CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG
NIÊN
Sự tha thứ của Chúa
và của con người
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
18:21-35)
Chắc ông Phê-rô phải vô cùng ngạc nhiên về những lời của
Chúa Giê-su: “Thầy không bảo là tha thứ
đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.
Các ráp-bi dạy người ta phải tha thứ tới ba lần. Ông Phê-rô đã phá kỷ lục khi tăng số lần tha
thứ hơn gấp đôi, tức là bảy lần. Có lẽ
sống một thời gian với Chúa, ông đã học được nơi Người lòng quảng đại nên mới
đề nghị như vậy. Thế mà Chúa Giê-su chẳng chịu thua, nâng số lần lên gấp bảy
mươi lần, nói khác đi, Người muốn khẳng định tha thứ không thể bị giới hạn vào
con số được, mà phải tha thứ luôn luôn.
Chúng ta chợt thấy một chút thích thú trong cuộc “chạy đua”
giữa các ráp-bi, ông Phê-rô và Chúa Giê-su về việc tha thứ. Chúa Giê-su đã bỏ họ lại thật xa, vì Người là
chính Thiên Chúa và là chính sự tha thứ!
Để giúp chúng ta hiểu được lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa, Chúa
Giê-su kể một câu chuyện. Một người đầy
tớ kia mắc nợ chủ anh ta là một ông vua một món nợ kếch sù “mười ngàn yến
vàng”. Anh không có gì trả, dù có phải
bán chính mình lẫn vợ con và hết tài sản cũng không đủ để trả nợ. Anh khóc lóc van xin và ông vua đã tha hết nợ
cho anh. Trong khi đó, một người bạn của
anh ta dù chỉ mắc nợ anh ta có “một trăm quan tiền” và “sấp mình van xin”,
nhưng anh ta vẫn không tha. Câu chuyện với
những con số tượng trưng 3, 7 và 7x70 đã nói lên sự khác biệt một trời một vực
giữa lòng quảng đại tha thứ của Thiên Chúa và sự hẹp hòi cũng như không chút
thương xót của con người. Sự tha thứ của
Thiên Chúa được đo lường bằng tình yêu vô điều kiện và lòng thương xót, còn sự
tha thứ của con người được tính toán bằng số lần hoặc sự thiệt hại.
Làm sao chúng ta có thể vượt qua được giới hạn tha thứ của
con người để tiến tới giới hạn tha thứ của Thiên Chúa đây? Ở cuối câu chuyện Chúa Giê-su kể, ông vua đã
được báo cáo về sự hẹp hòi của người đầy tớ ông đã tha nợ cho, nên ông đổi ý,
không tha nợ cho anh ta nữa, mà “trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả
hết nợ cho ông”. Không phải là ông vua
đã trước sau không như một, mà ông muốn đề cao lối sống tha thứ là biết mở lòng
thương xót đối với người khác. Từ kết
thúc câu chuyện này, Chúa Giê-su đã áp dụng lòng tha thứ của Thiên Chúa vào đời
sống của các môn đệ Người: “Cha của Thầy trên trời cũng sẽ đối xử với
anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em
mình”. Chúa Giê-su giúp chúng ta
thắng vượt sự hẹp hòi của con người để biết tha thứ như Chúa Cha và như chính
Người, khi Người dạy chúng ta hãy bắt
chước. Cha nào con ấy. Cha quảng đại tha thứ thế nào thì con cũng
phải bắt chước như vậy. Chúa Giê-su đã
tha thứ những người tội lỗi thế nào, các em của Người cũng phải noi gương người
Anh Cả mà tha thứ như vậy. Từ nay chúng
ta tập đo lường sự tha thứ bằng trái tim chứ không phải bằng bài toán nữa!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Đề tài tha thứ luôn luôn thực dụng đối với chúng ta, không
những trong những tương quan gia đình, bạn bè, mà còn trong đời sống cộng đoàn
và xã hội nữa. Đề tài tha thứ có tầm
quan trọng đến nỗi nó đã được Chúa Giê-su đưa vào kinh nguyện hằng ngày: Xin Cha… tha nợ chúng con, như chúng con cũng
tha kẻ có nợ chúng con. Bao nhiêu lần
đọc kinh Lạy Cha phải là bấy nhiêu lần chúng ta xin Chúa thay thế trái tim chai
đá hẹp hòi của chúng ta bằng trái tim của Người. Tuy chúng ta biết rằng bài học tha thứ là bài
học khó nuốt nhất trong các bài học, bởi vì nó mang những sắc thái và chiều
kích của Thiên Chúa cách rõ rệt nhất, nhưng tha thứ cũng là dấu hiệu rõ nhất để
nói lên rằng chúng ta trở giống như Cha trên trời. Chúa Giê-su đã dạy: Anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Gio-an 15:12) thế nào,
thì hôm nay cũng vậy, Người bảo: Anh em
hãy tha thứ cho nhau như Cha Thầy ở trên trời đã tha thứ cho anh em. Vậy chúng ta thực tập bài học tha thứ bằng
cách cảm tạ Chúa Cha đã tha thứ tội lỗi chúng ta, noi gương Chúa Giê-su trên
thập giá và theo sự thúc giục của Thánh Thần.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi