Chúa Nhật IX Thường Niên
A
Xây Nhà Trên Đá
Mt
7,21-27: 21 Không phải mọi kẻ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", là sẽ
vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời. 22 Trong
ngày ấy, nhiều kẻ sẽ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa, há chúng tôi đã
không nhân Danh Người mà nói tiên tri, nhân Danh Người mà trừ quỉ, nhân Danh
Người mà làm nhiều phép lạ đó sao!" 23 Và bấy giờ Ta sẽ tuyên bố với chúng
rằng: Ta không hề biết các ngươi; hãy xéo đi xa Ta, hết thảy phường tác
quái!"
24 Vậy
phàm ai nghe các lời này của Ta và thi hành, thì ví được như người khôn xây nhà
trên đá. 25 Mưa đổ, sông tràn, gió ùa thổi, đổ xô cả vào nhà ấy, nhưng nó không
sập: vì nó có nền móng trên đá. 26 Và phàm ai nghe các lời này của Ta mà không
thi hành, thì ví được như người dại xây nhà trên cát. 27 Mưa đổ, sông tràn, gió
ùa thổi, và đập cả vào nhà ấy, và nó sập và sập đổ lớn!
Đoạn 7:21-27 thuộc phần kết thúc của Bài Giảng
Trên Núi (5:1-8:1). Cả Matthêô lẫn Luca đều đặt dụ ngôn nầy vào cuối bài giảng (Lc
6:43-49: Bài Giảng Trên Cánh Đồng). Bài Giảng Trên Núi bắt đầu kết thúc từ câu
7:13. Phần nầy gồm: Hai lối đi (7:13-14); Người gian dối và người chân thật
(7:15-23); Dụ ngôn hai người xây nhà (7:24-27); Sự thán phục của dân chúng
(7:28-29). Đoạn tin mừng của Chúa nhật hôm nay gồm phần thứ hai của đoạn
7:15-23 và đoạn 7:24-27. Chủ đề chính của dụ ngôn là thực hành lời của Chúa Giêsu.
Dụ ngôn hai người xây
nhà (7:24-27). Có thể phân chia dụ ngôn nầy làm hai phần: - Người nghe lời Chúa
và thực hành (7:24-25); - Người nghe và không thực hành (7:26-27). Hai phần có
kết cấu song song với nhau trong từ ngữ cũng như cấu trúc câu. Điểm khác biệt là
sự tương phản giữa hành động của hai người: một người nghe Lời Chúa và thực hành,
người kia thì không. Do đó kết quả bởi công việc của họ cũng khác nhau.
Người nghe Lời Chúa và
thực hành (7:24-25). Liên từ oun, “bởi
đó” (c. 24), tổng kết lại những điều đã nói trước, và dụ ngôn sắp trình bày là
một minh họa cho những điều ấy; do đó, hai
đoạn liên hệ với nhau (7:15-23). Cả hai đoạn đều nói đến việc thực hành lời đã
nghe, thay vì chỉ nghe suông. Đối tượng của dụ ngôn nầy không chỉ là các môn đệ,
mà mọi người, pas, đang nghe Người nói. Với “những lời nầy của Tôi”, đại từ chỉ
định toutous xác định đặc tính của Lời.
“Lời nầy của Tôi” qui chiếu về toàn bộ Bài Giảng Trên Núi mà Chúa Giêsu đã rao
giảng (5:1-7:23). Đây là lời của Người, chứ không phải của lề luật cũ hay của các
ngôn sứ (x. 7:12). Nội dung của việc lắng nghe, akouō (c. 24) ở thì hiện tại, từ Chúa Giêsu khác với điều các môn đệ
và dân chúng đã nghe trước đây, akousate
(5:21.27.33.38.43), từ lề luật của Môsê. Những điều họ nghe hôm nay là giáo huấn
hoàn hảo của Chúa Giêsu kiện toàn lề luật của Môsê.
Tất cả những gì họ đã
nghe, phải đem ra thực hành. Động từ poieō, “làm”, “thực hành” là một trong những từ
chủ chốt của Bài Giảng. Chúa Giêsu lập lại nhiều lần là phải thực hành giáo huấn
và lề luật để được vào Nước Trời (5:19), yêu thương và chào hỏi kẻ thù để được
nên hoàn thiện như Cha trên trời (5:46-48), thực hiện việc đạo đức cách kín đáo
(6:1-3); cư xử với người khác như muốn người khác làm cho mình (7:12). Đặt biệt
trong chương 7, số lần dùng động từ nầy gia tăng rất nhiều (7:12[2x].17[2x].18.
19.21.24.26).
Người nghe lời Chúa và đem
ra thực hành là người phronimos, “khôn
ngoan”, “nhạy bén”, “sâu sắc” (c. 24). Matthêô dùng từ phronimos trong những trường hợp rất cụ thể: người xây nhà trên đá
(7:24), chiên vào giữa sói rừng (10:16); người quản lý coi sóc gia nhân
(24:45); các trinh nữ chuẩn bị đèn và dầu đi đón chàng rễ (25:1-13). Phronimos là người biết tính toán như người
quản lý biết tính giờ phân phát cho gia nhân, như người xây nhà biết tính toán
trong trường hợp có mưa sa nước lũ, như các trinh nữa biết phải làm gì torng trường
hợp chàng rễ đến muộn. Họ là người hiểu tình huống chung cuộc của để có thể có
hành động đúng. Họ hiểu nếu xây nhà trên cát, nhà sẽ sụp đổ; bê trễ bổn phận và
không làm đúng theo ý chủ, sẽ bị phạt; không kịp thời đón chàng rễ, sẽ bị đứng
ngoài cửa. Vậy phronimos là người biết
phải sống thế nào để có thể đứng vững trong ngày Thiên Chúa đến.
Ngược lại với người khôn
ngoan là mōros, người “không suy tính
trước”, “bất cẩn”, “khờ dại”. Ngoài câu chuyện các cô trinh nữa khờ dại và khôn
ngoan, Matthêô dùng từ mōros nầy áp dụng
cho các thầy thông luật và các Pharisêô (23:13). Họ bị gọi là người “khờ dại mù
quáng”, vì họ thực hành việc tôn giáo mà không thông hiểu chân lý tôn giáo: họ
không biết cái gì là cao trọng hơn giữa vàng và đền thánh làm cho vàng được tác
thánh (23:17). Bởi đó, có thể hiểu tại sao Matthêô liên kết trong họ sự khờ dại
với sự mù quáng: hiểu không đúng mà vẫn làm.
Người khôn ngoan thực hành
lời Chúa được ví như xây nhà trên đá (7:24). “Xây trên đá,
Trời đất qua đi nhưng lời
Chúa vẫn tồn tại (x. 24:35). Chính vì thế mà ai thực hành Lời nầy là được bảo đảm
sự sống muôn đời.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến