Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A
Lễ Chúa Kitô Vua
Những Người Được Chúc Phúc
Mt 25:31-46: 31 "Khi con Người đến
trong vinh quang của Ngài, và cùng với Ngài, hết thảy các thiên thần, bấy giờ
Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Ngài. 32 Các dân thiên hạ được thâu họp lại
trước mặt Ngài hết thảy, và Ngài phân tách người ta ra khỏi nhau, một thể như
người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê. 33 Chiên thì Ngài đặt bên phải, còn dê
thì ở bên trái. 34 Bấy giờ Vua sẽ nói với những người ở bên phải: "Hãy đến!
hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lĩnh lấy làm cơ nghiệp Nước đã dọn cho
các ngươi từ tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói mà các ngươi đã cho Ta ăn, Ta
khát mà các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ mà các ngươi đã tiếp rước, 36 Ta
mình trần mà các ngươi đã cho Ta mặc, Ta đau yếu mà các ngươi đã thăm viếng, Ta
ở tù mà các ngươi đã đến với Ta". 37 Bấy giờ kẻ lành đáp lại rằng: "Lạy
Chúa, có bao giờ chúng tôi thấy Người đói mà đã nuôi dưỡng, khát mà đã cho
uống; 38 có bao giờ chúng tôi thấy Người là khách lạ mà đã tiếp rước, mình trần
mà đã cho mặc; 39 có bao giờ chúng tôi thấy Người đau yếu hay ở tù mà chúng tôi
đã đến với Người" 40 Ðáp lại Vua sẽ nói với họ: "Quả thật, Ta bảo các
ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất
này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta". 41 Bấy giờ Ngài cũng
sẽ nói với những người bên trái: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy xéo đi xa Ta,
mà vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ cùng chư thần của nó. 42 Vì xưa Ta nói
mà các ngươi không cho Ta ăn, Ta khát mà các ngươi không cho Ta uống, 43 Ta là
khách lạ mà các ngươi không tiếp rước, Ta mình trần mà các ngươi không cho mặc,
Ta đau yếu và ở tù mà các ngươi đã không thăm viếng". 44 Bấy giờ họ cũng
đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi đã từng thấy Người đói hay
khát, khách lại hay mình trần, liệt lào hay ở tù, mà chúng đã lại không giúp
đáp Người? 45 Bấy giờ Ngài đáp họ rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, những
gì các ngươi đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là
các ngươi đã không làm cho chính mình Ta". 46 Và chúng sẽ phải vào cực
hình đời đời, còn kẻ lành thì được vào sự sống đời đời".
Đây là dụ ngôn cuối
cùng trong loạt các dụ ngôn nói về việc Chúa đến bất ngờ; và do đó phải luôn
luôn sẵn sàng (24:36-25:46). Đây cũng là giáo huấn cuối cùng của Chúa Giêsu cho
các môn đệ trước khi tin mừng Matthêô bước sang trình thuật Thương Khó. Về bố
cục của đoạn 25:31-46, có thể phân chia như sau: - Bối cảnh buổi phán xét cuối
cùng (25:31-33); - Đối thoại trong ngày phán xét chia làm hai phần: - Giữa thẩm
phán với người bên phải (25:43-40) và - với những người bên trái (25:41-45); -
Kết luận về số phận đối nghịch của hai nhóm (25:46).
Hai cuộc đối thoại có
cấu trúc tương tự nhau, gồm: - Tuyên bố của vị vua về ân thưởng và hình phạt
của mỗi nhóm dựa trên những gì họ đã làm hoặc không làm (cc. 34-36 và 41-43); -
Đáp lời của mỗi nhóm (cc. 37-39 và 44); - Kết luận của vị vua, kèm theo cụm từ
“Quả thật Ta bảo các ngươi” (cc. 40 và 45). Các lời đối đáp giữa vị vua và mỗi
nhóm mở đầu bằng, tote, “bấy giờ”
(cc. 34.37.41.44.45).
Mỗi cuộc đối thoại có
cấu trúc lập lại: mỗi nhóm lập lại gần như từng chữ lời tuyên bố của vị vua:
“đói/cho ăn”, “khát/cho uống”, “khách lạ/ tiếp đón”, “trần truồng/ chommặc”…
(c. 35-36) – “đói/nuôi dưỡng”…. (c. 37-39). (x. W.D.Davies - D.C.Allison,
The Gospel According to Saint Matthew.
A Critical and Exegetical Commentary (ICC; Edinburgh: Clark, 1988, 1991, 1997)
III, p. 416). Như thế các việc làm hay không làm cho Chúa được lập lại đến bốn lần. Và càng về sau, chi tiết càng được
rút ngắn lại.
Bối cảnh buổi phán xét cuối cùng (cc. 31-33)
Trong ba câu dẫn nhập,
Matthêô trình bày quang cảnh Con Người đến. Quang cảnh nầy gồm những yếu tố đã
gợi lên trong tin mừng Matthêô trước đây (10:23; 13:41.49-50; 16:27-28; 19:28;
24:30-34; x. Đan 7:13-14). Đặc điểm của phần dẫn nhập nầy là các động từ ở thì
tương lai. Chỉ những sự việc sẽ xảy ra trong ngày phán xét sẽ đến. Trong dẫn
nhập nầy Matthêô không nói gì đến “lúc nào” Chúa đến (x. 24:36), mà chỉ trình
bày ý nghĩa của việc Người đến. Quang cảnh nầy nhấn mạnh vinh quang của Con
Người. Người “ngồi trên ngai”, “trong vinh quang của Người”, và “các thiên thần
bao quanh Người”. Người thi hành quyền phán xét trên các dân tộc như một mục tử
tách chiên ra khỏi dê. “Vinh quang của Người” (19:28) hay “trong vinh quang của
Người” (c. 31[2x]) thật ra không phải vinh quang của riêng Người, mà là “vinh
quang của Cha Người” (x. 16:27). Tính từ sở hữu autou, “của Người”, được dùng để nhấn mạnh tính cách Kitô trong
cuộc hiển lâm nầy. Vị trí “ngồi trên ngai” là vị trí của một vị vua, và từ
“ngai vinh quang của Người” Người thực hiện việc phán xét các dân tộc.
Ethnos, “dân tộc”, và cũng có nghĩa là “người-không Do thái”, rồi
sau nầy “người-không Kitô hữu”. Khó có thể tưởng tượng có hai cuộc phán xét,
một cho mười hai chi tộc
Đối thoại trong ngày phán xét (cc. 34-45)
Con Người đang ngồi
trên ngai được gọi là “Vua”, basileus.
Những đoạn trước đã nói đến vai trò phán xét của Con Người (x. 13:41-43;
16:27). Chúa Giêsu với tư cách là vua khi Người phán xét. Nhiều lần trong
Matthêô nói đến Người với tước hiệu là “Vua” (2:2; 21:5; 22:11; 27:11.29.37 và
42), và cũng nói về vương quốc của Người (13:41; 16:28; 20:21). Deute, “Hãy đến”, nhắc nhớ lời mời của
một vị vua sai các đầy tớ đi nói với những người đã được mời đến dự tiệc cưới
đã sẵn sàng (22:4). Và giữa những “người được chúc phúc, eulogēmenos, của Chúa Cha”, Chúa Giêsu là người đầu tiên được gọi
bằng tên nầy (x. 21:9; 23:39). Người được hưởng vinh quang Nước của Cha Người
trước tiên. Động từ khēronomeō, “thừa
hưởng” xuất hiện 3 lần trong Matthêô (5:5; 19:29; 25:34), và đều có Nước Trời
hay sự sống đời đời làm đối tượng. Về việc thừa hưởng Nước Trời xem 5:19-20;
7:21; 8:11... Nước Trời nầy hoặc chỗ trong Nước Trời đã được do chính Chúa Cha
chuẩn bị (thành ngữ tương tự trong 20:23), “từ lúc tạo thành vũ trụ” (25:34;
thành ngữ tương tự trong 13:35). Như thế, trong việc ân thưởng cho những người
được chúc phúc, mục đích cứu độ của Thiên Chúa được viên thành.
Tiếp theo là cuộc đối
thoại với những người bên hữu (cc. 34-40). Chúa Giêsu kể ra những việc họ đã
làm. Các động từ ở thì bất định (aorist) chỉ các hành động tốt họ đã được thực
hiện rồi trong đời của họ (cc. 35-39). Chính Chúa Giêsu đồng hoá với những
người có thiếu thốn nầy; bởi đó những ai làm những việc nầy được kể là “những
người được chúc phúc”. Các việc bác ái nầy được nói nhiều đến trong Cựu Ước (Is
58:7; Ezk 18:7.16; Gióp 22:6-7; 31:17.19.21.31-32; Tob 1:16-17; 4:16; Sir
7:34-35). Những điều được nêu ra là những nhu cầu căn bản của sự sống.
Những người đứng bên
hữu được gọi bằng một tên khác nữa là “những người công chính”(c. 37.46). Họ đã
không biết là họ đã làm cho chính Chúa Giêsu khi họ giúp đỡ những người thiếu
thốn. Do đó họ đã đặt ra một lần ba câu hỏi: “Có bao giờ chúng tôi thấy…” (cc.
37-39). Những câu hỏi nầy cũng sẽ được lập lại, ngắn gọn hơn, nơi những người
đã không giúp đỡ những người thiếu thốn (c. 44). Cả hai nhóm người đã làm điều
tốt hay đã không làm điều tốt, đều không biết Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với
những người thiếu thốn. Điều nầy muốn nói việc nhận biết Chúa Giêsu và tin vào
Người là yếu tố thiết yếu và không thể thiếu để được vào Nước Trời.
Chúa Giêsu đưa ra
nguyên tắc, trung tâm của trình thuật, bắt đầu bằng công thức trang trọng “Quả
thật, Tôi nói cho anh em”, “những gì các ngươi đã làm cho một người trong các
anh em hèn mọn nhất này của Tôi, là các ngươi đã làm cho chính mình Tôi” (c.
40). Ai là “người anh em hèn mọn nhất của Tôi?” Trong tin mừng Matthêô “Anh em
của Tôi” chỉ các môn đệ của Người (12:48-49; 28:10). Đàng khác, những người
“hèn mọn”, oi mikroi, thường chỉ các
môn đệ (18:6.10.14). Và chính câu 10:42 xác nhận “những người bé mọn nhất” là
các môn đệ của Chúa Giêsu khi Người quả quyết một chén nước cho các môn đệ của
Người sẽ không mất phần thưởng sau nầy. Hơn nữa trong mạch văn ấy, Chúa Giêsu
đã đồng hoá trọn vẹn giữa Người và các môn đệ của Người (10:40tt).
Đối thoại với những
người bên tả (cc. 41-45). Ý tưởng của những lời Chúa Giêsu nói trong phần nầy
tương tự như trong cc. 34-40, và dưới dạng phủ định (7 mệnh đề). Đồng thời, có
những từ ngữ và cụm từ đối nghĩa so với đoạn trước: “Các ngươi hãy đi khỏi mặt
Ta” (“hãy đến” trong c. 34), “những kẻ bị chúc dữ, katēramenoi, (“những người được chúc phúc” trong c. 34). Trong câu
41 có những bất đối xứng so với câu 34: Matthêô tránh không nói “những kẻ bị Cha Ta chúc dữ” (so sánh “những người
được Cha Ta chúc phúc”), và không nói “lửa đời đời được chuẩn bị sẵn từ tạo thiên lập địa” (so sánh “Nước
Trời đã được chuẩn bị từ tạo thiên lập địa”), bởi vì Thiên Chúa không tạo dựng
con người để hủy diệt nó.
Danh sách các việc tốt
như trong các câu 35-36 được nhắc lại, nhưng được rút ngắn lại. Những người
thuộc nhóm bên tả nầy đã không làm cho Chúa Giêsu đúng những điều mà những
người công chính đã làm. Lần nữa Chúa Giêsu khẳng định qua những việc làm cụ
thể tương quan mật thiết giữa Người với những người thiếu thốn. Trong câu 41,
nhóm người bên tả nầy tóm lại những việc đáng lý họ phải làm cho Chúa Giêsu
trong động từ diakoneō, “phục vụ”. Họ
đã không phục vụ, nghĩa là đã không giống như Người (20:28), và không được chúc
phúc như Người và nhóm người bên hữu.
Lời của vị vua kết thúc
ở câu 45, và sau cùng là lời của thánh sử (c. 46). Lời kết nầy lập lại lời của
Chúa Giêsu trong hai câu 34 và 41 về việc thưởng/phạt cho hai nhóm người. Việc
thưởng/phạt nầy mang tính cách đời đời, aiōnios,
“cực hình đời đời”, “sự sống đời đời”. Vậy trong ngày phán xét, người công
chính và người bị chúc dữ sẽ được tách ra cách dứt khoát và đời đời.
Khi ngày phán xét cùng
tận đến, mỗi người sẽ được phán xét theo việc họ đã làm mà trong tương quan với
Chúa Giêsu. Khi đã ra trước mặt vị Vua thẩm phán số phận mỗi người, hoặc được
chúc phúc hoặc bị chúc dữ, sẽ không bao giờ có thể thay đổi nữa.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến