Chúa
Nhật VII Thường Niên A
Hãy Nên
Trọn Lành Như Cha Trên Trời
Mt 5:38-48: 38 Các ngươi đã nghe bảo rằng: Mắt thế mắt,
răng thay răng. 39 Còn Ta, Ta bảo các ngươi: đừng cự lại người ác; nhưng nếu ai
vả má phải ngươi, thì hãy giơ má kia nữa; 40 và kẻ muốn kiện ngươi để đoạt áo
lót, thì hãy bỏ áo choàng cho nó; 41 và ai bắt ngươi làm phu đi một dặm, thì
hãy đi với nó hai dặm. 42 Ai xin, ngươi hãy cho; người muốn vay, ngươi chớ khước
từ.
43
Các ngươi đã nghe bảo: Hãy mến yêu thân nhân và hãy ghét địch thù. 44 Còn Ta,
Ta bảo ngươi: hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các
ngươi; 45 ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên
trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên
người ngay và kẻ ác. 46 Vì nếu các ngươi mến yêu những kẻ yêu mến các ngươi,
thì các ngươi có công gì? Há những người thu thuế cũng không làm thế sao? 47 Và
nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em các ngươi, thì các ngươi có làm gì lạ? Há
người ngoại cũng không làm thế sao? 48 Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha
các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành.
Sang phần hai của đoạn chính 5:21-48,
Chúa Giêsu chuyển sang nói về cách hành xử của bản thân người môn đệ, đặc biệt
đối với những người chống lại mình/kẻ thù: - Đừng thề (5:33-37), - Đừng chống lại
người ác (5:38:42), - Yêu thương kẻ thù (5:43-48).
Đừng
Chống Lại Người Ác (5:38-42)
Câu mở đầu (c. 38) hoàn toàn giống với
5:43, và giáo huấn của Chúa Giêsu ở dạng phủ định giống với câu ở phần trước: mē + động từ nguyên mẫu (c. 34). Các câu
giải thích (cc. 39b-42) gồm hai phần đối xứng nhau với hai thí dụ cụ thể ở mỗi
bên.
Luật Cựu ước “mắt đền mắt và răng đền
răng” (Xh 21:24, Lv 24:20; Đnl 19:21) nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế
nỗi sự hận thù. Lamech hãnh diện với vợ mình “Nếu Cain trả thù bảy lần, Lamech
trả thù bảy mươi lần” (Kh 4:23-24). Luật nầy đòi hỏi trách nhiệm trong việc gây
thiệt hại, và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt. Trong Tân ước còn tìm
thấy cách diễn tả tương tự với luật nầy (Mc 8:38, 1 Co 3:17).
Chúa Giêsu cấm sự đánh trả người làm điều
ác: “Đừng chống trả người ác” (c. 39). Động từ anthistēmi, “chống lại”, hàm ý sự thiệt hại do người ác gây nên. Người
ác, ponēros, tương đương với kẻ thù, echthros, với người bắt bớ, làm sỉ nhục
(x. 5:11). “Không chống lại người ác” nghĩa là không để mình bị vướng vào vòng
lẩn quẩn của sự ác: bạo lực sinh ra bạo lực; một cái răng của mình bị mất đi phải
đòi lại một cái răng của người khác. Mức độ đầu tiên là bất bạo động: “Khi Ngài
bị sỉ nhục, Ngài không sỉ nhục lại” (1 Ph 2:23). Mức độ kế tiếp cao hơn sẽ là yêu
mến người làm điều ác (5:44-45; 1 Thess 5:15). Chúa Giêsu đưa ra bốn minh họa về
sự bất bạo động:
- Bị đánh vào má (c. 39b), rhapizō, là hành vi hạ nhục và khinh dễ
hơn là làm cho đau về mặt thể lý. Việc đưa cả hai má phải và trái cho người ác
chỉ việc hoàn toàn không chống trả và sẵn sàng chịu mọi sự sỉ nhục không do lỗi
mình; người tôi tớ trong Isaia cũng đã làm như thế, “Tôi đã không che mặt” (Is
5:5-6; x. Gióp 16:10; ). Chúa Giêsu đã bị đánh vào má trước mặt các thượng tế
và Công nghị vì Ngài bị cho là phạm thượng; do đó đáng phải chết (26:67).
- Bị
đoạt áo (c. 40): bối cảnh của đoạn nầy là việc thưa kiện ở toà án để đoạt lấy
áo, “muốn kiện”, theolonti krithēnai
(c. 40; x. 18:30). Người bị kiện là một người nghèo tận cùng. Người nầy phải
vay nợ để sống và không có gì để trả nợ. Chủ nợ chỉ có thể lấy áo trong, chitōn để trừ nợ, chứ không được lấy áo
ngoài, mặc dù áo ngoài có giá trị hơn (x. Mc 13:16). Theo luật pháp thời ấy, chủ
nợ không được cầm giữ áo ngoài như vật thế chấp, và nếu có lấy áo ngoài thì buộc
phải trả lại áo cho người nghèo trước khi mặt trời lặn, vì áo ngoài/áo choàng
dùng để làm chăn đắp ban đêm (Xh 22:25-27; Đnl 24:12-13). Đứng trước người
không có lòng xót thương, người nghèo có thể bị lột trần trước mặt mọi người.
Ngay cả khi bị như thế, Chúa Giêsu dạy đưa luôn áo ngoài cho họ. Chúa Giêsu đã
bị lột áo, cả áo trong (Ga 19:23) lẫn áo ngoài (27:31.35), và nên trần truồng hoàn
toàn trên thập giá.
- Bị ép phục dịch (c. 41): động từ angareuō, “bắt ép”, mượn từ tiếng Persian. Angaroi là những người đưa thư. Những
người nầy đứng tại các trạm ở các địa phương do vua xứ Persian chỉ định. Họ sẵn
sàng với con ngựa để chuyển thư từ trạm nầy qua trạm kia để chuyển thư thật
nhanh đến đích. Ở đây từ angareuō nầy
chỉ sự ép buộc đi một hành trình, mang một vật nặng hay làm một việc phục dịch
nào đó do quân đội hay các viên chức trên một hay nhiều người, như trường hợp
Simôn người Xirênê bị quân lính Rôma ép vác thánh giá với Chúa Giêsu (27:32).
- Cho và vay mượn (c. 42): Câu nầy vẫn còn
nằm trong văn mạch của mệnh lệnh: "Đừng chống lại người ác” (c. 39a), và
người môn đệ vẫn còn là nạn nhân của bạo lực hay bất công. Theo cấu trúc, câu nầy
đối xứng và song song với câu 40a: tō
+ phân từ + ngươi + động từ. Động từ “muốn + vay mượn”, thelō, trong câu nầy mang ý nghĩa tương tự như trong câu 42 là muốn
vay mượn tài sản của anh em trong đó hàm ý việc đoạt lấy; so sánh câu nầy với
câu song song trong Luca 6:30: “Tất cả ai xin, hãy cho, và kẻ đoạt của ngươi,
ngươi chớ đòi lại”. Hơn nữa, câu nầy liên kết với đoạn theo sau 5:43-48 bởi từ ponēros, “người xấu” (cc. 39.45), trong
đó nói về việc yêu thương kẻ thù. Đây là minh họa đi trước cho việc yêu thương
kẻ thù.
Việc giúp đỡ và cho vay mượn được nói rất
nhiều đến trong Cựu ước, mà đối tượng nhắm đến thường là người nghèo (Xh 22:25;
Lc 25:36-37; Đnl 15:2-6). Ở đây Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc tổng quát và
không phân biệt người được cho và cho vay: “Ai xin, ngươi hãy cho. Ai muốn vay,
ngươi chớ khước từ” (c. 42; x. 5.45), trong đó bao hàm cả người ác/xấu.
Vậy qua đoạn 5:38-42 Chúa Giêsu muốn chúng
ta giữ mình tự do khỏi mọi hình thức bạo lực. Quyền xét xử và báo oán là của
Thiên Chúa (Rm 12:19-21). Phần người môn đệ của Chúa là “không lấy oán báo oán,
mà theo đuổi điều thiện cho nhau và cho mọi người” (1 Thess 5:15).
“Yêu
thương kẻ thù” (cc. 43-48)
Sự công chính của người môn đệ được thể
hiện ở mức tối đa là yêu thương kẻ thù. Hành vi yêu thương nầy làm họ nên giống
Cha trên trời là Đấng trọn lành (5:48) và là Đấng công chính (6:33), và cũng làm
cho họ trổi vượt hơn các kinh sư và người Pharisêô về sự công chính (5:20). Đoạn
nầy có cấu trúc giống như các đoạn trước, và thêm lời kết luận cho toàn phần
5:21-48. Từ ngữ chính trong đoạn nầy là agapaō,
“yêu thương” (cc. 43.44.46[2x]) và echthros,
“kẻ thù” (cc. 43.44).
Cựu ước nói cách rõ ràng việc yêu thương
người lân cận. Người lân cận được định nghĩa là người đồng hương
“Kẻ thù” theo mạch văn là người bắt bớ
(c. 44b), người xấu (c. 45). Họ sỉ nhục, vu khống, đặt điều nói xấu đủ điều các
môn đệ (x. 5:10-11), họ làm những điều bất công (x. 5:38-42); do đó việc ghét kẻ
thù là điều thường tình đối với người đời. Trái lại Chúa Giêsu dạy phải yêu thương
kẻ thù theo mẫu gương của Cha trên trời. Ngài “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ
lẫn người lành” (c. 45; x. 22:10). Ngài làm điều tốt cho cả hai mà không phân biệt
(x. Rm 212:20-21). Matthêô dùng từ ponēros,
“người xấu” thay vì echthros, “kẻ thù”,
trong câu liên quan đến Thiên Chúa, vì “kẻ thù” thật sự của Thiên Chúa là ma quỉ;
chắc chắn là Ngài không “cho mặt trời mọc lên” trên kẻ thù nầy, mà đặt nó dưới
bệ chân Ngài (13:25tt, 22:44).
Trước khi đi đến kết luận, Chúa Giêsu đưa
ra hai minh hoạ về cách yêu thương mà người môn đệ không nên noi theo, “Nếu chỉ
yêu thương…”, “Nếu chỉ chào hỏi…” (cc. 46-47), bằng không họ sẽ không công chính
hơn người thu thuế và dân ngoại chút nào cả. Tính từ so sánh “hơn”, perisson, ở đây đóng khung đoạn 5:21-48,
và liên quan đến sự công chính của các môn đệ (c. 20). Vậy ai hành động như Thiên
Chúa thì sẽ nên con cái của Ngài, và con cái của Ngài phải là người xây dựng hoà
bình, chứ không lấy ác báo ác (5:9).
“Nên
trọn lành như Cha trên trời” (c. 48)
Từ quan trọng của câu kết luận là teleios, “trọn lành”, nghĩa là đi đến cùng
và không còn thiếu gì cần thiết nữa. Matthêô dùng 3 lần từ nầy và qui chiếu về
Thiên Chúa. Trong 19:21, sự trọn lành mà Chúa Giêsu chỉ cho người thanh niên là
tuân giữ lề luật Chúa, từ bỏ của cải và theo Chúa. Trong câu 5:48 sự trọn lành trước
tiên quy chiếu về lề luật đã được Chúa Giêsu làm trọn (5:21-48), và cũng qui
chiếu về Chúa Cha: “như Cha…” (c. 48b). Liên từ “như”, hōs, chỉ phẩm tính thuộc về Thiên Chúa. Vậy việc “nên trọn lành như
Cha trên trời” được đặt trong tương quan Cha - con, “Cha trên trời” (c. 48) -
“con cái Cha trên trời” (c. 45): sự trọn lành của con cái bắt nguồn từ sự trọn
lành của Cha và có cùng phẩm tính là yêu thương, và tình yêu của Cha thể hiện qua
việc “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành” để nêu gương, thì con cái
cũng bắt chước gương Cha mà làm như vậy: làm điều tốt cho người khác vì yêu thương.
Chúa Giêsu đến để kiện toàn mọi lề luật.
Ngài đã dạy cho các môn đệ một cách cư xử mới trong tương quan với người bất hòa,
phụ nữ, bản thân, người làm ác và kẻ thù. Cao điểm của cách cư xử nầy là làm điều
tốt và yêu thương họ như Cha trên trời và cũng như Chúa Giêsu. Đó là con đường
trọn lành mới mà Ngài muốn con người bước vào.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến