Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm A
Thời Xưa Ðã Có Nhân Ðạo
(Xh 22,21-27; 1Th
1,5c-10; Mt 22,34-40)
Phúc Âm: Mt 22, 34-40
"Ngươi hãy yêu mến
Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".
Khi ấy, những người
biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp
nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng:
"Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu phán cùng
người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết
linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng
giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như
chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai
giới răn đó".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXX Thường
Niên A
Xh 22,21-27; 1Th
1,5c-10; Mt 22,34-40
Mọi người đều biết, các
giới răn của đạo ta quy về hai việc mến Chúa và yêu người. Nhưng muốn biết phải
mến Chúa thế nào và yêu người làm sao thì phải dựa vào Thánh Kinh. Những bài
đọc Thánh Kinh hôm nay cũng nói về hai điều đó. Tuy là những bài viết ở những
thời đại khác nhau và đã xưa rồi; nhưng suy nghĩ, chúng ta càng nhận thấy tính
cách trường cửu của Lời Chúa.
Bài sách Xuất hành đưa
chúng ta trở về thời Cựu Ước xa xưa. Chúng ta sẽ ngạc nhiên về tính cách nhân
đạo của nếp sống đạo đức thời bấy giờ. Và chúng ta sẽ hiểu bối cảnh của bài Tin
Mừng hơn để nhận ra uy tín của Ðức Kitô khi khẳng định về luật mến Chúa yêu
người. Cuối cùng thư Phaolô sẽ cho chúng ta thấy gương sáng của một giáo đoàn
biết đón nhận và thi hành Lời Chúa.
A. Trước Hết,
Thời Xưa Ðã Có Nhân Ðạo
Chúng ta thường nghĩ
rằng ngày xưa người ta chỉ biết lấy mắt trả mắt, răng đền răng. Hơn nữa chúng
ta còn dám so sánh và cho rằng ở những thời đại xa xưa của Abraham, Môsê và
Ðavít, người ta chỉ cư xử với nhau bằng luật rừng, chứ không thể cư xử với nhau
theo tình bác ái. Bài sách Xuất hành hôm nay khiến chúng ta phải dè dặt hơn.
Dĩ nhiên đây không phải
là những luật đã được ban bố vào thời Xuất hành. Người ta quen lấy những luật ở
những thời đại về sau đem cắm vào những thời đại trước và đặt nơi môi miệng của
nhà luật pháp trứ danh là Môsê để chúng được thêm uy tín. Tuy nhiên chúng vẫn
căn cứ vào biến cố Xuất hành như ta thấy ở ngay câu đầu tiên trong bài đọc hôm
nay.
Chúa truyền cho dân:
"Khách cư ngụ, ngươi không được ngược đãi và áp bức nó, vì các ngươi đã là
khách cư ngụ ở đất Aicập". Và Người dạy không được ức hiếp mẹ góa con côi,
kẻo nó kêu lên Người thì khí nộ Người bốc lên làm cho người ta rơi vào cảnh vợ
góa con côi.
Chúng ta thử đặt các
lệnh truyền này vào thời đại của chúng cách đây ít nhất cũng phải gần 3,000
năm. Ðó không phải là nhân đạo và văn minh sao? Nhất là luật tiếp theo. Phải
cho vay mà không được lấy lãi. Ðược giữ vật thế chân để tránh sự lạm dụng,
nhưng những đồ cầm đó phải trả lại trước khi mặt trời lặn, kẻo đêm lạnh người
nghèo không có áo làm mền.
Thật, ngày xưa đã có
những luật không cho phép người ta bóc lột nhau. Nhưng ở đây không phải chỉ có
vấn đề nhân đạo, mà còn có cơ sở đạo đức. Chúa dạy dân phải giữ các lệnh truyền
bác ái, không phải vì mọi người là đồng loại, hoặc vì phải nhớ lại hồi trước
dân đã từng là nạn nhân của nhiều sự bóc lột, nhưng nhất là vì Thiên Chúa là
Ðấng lân tuất. Người luôn luôn xót thương và bênh vực những kẻ khó nghèo và yếu
thế. Người chống lại bóc lột. Người đòi cho mọi người được bình đẳng vì tất cả
đều là hình ảnh của Người. Người ta muốn đẹp lòng Người thì phải săn sóc đến
tha nhân. Người không tách rời lòng đạo đức và tình đồng loại. Người không đồng
hóa hai vấn đề mến Chúa và yêu người; nhưng Người chỉ chấp nhận những lòng mến
Chúa đồng thời cũng thương người.
Ý định của Thiên Chúa
thì rõ rệt như vậy; nhưng thường khi người ta lại không thi hành. Ngay ở trong
Dân Chúa, bất công xã hội và bóc lột những kẻ yếu hèn là chuyện không hiếm hoi.
Các tiên tri của Chúa phản ứng mạnh mẽ, nhưng cho đến thời Chúa Yêsu vẫn còn có
những khuynh hướng pháp luật muốn tách rời hai nhiệm vụ mến Chúa và yêu người.
Thậm chí người ta còn muốn căn cứ vào lòng mến Chúa để coi nhẹ bổn phận thương
người. Ðọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta sẽ thấy như vậy.
B. Cả Hai Giới
Răn Ðều Quan Trọng
Mở đầu, thánh Matthêô
đã cho chúng ta thấy bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Ðức Yêsu. Người theo
Biệt phái, kẻ theo Sađốc phái. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ
gặp nạn. Từ lãnh vực chính trị xã hội, cuộc tranh chấp lan sang phạm vi tôn
giáo. Luật pháp có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm. Nhưng khoản
nào trọng hơn khoản nào và khoản nào quan trọng hơn hết? Ðó là vấn đề sôi bỏng.
Tùy theo người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, về Ðền thờ hay về đền vua, mà
người ta có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay Sađốc phái, thái độ dè dặt
hay hợp tác với ngoại bang. Ai cũng muốn tranh thủ người khác về phe mình.
Người ta muốn biết ý kiến của Ðức Yêsu. Lập trường của Người rất quan trọng, vì
dân chúng sẽ tùy đó mà biểu lộ cảm tình với phe nào. Nhưng tuyên bố lập trường
ấy ra cũng thật nguy hiểm cho Người. Phe đối địch sẽ có thêm chứng cớ để tiêu
diệt Người.
Tuy nhiên đó chỉ là
những suy tính của người ta. Ðã nhiều lần họ gài bẫy Người. Nhưng chẳng có lần
nào họ đã thành công. Hôm nay cũng vậy. Ðược hỏi ý kiến về giới răn trọng nhất.
Người trả lời như hết mọi người Dothái đạo đức: Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, và hết lòng trí ngươi. Ðó
là câu trong sách Thứ luật (6,5), là kinh nguyện hằng ngày của Dân Chúa. Nhưng
Ðức Yêsu không dừng lại ở đó. Người còn nói tiếp: Ðó là giới răn thứ nhất. Thứ
đến cũng quan trọng như vậy, là ngươi phải thương đồng loại như chính mình.
Người không đồng hóa hai việc mên Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau
và có thứ tự trước sau, nhưng quan trọng như nhau; và vì thế không được sao
nhãng nhiệm vụ nào. Nét độc đáo trong câu trả lời tức là lập trường của Ðức
Kitô là ở chỗ đó. Người ta vẫn nói phải mến Chúa và thương người, phải có thiên
đạo và nhân đạo. Nhưng thông thường người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ rời
nhau, những bổn phận không liên lạc gì với nhau. Người ta có thể mến Chúa trong
Ðền thờ và không thương người ngoài xã hội hoặc thương người nơi xã hội nhưng
lại không mến Chúa trong Ðền thờ. Nhất là người ta quen coi thương người là thứ
yếu sánh với nhiệm vụ phải mến Chúa.
Ðối với Ðức Kitô thì
không được như vậy. Phải thương người cũng như mến Chúa. Ưu tiên là mến Chúa
nhưng đồng thời cũng phải thương người. Sau này thánh Yoan sẽ giải thích: không
thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình (1Yn 4,20). Và khi
dạy phải thương người như chính mình, Ðức Yêsu không có ý bảo phải thương mình
trước, hay cũng phải thương cả tha nhân nữa. Câu nói của Người có nghĩa rằng:
phải thương người hết mình như đã mến Chúa hết linh hồn.
Cuối cùng một nét độc
đáo nữa trong câu trả lời của Ðức Yêsu là: tất cả Luật pháp và Tiên tri đều quy
về hai giới răn mến Chúa và yêu người ấy. Và như vậy, không những tất cả 613
khoản luật, mà toàn thể mọi lời giáo huấn đều nhằm phát triển lòng mến Chúa và
yêu người.
Vấn đề tranh chấp xưa
nay giữa các phe nhóm đã được giải quyết. Chẳng phe nào thắng nhưng nhóm nào
cũng phải nỗ lực hơn để giữ trọn Lề luật. Nói đúng ra phe nhóm nào cũng đã lầm
lạc. Khi đã không coi trọng hai nhiệm vụ mến Chúa và thương người như nhau, người
ta đã làm mất quân bình, gây ra lệch lạc trong đời sống. Ðức Yêsu đã mang ơn
cứu độ đến. Ai đón nhận thì phải mến Chúa nhưng đồng thời cũng phải thương
người. Thái độ đó, một phần nào chúng ta có thể nhìn thấy nơi giáo đoàn
Thessalônikê của thánh Phaolô, mà bài thư hôm nay như muốn nói lên.
C. Một Gương
Thực Hành
Có thể nói đây là những
đoạn văn đầu tiên của bộ sách Tân Ước. Phaolô đã viết bức thư này trước hết vào
khoảng năm 51, tại nhà Aquila sau khi Timôthê đã mang mực và da thuộc đến. Lần
đầu tiên biên thư cho một giáo đoàn, nên Phaolô có một thái độ trịnh trọng đạo
đức, và hầu như phụng vụ nữa.
Người tạ ơn Chúa vì sự
sống đạo nơi giáo đoàn ấy. Giáo đoàn Thessalônikê vừa bắt chước Chúa vừa bắt
chước các Tông đồ. Họ sống kết hợp với Chúa nhưng cũng kết hợp với các Tông đồ
vì họ đã thấy các Tông đồ đến lo việc của Chúa ở nơi họ nhưng đồng thời đã tỏ
ra đầy tinh thần phục vụ họ. Mến Chúa và yêu người không phải là hai phận sự
tách biệt, nhưng cũng quan trọng như nhau và phải tiến hành đồng đều. Chính vì
vậy mà tiếng tăm của giáo đoàn này đã bay đi khắp nơi và Thessalônikê đã trở
thành giáo đoàn gương mẫu. Mọi nơi đều ca ngợi họ về hai điểm: đón nhận Lời
Chúa cũng như đón nhận các Tông đồ. Họ vừa mến Chúa vừa thương người, vừa kết
hợp với Chúa vừa hiệp nhất với nhau.
Cảm động và chân thật
hơn nữa là thái độ đón nhận này quả thật rất siêu nhiên, vì là đón nhận giữa
bao nỗi gian truân, nhưng lại hoan hỷ trong Thánh Thần. Ðiều này làm chứng Tin
Mừng mà Phaolô đem đến không phải là lời của loài người nhưng là Lời của Thiên
Chúa. Dân Thessalônikê đón nhận không phải vì thấy đó là lời lẽ khôn ngoan xác
thịt, nhưng là Lời có sức mạnh của Thần Khí. Họ phải lướt thắng nhiều khó khăn
để đón nhận và đón nhận vui vẻ. Thế nên họ thật đã tham dự vào mầu nhiệm tử nạn
phục sinh của Chúa. Họ đã lãnh nhận được chính ơn cứu độ của mầu nhiệm thập
giá. Phaolô đánh giá việc họ đón nhận là việc bắt chước Chúa Yêsu và các Tông
đồ; bởi vì khi đón nhận Lời Chúa trong gian truân mà vui vẻ thì rõ ràng người
ta đã bắt chước các Tông đồ trong việc dạn dĩ rao giảng Lời Chúa giữa ngăn cấm
và đe dọa. Nói cách khác, lòng mến Chúa và thương người nơi giáo đoàn
Thessalônikê không theo lẽ thế gian nhưng tựa vào sức mạnh của Thánh Thần. Ðó
là nếp sống đạo chân thật vì hoàn toàn siêu nhiên. Phaolô có lý do để hãnh diện
vì nếp sống đạo ấy. Người tạ ơn Chúa thật là phải lẽ. Và người không nói sai
khi tuyên bố đó là nếp sống phải trở nên gương mẫu cho mọi giáo đoàn.
Chúng ta nghĩ sao về
các lời Kinh Thánh ấy? Chúng ta đã thâm tín tất cả Luật pháp và Tiên tri đều
quy về hai giới răn mến Chúa và yêu người. Ðó vẫn là hai việc khác nhau: không
thể coi mến Chúa là thương người; và cũng không được coi thương người là mến
Chúa. Nhưng đó là hai việc quan trọng như nhau; phải thi hành cả hai, phải quý
cả hai như một; phải kết hiệp với Chúa và đồng thời cũng phải hợp nhất với mọi
người.
Giáo xứ chúng ta có
được như giáo đoàn Thessalônikê không? Gặp gian truân, khó khăn, chúng ta có
"bắt chước" Chúa và các Tông đồ không? Có giữ đạo và đời không? Có
vừa làm tốt đời và đẹp đạo không? Biết đâu những lời trong bài sách Xuất hành
không đang còn có giá trị khẩn trương? Chung quanh chúng ta có những đồng bào
mới đến. Những anh chị em ấy có được lập tức đón nhận như đồng bào ruột thịt
không? Những cảnh mẹ góa con côi cũng không hiếm ở giữa chúng ta. Và chắc chắn
nhiều người đang lâm cảnh vay mượn và cần giúp đỡ. Lòng nhân đạo khi gặp khó
khăn có vươn lên được nhờ sự giúp đỡ của đức tin không?
Các tín hữu ở
Thessalônikê đã nhờ việc "bắt chước" Ðức Kitô mà có một nếp sống đạo
chân thực và tốt đẹp. Giờ đây, Ðức Kitô đến hiện diện trong mầu nhiệm tử nạn
phục sinh nơi bàn thờ. Chúng ta muốn tham dự vào mầu nhiệm của Người. Nhưng
việc tham dự này chỉ chân thật khi chúng ta quyết tâm bắt chước cuộc đời của
Ðức Kitô. Chúng ta sẽ làm chứng mình đã tham dự thánh lễ chân thật, nếu sau khi
về nhà, chúng ta sẽ sống tốt cả hai nhiệm vụ mến Chúa và yêu người. Chúng ta sẽ
là Kitô hữu tốt khi chu toàn các bổn phận đối với cả đạo và đời. Xin Thiên Chúa
giúp đỡ chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)