Chúa Nhật VIII Thường Niên A

Hãy Tìm Kiếm Nước Trời Trước

 

Mt 6:19-34: 19 Các ngươi chớ tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt nhấm nát được, nơi trộm cắp đào khoét phỗng mất được. 20 Nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không nhấm nát, nơi trộm cắp không đào khoét, phỗng mất được. 21 Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.

22 Ðèn của thân thể tức là mắt. Vậy nếu muốn mắt ngươi đơn thuần, thì toàn thân ngươi sáng láng. 23 Nhưng nếu mắt người vạy vò thì toàn thân ngươi sẽ sầm tối. Vậy nếu ánh sáng ngươi lại là tối tăm, thì sẽ tối tăm chừng nào!

24 Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ. Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền của được.

25 Vì thế Ta bảo các ngươi: chớ lo cho mạng sống mình: các ngươi ăn gì; hay về thân xác; các ngươi mặc gì. Há mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? 26 Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, và Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao? 27 Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa? 28 Còn về áo mặc các ngươi lo làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! 29 Nhưng ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh quang đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó. 30 Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế, thì huống chi là các ngươi, hỡi quân yếu tin! 31 Vậy các ngươi chớ lo mà rằng: Ta sẽ ăn gì? Ta sẽ uống gì? Ta sẽ lấy gì mà mặc? 32 Các điều đó, dân các ngươi kiếm gì. Nhưng Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy. 33 Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi. 34 Vậy chớ lo đến ngày mai: Mai sẽ lo cho mai. Khổ ngày nào, đủ cho ngày ấy.

 

Chúa Giêsu tiếp tục nói đến sự công chính của các môn đệ, nhưng dưới dạng phủ định. Ngài nói đến những điều phải tránh; chỉ đến phần kết luận của mỗi phần Ngài mới khuyên điều phải làm. Ngài khuyến cáo coi chừng bị sai lầm trong thái độ đối với của cải trần thế: tích trữ kho tàng trần thế, tiền bạc, lo lắng thái quá đời sống vật chất. Đoạn 6:19-34 nằm trong mạch văn của chương 6 nói về thái độ đối với các giá trị tinh thần (6:2-6 và 6:16-18), và của cải vật chất đời nầy (6:19-34). Người ta tìm khen thưởng nơi người đời và an toàn nơi vật chất. Trái lại, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài cũng tìm kiếm tất cả những điều ấy, nhưng nơi Cha trên trời.

 

Đặc điểm của đoạn nầy là dùng rất nhiều câu, mệnh đề ở dạng phủ định. Các từ vựng tập trung quanh chủ đề của cải vất chất: “kho tàng”, “tiền bạc”, “áo quần”, “ăn uống”; về động từ: “tích trữ”, “lo lắng”; các câu thường được xếp thành hai vế đối nghịch nhau: “dưới đất” - “trên trời”, “bị mối mọt” - “không bị mối mọt”, “làm tôi Thiên Chúa - tiền bạc”, “sự lo lắng của con người” - “sự chăm sóc của Cha trên trời”… Như thế con người được đặt trước sự chọn lựa. Đoạn 6:19-34 có thể chia làm 4 phần: - Tích trữ của cải trên trời (6:19-21); - Giữ cho con mắt sáng (6:22-23); - Phụng sự Thiên Chúa (6:24); - Tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên (6:25-34).

 

Tích Trữ Của Cải Trên Trời (6:19-21)

 

Đoạn 6:19-34 bắt đầu bằng lời khích lệ là đừng thu góp của cải dưới đất nhưng ở trên trời. Các câu 6:19-21 cũng có thể được xem như kết luận của phần trước 6:1-18, trong đó, ngoài việc cầu nguyện (6:7-15), Matthêô đề cập đến thái độ của người giả hình khi làm các việc đạo đức như bố thí (6:1-4), cầu nguyện (6:5-6), ăn chay (6:16-18). Những người nầy đã tìm lời khen ngợi nơi người đời - một hình thức của cải tinh thần; trong khi đó người môn đệ phải biết chờ đợi phần thưởng chỉ từ “nơi Cha trên trời, Đấng ngự nơi bí ẩn” (6:4.6.18). Từ chủ đề nầy, Matthêô chuyển sang chủ đề tổng quát là việc thu tích kho tàng.

 

 Từ thesaurizōthesauros mang ý nghĩa trung tính. Kho tàng ấy xấu hay tốt tùy thuộc cái tâm của người chủ kho tàng: người tốt thì lấy ra điều tốt từ kho tàng tốt, và ngược lại (x. 12:35). Người môn đệ được khuyên là thu tích kho tàng trên trời (c. 20). “Trên đất”, epi tēs gēs, là những gì thuộc về trần gian (9:6; 16:19; 28:18); đối nghịch với “trên trời”, en ouranō, thuộc về Thiên Chúa. “Kho tàng dưới đất thì bị mối mọt nhấm nát, trộm cắp đào khoét lấy đi mất” - chỉ sự nhất thời, biến đổi, hư nát, không an toàn (Gia 5:2-3; Is 51:8; Gióp 24:16); trong khi “kho tàng trên trời thì không chịu tác hại của các chuyện ấy. “Hopou”, “nơi”, “bất cứ nơi nào”, được dùng hai lần ở mỗi câu 19 và 20, chỉ vị trí của kho tàng hoặc ở “dưới đất” hoặc “trên trời”. Chính vị trí ấy xác định bản chất của kho tàng nầy. Trong câu kết luận (c. 21), Chúa Giêsu đưa ra một quả quyết diễn tả sự không thể tách rời: “Kho tàng của con ở đâu, lòng con ở đó” (x. 24:28); hopou và ekei ở đầu câu để nhấn mạnh. “Tâm hồn”, “con tim”, kardia, là trung tâm thâm sâu của con người: của suy nghĩ, ước muốn, tình cảm, khát vọng (11:29; 12:34; 13:15; 15:19; 22:37). Như thế việc đặt ở đâu kho tàng của mình “ở dưới đất” hay “ở trên trời”, vì kho tàng kéo theo cả lòng mình vào đó.

 

Giữ Cho Con Mắt Sáng (6:22-23)

 

Dụ ngôn thứ nhất là “Đèn thân thể là con mắt”. Sau khẳng định mở đầu (c. 22a), Matthêô đưa ra hai mệnh đệ điều kiện đặt tương phản giữa “mắt tốt” và “mắt xấu” và kèm theo hậu quả trên thân thể “toàn thân sáng” và “toàn thân ra tối tăm”, và kết thúc đoạn là một mệnh đề giả thiết (c. 23b). Từ “con mắt”, ophthalmos, của đoạn nầy liên hệ với đoạn trên bởi từ kardia, “con tim”, “tâm hồn”, vì con mắt là một phần của thân thể và được điều khiển bởi tâm hồn (x. 5:28).

 

Mắt là đèn cho thân thể (c. 22a). Ở đây Matthêô làm một so sánh giữa cái đèn và con mắt. Như cái đèn, con mắt là nguồn sáng. Đèn được thắp lên để chiếu sáng mọi người trong nhà. Mắt tốt sẽ toả sáng cho toàn thân (Đan 10:6; Zech 4). Động từ photizō nghĩa là “toả sáng”, cùng căn ngữ với “phos”, “ánh sáng”, chỉ ánh sáng thuộc về Thiên Chúa (17:2). Ánh sáng nầy chiếu sáng cho người ngồi trong bóng tối (4:16); ở đây là soi sáng cho chính bản thân để chọn lựa cách khôn ngoan (x. Gv 8:1; Khôn ngoan 7:10. 26).

 

Muốn tỏa sáng, con mắt phải “tốt”. Từ haplotes chỉ được cùng một lần ở đây trong Matthêô, có nghĩa là “đơn sơ”, “chân thành”, “không có gì phức tạp”, “không gấp xếp”, “mạnh khoẻ”. Đèn muốn cháy sáng tùy thuộc vào dầu (25:8tt). Cũng thế, “mắt tốt” hay “mắt xấu” tùy thuộc vào “tâm hồn”, kardia. Trong đoạn trước, Chúa Giêsu nói đến “cái nhìn” và “ước ao phạm tội trong lòng, kardia” (5:28). “Con mắt xấu”, ponēros (c. 23) thì có cái nhìn xấu. Như thế căn rễ của con mắt tốt hay xấu nằm ở trong lòng. Mắt tùy thuộc vào dự kiện của con tim. Nếu con tim tốt, sẽ nhìn đúng sự vật và sẽ đánh giá đúng, và có tương quan đúng với sự vật.

 

Phụng Sự Thiên Chúa (6.25-26)

 

Dụ ngôn thứ hai “hai ông chủ và làm tôi tớ” tiếp tục minh hoạ sự gắn bó của con tim với kho tàng mình chọn lựa (c. 23b). Câu nầy có cấu trúc đối đảo và gồm ba phần: a- Không ai có thể làm tôi hai chủ, b- ghét người nầy, c- mến người kia - c’- tha thiết với người nầy, b’- không màng người kia, a’- không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được

 

Trong khẳng định dẫn nhập, Matthêô đưa vào vấn đề “hai ông chủ”, kurios, và “làm tôi tớ”, douleuō. Trong câu kết luận, thánh sử cho thấy “hai ông chủ” ấy là Thiên Chúa và tiền bạc, và người môn đệ phải chọn lựa làm tôi tớ của chủ nào. Từ kurios trong Matthêô thường để chỉ Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu; do đó, Matthêô khuyến dụ cách mặc nhiên là chọn Thiên Chúa làm chủ đời mình.

 

Trong phần giải thích, Matthêô đưa ra lý do không thể làm tôi hai chủ, vì con người sẽ hoặc mến” chủ nầy và “ghét” chủ kia, hoặc tha thiết với chủ nầy mà không màng chủ nó. Các thái độ tình cảm nầy phát xuất cách trực tiếp từ con tim, kardias. Động từ antechomai có nghĩa là “bám chặt vào một ai/điều gì đó”; ở đây có nghĩa là “tận tụy cho một ai”; ngược lại kataphoneō, là “khinh dễ, “ít nghĩa đến”. Phải có sự chọn lựa dứt khoát và không thể có một thái độ hàng hai, vì con tim chỉ đặt ở kho tàng của nó mà thôi. Nó “yêu thương” và “tha thiết” với kho tàng của nó; ngược lại là “ghét” và “khinh dễ”.

 

Thiên Chúa và tiền bạc không cùng một hạng, nhưng cả hai có thể là “chủ/chúa” của con người tùy theo nó chọn. Kurios thì cao trọng hơn tôi tớ (x. 10:24). Khi xem tiền bạc là “chủ/chúa”, con người đặt nó ngang hàng với Thiên Chúa và cao trọng hơn bản thân, thì con người sẽ trở nên tôi tớ cho tiền bạc. Tuy nhiên của cải không thể là chủ mà là tôi tớ của con người. Chỉ Thiên Chúa mới là “chủ/Chúa” của con người.

         

Tìm Kiếm Nước Thiên Chúa Trước Tiên (6:25-34)

 

Sau khi nói đến việc đừng tích trữ của cải trên trần gian (6:19-24), Chúa Giêsu nói đến việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên (6:26-34). Ngài khuyên họ đừng để mình bị âu lo ngay cả bởi những nhu cầu hằng ngày cho cuộc sống như cơm ăn áo mặc. Các từ chủ yếu trong đoạn nầy: “lo lắng” (cc. 25.27.28.31.34[2x]), “mặc”, enduō, (cc. 25), periballō (c. 29), amthiennymi (c.30),  “áo mặc”, enduma, (cc. 25.28), các từ về nhu cầu hằng ngày: thức ăn, áo mặc… Đặc điểm khác của đoạn là các động từ ở thể mệnh lệnh.

 

Bố cục: - Dẫn nhập (c. 25); Phần chính (cc. 26-32); Kết luận của đoạn (cc .33-34): tìm kiến Nước Thiên Chúa trước tiên.  Phần chính bàn đến việc Thiên Chúa lo lắng cho nhu cầu hằng ngày. “Cha chúng ta trên trời” đóng khung đoạn nầy (cc. 26 và 32). Phần nầy có thể chia ra làm 3 phần nhỏ: bàn về thức ăn (cc. 26-27), - bàn về áo mặc (cc. 28-30), kết luận: Cha lo cho tất cả (cc. 31- 32).

 

Chúa Giêsu mở đầu bằng mệnh lệnh “Đừng lo” (c. 25a), và tiếp theo đó là hai mệnh đề song song với nhau liên quan đến thức ăn cho sự sống, và áo mặc cho thân xác (c. 25b), và mệnh đề so sánh là sự sống quí hơn thức ăn, thân xác hơn áo mặc.

 

Thiên Chúa lo cho nhu cầu hằng ngày cách chu đáo (cc. 26-32)

 

Trước tiên Chúa Giêsu chứng minh cho mệnh lệnh đừng lo về thức ăn (cc. 26-27). Ngài mở đầu bằng mệnh lệnh “Hãy nhìn xem”, emblepsate, nghĩa là “nhìn với con mắt xem xét”, chim trời được Thiên Chúa nuôi ăn như thế nào. Ngài cung cấp đầy đủ thức ăn, dù nó không phải khó nhọc gieo trồng. Câu kết luận lập lại sự so sánh như ở trên là “các con” quí hơn chim trời (x. c. 25b). Bên cạnh đó, Chúa Giêsu đưa thêm lý chứng về sự bất lực của con người ngay cả trên sợi tóc của mình (c. 27): không thể đối một sợ tóc từ trắng ra đen.

 

Tiếp theo Chúa Giêsu nói về áo mặc (cc. 28-30). Các hạn từ cùng ý nghĩa trong ba câu liên quan đến áo mặc, endumatos (c. 28), mặc áo, periballō (c. 29), amphiennumi (c. 30) liên kết chúng lại với nhau. Ba câu nầy có cấu trúc đối đảo: a- Hoa huệ ngoài đồng (c. 28), b- Áo mặc của Salomon (c. 29), a’- Cỏ ngoài đồng (c. 30). Cấu trúc nầy làm nổi bật sự tương phản về vẻ đẹp của hoa cỏ đồng nội do Thiên Chúa chăm sóc và áo mặc của Salomôn. “Tất cả vinh quang” của Salômôn, nghĩa là suốt cả đời ông tương phản với hoa cỏ đồng nội, chỉ có “hôm nay và ngày mai”. Salômon lao nhọc mới đạt đến vinh quang như thế, trong khi hoa huệ đồng nội “không nhọc nhằn canh cửi” tương tự như chim trời không khó nhọc gieo gặt. Động từ katamanthanō, “nhìn” ở đây có nghĩa là “nhìn để ghi nhận, để học”. Vậy việc tìm kiếm nhọc nhằn và đầy lo lắng của con người, ngay cả như Salômôn, không thể bằng để cho Cha trên trời lo lắng cho. Phần kết của tiểu đoạn nầy lập lại ý tưởng của câu 26 là Ngài sẽ “không (lo cho) “các con hơn” sao? (c. 30b).

 

Trong kết luận của phần chính nầy (cc. 31-32), Matthêô tóm lược lại những điều nói trên và áp dụng vào “chúng ta”, ngôi thứ nhất số nhiều. Các động từ về ăn, uống, mặc được lập lại (c. 31). Chúa Giêsu xem việc tìm kiếm, lo lắng như thế là của người lương dân, nghĩa là người không biết Thiên Chúa; nghĩa là nếu đã biết Thiên Chúa thì không phải lo lắng như thế. Động từ epizēteō (c. 32) có nghĩa là “đòi hỏi”, “ước muốn cho có”. Khẳng định chính trong phần kết luận nầy là “Cha trên trời biết tất cả điều các con cần”. Động từ “biết”, oida, rất quan trọng ở đây. Trong văn mạch nầy của Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cho biết là Thiên Chúa không chỉ biết tất cả, hapantōn, mà còn biết trước (6:8) và Ngài biết điều gì tốt, agatha, để ban cho con cái Ngài (7:11). Đó là lý do để không phải lo lắng gì nữa.

 

Tìm Kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên (cc. 33-34)

 

Câu kết luận mở đầu bằng một mệnh lệnh tích cực “Hãy tìm kiếm”. Động từ zēteō có cùng một gốc với epizēteō dùng cho dân ngoại (c. 32), nhưng có ý nghĩa tích cực hơn “tìm kiếm”, “cố gắng đạt đến mục đích”. Việc ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa được đặt trước, trong khi các điều ấy”, tauta, lập lại ở câu 32, là “những điều dân ngoại tìm kiếm” thì sẽ được “thêm cho sau”. Động từ prostithēmi, “thêm vào” đã được dùng ở câu 27, chỉ sự bất lực của con người. Tác nhân của động từ nầy là Thiên Chúa. Điều con người không thể làm thì Thiên Chúa có thể làm được. Lời nầy củng cố mệnh lệnh “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước” và làm người môn đệ mạnh dạn hành động theo mệnh lệnh nầy, vì Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho tất cả. Nước Trời và sự công chính gắn liền với nhau: Ai sống công chính, sẽ được vào Nước Trời (5:10), Sống công chính hơn, ở đây là dân ngoại, trong việc lo lắng ăn mặc, sẽ được vào Nước Trời (5:20). Vậy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính nghĩa là tìm cách sống theo ý Thiên Chúa để được vào Nước Trời, tìm sự công chính là tìm Thiên Chúa, tìm thánh ý của Ngài, tìm cách sống như Thiên Chúa muốn. Câu 34 lập lại cụm từ “ Vậy các con đừng lo lắng” của c. 31 ám chỉ việc ăn mặc, nhưng hướng về tương lai. Tin tưởng vào Thiên Chúa lo cho hôm nay, thì không phải lo lắng gì nữa.

 

Với các chủ đề khác nhau Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trên hết và trước hết mọi sự, vì Ngài là Cha chúng ta; nên cũng là kho tàng và chủ của chúng ta.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A