CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Giữ Lề Luật với tinh thần nào?

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 5:17-37)

          Nghe bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có cảm tưởng đầu tiên như là Chúa chống lại Lề Luật Mô-sê.  Không phải vậy.  Trái lại Chúa rất tôn trọng Lề Luật, vì Người cùng với Thánh Gia luôn trung thành và nghiêm túc giữ Luật, thí dụ việc cắt bì hoặc hằng năm lên Đền Thờ dự lễ.  Hơn nữa, Chúa Giê-su đến và làm mọi sự là để “ứng nghiệm” lời Chúa phán xưa hoặc lời ngôn sứ… Cho nên Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng:  “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hoặc lời các ngôn sứ.  Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mát-thêu 5:17).  Thực vậy, Chúa Giê-su kiện toàn Lề Luật.  Điều này được hiểu theo hai cách:  Chúa Giê-su giúp người ta nhận ra ý nghĩa đích thực và hoàn hảo của Lề Luật;  hoặc Người thực hiện những lời các ngôn sứ tiên báo về thời đại cứu độ và cánh chung.  Cách thứ nhất có thể thích hợp với chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

          Trước hết Chúa Giê-su đưa ra một khẳng định hết sức quan trọng:  “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.  Tại sao lại có sự so sánh này?  Sự công chính của các kinh sư và người Pha-ri-sêu chưa đủ để vào Nước Trời hay sao?  Thưa chưa đủ, bởi vì tuy họ là những người giải thích Luật và tự hào mình lúc nào cũng tuân thủ Lề Luật, nhưng đáng tiếc, họ “nói mà không làm, bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta, còn chính họ lại không buồn động ngón tay vào”, và nhất là “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mát-thêu 23:3-5).  Tóm lại, họ chưa đủ tiêu chuẩn công chính để được vào Nước Trời, vì họ đã nhắm sai mục đích của việc giữ Luật, thay vì giữ Luật để được nên công chính thì họ giữ Luật để được người ta thấy và kính trọng họ.

          Để trình bày điểm cốt yếu mà người ta thiếu sót khi giữ Luật, Chúa Giê-su lập lại cùng một cách nói:  “Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”.  Một bên là “Luật dạy”, một bên là “Thầy bảo”.  Như thế có gì là mâu thuẫn giữa những điều Luật dạy và những điều Chúa Giê-su dạy không?  Dĩ nhiên là không, vì Luật dạy những điều giúp con người nên hoàn thiện, còn Chúa Giê-su dạy chúng ta phải giữ Luật cách nào để được nên hoàn thiện.  Những điều Luật dạy không thay đổi, nhưng các kinh sư và Pha-ri-sêu dạy người ta cách giữ Luật để được khen ngợi chứ không phải để được nên hoàn thiện.  Chúa Giê-su đã nói rõ về điểm này:  “Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm hãy giữ;  còn những việc họ làm thì đừng có làm theo”.  Mà đã giữ Luật chỉ để được khen ngợi chứ không để được nên hoàn thiện thì làm sao có thể vào Nước Trời.  Chính vì thế, Chúa Giê-su mới dạy chúng ta:  “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Những lời Chúa Giê-su dạy về việc giữ Lề Luật đòi hỏi chúng ta phải xét lại cách tuân giữ Luật Chúa và luật Giáo Hội.  Có lẽ chúng ta cũng hãnh diện giống như các kinh sư và Pha-ri-sêu ngày xưa, rằng chúng ta không khi nào bỏ lễ Chúa Nhật, sáng tối đều đọc kinh cầu nguyện, góp công góp của cho giáo xứ hoặc những sinh hoạt tông đồ.  Chúng ta có thể lây “bệnh Pha-ri-sêu”, là giữ luật để tỏ ra mình là người tốt, chứ không phải để xứng đáng làm con Chúa.  Thiếu gì những thí dụ cụ thể nói lên điều ấy!  Sau khi “xem lễ” Chúa Nhật, chúng ta thấy mình thanh thản vì đã “giữ ngày Chúa Nhật”.  Một năm chỉ có hai ngày “ăn chay kiêng thịt”, vậy mà đồng hồ vừa điểm 12g đêm là báo hiệu chấm dứt và mình có quyền ăn nhậu!  Tôi đóng góp cho việc xây dựng thánh đường, nhưng cha xứ chưa kịp cảm tạ trên tờ thông tin giáo xứ thì tôi đã cảm thấy “bực bội”.

          Giữ luật là để biểu lộ tâm tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha, Đấng muốn cho chúng ta cũng được trở nên hoàn thiện như chính Người.  Do đó, giữ luật là sống mối quan hệ yêu thương, chứ không phải là việc làm vì ép buộc.  Tình yêu đích thực không bao giờ áp đặt cả!  Hôm nay, Chúa muốn chúng ta hãy thành thực xét lại vấn đề!                      Lm. Domnic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A