tha
thỨ không giỚi hẠn
(Mátthêu 18,21-35 – CN
XXIV TN-A)
1.- Ngữ cảnh
Với
ch. 18 của TM Mt, chúng ta đi vào Bài Diễn từ thứ tư, đề cập đến
đời sống huynh đệ trong lòng Hội Thánh, cộng đoàn Kitô hữu. Bài Diễn từ được
chia thành hai phân đoạn, phân đoạn thứ nhất đề cập đến “những kẻ bé mọn”
(18,1-14) và phân đoạn thứ hai liên hệ đến người anh em phạm tội (18,15-35).
Mỗi phân đoạn kết thúc với một dụ ngôn: con chiên lạc (18,12-14), và ông vua và
người đầy tớ (18,21-35).
Sau
đây là bố cục chung cho cả bài Diễn từ:
I.
Mối quan tâm đến những kẻ bé mọn (18,1-14):
A.
Người lớn và kẻ bé mọn (cc. 1-5),
B.
Đừng khinh những kẻ bé mọn (cc. 6-10),
C. Kết luận bằng Dụ ngôn: Quan
tâm đến những kẻ lầm đường lạc lối (cc. 12-14);
II.
Kỷ luật và Tha thứ (18,15-35):
A.
Kỷ luật của Giáo Hội và sự hiện diện của Đức Kitô (cc. 15-20),
B. Tha thứ không giới hạn (cc. 21-22),
C. Kết luận bằng Dụ ngôn: Tha thứ như một sự biết ơn
(cc. 23-35).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
thành ba phần:
1) Nguyên tắc: Tha thứ
không giới hạn (18,21-22);
2) Kết luận bằng Dụ
ngôn: Tha thứ như một sự biết ơn (18,23-35):
a)
Phần 1: Ông vua và người đầy tớ (18,23-27),
b)
Phần 2: Người đầy tớ và anh bạn (18,28-30),
c)
Phần 3: Ông vua và người đầy tớ (18,31-34);
3)
Kết luận của Đức Giêsu (18,35).
3.- Vài điểm chú giải
- Con phải tha đến mấy lần (21): Truyền thống kinh sư Do Thái thường nói
đến con số 4 như là con số tối đa. Phêrô nâng lên tới 7, tưởng đã hợp ý Thầy!
Đức Giêsu nói: “Bảy mươi bảy lần (hepdômêkontakis hêpta)”, vì Người lấy
lại bài ca báo thù của Laméc trong St 4,24 (“Cain sẽ được báo thù gấp
bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy”), nhưng lật ngược lại theo chiều hướng
sự tha thứ. Có bản dịch đọc là “bảy mươi lần bảy”, hoặc “bảy mươi lần bảy lần”.
Mọi cách đều có ý nói: phải tha thứ không giới hạn.
- đầy tớ (23): Doulos có thể là bất cứ hạng nô lệ nào, vì không phải
là chuyện lạ khi có những nô lệ được giao cho công việc tài chánh.
- Mắc nợ mười ngàn yến vàng … một trăm quan tiền (24.28): Nếu dựa theo
lượng định của sử gia F. Giôxép, cùng thời với Đức Giêsu, một yến vàng vào thời
đó trị giá mười ngàn quan (lương công nhật là một quan). Vậy mười ngàn
yến vàng trị giá một trăm triệu quan: tỷ lệ giữa hai món nợ là
1/1.000.000. Thật ra, đây là một con số phóng đại, bởi vì thuế cống nạp
của một tỉnh trong đế quốc Rôma cũng không vượt quá vài trăm yến vàng.
Đức Giêsu có ý nói rằng đây là một con số lớn tối đa (10.000 là con số
lớn nhất vẫn được sử dụng và yến vàng là đơn vị tiền tệ to nhất thời ấy).
- Tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y (25): Luật Do Thái chỉ
cho phép bán một người
- buồn lắm (31): Động từ lypeomai có thể diễn tả một tổng hợp
giữa buồn phiền, giận dữ và nhờm tởm, chứ không chỉ là nỗi buồn phiền.
- trình bày đầu đuôi câu chuyện (31): Động từ diasapheô có nghĩa
là “nói toạc ra hết; làm sáng tỏ”.
- thương xót (33): Ở đây là động từ eleeô của truyền thống Kinh
Thánh, tương tự động từ splanchnizomai của đời thường.
- trao y cho lính hành hạ (34): Hành hạ những con nợ đã bị bán làm nô lệ
là một cách để thúc đẩy bà con và bạn bè bỏ tiền ra mà mua tự do cho người bị
hành hạ.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đức Giêsu thường nói về
sự cần thiết phải tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta. Cứ mỗi lần
Người lại lưu ý rằng ơn tha thứ của Thiên Chúa mà chúng ta muốn nhận, vì cần
thiết cho việc cứu độ của chúng ta, lệ thuộc thái độ chúng ta sẵn sàng tha thứ.
Mối Phúc thứ năm (Mt 5,7) đặc biệt đề cập đến lòng từ bi thương xót khi
tha thứ và loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ cho những ai biết tha thứ (x.
18,33; Kinh Lạy Cha: 6,12).
Đến cuối bài Diễn từ
thứ tư, nói về cách xử sự trong cộng đoàn các môn đệ, Đức Giêsu đã trở lại mà
nói chi tiết hơn về sự tha thứ.
* Nguyên tắc: Tha thứ không giới hạn (21-22)
Câu
hỏi của Phêrô dẫn tới đề tài “sự tha thứ”. Đối với ông, đã rõ ràng là các môn
đệ của Đức Giêsu buộc phải tha thứ cho kẻ “phạm tội chống lại con” ([h]amartêsê
eis eme), nhưng ông muốn biết là phải thi hành bổn phận này như thế nào.
“Bảy lần” mà ông gợi ra không hề không đáng kể. “Bảy” là con số truyền thống
nói về sự hoàn hảo. Như thế, Phêrô gợi ý là tha bảy lần không hề có nghĩa là
ông chỉ muốn ban cho người anh em một sự tha thứ giới hạn. Câu hỏi của ông thật
ra có nghĩa là: “Phải chăng con được chờ đợi tha thứ hoàn hảo?”.
Đức Giêsu có thể chỉ
cần trả lời “đúng thế”, nhưng Người cho một câu trả lời dài hơn để nói rằng còn
phải hoàn hảo hơn thế nữa. Ông cứ phải tha thứ cách hoàn hảo nhất, liên tục, vô
biên, không biên giới, không tính toán. Câu trả lời của Đức Giêsu đã đưa đến
mức cùng cực. Đây là một chương trình, chứ không chỉ là chuyện thực tế. Rất có
thể tác giả đang nghĩ đến St 4,24; nếu không, chúng ta không có cách nào
khác để giải thích công thức lạ lùng là “bảy mươi lần bảy”. Đức Giêsu cho Phêrô
biết rằng sẽ không bao giờ đến cái lúc mà chúng ta có thể nói: Bây giờ tôi đã
tha thứ đủ rồi; bây giờ tôi không còn bị buộc phải tha thứ nữa; đối với tôi mức
độ tha thứ đã đạt rồi! Với công thức “bảy mươi lần bảy”, Người không muốn nêu
ra một khối lượng các trường hợp đo lường được, nhưng nhắm khẳng định
rằng bổn phận tha thứ không hề có một giới hạn nào.
* Kết luận bằng Dụ ngôn: Tha thứ như một sự
biết ơn (23-35)
Với
dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót”, Đức Giêsu nới rộng chân trời, cung
cấp lý do và thức tỉnh sự hiểu biết lý do tại sao chúng ta phải tha thứ không
mức độ. Hình ảnh một vị “vua” dễ dàng khiến độc giả và thính giả Do Thái nghĩ
đến Thiên Chúa. “Thanh toán sổ sách” (synairô logon) cũng là một ẩn dụ
quen thuộc để nói về phán xét. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “đầy tớ” mang sắc thái
tôn giáo, để chỉ những người “phụng sự” Thiên Chúa.
Trong câu hỏi của
Phêrô, rồi trong cách xử sự của tên đầy tớ không biết thương xót (18,28-30),
cái nhìn thu hẹp lại và chỉ nhắm đến quan hệ giữa tôi và người mắc nợ tôi: vì
có gì mà tôi cứ phải liên tục chịu đựng những thiệt thòi? Đức Giêsu nhắc ta nhớ
đến Thiên Chúa và sự tha thứ ta đã nhận được từ nơi Ngài. Như vậy, quan hệ là
giữa Thiên Chúa, tôi trong tư cách là con nợ của Người và người thân cận của
tôi đã trở thành con nợ của tôi. Dụ ngôn muốn cho chúng ta thấy rằng chúng ta
mắc nợ Thiên Chúa thế nào và Ngài đã xử chúng ta với lòng thương xót thế nào.
Trên bối cảnh này, ta thấy rõ cách phải theo mà lượng định cách xử sự không
thương xót đối với người thân cận nay đã thành con nợ.
Phần
đầu của dụ ngôn (18,23-27) giới thiệu đức vua (Thiên Chúa) và con nợ của ngài.
Người đầy tớ thứ nhất mắc nợ nhà vua mười ngàn yến vàng. Đây là một con số quá
lớn chắc chắn khiến thính giả phải sửng sốt. “Con nợ” và “mắc nợ” là những từ
ngữ dễ dàng gợi ra những sắc thái tôn giáo. Đối với các thính giả của Đức Giêsu
nói tiếng A-ram, từ ngữ khôva’ có cả hai nghĩa, món nợ về tiền bạc và
tội.
Nếu nhà vua nhất định
đòi lại nợ, tức là yêu cầu công bình phải được tôn trọng, người đầy tớ sẽ mất
hết những gì làm nên cuộc sống của anh. Anh sẽ phải thanh toán món nợ bằng
chính bản thân, tự do, gia đình và gia sản của anh: anh sẽ mất tất cả mọi thứ
ấy và cuối cùng sẽ rơi vào tình cảnh khốn quẫn hết sức thê thảm, anh sẽ rơi vào
hoàn cảnh tuyệt vọng. Theo Jeremias, giá của một nô lệ vào khoảng năm trăm đến
một ngàn quan. Đứng trước số phận như thế, người đầy tớ đã khẩn cầu nhà vua cho
khất một thời gian. Ai cũng biết rằng đây là một món nợ không thể thanh
toán. Tuy nhiên, nhà vua biết rõ hoàn cảnh tuyệt vọng của người đầy tớ và đã
động lòng thương: ông không ưng thuận cho triển hạn như anh xin, nhưng ông xóa
hoàn toàn món nợ cho anh; “ông tha”: động từ aphiêmi cũng có nhiều
nghĩa, và có thể gợi ra sắc thái tôn giáo. Như thế, người đầy tớ không những
được giải thoát khỏi món nợ, nhưng còn thoát nỗi bất hạnh và cảnh khốn quẫn vẫn
đe dọa anh lâu nay, và có thể nói, anh được hồi phục sự sống. Hẳn là anh phải
có lòng biết ơn vô hạn đối với nhà vua và sẵn sàng noi gương ông, có một con
tim như ông, mà tỏ ra từ bi thương xót với người khác (x. 5,48; 18,33).
Trong
phần thứ hai của dụ ngôn (18,28-30), con nợ vừa được ân xá gặp một người
đầy tớ đồng bạn (syndoulos), từ này gợi ý là hai người thuộc về cùng một
giai cấp, thì lẽ ra phải có tình liên đới với nhau. Người bạn này chỉ nợ anh
một món nhỏ, một trăm quan. Bằng cách đó, Đức Giêsu đánh giá tương quan
giữa món nợ chúng ta mắc với Thiên Chúa và món nợ mà người thân cận mắc với
chúng ta. Người đầy tớ vừa được tha thứ đã quên hết mọi sự. Cách xử sự của hắn
hoàn toàn ngược lại với tấm gương mà hắn đã nhận từ chủ. Hắn tỏ ra ác độc và
tàn nhẫn, hắn muốn thu hồi khoản nợ. Hắn nhào vào con nợ và bóp cổ; điều này
cho hiểu là hắn mất tự chủ. Người bạn phản ứng đúng y như hắn đã xử sự trước
mặt nhà vua; thật ra trả món nợ này là việc hoàn toàn có thể làm. Nhưng hắn
không thèm nghe lời thỉnh cầu của người ấy. Hắn không chấp nhận triển hạn. Hắn
vận dụng những phương tiện to lớn nhất, hắn bỏ người kia vào tù. Hắn không bán
người bạn để có tiền, không phải vì hắn thương xót anh ta, nhưng bởi vì số tiền
nợ ít hơn là giá bán một nô lệ, nên theo luật Do Thái, hắn không được bán người
bạn. Hắn không quan tâm đến con người, hắn chỉ quan tâm đến món nợ thôi. Thật
ra, cách xử sự này, tuy có thô bạo, nhưng không phải là khác thường. Nếu độc
giả cảm thấy rất khó chịu về lối cư xử này, là vì đã được nghe biết sự tha thứ
vô tiền khoáng hậu ở cc. 24-27. Vì những gì đã xảy ra trước, sự thô bạo thông
thường trong đời sống bị coi như là điều hết sức xúc phạm. Vậy các sự cố ở cc.
24-27 đã thay đổi cái nhìn của các độc giả.
Phần
thứ ba (18,31-34) lại mở ra hoạt cảnh ông vua và các đầy tớ với con nợ của ông,
kẻ đã tỏ ra thiếu lòng thương xót. Các đầy tớ khác thấy như thế, cảm thấy vừa
buồn phiền, vừa tức giận, vừa nhờm tởm, đã đi tường trình rõ ràng mọi sự với
nhà vua. Bây giờ vua nổi cơn thịnh nộ, ông không yêu cầu giải thích nữa, ông
gọi hắn là “đầy tớ độc ác” (doule ponêre). Độc giả hiểu là án xử đã được
quyết định. Nhà vua nhắc cho tên đầy tớ món nợ lớn ông đã tha hoàn toàn cho hắn
và bổn phận truyền đạt lòng thương xót đã nhận bằng một thái độ từ bi
thương xót. Nay nhà vua lại yêu cầu hắn phải trả trọn món nợ (pan to
opheilomenon); nhà vua bỏ hắn vào ngục và gia tăng những hình khổ.
Tuy nhiên, những câu
quan trọng nhất của cảnh cuối cùng là cc. 32-33, bởi vì ở đây tác giả nói gián
tiếp với các độc giả qua miệng nhà vua. Ở đây tác giả cho thấy sợi chỉ đỏ xuyên
suốt dụ ngôn. Người đầy tớ lẽ ra đã phải bắt chước nhà vua mà tỏ lòng thương
xót.
* Kết luận của Đức Giêsu (35)
Kết
luận của Đức Giêsu thật rõ ràng, thuyết phục. Thiên Chúa sẽ xử như thế với
những ai không thật lòng tha thứ cho “anh em” (adelphos) mình. Ở đây ta
gặp lại ý tưởng của Bài Giảng trên núi (x. 5,7; 6,14-15; 7,1-2) về sự tha thứ
và xét đoán lẫn nhau. Chỉ khi biết tha thứ cho nhau, ta mới khám phá ra chiều
sâu của lời xin trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng
tha kẻ có nợ chúng con” (6,12), đồng thời nhận ra được chân lý của Mối Phúc thứ
năm: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”
(5,7). Nói về “anh em”, tức là nói về Hội Thánh. Án xử được tuyên bố trên Hội
Thánh khi Hội Thánh không thực hành sự tha thứ giữa các thành viên với nhau.
+ Kết luận
Qua
bài dụ ngôn, Đức Kitô mạc khải lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta mắc nợ Thiên Chúa chồng chất,
nên chúng ta giống như người đầy tớ đầu tiên. Nếu Thiên Chúa có tha nợ cho
chúng ta, chúng ta vẫn là những đầy tớ hoàn toàn sống nhờ lòng đại độ và từ bi
của Ngài.
Người
nào đã hưởng nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, thì không bao giờ được
khép lại trên chính mình và tỏ ra cứng cỏi với người anh em. Người nào đã được
Thiên Chúa tha cho những món nợ khổng lồ thì không còn có thể coi người nào
khác như mắc nợ với mình nữa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta, chỉ bởi vì
chúng ta xin Ngài tha. Món nợ chúng ta mắc với Ngài quá lớn, vượt mọi giới hạn
loài người, nên chắc chắn chúng ta không thể thanh toán nổi. Nhưng Thiên Chúa
tha hết, bởi vì lòng nhân lành của Ngài vô biên. Đàng khác, chúng ta lại cần
đến sự tha thứ này để có thể đứng vững trước nhan Ngài, để có thể sống. Do đó,
nếu Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, chúng ta vẫn là tôi tớ của Ngài, sống hoàn
toàn nhờ lòng quảng đại và lòng từ bi thương xót của Ngài.
2. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Như chúng
con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (6,12). Chúng ta phải liên kết vào lời xin
Thiên Chúa tha thứ các lỗi lầm của chúng ta điều kiện sau đây: cầu mong Thiên
Chúa (chỉ) tha thứ cho chúng ta trong mức độ chúng ta đã tha thứ cho các người
có lỗi với chúng ta. Bổn phận tha thứ có tính đòi hỏi và cốt yếu đến mức dường
như Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như sau: Xin đừng tha thứ cho chúng con,
nếu chúng con đã không tha thứ cho người ta! Lời xin này của Kinh Lạy Cha cũng
là lời xin duy nhất sau đó đã được nhắc lại. Không phải chỉ một lần mà
hai lần, Đức Giêsu xác nhận dây liên kết bất khả phân ly giữa việc tha thứ của
chúng ta và sự tha thứ của Thiên Chúa: nếu chúng ta không tha thứ, chúng ta
không thể trông mong vào sự tha thứ của Ngài (x. 6,14t).
3. Chúng ta thiên về chỗ ghi nhớ các xúc phạm,
các khinh bỉ, các thiệt hại chúng ta đã phải chịu do người anh em, chúng ta cứ
nhắc đi nhắc lại. Kiểu ghi khắc các món nợ như thế có thể đi sâu vào trong trái
tim chúng ta và làm nhiễm độc các quan hệ của chúng ta. Thông thường, khó mà
tha thứ, do đó Đức Giêsu thường xuyên khuyến cáo. Trong tương quan với các anh
em mắc nợ chúng ta, chúng ta không bao giờ được quên tương quan của chúng ta
với Thiên Chúa.
4. Theo tầm nhìn của Mt 18, không thể
phân biệt giữa một tội phạm đến người anh em chị em, nghĩa là phạm đến công
đoàn, và một tội phạm đến Thiên Chúa. Các tương quan giữa con người với nhau
không thể lại kém giá trị hơn là tương quan của con người với Thiên Chúa. Cũng
như ở Mt 5,21-48, chính là do yêu thương mà thấy được sự hoàn thiện, ở Mt
18, chính là vì khinh bỉ những kẻ bé mọn và từ chối tha thứ cho các anh chị em
mà người ta chuốc lấy án xử của Thiên Chúa.
Lm PX Vũ
Phan Long,OFM