CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Từ đức tin tiến tới lòng mến
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
16:21-27)
Đức tin không chỉ vỏn vẹn là một lời tuyên xưng, nhưng là một
hành trình. Câu trả lời của ông Phê-rô
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” mới là khởi đầu của mặc khải
Chúa Cha ban cho ông Phê-rô, cho nên ông cần phải tiếp tục đón nhận toàn bộ mặc
khải ấy bằng cách tìm hiểu thêm về con người và sứ mệnh của Đấng Ki-tô. Chúa Giê-su đã mở lời cho cuộc tìm hiểu
này. Người cho các môn đệ biết những điều
Đấng Ki-tô phải thực hiện trong sứ mệnh.
Đó là: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các
thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.
Trong những điều Chúa Giê-su kể ra, chẳng thấy có điều nào
“tốt” theo mong ước của Phê-rô và các bạn cả!
Chỉ toàn là đau khổ và chết chóc!
Người ta “đi Giê-ru-sa-lem” với niềm hy vọng có được một chức vụ trong
giáo hội hoặc xã hội Ít-ra-en. Còn Chúa
Giê-su đi lên thánh đô để “bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”
(Phi-líp-phê 2:8). Người ta lên
Giê-ru-sa-lem để được toàn dân vinh danh và tỏ lòng khâm phục. Còn Chúa Giê-su lên đó để bị những vị lãnh đạo
xỉ nhục, kết án tử hình chỉ vì Người đã rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên bên cạnh những “thiệt thòi” ấy vẫn
còn lóe lên một tia sáng hy vọng: ngày
thứ ba Người sẽ trỗi dậy. Phê-rô và các
bạn tự hỏi: Chúa Giê-su sẽ sống lại ngày
thứ ba sau khi chết hay sao? Làm sao mà
tin được điều này? Dĩ nhiên họ đã chứng
kiến Chúa cho kẻ khác sống lại từ cõi chết, nhưng tự mình sống lại thì chưa hề
nghe, hoặc sẽ chẳng bao giờ có chuyện ấy.
Thế là ông Phê-rô quyết định phải hành động, phải lên tiếng khuyên Thầy
đừng đi Giê-ru-sa-lem. Ông còn “cầu xin”
Thiên Chúa “đừng để cho Thầy gặp phải chuyện ấy!”
Có
thể ông Phê-rô làm như thế vì ông và các bạn không muốn vỡ mộng “ngự trên mười
hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Mát-thêu 19:28). Cũng có thể vì thực lòng yêu mến Chúa nên
Phê-rô không muốn Chúa phải chết tức tưởi như vậy. Không ngờ Chúa Giê-su lại phản ứng mãnh liệt
trước “lòng tốt” của Phê-rô. Rất nhiều
khi cám dỗ đã đội lốt “lòng tốt” để lung lạc chúng ta. Nếu vậy thì Phê-rô có bị Chúa mắng là
“Xa-tan” quả cũng không oan ức! Chúa chỉ
muốn lấy tình thương để uốn nắn người môn đệ bộc trực này thôi chứ không phải
vì ghét bỏ. Ông Phê-rô cần học cách suy
nghĩ theo “tư tưởng của Thiên Chúa”.
Tóm
lại, Chúa Giê-su muốn sửa sai sự hiểu biết của các môn đệ về sứ mệnh của Người. Các ông cần xác tín sứ mệnh cứu độ của Chúa
và chấp nhận nó như Chúa đã chấp nhận.
Vô tri bất mộ, không biết thì không thể thực tình yêu mến. Vì thế, việc biết Chúa Giê-su là bước đầu để
người môn đệ thiết lập một tương quan cá nhân với Người và bước theo Người đến
bất cứ nơi nào Người đến hoặc sai họ đi.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong Linh Thao của thánh I-nha-xi-ô Loyola, ngài dạy người
làm tĩnh tâm, khi cầu nguyện về các mầu nhiệm cuộc đời công khai của Chúa
Giê-su, hãy xin ơn “được biết Chúa Giê-su rõ ràng hơn, yêu mến Người nồng nàn hơn
và theo Người trung thành hơn”. Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su
đã dạy ông Phê-rô và các bạn ông bài học đó.
Từ biết Chúa, người môn đệ phải tiếp tục những bước kế tiếp trong hành
trình đức tin, là phải yêu mến Chúa và sẵn sàng làm môn đệ đi theo Chúa.
Nhìn lại hành trình đức tin của mình, chúng ta hãy hỏi mình
xem đức tin chúng ta là loại đức tin nào?
Có phải là đức tin “giậm chân tại chỗ” không? Đức tin chúng ta có linh hoạt qua những hành
động như đi theo Thầy, từ bỏ chính mình, vác thập giá mình không? Những
động từ “đi, từ bỏ, vác” đều là những hành vi nói lên sự chuyển động, chuyển động
từ óc xuống tim, chuyển động từ biết Chúa đến tin và theo Chúa, chuyển động từ
suy nghĩ theo tư tưởng của loài người tới suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên
Chúa. Mà đã chuyển động thì sẽ có tấn tới,
sẽ đạt được cái “hơn” mà thánh I-nha-xi-ô đã dạy chúng ta vậy! Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi