(Mátthêu 16,21-27 – CN
XXII TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Lời tiên báo đầu tiên
về Thương Khó được trực tiếp nối kết với “cuộc thẩm vấn” Xêdarê Philipphê
(cc.13-16.20), nhất là với câu trả lời của các môn đệ. Tâm trí của các ông hình
như đang hướng về một lý tưởng thiên sai trần thế và có tính quốc gia. Lúc đầu
Đức Giêsu đã yêu cầu các ông phải giữ kín (c. 20), còn bây giờ Người bắt đầu
vén mở cho các ông thấy số phận bi đát đang chờ đợi Người. Cứ cho đi là cuối
cùng cũng đi đến mục tiêu mà họ đang hết sức khao khát (x. 17,4; 20,20-28),
nhưng con đường đưa tới đó lại hoàn toàn đi ngược lại mọi cách nhìn và mọi sự
chờ đợi của các ông. Công thức “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu …” được tác
giả dùng hai lần để đánh dấu hai phần lớn của tác phẩm (4,17; 16,21): ở đây,
công thức ấy cho thấy một khúc quanh trong cuộc đời hoặc trong sinh hoạt của
Đức Giêsu.
Trong phép rửa của Đức
Giêsu, Chúa Cha đã cho thấy Người là tôi tớ (3,17 dựa theo Is 42,2).
Trong các cám dỗ, Đức Giêsu đã chứng tỏ Người đi theo hướng làm Mêsia khiêm
nhường (4,1-11). Khi giảng Bài Giảng trên núi, Người đã chúc phúc cho những
người nghèo (5,2). Khi trả lời cho các sứ giả của Gioan Tẩy Giả, Người đã ám
chỉ Người là Đấng Mêsia của người nghèo (11,5), của những người đau khổ phiền
sầu (11,28-30). Thất bại của sứ vụ Galilê không tiên báo một tương lai màu
hồng. Nhưng các tông đồ không để ý đến các hoàn cảnh đó, cũng như không quan
tâm đến những ám chỉ hoặc những tuyên bố rõ ràng của Đức Giêsu. Các ông chờ đợi
mọi sự, trừ những gì phải xảy ra thật sự. Các câu trả lời ở Xêdarê Philípphê
cho thấy tâm trí các ông vẫn còn đang hướng về các lý tưởng vinh quang và uy
hùng trần thế.
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia
làm ba phần:
1) Đức Giêsu tiên báo
cuộc Thương Khó (16,21):
a) Khúc quanh quan trọng (c. 21a),
b) Mô tả chi tiết tương lai
đang chờ Người tại Giêrusalem (c. 21b);
2) Phêrô ngăn cản Đức Giêsu đi vào Khổ Nạn (16,22-23):
a) Phêrô ngăn cản Đức Giêsu (c. 22),
b) Đức Giêsu xác định vị trí của Phêrô (c. 23).
3) Đức Giêsu giáo huấn về đời môn đệ (16,24-27):
a) Quy luật tổng quát của đời
môn đệ (c. 24),
b) Nghịch lý “cứu – mất” (c.
25),
c) Một suy tư mục vụ: nên
khôn ngoan cân nhắc mà chọn lựa (c. 26),
d) Một biến cố tương lai, “Con
Người sẽ ngự đến trong vinh quang”: nên khôn ngoan cân nhắc mà chọn lựa (c.
27).
3.-
Vài điểm chú giải
-
Từ lúc đó (21): Công thức này đánh dấu hai phần lớn của Tin Mừng Mt:
phần một là 4,17–16,20 được dành để nói về Nước Trời; phần hai là 16,21–28,20
được dành cho Con Người trên đường đi tới Thương Khó và Phục Sinh. Công thức
“Từ lúc đó, Người bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết” cho thấy tất cả mức hệ trọng
của quyết định Đức Giêsu đã lấy và mối nguy hiểm mà Người đang đi vào.
-
tỏ cho biết (21): Tác giả không dùng động từ
“giảng dạy” (didaskô; x. Mc 8,31), vì ngài coi động từ này ưu tiên diễn
tả giáo huấn luân lý.
-
Người phải đi (21): Đọng từ “phải” (hy lạp dei = cần thiết) có ý
nói đây là một điểm thuộc ý muốn, hoặc chương trình của Chúa Cha.
-
đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư
gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại (21): Đức Giêsu mô tả
chi tiết chương trình Người đang đi vào. Điều này cho thấy Người biết trước và
Người làm chủ tình hình. Bị giết chết (apoktanthênai, aor. inf.
pass. apokteinô) và … sống lại (egerthênai, aor. inf.
pass. egeirô): Đây là những động từ ở thái bị động cho thấy Đức Giêsu
không chủ động, nhưng là các thủ lãnh Do Thái, hoặc nói cho cùng, là chính
Thiên Chúa.
-
ngày thứ ba (21): có nghĩa là một thời gian ngắn.
-
Phêrô liền kéo riêng … bắt đầu trách … (22): Phản ứng của Phêrô cũng là
phản ứng của sự khôn ngoan loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Vị
tông đồ muốn có sự thoả hiệp, sự thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp
lực của tính ích kỷ hoặc của quyền lực. Mới đây còn là gương mẫu của người tin
(16,17), nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức
Giêsu một con đường như Tên Cám Dỗ đã đề nghị (4,1-11).
-
Anh cản lối Thầy (23): dịch sát “Anh đang trở thành tảng đá làm cho Thầy
vấp”. Mới đây là “tảng đá trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ Phêrô thành
tảng đá “cản lối Thầy [làm cho Thầy vấp]”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không
phải là bản thân bác thuyền chài Simôn, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức
Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.
-
từ bỏ chính mình (24): có nghĩa là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi
hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác. Tức là
không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính
đáng của riêng mình.
-
đi (bước) theo (24): đồng nghĩa với “học với; làm môn đệ” (x. 11,29).
Động từ này không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy,
nhưng là bắt chước các phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy,
tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ.
-
việc họ làm (27): Praxis có nghĩa là
“lối sống, lối cư xử”, hàm ý là có các kinh nghiệm nữa. Tác giả Mt chọn
từ này rất có thể bởi vì ngữ cảnh không ưu tiên nói về các “hành vi” (erga)
hiện tại của người môn đệ, nhưng nói về sự đau khổ tích cực của họ.
4.-
Ý nghĩa của bản văn
*
Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó-Phục Sinh (21)
Sau
lệnh im lặng ở c. 20, làm cho các môn đệ trở thành những người ở bên trong, có
sự hiểu biết đặc biệt mà dân chúng không có, Đức Giêsu loan báo cho họ những
dau khổ và sự phục sinh của Người. Bây giờ Người đào sâu sự hiểu biết đặc biệt
của các môn đệ.
Với công thức “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu”, chúng ta hiểu rằng lời
tiên báo Thương Khó-Phục Sinh này không
phải là một lời sấm biệt lập, nhưng là một chương mới mà Đấng Cứu thế
đang mở ra trước mắt các môn đệ, chứ không riêng Phêrô. Các ông vẫn đang mơ
những hào nhoáng thế gian, một cung cách cứu thế vinh quang trần tục, nên không
dễ gì mà đưa các ông đến chỗ quan niệm ngược lại. Tuy nhiên, Đức Giêsu cương
quyết đi vào đề tài mới. Người trình bày chi tiết: (“tỏ cho biết”, deiknyein)
nơi sẽ xảy ra biến cố, bản án tử hình phải chịu, những người sẽ xét xử, và cuộc
Phục Sinh ngay sau đó. Đây là điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Các
động từ ở thái bị động (apoktanthênai và egerthênai) cho thấy Đức
Giêsu không chủ động, nhưng là các thủ lãnh Do Thái, hoặc nói cho cùng, là
chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài tường thuật cuộc Thương Khó sẽ cho thấy Đức
Giêsu cũng chủ động. Người đi theo con đường được chỉ định trong tư cách là Con
vâng phục của Thiên Chúa.
Qua
phản ứng của các môn đệ mà đại diện là Phêrô, tác giả cho thấy sự vấp phạm của
cọng đoàn tín hữu sơ khai khi đứng trước chướng kỳ thập giá (x. 1 Cr
1,17-25; Rm 1,16).
*
Phêrô ngăn cản Đức Giêsu đi vào Khổ Nạn (22-23)
Phản ứng của Phêrô giúp hiểu sự kháng cự của trí khôn loài người khi
đứng trước sứ điệp về thập giá. Mới trước đó, với lời tuyên xưng Đức Giêsu là
“Đấng Kitô (= Đấng Mêsia)”, được Thầy khen là đã phát biểu dưới ánh sáng mạc
khải của Chúa Cha, Phêrô nghĩ rằng lời nói này hẳn cũng có giá trị như thế! Ông
không ngờ bây giờ ông đã trở thành hiện thân của Satan đang tìm cách cản bước
Đức Giêsu đi theo kế hoạch của Chúa Cha. Tảng đá xây dựng Hội Thánh thật mong
manh nếu không tin tưởng cạy dựa vào Đức Giêsu.
Ở đây, còn có thể hiểu thêm một tầng ý nghĩa nữa: Phêrôi là người phát
ngôn thay cho nhóm môn đệ, giống như ông đã tuyên xưng đức tin ở c. 16 với
những lời lẽ của các môn đệ và lời tuyên xưng của Giáo Hội. vậy hẳn là Phêrô
không chỉ phản đối nhằm phi bác đau khổ của Đức Giêsu, mà còn phi bác đau khổ
của người môn đệ và của Giáo Hội. Trong tư cách là môn đệ, ông sống tình trạng
nhị giá giữa tin tưởng và hoài nghi, giữa tuyên xưng và sợ hãi hậu quả của lời
tuyên xưng ấy, giữa phản bội và hối hận (x. 26,69-75). Phêrô chẳng xấu hơn các
môn đệ vì ông đã phản bội Thầy chẳng hạn, cũng như ông không tốt hơn các bạn vì
ông đã tuyên xưng Thầy ở 16,16-19.
Đức Giêsu đã phản ứng rất mạnh lại với lời can gián của Phêrô: “Xatan,
lui lại đàng sau Thầy (Hypage… Satana)” (c. 23). Lời này nhắc lại
chước cám dỗ cuối cùng ở 4,10, khi Đức Giêsu loại bỏ việc thống trị thế giới
theo đề nghị của quỷ. “Anh cản lối Thầy”, anh là tảng đá vấp (skandalon)
cho Thầy. Skandalon là một từ mạnh để diễn tả dịp tội. Hình ảnh này đối
lập lại với “tảng đá” là chính Phêrô ở 16,18. Các câu 17-18 và c. 23 cho thấy
rõ sự đối lập căn bản giữa Thiên Chúa và loài người: do ân huệ Thiên Chúa ban,
Phêrô là một “tảng đá (xay dựng Hội Thánh)”; do chính suy nghĩ của ông, ông là
một “tảng đá vấp”. “Lui lại đàng sau Thầy” (opisô mou) nhắc lại 4,19 và
chuẩn bị cho 16,24, xác định vị trí duy nhất được dành cho Phêrô.
*
Đức Giêsu giáo huấn về đời môn đệ (24-27)
Quy luật sống của người môn đệ được tổng hợp trong ba điểm: từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình và bước theo. “Từ bỏ chính mình” là bỏ đi cả những khát
vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ
khác; tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những
quyền lợi chính đáng của riêng mình. “Vác thập giá mình” là chấp nhận bản án
thập giá; tức là từ bỏ những tiện nghi thoải mái và cả mạng sống mình vì muốn
trung thành với Đức Giêsu và với sứ mạng của Người. “Bước theo” không có nghĩa
là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước các
phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công
trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ. Đau khổ của Đức Giêsu và
đời môn đệ với các đau khổ thuộc về nhau. Ta chỉ có thể thực sự hiểu Đức Giêsu
bằng cách bước theo Người trong đau khổ. Hẳn là Phêrô đã hiểu Đức Giêsu là ai,
nhưng ông không sẵn sàng sống sự hiểu biết ấy.
Chương trình trên đây không dễ; nó đòi hỏi rất nhiều ý chí và can đảm.
Người môn đệ sẽ bị cám dỗ trốn chạy để cứu lấy mạng sống mình khỏi những đau
khổ và một cái chết tàn bạo, nhưng đó là một ảo tưởng. Rõ ràng là đau khổ không
phải chỉ là chấp nhận thụ động, nhưng là một hình thái sống tích cực: “Nếu ai
muốn… (ei tis thelei…)”. Qua nghịch lý “cứu – mất”, tác giả giúp hiểu
rằng nếu kiên trì trong đời môn đệ, người tín hữu có thể phải chết sớm nhưng
sau đó sẽ được sống muôn đời; trái lại, nếu người ấy chối từ Đức Giêsu, cuộc
sống trần thế của người ấy có thể được kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng
sau đó sẽ kết thúc bằng một cái chết thật sự.
Một suy tư mục vụ (c. 26) bổ túc câu nói về “mất” và “cứu” mạng sống.
Viễn tượng được mở rộng ra nữa: Người ta có thể đạt được tối đa thành tích trần
thế trong cuộc đời này, tới mức chinh phục được cả thế giới, nhưng nếu phải mất
tình nghĩa, sự hiệp thông với Thiên Chúa, là nguồn sự sống chân thật, thì tất
cả những lợi lộc có đó sẽ vô ích, bởi vì với các của cải trần thế đã tích lũy
lại đó, người ta vẫn không thể vớt lại được những gì đã mất và không thể chinh
phục những gì họ không có.
Thế rồi, Đức Giêsu quay về Con Người, Đấng sẽ đến với các thiên thần để
xét xử thế gian. Đây là việc xét xử về lối sống (praxis) của loài người
mà tác giả sẽ mô tả chi tiết ở 25,31-46. Lời nói về cuộc quang lâm của Đức
Giêsu “Con Người” cũng nhắc nhở người ta biết chọn lựa đúng đắn. Tuy nhiên, Đức
Giêsu, là “Con người” và là “Thẩm phán thế gian”, cũng là Đấng đang ở cùng các
môn đệ, để dạy dỗ họ, đi trước họ vào trong đau khổ và phục sinh, gọi họ là “có
phúc”, vẫn kêu gọi họ “bước theo Người” khi họ sa sút, và ở cùng họ như là Đấng
được tôn vinh “cho đến tận thế” (28,20). Sự phán xét mất tính cách đáng kinh
hãi, bởi vì Con Người đang được chờ đợi không là ai khác ngoài Đức Giêsu, Đấng
mà Hội Thánh biết và Đấng xuyên qua dòng lịch sử đã đi trên nẻo đường họ sẽ đi.
Ngoài ra vị Thiên Chúa mà Người Con sẽ cho thấy vinh quang lại không là ai khác
ngoài Cha của Đức Giêsu “Con Người”, Đấng nghe các lời cầu nguyện của Hội
Thánh.
+
Kết luận
Lời phản đối của Phêrô được dùng như
một điển hình. Khi phải đối đầu với đau khổ, ông suy nghĩ như “loài người”, tức
là duy lý, ích kỷ, đi từ một tình yêu loài người. Đức Giêsu trả lời bằng một
kiểu đối lập sắc bén. Các tiêu chuẩn này của loài người không có giá trị gì trước
nhan Thiên Chúa. Các môn đệ phải chấp nhận công việc của Đức Giêsu và phản ánh
lối sống và sự đau khổ của Người. Vậy, sống và chịu đau khổ như Đức Kitô chính
là nét tiêu biểu của đời môn đệ, của Hội Thánh.
Về phương diện Kitô học, tác giả đã
diễn tả mầu nhiệm Đức Đức Kitô bằng cách đóng khung lời tuyên xưng của Phêrô về
“Con Thiên Chúa” bằng một phân đoạn nói về Hẳn là Phêrô đã hiểu Đức Giêsu là
ai, nhưng ông không sẵn sàng sống sự hiểu biết ấy.”Con Người”. Nếu với lời
tuyên xưng của Phêrô về “Con Thiên Chúa” nhắm giới thiệu tính duy nhất của Đức
Giêsu, mà chỉ Chúa Cha mới có thể mạc khải cho biết, thì với lời tuyên xưng về
“Con người”, mục đích là giới thiệu con đường mà vị Thầm phán thế gian với các
môn đệ phải đi xuyên qua sự khiêm nhường, sự thù nghịch, đau khổ, và sự sống
lại; các môn đệ thông phần vào tất cả các tình trạng này. Đối với tác giả Mt,
điều đã rõ là không một văn phòng huấn quyền nào hay một phân khoa thần học nào
có thể là thẩm phán xét đoán tính đúng đắn trong lời tuyên xưng về Con Thiên
Chúa, nhưng chỉ có Con Người mới có thể xét đoán praxis của các môn đệ
đang tuyên xưng người.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Làm tín hữu là “bước theo Đức Giêsu”. Vừa chào đời, mạng sống của Người đã bị
đe dọa; sau đó Người đã làm nghề thợ mộc ở Nadarét trong một thời gian
dài. Khi bắt đầu cuộc đời trần thế, Người đã bắt đầu đi dưới bóng cái chết: cái
chết càng lúc càng tỏ hiện rõ ràng hơn. Các môn đệ của Đức Giêsu cần ý thức
rằng họ đang đi theo một vị Thầy đã chấp nhận một cuộc sống hiểm nghèo, thì mới
đưa lại hạnh phúc cho người khác.
2.
Cuộc Khổ Nạn nằm trong chương trình cứu độ: đây là điều “cần thiết”, tức thuộc
về kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu độ loài người. Đây là phần thâm sâu nhất,
mầu nhiệm nhất, “mới mẻ” nhất của tâm hồn Đức Giêsu và của sứ mạng Người. Nhưng
đây cũng là lý do từ bao đời vẫn gây nên cớ vấp phạm: mầu nhiệm này vừa là cớ
vấp phạm đối với thế giới Do Thái, và cũng là đề tài gây thắc mắc cho Giáo Hội
tiên khởi cũng như cho Giáo Hội ngày hôm nay và ngày mai nữa. Đấy đã là vấn đề
của sách Gióp: sau thời Lưu đày, Israel đã tự hỏi về ý nghĩa của “đức
công chính” của Thiên Chúa. Nói cách khác, làm dân được tuyển chọn, dân của
Thiên Chúa, làm đối tượng của tình yêu Người, nghĩa là gì? Nhờ mạc khải của Đức
Giêsu, chúng ta thấy điều mà sách Gióp còn coi như một ngoại lệ (= đau
khổ của người công chính), đã trở thành tiêu chuẩn: tình yêu của Thiên Chúa đi
qua Thập giá.
3.
Kinh nghiệm của Phêrô rất quý cho chúng ta. Chúng ta rất mong manh, hay thay
đổi, mà lại dễ ảo tưởng là mình “trước sau như một”. Một tư tưởng thánh thiện
có trước, phù hợp với tư tưởng của Thiên Chúa, không bảo đảm là tư tưởng tiếp
theo cũng thánh thiện, nếu chúng ta không quan tâm tìm biết ý muốn của Thiên
Chúa. Do đó, phải biết ngờ vực chính mình, đồng thời không thất vọng về những
mâu thuẫn nhận ra nơi bản thân.
4. Nên đề phòng một cách hiểu méo mó về thần
học thập giá: đau khổ trở thành mục tiêu, một giá trị tự nó thay vì chỉ là một
phương tiện, một con đường đưa tới giải thoát. Người ta hiểu Tin Mừng chỉ nói
về hy sinh, từ bỏ, hãm mình, chứ không nói đến niềm vui sướng hân hoan, sự vui
thỏa (coi đây là những điều xấu!). Thật ra, đau khổ không bao giờ được nâng lên
hàng “sự thiẹn Kitô giáo” cả. Bổn phận của người Kitô hữu không phải là dạy
chịu đau khổ, nhưng là dạy sống; không phải là dạy tích lũy các thiếu thốn, từ
bỏ, hy sinh, nhưng là loại trừ chính những nguyên nhân gây ra những điều đó.
Mục tiêu của con người là hạnh phúc, ơn gọi của con người là thực hiện một
thiên đàng trên trái đất trước khi đạt tới thiên đàng trên trời. Đau khổ, hy
sinh, đau đớn là cái giá phải trả để có niềm vui mà người Kitô hữu được mời gọi
chinh phục cho được. Điểm nhắm của ngươi Kitô hữu thì ở trên cao, nhưng để đến
được đó, phải chấp nhận vượt qua một con đường dốc gian khổ. Phải hy sinh một cái
gì đó để không đánh mất điều chính yếu. Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải
đau khổ, nhưng Ngài có thể yêu cầu họ chấp nhận đau khổ, nếu đó là nguồn làm
phát sinh niềm vui cho kẻ khác.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm