CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su dạy chúng ta một lối sống
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
23:1-12)
Người Do-thái thời Chúa Giê-su sống dưới sự hướng dẫn của
những người lãnh đạo tôn giáo là các người Pha-ri-sêu và kinh sư. Tuy nhiên sự hướng dẫn của họ không giúp người
ta sống tốt hơn là vì “họ nói mà không làm”, giảng dạy mà chính họ không thực
hành điều mình giảng. Đó là lý do tại
sao Chúa Giê-su dạy dân chúng và các môn đệ một lối sống mới: “Anh em
chỉ có một Cha là Cha trên trời…, chỉ có một vị chỉ đạo là Đấng Ki-tô”. Vậy sống như con cái Thiên Chúa và sống theo
sự chỉ đạo của Chúa Ki-tô chính là lối sống mới mà Chúa Giê-su muốn chúng ta thực
hành.
Hẳn chúng ta còn nhớ có một lúc những người quá khích hoặc bài
kích Công giáo đã sử dụng phần thứ hai của đoạn Tin Mừng hôm nay để lý giải chống
đối việc giáo dân gọi các linh mục là cha!
Thật buồn cười vì ở đây Chúa Giê-su đâu có ý dạy chúng ta đừng gọi các
linh mục là cha, mà Người chỉ có ý cho chúng ta thấy rõ mối tương quan giữa chúng
ta với Thiên Chúa Cha và giữa chúng ta với chính Người. Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta sống mối tương
quan ấy: Nếu chúng ta muốn thực sự làm
con Chúa và làm môn đệ của Thầy Giê-su thì chúng ta hãy noi gương lối sống của Chúa
Giê-su là hễ đã nói thì hãy làm.
Lối sống của Chúa Giê-su khác hẳn với lối sống của kinh sư
và Pha-ri-sêu ở điểm Người đã thực hành chính những điều Người đã giảng dạy. Chúng ta có biết bao nhiêu thí dụ lấy ra từ
Tin Mừng để chứng minh cho lối sống nói và làm của Người. Ngay trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su
cũng đưa ra hai thí dụ: phục vụ và sự khiêm nhường. Người dạy
chúng ta hãy quan tâm tới nhu cầu của những người chung quanh, càng làm lớn lại
càng phải để ý phục vụ. “Làm lớn” không
có nghĩa là “dùng uy mà thống trị dân và lấy quyền mà cai quản dân”, nhưng “Ai
muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ giữa anh em, muốn làm đầu
anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mát-thêu 20:25,26,27). Gương “làm lớn” của Chúa Giê-su qua việc phục
vụ là luôn quan tâm tới người khác. Người
quan tâm tới đám dân chúng đói khát khi họ theo Người để nghe Người giảng dạy. Người quan tâm tới sự vất vả của các môn đệ
nên bảo họ hãy lui vào chỗ thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút. Người luôn lưu ý tới những người yếu đau thể
xác của dân chúng và chữa lành cho họ.
Người để ý tới cả nỗi đau tinh thần của bà mẹ mất đứa con trai độc nhất,
tới tình trạng tội lỗi của người phụ nữ đến khóc lóc dưới chân Người. Gương “làm lớn” của Chúa Giê-su còn biểu lộ
qua lòng khiêm nhường của Người. Người dạy
chúng ta hãy “học với Người” vì Người hiền lành và khiêm nhượng trong
lòng. Quả thực Người đã khiêm nhường đến
độ “trút bỏ vinh quang” của ngôi vị Thiên Chúa để đến sống giữa chúng ta như người
nô lệ và chết như một tội nhân mà chuộc tội cho chúng ta. Người đã “làm Thầy” nhưng lại sẵn sàng rửa
chân cho các môn đệ Người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Lối sống phục vụ và khiêm nhường của Chúa Giê-su đòi chúng
ta phải thành thực nhìn lại cách chúng ta đối xử với anh chị em, nhất là những
người chúng ta có trách nhiệm chăm sóc, thí dụ những người trong gia đình hoặc
con cái chúng ta. Là những bậc làm cha mẹ,
chúng ta được Chúa ban cho “uy quyền” để dưỡng dục và dạy dỗ con cái. Nhưng nhiều khi chúng ta lại sử dụng uy quyền
ấy không đúng cách hay không đúng chỗ.
Chúng ta chỉ muốn tỏ ra uy quyền một cách độc đoán thay vì đặt uy quyền
đó trong sự yêu thương dịu dàng khi thi hành sửa dạy con cái. Chúng ta thích đứng trên cái bục cao của bậc
làm cha mẹ thay vì bắt chước Chúa Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ. Cách sống “làm lớn” ấy chẳng những không đem
lại kết quả tốt đẹp, mà nhiều khi còn gây nên phản kháng hoặc thái độ tiêu cực
nơi con cái.
Đối với những người chung quanh cũng vậy. Khi chúng ta “hơn” người một chút là chúng ta
có khuynh hướng dễ dàng khinh miệt anh chị em và không thích “phục vụ” họ nữa. Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn vào Chúa
Giê-su và sống như Người đã sống!
Lm.
Đaminh Trần đình Nhi