TIỆC CƯỚI, ÁO CƯỚI
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 22, 1-14
Đọc xuyên suốt Tin Mừng
Chúa Giêsu, chúng ta hiểu được thế nào là Nước Trời mà Ngài luôn công bố. Chúa
Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để nói về Nước Trời. Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ví
: “ Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình “ (
Mt 22, 2 ). Tin Mừng cho thấy ý nghĩa sâu xa của dụ ngôn.
Tiệc cưới trong đoan
Tin Mừng Matthêu 22, 1-14 có một cái gì thật khác lạ, có một cái gì đó lạ đời
bởi vì Ông chủ tức Vị Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử nhưng các khách được mời
đều kiếm lý do để từ chối, người lý do này kẻ lý do khác, thậm chí họ còn sỉ
nhục các đầy tớ vua sai đi mời và giết đi. Rồi sau cùng, vua sai đầy tớ đi mời
tất cả mọi người bất kể tốt xấu vào dự tiệc cưới vua đã dọn sẵn. Vua đi vào
quan sát và thấy một thực khách vào dự lễ cưới nhưng lại không mặc áo cưới. Vua
ra lệnh cho gia nhân :” Trói chân tay nó lại quăng nó ra chốn tối tăm bên
ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! Vì kẻ được gọi thì nhiều mà
người được chọn thì ít “ (Mt 22,14 ).
Tại sao những khách
được mời tới dự tiệc trong dụ ngôn lại từ chối lời mời đến dự tiệc cưới, lời
mời của một vị vua ? Dụ ngôn muốn ám chỉ đến Kinh sư, Pharisêu và những người
chống đối Chúa Giêsu, những người đã bất mãn với thái độ thân tình của Chúa
Giêsu đối với những người thu thuế và những người tội lỗi. Thực tình, họ đang
chế diễu Chúa Giêsu, không muốn chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Những hạng
người này đang âm mưu giết Chúa và khi đứng dưới chân Thánh Giá, họ cười nhạo
Ngài.
Chúa Giêsu đã dùng bữa
ăn để nói lên những giá trị cao quí nhất trong đời sống con người. Bữa ăn là
nơi gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, vui mừng, hân hoan. Vì ý nghĩa cao
quí ấy, Chúa đã dùng bữa ăn, tiệc cưới để nói lên những thực tại Nước Trời.
Chiếc áo cưới là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui mừng, phấn khởi con
người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Chiếc áo cưới cũng có
nghĩa là chiếc áo trắng mỗi Kitô hữu đều mặc ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội.
Chiếc áo trắng là tâm hồn trong trắng, đơn sơ, thanh khiết của những môn đệ
Chúa đã được thanh tẩy bằng máu Chúa Kitô và được thanh luyện bằng Lời Chúa.
Chiếc áo trắng là tâm hồn thánh thiện, đạo đức khi người Kitô hữu lãnh nhận
Mình Máu Chúa Kitô.
Cuộc đời người môn đệ
Chúa không bao giờ được đóng khung trong cái nhãn hiệu mình là người Công giáo
mà lại quên đi những thực tại trần gian này rồi sẽ qua mau, cuối cùng chỉ còn
lại sự sống vĩnh cửu và Nước Trời mà Kitô hữu luôn khát khao tìm kiếm. Chúa
phán “…Nếu người ta được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có
lợi gì ?” ( Mt 16, 26 ).
Có những người sau hết
sẽ lên trước nhất và những người trước hết sẽ nên sau hết. Điều này, quả thực
rất đúng với người Do Thái vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng họ đã chối từ
Chúa, không tin nhận Chúa là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Người Kitô hữu là
người đã mặc chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội, họ mặc lấy Đức
Kitô, mặc lấy con người mới, nghĩa là họ tin tưởng, tín thác nơi Chúa và tin
tưởng ơn cứu chuộc do Chúa mang đến cho họ.
Người môn đệ Chúa sẽ
mất Nước Trời, nếu họ chỉ nói “ Lạy Chúa ! Lạy Chúa “, nhưng không mặc lấy Đức
Kitô và không lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống của mình.
Ôi lạy Chúa, nếu như
Ngài chấp tội.
Nào có ai đứng vững
được chăng ?
Nhưng Chúa vẫn rộng
lòng tha thứ,
Lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en ( Tv
129, 3-4 ).
Lạy Thiên Chúa toàn
năng, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với
chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy
( Lời nguyện nhập lễ, Chúa nhạt XXVIII thường niên, năm A ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại sao Chúa Giêsu
lại hay dùng bữa ăn để nói về Nước Trời ?
2.Áo cưới ám chỉ gì
trong dụ ngôn này ?
3.Người không mặc áo
cưới là người thế nào ?
4.Vua trong dụ ngôn này
ám chỉ ai ?
5.Những người trước
muốn nói đến những người nào ?