THA THỨ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 18, 21-35

 

Tha thứ là đề tài rất quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu.Bởi vì thời Chúa Giêsu giữa dân tộc Israen và Paléttin có một mối thù truyền kiếp, những cuộc xung đột đẫm máu thường xẩy ra giữa hai dân tộc này. Do đó, Chúa Giêsu đã nhìn vào các biến cố xẩy ra xung quanh Ngài để dạy các môn đệ và nhân loại. Tin Mừng hôm nay thuật lại :” Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng : “ Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? “. Đức Giêsu đáp :” Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy “ ( Mt 18, 21-22 ).

 

Chúa Giêsu dạy nhân loại và cách riêng các môn đệ Ngài là con người phải biết đối xử, cư xử với nhau một cách đẹp. Lời của Chúa Giêsu mời gọi con người tha thứ và tha thứ mãi mãi, tha thứ không ngừng. Tuy nhiên, chúng ta thường đặt vấn nạn :tại sao lại phải tha thứ và tha thứ để làm gì ? Vâng, tha thứ là việc cần thiết trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội, trong Giáo Hội. Tha thứ là đặc điểm của tình yêu.Sách khôn ngoan nhắc nhở mỗi người chúng ta :” Hãy nhớ đến ngày cuối cùng của bạn, bỏ sự thù địch qua một bên. Hãy nhớ đến cái chết và đừng phạm tội nữa “.Nên, tha thứ không phải là nhu nhược, là yếu hèn, nhưng tha thứ lại là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của an bình.Giáo huấn của Đức Giêsu Kitô hoàn toàn khác với Cựu Ước bởi vì Cựu Ước quan niệm và dạy :” Mắt thế mắt răng đền răng “. Chúa Giêsu đi ngược lại với quan niệm của Pharisêu và Biệt phái. Giáo lý của Ngài rất mới lạ :” Hãy yêu thương kẻ thù “. Lòng nhân từ, bao dung và tình thương của Ngài tỏa sáng trên thập giá :” Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm “ ( Lc 23, 34 ). Dụ ngôn cho chúng ta hiểu Vị Vua là Cha của Chúa Giêsu. Khi các bạn của Vua xin Vua tha thứ cho người mắc nợ thật nhiều, Vua đã sẵn lỏng tha nợ. Đây là điều chỉ có Thiên Chúa mới làm như thế. Tha thứ rất cần thiết vì tha thứ là điều kiện để Chúa tha thứ cho chúng ta :” Nếu anh em tha lỗi cho người ta, Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em “ ( Mt 6, 24 ). Chúa Giêsu là mẫu gương để nhân loại noi gương về tha thứ. Kinh Lạy Cha chúng ta đọc thấy : “ Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha nợ cho những người mắc nợ chúng con “ ( Mt 6, 12 ). Tha thứ là nghĩa cử tuyệt đỉnh :” Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình “ ( Mt 5, 23-24 ).

 

Tha thứ là một nghĩa cử cao vời bởi vì có tha thứ chúng ta mới nên giống Chúa và chúng ta mới sống an bình. Thực tế, tha thứ là một lệnh truyền xem ra dễ nhưng lại rất khó thực hiện, nếu chúng ta không có ơn Chúa. Sống ân oán thường dễ hơn sống tha thứ. Do đó, chỉ có sức mạnh của Chúa, chúng ta mới tha thứ được. Sống ở gian trần, thường chúng ta rất khó tha thứ cho nhau nhất là khi chúng ta đã có cái nhìn không tốt về nhau, đã có ác cảm với nhau. Đúng phải có ơn Chúa, phải nhờ sức mạnh của Chúa, con người mới có thể vượt thắng và chấp nhận tha thứ.

 

Càng tha thứ, chúng ta càng nên giống Chúa. Tha thứ sẽ giúp những người lỗi lầm với chúng ta được sống an bình. Tha thứ chúng ta sẽ nhận được thứ tha như lời thánh Phanxicô khó khăn đã nói :” Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ “. Tha thứ chúng ta sẽ sống bình an và tràn ngập niềm vui, tràn ngập ơn cứu độ.

 

Hành động tha thứ là hành động của con tim. Và đây là nét đặc sắc nhất của Kitô giáo bởi vì :” Thiên Chúa là tình yêu “ ( I Ga 4, 8 ). “ Xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần yêu thương của Ngài, và sau khi chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng Bí tích phục sinh, xin Chúa hãy liên kết chúng ta trong tình Cha “ ( Lời nguyện hiệp lễ Phục Sinh ).

 

Thánh Phaolô nói rằng :” Chúng ta phải bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái để cùng toàn thể Dân Thánh, có đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài, rộng, cao, sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết “ ( Ep 3, 18 ).

 

Vâng từ chối tha thứ, chúng ta sẽ tự khép mình trong sự chết và tha thứ không ngừng như lời Chúa dạy là con đường dẫn chúng ta đi vào Nước Trời.

 

Lạy Chúa từ nhân,

xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết tha thứ những lỗi phạm của anh chị em chúng con vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Tại sao chúng ta phải tha thứ ?

2.Tha thứ có lợi ích gì ?

3.Chúa Giêsu dạy nhân loại và chúng ta phải tha thứ làm sao ?

4.Tha Thứ là hành động của lý trí hay con tim ?

5.Chúa dạy chúng ta khi dâng của lễ phải có điều kiện nào ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A