Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm A

Hội Thánh Còn Chờ Ðược Hoàn Tất

(Ys 25,6-10a; Ph 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14 hoặc 22,1-10)

 

Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}

"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới".

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".}

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A

Ys 25,6-10a; Ph 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14 hoặc 22,1-10

Nghe đọc xong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu nghĩ đến thân phận của mình: giờ đây trong thánh lễ chúng ta không được mời đến dự tiệc của Vua trời đất hay sao? Chúng ta quen gọi Thánh Thể là một bàn tiệc; nên chúng ta có thể không những hiểu bài Tin Mừng hôm nay mà cả bài sách Isaia nữa về Thánh Thể. Và chúng ta có thể dựa vào những bài Kinh Thánh ấy để nói đến vinh dự và nhiệm vụ của chúng ta trong giờ cử hành thánh lễ này.

Nhưng cả Isaia, cả thánh Matthêô đã có một cái nhìn rộng hơn. Trực tiếp, các bài Kinh Thánh kia đã không muốn nói về Thánh Thể nhưng Hội Thánh. Và hôm nay chúng ta có thể dựa vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe để hiểu hơn về ơn gọi và nhiệm vụ của chúng ta ở trong Giáo hội và giáo xứ.

 

A. Isaia Ðã Tiên Báo Thời Ðại Chúng Ta

Thời ấy, Isaia đang sống trong một hoàn cảnh thật đen tối. Chưa bao giờ Dân Chúa cảm thấy tuyệt vọng hơn. Không còn quê hương, không còn đền thờ, không còn nghi lễ. Cảnh lưu đày đã kéo dài nhiều chục năm. Người ta không còn nghĩ đến Yêrusalem nữa. Và có nghĩ đến, cũng chỉ còn là để than khóc, xót thương. Theo suy nghĩ của loài người, Chúa đã bỏ rơi dân rồi.

Nhưng chính ở cảnh tiêu điều vô vọng ấy mà Lời Chúa nói với Isaia, thức tỉnh lòng tin của ông và nhờ ông đến phấn chấn Dân lưu đày. Chúa các đạo binh phán thế này: Người sẽ tập họp đoàn dân tản mác của Người lại nơi núi thánh. Và như thói quen sau những ngày đại thắng, Người sẽ thết dân một bữa tiệc linh đình. Không những thức ăn sẽ dồi dào, mà rượu quý cũng sẽ dư dật. Không phải chỉ có một dân bé nhỏ trước đây được phục sinh và mời đến; nhưng toàn thể các dân thiên hạ đều tuôn lại. Sion trở thành đỉnh cao của các dân tộc vì bàn tay Thiên Chúa đã đặt trên Núi ấy và ơn cứu độ của Người sẽ từ đó chảy xuống đến muôn dân.

Tự sức mình, Isaia không thể nói được những lời như vậy. Không có cơ sở nào cho phép ông nghĩ được những điều như thế. Chính Thần khí Chúa đã ở trong ông. Và chính Chúa đã đặt Lời của Người vào miệng ông. Ông đã nói nhân Danh Chúa. Ông đã thi hành sứ mạng tiên tri... Ông tuyên bố kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Người sẽ dùng một số người nhỏ bé trong thiên hạ để làm ra gia đình nhân loại được cứu rỗi. Người thi ân cho những con người tuyệt vọng để họ trở nên nguồn cứu độ cho mọi dân.

Lời sấm của Isaia đã bắt đầu được thực hiện khi Chúa cứu dân lưu lạc trở về. Nó được thực hiện thật sự với thời Ðấng Thiên Sai, khi Chúa Cứu thế thiết lập Hội Thánh tràn lan khắp các dân tộc. Nhưng nó chỉ thực hiện hoàn toàn vào thời cánh chung, lúc Ðức Kitô trở lại đưa tất cả nhân loại và vũ trụ được cứu rỗi vào Trời Mới và Ðất Mới. Và như vậy lời tiên tri Isaia đang thực hiện nơi chúng ta.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời hân hoan cảm tạ. Người thương gọi chúng ta vào Hội Thánh. Người cho chúng ta được ở trong Nước của Con yêu dấu Người. Hằng ngày Người lại bày tiệc trên Núi Thánh để chúng ta chứng kiến tình Người phong phú. Và chưa hết, Người sẽ đưa Hội Thánh chúng ta đi vào Trời Mới và Ðất Mới. Khi ấy lời sách Isaia mới hoàn toàn thực hiện. Vì khi ấy, Chúa mới cất hẳn tấm khăn đang bao trùm muôn dân, tấm khăn đã khiến muôn nước đi trong tối tăm lầm lạc, tấm khăn chít trên đầu của bao thế hệ loài người đau khổ, tấm khăn của tử thần trùm trên mạng sống con người. Người xua đuổi hẳn tà thần. Người lau sạch mọi giòng nước mắt. Người hủy bỏ toàn thể hệ thống đau khổ.

Hiện nay, Người đã khởi sự làm những điều ấy rồi. Tử thần không làm gì được thân xác Ðức Kitô và Ðức Mẹ nữa. Ðau khổ cũng đã được bớt đi nhiều lắm ở trên mặt đất này. Và ở trong Hội Thánh, được ánh sáng đức tin soi dẫn, người ta không còn phải mò mẫm đi trong tối tăm lầm lạc. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Kitô đã khai sinh cho chúng ta một lịch sử mới. Chúng ta tin tưởng trông đợi ngày Chúa trở lại, để những lời sách Isaia bấy giờ đã khởi sự, sẽ được hoàn tất trong hạnh phúc bất diệt.

Nhưng đó mới chỉ là một bài học của Lời Chúa hôm nay. Với bài Tin Mừng theo thánh Mátthêô, phụng vụ của Hội Thánh còn muốn chúng ta hiểu bài sách Isaia một cách cụ thể hơn nữa. Chúng ta sẽ thấy Chúa Cứu thế tổ chức bàn tiệc cánh chung của Isaia thế nào? Và chúng ta sẽ được Hội Thánh nhắn nhủ làm sao khi được dự bàn tiệc ấy?

 

B. Chúa Cứu Thế Thực Hiện Lời Tiên Tri

Dân lưu đày đã được trở về quê hương. Nhưng rõ ràng lời sấm của Isaia chưa được thực hiện hoàn toàn. Người ta không thấy các dân tuôn về Sion. Và ở đây cũng không có những ngày hội như nhà tiên tri đã loan báo. Ngược lại bầu trời Yêrusalem lại bắt đầu đen tối. Hết Hylạp lại đến Lamã thay nhau cai trị Dân Chúa. Isaia đã nói dối sao? Không, lời của ông phải nghĩ về thời Ðấng Thiên sai, mà chúng ta biết là chính Ðức Yêsu Kitô.

Vậy, Người đã thực hiện lời sách Isaia thế nào? Theo bài Tin Mừng Matthêô hôm nay, quả thật Thiên Chúa đã mở tiệc khoản đãi mọi dân tộc khi ban ơn cứu độ cho loài người. Bắt đầu Người đã mời dân Dothái đến dự. Người sai các tiên tri của Người đến mời họ. Nhưng họ không đến. Người lại sai một lớp tiên tri nữa đến mời, với những lời nhắn nhủ rõ rệt rằng: tiệc đã sẵn, thức ăn đã la liệt, tức là ơn cứu độ đã hoàn thành. Người có ý nói đến công cuộc cứu thế của Ðức Kitô đã làm xong trên thập giá. Và như vậy chúng ta phải hiểu lớp tiên tri thứ hai được sai đi đây chính là các Tông đồ của Ðạo Mới, đang khi lớp đi trước là các Tiên tri của Ðạo Cũ. Nhưng như họ đã không nghe Môsê và các tiên tri, thì bây giờ người Dothái cũng từ chối lời mời của các Tông đồ mới. Họ viện những lý do thông thường của những kẻ quen sống ích kỷ, không biết tạm hoãn những công việc riêng để đến chia sẻ niềm vui "cả đời mới có một lần" của một gia đình có tiệc cưới. Họ được dịp để hân hoan mà họ không muốn. Hơn nữa họ còn đập đánh và giết chết nhiều sứ giả Tin Mừng của Ðức Kitô. Và điều này có ý nói rằng: người Dothái đã bắt bớ giết hại nhiều Tông đồ của Hội Thánh. Họ tệ hơn cả cha ông họ. Thế nên Thiên Chúa đã phải thịnh nộ. Người đã sai quân xâm lăng tới, giày xéo thành trì của họ vào năm 70. Chắc chắn thánh Matthêô đã muốn ám chỉ biến cố này khi viết những lời trên. Và rõ ràng người muốn khẳng định rằng: Phúc âm từ nay sẽ được đem đến rao giảng cho các dân ngoại, khi người viết tiếp: các tông đồ đã được sai đi các ngã đường để gặp ai thì mời vào dự tiệc cưới.

Do đó, qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêô đã muốn phác họa một cách vắn tắt lịch sử ơn cứu độ loài người. Người muốn nói đến việc thành lập Nước Trời do Chúa Cứu thế. Ðó chẳng khác gì một bàn tiệc linh đình mà Isaia đã tiên báo. Chúa bắt đầu mời dân Dothái đến dự. Họ đã từ chối nghe lời Môsê và các tiên tri. Chúa sai Con của Người đến hoàn thành sứ mạng cứu thế và dạy các Tông đồ đi loan báo cho người Dothái. Không những họ lại từ chối, mà còn bắt bớ các Tông đồ. Chúa buộc lòng phải phạt họ và sai các Tông đồ đến với các dân ngoại. Hết mọi dân đều được đưa vào Hội Thánh; và như vậy, lời tiên tri Isaia đã thực sự được thực hiện.

Nói đúng ra, đây mới chỉ là khởi sự. Ðọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy thánh Matthêô cũng muốn nói xa hơn, và nhất là trực tiếp hơn đối với chúng ta.

 

C. Hội Thánh Còn Chờ Ðược Hoàn Tất

Thật vậy, Hội Thánh hiện nay tuy gồm hết mọi dân tộc nhưng hãy còn pha trộn người tốt và người xấu. Ít ra trong Giáo hội tại thế, có rất nhiều bộ mặt trước đây là những con người tội lỗi. Hằng ngày mọi người đều được mời dự Tiệc Thánh và chia sẻ niềm hân hoan của ơn cứu độ. Tuy nhiên người ta không được quên Ngày Chúa sẽ trở lại. Người sẽ thấy chúng ta thế nào? Bây giờ chúng ta có mang áo dự tiệc không, tức là chúng ta có đời sống công chính và các việc lành phúc đức không? Nhiều tác giả vẫn quen dùng hình ảnh "áo cưới" để nói đến những công việc này. Và ở đây thánh Matthêô muốn chúng ta nghĩ về ngày chung thẩm, ngày Chúa Kitô trở lại. Có như vậy, chúng ta mới hết thắc mắc vì sao đã cho người ra các đầu đường gặp ai thì mời vào dự tiệc mà sau đó lại đòi người ta phải có áo cưới. Là vì giữa thời gian được mời vào Hội Thánh và ngày chung thẩm, người ta ai cũng có thời giờ và bổn phận trang trí đời sống của mình bằng sự công chính và các việc lành phúc đức. Và chúng ta có thể nói, sống trong Hội Thánh không phải chỉ là dự tiệc các Bí tích mà còn phải nỗ lực sống thánh thiện và phục vụ bác ái. Chỉ có như vậy, ngày chung thẩm mới được lau sạch nước mắt; bằng không, sẽ phải khóc lóc nghiến răng như lời các tác giả đạo đức hay diễn tả về các cực hình ở đời sau.

 

D. Giáo Dân Philip Làm Gương Cho Chúng Ta

Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cho chúng ta biết giáo đoàn Philip cố gắng sống theo ơn gọi. Từ ngày được mời vào Hội Thánh, tín hữu ở đây luôn nỗ lực làm việc lành, như để sắm áo cưới cho ngày chung thẩm. Gặp lúc thấy Phaolô bị giam giữ vì đạo Chúa, họ mau mắn và rộng rãi gửi đồ và tiếp tế cho người. Người viết thư cám ơn, không phải để họ gửi thêm vì thực ra, bản thân người vẫn biết cách sống thích nghi với hoàn cảnh và bất cứ khi nào người vẫn lấy ơn Chúa làm đủ. Nhưng đây là dịp để họ biết sống quảng đại và thực thi bác ái, phù hợp với ơn gọi Kitô hữu. Thánh Phaolô thấy họ đã làm, thì người nói lên lý do sâu xa để khi làm việc bác ái, họ biết mình đang sống đẹp lòng Chúa, Ðấng sẽ ban cho họ chan chứa ơn lành trong Ðức Yêsu Kitô.

Dĩ nhiên phụng vụ của Giáo hội hôm nay cũng muốn dùng chính những lời của thánh Phaolô để khuyên nhủ chúng ta một cách cụ thể. Chúng ta đã thấy qua bài sách của tiên tri Isaia, Chúa hứa đưa chúng ta vào bàn tiệc Nước Trời. Người đã khởi sự làm việc ấy khi đưa chúng ta vào Hội Thánh. Tuy nhiên muốn duy trì và phát triển ơn cứu độ hiện nay ở nơi mình, chúng ta phải sống thánh thiện và bác ái. Vì nếu những người trước đây được mời dự tiệc mà đã không đến và bị phạt, là vì họ sống ích kỷ, không biết nghĩ đến người khác, thì chúng ta chỉ có thể được ở trong bàn tiệc cánh chung nếu chúng ta biết săn sóc các nhu cầu của tha nhân.

Thánh lễ này cho chúng ta được dự tiệc Bí tích nhưng là để đi đến bàn tiệc trên trời. Giữa hai bàn tiệc dưới đất và trên trời, chúng ta phải theo gương Chúa xả thân cho ta mà đi vào đời sống để săn sóc và chia sẻ nếp sống vui buồn của đồng bào. Công việc này chúng ta sẽ được lôi cuốn để làm, mặc dù gặp nhiều trở ngại, khi chúng ta đã thật lòng mộ mến thái độ của Chúa trong việc xả thân cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy sốt sắng dự lễ, để dễ sống nhiệt tình hơn với mọi người hầu được đi vào bàn tiệc cánh chung.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A