CHÚA
NHẬT IV THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 5,
1-12
TÁM MỐI PHÚC
Ai cũng mong được hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh
phúc là một điều xem ra thấy đấy nhưng không phải ai cũng dễ nắm bắt được hạnh
phúc. Có người ví hạnh phúc như chiếc bong bóng xà phòng được thổi bay trước
gió xem rất đẹp mắt, nhưng rồi gặp cơn gió chiếc bong bóng xà phòng sẽ tan tành
một cách mau lẹ. Hạnh phúc có đó nhưng con người phải bảo vệ, phải vun đắp…Bởi
vì, không dễ gì chúng ta đều đồng ý với sự hạnh phúc có đó. Có người cứ tưởng
càng giầu tiền lắm của, con người mới hạnh phúc.
Chúa Giêsu lại vạch cho nhân loại một con đường
hoàn toàn trái ngược với những đánh giá, những ước mong của con người. Đồng
tiền không phải là Tiên, là Phật…Đồng tiền không phải là cái đà danh vọng. Đồng
tiền không phải là hết ý. Nhưng Chúa Giêsu lại nói :” Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó “ ( Mt 5, 3 ). Còn hơn nữa, Chúa Giêsu cho là hạnh phúc những ai hiền
lành, sầu khổ, bị bách hại vv…Chúng ta gọi đó là Tám Mối Phúc và Giáo Hội cho
đây là Hiến Chương Nước Thiên Chúa. Những ai hiền lành, nhân hậu, sầu khổ, khóc
lóc, bị bách hại, đó lại là những người được hạnh phúc, và họ là công dân Nước
Trời. Tuy nhiên, đối với nhiều người và đặc biệt là những người không có niềm
tin thì đó là điều không thể chấp nhận được và như thế, chúng ta hoàn toàn hiểu
được sự khó chịu, chống đối của các Luật sĩ, Biệt phái, Kinh sư và nhiều người
Do Thái thời Chúa Giêsu đối với tư tưởng, hướng đi xem ra thật nghịch lý của
Chúa Giêsu. Đối với những người này thì nghèo đói, sầu khổ, hoạn nạn, khổ đau,
bệnh hoạn, túng quẫn chỉ có thể đem lại bất hạnh cho con người chứ làm gì mang
lại hạnh phúc cho con người được. Vậy, phải chẳng Đức Kitô muốn bần cùng hóa xã
hội, muốn con người luôn nghèo khổ ? Không, dứt khoát là không, Chúa Giêsu dạy
con người qua Tám Mối Phúc bởi vì Ngài muốn con người đừng quá nô lệ của cải,
đừng quá dính bén thế gian, Ngài chỉ muốn con người hạnh phúc khi tâm hồn họ
thanh thản không quá bận tâm đến của cải mà tìm kiếm Nước Trời. Chúa Giêsu đã
từng tuyên bố trong Tin Mừng của thánh Gioan 10, 10 :” …Tôi đến để chiên được
sống và sống dồi dào “. Như thế, Chúa không bao giờ muốn con người bị bần cùng
hóa, Chúa không bao giờ muốn con người nghèo nàn lạc hậu. Chúa muốn con người
luôn làm thăng hoa thế giới này, luôn muốn con người góp tay làm đẹp công trình
mà Thiên Chúa Cha đã miệt mài, đã dày công sáng tạo.
Vâng, Giáo Hội của Chúa được mời gọi sống nghèo
vì Giáo Hội của Chúa có nhiều thứ giầu hơn, vĩ đại hơn đó là có Chúa luôn hiện
diện và Chúa là sự giầu sang vô biên mà con người đang khát khao tìm kiếm. Sở
dĩ Chúa nói :” Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó “ “ Phúc cho ai hiền lành, sầu
khổ, bị bách hại “. Bởi vì, họ là những người khiêm tốn, là những người nhận ra
sự yếu hèn của mình, nhận ra mình luôn cần ơn Chúa, luôn cần mở rộng tâm hồn để
Chúa định liệu về cuộc đời mình. Nên, họ luôn tin cậy, phó thác trọn vẹn vào
Chúa.
Chúa nói :” Phúc cho những ai ăn ở hòa thuận,
xây dựng hòa bình, xót thương, khao khát sự công bình “ là vì những người này
đã quyết tâm đi theo con đường ngay chính của Chúa.
Tám Mối Phúc thật là những nấc thang, những
chặng đường đi theo Chúa. Do đó, thực hành những mối phúc và sống những mối
phúc là được Chúa ban phúc và đồng thời, họ cũng đem lại hạnh phúc cho những
người khác. Người sống hạnh phúc là người vừa biết đón nhận, vừa biết cho đi
với lòng quảng đại và yêu thương của mình.
Đối với Chúa Giêsu, người giầu có đích thực là
người biết bán hết của cải, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Chúa
Giêsu. Người giầu có đích thực là người có trái tim đẹp, nhân ái chứ không đo
đếm, cân, đong bằng tiền của, vật chất, danh vọng ở trần gian này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu được thế
nào là sống tinh thần khó nghèo và thế nào là giầu có đích thực. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT