thấy ngược lại.
Thế nên nói cho cùng những ê chề, đau đớn, khổ
sở mà người ngoài nhìn thấy ở nơi ông và chính xác thịt ông cũng thấm thía thật
sự, tất cả những sự ấy vẫn không động đến được ý chí và quan điểm của ông vì
"nơi lòng ông như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt ông; ông hết
sức nén lại, nhưng không tài nào nén được" bởi vì Thiên Chúa đã dụ dỗ và
đang thắng ông.
Yêrêmya đúng là "Người của Thiên
Chúa". Ông mô tả trước con người của Ðức Kitô. Ông nhắc nhở tất cả chúng
ta về ơn gọi tiên tri của mình. Chúng ta đã lãnh nhận ơn gọi này khi chịu phép
Rửa. Mỗi người chúng ta đã được Chúa đặt làm tiên tri để công bố đường lối chân
thật của Người. Chúng ta không thấy vất vả vì ơn gọi đó sao? Hay là chúng ta
không thi hành ơn gọi đó? Hoặc là chúng ta đang phàn nàn ta thán về số phận khó
khăn của ơn gọi là Kitô hữu? Chúng ta chỉ tìm được bình an chân chính và sâu xa
nếu chúng ta biết suy nghĩ và tìm ra sự thật như Yêrêmya trong bài Kinh Thánh
hôm nay. VÀ bây giờ chúng ta được trang bị đầy đủ để đi vào hai bài Kinh Thánh
khác.
B. Ðấng Cứu Thế Chịu Ðóng Ðinh
Sách Tin Mừng Matthêô kể: từ bấy giờ Ðức Yêsu
bắt đầu tỏ cho môn đệ hay "Ngài phải đi Yêrusalem và chịu nhiều đau
khổ...". Ðó là câu văn rất quan trọng. Nó đánh dấu một giai đoạn mới trong
cuộc đời Chúa Cứu thế. Cho đến hôm ấy, Người chưa bao giờ bảo môn đệ biết những
đau khổ đang chờ Người. Nói đúng hơn, cho đến bấy giờ Người thường đi giữa quần
chúng và dạy dỗ họ. Từ nay Người sắp đi Yêrusalem với Nhóm môn đệ của Người.
Như vậy hoạt động của Người như muốn thu nhỏ lại hơn, để có giờ đào tạo, huấn
luyện, sát các môn đệ hơn. Làm cho họ hiểu Người và giống như Người hơn. Và vì
thế Người bắt đầu tỏ cho họ thấy sứ mạng và vinh quang đích thực của Người:
Người sẽ đi Yêrusalem, bị bắt, bị xử, bị giết và sống lại ngày thứ ba.
Ðó là chương trình đào tạo của Người kể từ hôm
nay. Không phải chỉ là một bài học chỉ cần cắt nghĩa là môn đệ hiểu được. Nhưng
là cả một nếp sống mà Người sẽ lần lần "tỏ" ra cho họ thấy, mặc dù
chưa chắc họ đã hiểu. Nhưng dù sao cũng phải dùng lời nói để mô tả nếp sống ấy.
Hôm nay Chúa Yêsu đã làm công việc này. Chẳng may Người gặp phải một phản ứng
tức thời, phản ứng của Phêrô, kẻ mà Người mới đặt làm Ðá để xây lên Hội Thánh.
Phêrô kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách
Ngài: "Thiên Chúa thương! Chứ sẽ có đâu như thế!". Kể ra ông cũng rất
tế nhị. Ông không dám thẳng thắn phản đối Ngài. Ông kéo Ngài ra để nói riêng,
không muốn cho đồng bạn nghe thấy. Ông còn nại đến Thiên Chúa: Người tốt lành
không thể để xảy ra như lời Ðức Yêsu đã nói.
Thế thì vì sao Ðức Yêsu lại như phẫn nộ đối với
Phêrô. Người nói to không nể mặt: "Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan! Ngươi là cớ
vấp phạm cho Ta...". Có lẽ câu tiếp theo làm cho người ta hiểu ý của Người
hơn, Người bảo: "Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên
Chúa, mà là của loài người".
Phải, hôm ấy Ðức Yêsu bắt đầu tỏ cho môn đệ
thấy tương lai của Người; mà tương lai ấy đâu phải Người xây dựng, mà là chính
Thiên Chúa vì Người đã nói rõ: "Ta đến không phải để làm theo ý muốn của
mình, mà là ý của Ðấng đã sai Ta". Như vậy, cuộc Tử nạn Phục sinh của
Người là kế hoạch của Thiên Chúa. Phêrô chưa nhận ra điều ấy. Ông tưởng đó là ý
riêng của Ðức Yêsu. Thế nên ông tưởng có thể góp ý với Người. Và ý của ông cũng
là ý của các môn đệ, là ý của quần chúng, của con cái
Tác giả sách Tin Mừng Matthêô có lẽ đã hiểu rõ
ý Ðức Yêsu Kitô. Ông đính ngay vào đoạn văn trên những lời Chúa dạy dỗ môn đệ:
"Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá
của mình và hãy theo Ta". Ðó là bài học cụ thể phải rút ra sau khi đã thấy
mầu nhiệm Thánh giá của Chúa. Là điều chúng ta phải ngẫm nghĩ khi muốn đi theo
Người và làm môn đệ của Người. Phêrô và các Tông đồ khi đi theo Chúa cũng muốn
tham dự vào công cuộc cứu thế của Người. Chúng ta còn hơn nữa, vì khi chịu phép
Rửa tội, chúng ta được sát nhập vào Thân Thể của Người. Chúng ta trở nên Kitô
hữu. Chúng ta mặc lấy thân phận của Ðức Kitô. Người tuy là Cứu thế và hơn nữa
chính để cứu thế, đã chấp nhận chương trình của Thiên Chúa là đi lên Yêrusalem
để bị bắt, bị xử, bị đóng đanh và bị giết. Ðó là con đường cứu thế, con đường
của Vua Kitô, con đường của những ai được xức dầu Vương giả của Người.
Hôm nay chúng ta không thể không suy nghĩ những
điều ấy, để thấy không những ơn gọi tiên tri mà cả ơn gợi vương đế trong Bí
tích Rửa tội đều thúc đẩy chúng ta phải đi vào con đường của mầu nhiệm thánh
giá. Nếu muốn sống làm chứng nhân cho đường lối của Chúa, chúng ta đã phải sẵn
sàng can đảm, thì muốn tham dự và tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người, chúng ta
không thể không muốn chấp nhận lấy thân phận của người Tôi Tớ Thiên Chúa. Lúc
ấy chúng ta mới thấm thía lời Chúa dạy: ai muốn làm lớn hãy trở nên rốt bét...
Hết thảy hãy học với Ta vì Ta có lòng khiêm nhường hiền lành... Ai muốn cứu
mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được
sự sống. Chỉ khi thâm tín những chân lý này, việc làm dấu Thánh giá và đeo ảnh
Thánh giá trên mình mới có ý nghĩa. Ðó không phải chỉ là dấu hiệu nói rằng
chúng ta đã thuộc về Chúa Yêsu Kitô Cứu thế chịu đóng đinh, nhưng còn là cử chỉ
muốn đóng đinh xác thịt và đời sống của mình để cứu thế với Ðức Yêsu Kitô. Sống
ơn gọi vương đế cũng phải vác thập giá và chết trên thập giá như khi sống ơn
gọi tiên tri. Còn muốn sống ơn gọi tư tế trong Bí tích Rửa tội có như vậy không?
C. Anh Em Hãy Hiến Dâng Thân Mình Là Lễ Tế Sống
Ðoạn thư Phaolô hôm nay mở đầu phần khuyên bảo
trong thư Rôma. Thánh Tông đồ thôi giảng về giáo lý và bắt đầu dạy dỗ tín hữu
về cách ăn ở. Chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng sự tôn thờ chân thật
mà Người muốn, không phải là kinh kệ hay lễ dâng bề ngoài, nhưng là lễ tế
thiêng liêng.
Chúng ta hay hiểu lầm ý nghĩa của hai chữ
thiêng liêng này. Chúng ta tưởng thiêng liêng là không hữu hình, không nhìn
thấy. Và chúng ta nghĩ tôn thờ thiêng liêng không cần đến nhà thờ, bàn thờ,
kinh kệ, nghi lễ, mà chỉ cần tâm hồn. Thế là vô tình chúng ta có thể rơi vào
"duy tâm".
Nhưng không có tâm hồn ở ngoài thân xác. Và
không phải tâm hồn hay thân xách chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa, mà là
chính chúng ta là những con người có cả tâm thần và xác thịt. Thánh Phaolô nói
chúng ta phải dâng thân mình làm lễ tế sống, tức là phải dâng chính chúng ta và
tất cả chúng ta với những sự thuộc về chúng ta làm lễ tế sống thánh thiện đẹp
lòng Thiên Chúa. Không phải chúng ta sẽ trói mình lại như Abraham bắt trói
Isaac ném lên đống củi... Kiểu tế sống đó Thiên Chúa không muốn. Người không
cho Abraham làm. Nhưng Người đã ban Con Một Người đi chịu chết. Và lễ tế sống
thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, chính là lễ hy sinh của Ðức Yêsu Kitô trong
mầu nhiệm Thập giá. Lễ hy sinh này, Ðức Yêsu Kitô đã khởi sự hôm nay khi Người
bắt đầu tỏ cho môn đệ thấy Người sẽ đi lên Yêrusalem để chịu chết. Nói đúng
hơn, Người đã bắt đầu tế lễ sống chính mình khi bước vào thế gian như thư Hipri
nói: "Này Con xin đến để làm theo Thánh Ý Cha".
Mà ý của Thiên Chúa không phải ý của thế gian
vàloài người. Thế nên thánh Phaolô diễn tả tư tưởng ở trên rằng: "Ðừng rập
theo đời này, trái lại hãy canh tân lương tri, mà biến hình đổi dạng, làm sao
anh em thẩm định được Ý Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành, thú vị, trọn
hảo".
Mọi chữ đều ý nghĩa. Chính đời sống không rập
theo đời này, nhưng canh tân lương tri, biến hình đổi dạng, ăn ở theo giáo huấn
của Thiên Chúa, là lễ tế sống, thánh thiện đẹp lòng Người. Như vậy đời sống tư
tế của người tín hữu chẳng thuần túy thiêng liêng theo nghĩa vô hình và hoàn
toàn nội tâm; bởi vì canh tân biến đổi đời sống cho phù hợp với Ý Chúa phải tác
động đến thân xác và nếp sống hữu hình. Nhưng tất cả những kinh kệ và lễ dâng
chỉ trở thành lễ tế thiêng liêng khi đó là những lời kinh và lễ dâng của con
người đang kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm thánh giá, là mầu nhiệm
hiến dâng và trao ban cả thân mình cho Thiên Chúa và cho hạnh phúc của loài
người.
Giờ đây chúng ta sắp cử hành mầu nhiệm ấy nơi
bàn thờ. Ước gì việc tham dự thánh lễ hôm nay đưa chúng ta vào sâu hơn ơn gọi
của Bí tích Rửa tội, là bí tích biến chúng ta nên Kitô hữu, môn đệ của Ðức
Kitô. Bí tích ấy xức dầu chúng ta nên ngôn sứ, vương đế và tư tế trong Ðức
Yêsu. Người đã là Vị Ngôn sứ đau khổ hơn hết. Người đã làm Vua trên Thánh giá.
Người đã tế lễ khi hiến dâng sự sống mình. Người đang kêu gọi và đòi hỏi chúng
ta: nếu muốn đi theo Người hãy vác lấy thập giá của mình mà đi theo Người.
Quan điểm này phải canh tân lương tri và biến
đổi đời sống chúng ta nên lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và hữu
ích cho mọi người hơn.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)