Chúa Nhật XXX Thường Niên A
Giới Răn Nào Lớn Nhất?
Mt 22:34-44:
34 Nghe biết Ngài đã khóa miệng bè Sađóc, thì Biệt phái tụ họp lại một chỗ. 35
Ðoạn một luật sĩ trong nhóm hỏi thử Ngài: 36 “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất
trong Lề luật?” 37 Ngài nói với người ấy: "Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên
Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! 38 Ðó là
giới răn lớn, giới răn đệ nhất. 39 Thứ đến cũng giống như điều ấy: Ngươi phải
yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. 40 Toàn thể lề luật cùng các tiên
tri đều qui vào hai giới răn ấy.”
41 Biệt
phái họp lại, thì Ðức Yêsu hỏi họ: 42 “Các ông nghĩ sao về Ðức Kitô? Ngài là
con của ai?” - Họ đáp: “Của Ðavít.” 43 Ngài nói với họ: “Vậy làm sao Ðavít được
thần khí ứng cho thì lại gọi Ngài là Chúa, mà rằng:
44 Chúa
đã nói cùng Chúa tôi:
Hãy ngự
bên hữu Ta,
chờ Ta
đặt quân thù ngươi
dưới chân
ngươi.
Đoạn 22:34-44 nằm trong
văn mạch của các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với các vị lãnh đạo do thái
(21:23-46): dụ ngôn hai người con (21:28-32); dụ ngôn các tá điền (21:33-46); dụ
ngôn tiệc cưới (22:1-14); vấn đề nộp thuế (22:23-33); kẻ chết sống lại
(22:23-33); Giới răn lớn nhất (22:34-40) và câu hỏi về Đấng Mêssia (22:41-46). Đoạn
22:34-44 có thể phân chia như sau: - Dẫn nhập ngắn (c. 34), - Vấn đề đặt ra
(cc. 35-36); - Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 37-40).
Đoạn 22:34-40 bắt đầu bằng
câu chuyển tiếp nhắc đến kết quả của cuộc tranh luận trước về việc sống lại giữa
Chúa Giêsu với nhóm Sađucêô (c. 34). Họ đã bị Chúa Giêsu khóa miệng. “Khóa miệng”,
phimoō, là làm cho không nói được lời
nào nữa. Nhóm Sađucêô đi, nhóm Pharisêô lại vào cuộc. Họ đã tranh luận với Chúa
Giêsu nhiều lần từ khi Người vào đền thờ (21:23). Cách nói “nhóm họp lại một nơi”
gặp thấy trong Cvtđ 4:26 và Tv 2:2 và chỉ việc “các quan quyền vây cánh liên
minh chống lại Chúa và chống lại Đức Kitô của Người”. Việc nhóm họp nầy báo trước
ý định xấu xa của họ là “thử Người” (c. 35), như họ đã từng làm trước đó là “tìm
cách bắt Người” (21:46) và “gài bẫy Người” (22:15.18). “Thử Người” là hy vọng tìm
được những sai lỗi căn bản trong lời giải thích của Người.
Việc người Pharisêô quy
tụ cũng sẽ là khung cảnh cho đoạn tiếp theo sau, khi họ hỏi về nguồn gốc của Đấng
Kitô (c. 41). Nomikos “người thông luật”,
“luật sĩ”, là người hiểu biết về lề luật. Họ là người giải thích và dạy lề luật
Môsê. Nomikos tương đương với grammateus trong câu song song ở Marcô
(Mc 12:28). Người thông luật nầy thuộc về nhóm Pharisêô, và được gởi đến để hỏi
Chúa Giêsu về lề luật Môsê.
Câu hỏi của người thông
luật liên quan đến Lề luật Môsê. “Thưa Thầy, giới răn nào là lớn nhất trong lề
luật?” (c. 36). Trong Matthêô không đưa ra định nghĩa nomos, “lề luật” là gì, mà chỉ nói đến việc tuân giữ và thực hành lề
luật (5:19; 15:3). Trong sách Đệ Nhị Luật, lề luật là con đường Thiên Chúa đặt
ra trước dân Người để họ bước đi theo đó, được sống và được vào đất hứa (x. Đnl
30:15-20). Matthêô dùng chữ “lớn nhất”, megalē,
thay vì “trên hết”, prōtē, như trong
câu song song ở Marcô (Mc 12:28). Trong Lề Luật của Môsê, có tất cả 613 giới răn:
248 giới luật, 365 điều cấm kỵ. Mỗi rabbin có một quan điểm riêng về việc phân
biệt các giới răn lớn và nhỏ khác nhau, và họ không thống nhất với nhau về cách
sắp xếp nầy. Bởi đó, khi hỏi Chúa Giêsu và gọi Người là Thầy “didaskalos”, họ muốn biết Người nghĩ như
thế nào về vấn đề nầy. Vậy câu hỏi của thầy thông luật là muốn biết Thiên Chúa
muốn gì nhất nơi con người.
Trong câu trả lời trích
dẫn Đệ Nhị Luật 6:5 về giới răn yêu Chúa không có lời kinh Shema, “Hãy lắng tai nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là
Chúa độc nhất” (Mc 12:29) mà người do thái đọc hai lần sáng tối mỗi ngày. Lời
trích dẫn của Matthêô giống nguyên văn với bản văn LXX, và chỉ gồm ba phần: “hết
linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi và hết sức lực ngươi” (c. 37). So với Marcô,
Matthêô thay đổi “bởi tất cả tâm hồn”
thành “với tất cả tâm hồn”, và “sức lực”,
dunameōs, thành “trí khôn”, dianoia.
Trong tiếng hipri động
từ “Yêu” mang ý nghĩa rất bao quát. Nó đi từ tình yêu phái tính, sang tình yêu đối
với các thành phần trong gia đình, bạn bè, quan hệ trong xã hội và đến tình yêu
đối với Thiên Chúa. “Yêu Thiên Chúa” theo Đnl 6:5 trước tiên là hành vi vâng phục
và tuân giữ các giới răn của Người. Yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi dâng hiến cả con
người.
Ba khả năng “con tim”,
“linh hồn” và “tâm trí” tượng trưng cho toàn thể con người. Kardia, “con tim”, là trung tâm của đời
sống thể lý và tinh thần. Psychē, “linh
hồn”, là trung tâm của cảm giác, ước muốn, cảm tính. Dianoia, “tâm trí”, là khả năng của sự hiểu biết. Con người phải yêu
mến Thiên Chúa với tất cả các khả năng nầy. Hơn nữa, bản văn luôn lập lại “của
ngươi” (tính từ sở hữu ngôi thứ hai số ít) và “tất cả” ở mỗi khả năng trên: “hết
lòng người, hết linh hồn người và hết trí khôn ngươi”. Điều nầy cho thấy đây là
một đòi hỏi nơi mỗi người và là đòi hỏi trọn vẹn. Như thế, “yêu mến Thiên Chúa”
không là một tình cảm, mà là sự dấn thân trọn vẹn và hướng trọn vẹn chính mình
về Thiên Chúa qua việc nhận biết Người và sống cho Người.
Câu 38 là riêng biệt của
Matthêô. Ông khẳng định tầm quan trọng của giới răn “yêu Chúa” và dùng cả hai
chữ “lớn nhất” và “trên hết”. Làm như thế là ông đóng khung lại giới răn và muốn
đặt ưu tiên cho giới răn nầy.
Chúa Giêsu nói đến giới
răn thứ hai: “Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi” (22:39).
Lần nữa, tính từ sở hữu “đồng loại của
ngươi” và đại từ phản thân “chính ngươi” được đặt liên hệ với nhau. Giới răn
thứ hai nầy trích từ sách Lêvi 19:18; Hai giới răn đã không được liên kết với
nhau trong Cựu ước. Trong câu 5:43, plesiōn
“đồng loại” “người lân cận” được đặt đối nghịch với “kẻ thù”, “Hãy yêu thương đồng
loại và ghét kẻ thù”. Và tiếp sau đó ở câu 5:46 đối tượng của yêu thương là “yêu
người yêu mình”. Như thế, plesiōn trước
tiên là người mình có tình cảm hỗ tương; vì thế ở câu 19:19, plesiōn được đặt bên cạnh cha mẹ mà con
người phải hiếu thảo. Trong Cựu ước, rēa‘
chỉ bạn bè, người lân cận, người đồng hương, người sống chung một lãnh thổ. Tuỳ
nhiên, trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy tình
yêu đối với tha nhân nầy vượt qua biên giới bà con, họ hàng, dân tộc. Tha nhân
là người có nhu cầu và cần được giúp đỡ. Và “yêu thương tha nhân” là để tình yêu
mỗi người có trong mình hướng dẫn mình làm mọi điều tốt cho người khác (x.
7:12).
Sau cùng Chúa Giêsu đã
liên kết hai giới răn nên một và cho thấy tầm quan trọng của chúng: “Toàn thể lề
luật và tiên tri đều qui về hai lề luật ấy” (c. 40). Chữ “qui về” dịch từ động từ
kremannymi “treo vào” “gắn vào”. Động từ nầy gặp trong 18:6 nói về “treo cối
đá vào cổ” (18:6); hay “một người bị treo vào thập giá” (Lc 23:39). Theo nghĩa đen,
để có thể treo vào, cần một một vật chính làm điểm tựa hay cột trụ. Vật treo vào
hoàn toàn lệ thuộc vào điểm tựa ấy. Ở đây, động từ kremannymi được dùng theo nghĩa bóng. Hai giới răn yêu thương là cột
trụ. Toàn thể lề luật và tiên tri phải bám chặt vào hai giới răn nầy mới tồn tại
và có ý nghĩa. Không gắn liền với hai giới răn yêu thương nầy toàn thể việc giữ
luật sẽ rơi vào duy luật và mất hết ý nghĩa của nó.
Giới răn yêu thương Thiên
Chúa và người khác là ý muốn lớn nhất và trên hết của Thiên Chúa. Người muốn
con người đáp lại cách cá nhân và với trọn vẹn tình yêu của mình.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến