Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa năm A

Ta Hài Lòng về Người

 

Mt 3:13-17: 13 Bấy giờ Ðức Yêsu bỏ Galilê mà đến với Yoan bên sông Yorddan để được ông thanh tẩy cho. 14 Nhưng ông cản Ngài lại, nói rằng: "Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi!" 15 Ðức Yêsu đáp lại và bảo ông: "Bây giờ cứ thế đã! Vì đương nhiên là chúng ta phải làm trọn như thế hết nghĩa công chính". Bấy giờ ông mới để mặc Ngài.

16 Chịu thanh tẩy xong, Ðức Yêsu liền lên khỏi nước; và này: trời mở ra, vàNgài thấy Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu mà đến trên Ngài. 17 Và này có tiếng tự trời phán: "Ngài là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ".

 

 

Bốn tin mừng đều ghi lại việc Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc 1:9-11; Lc 3:21-22; Gio 1:29-34). Lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện sau lời tiên báo của Gioan về Đấng cao trọng hơn ông sẽ đến (3:11). Người đến sông Giorđan để chịu phép rửa mà Gioan đang làm cho dân chúng. Gioan phản đối và không chịu làm phép rửa cho Chúa Giêsu, vì ông thấy mình không xứng đáng (3:14). Tuy nhiên Chúa Giêsu tuyên bố là Người phải làm trọn thánh ý Chúa Cha (3:15). Chúa Cha xác nhận Người là người Con yêu dấu của Người (3:17). Sau đó, Chúa Giêsu sẽ vào sa mạc (4:1-11) và bắt đầu sứ vụ rao giảng. Có thể phân chia đoạn nầy như sau: - Bối cảnh của trình thuật: Chúa Giêsu xuất hiện ở sông Giorđan (c. 13); - Đối thoại với Gioan (cc. 14-15); Thánh Thần ngự xuống trên Người và lời xác nhận của Chúa Cha (cc. 16-17).

 

Chúa Giêsu xuất hiện ở sông Giorđan (3:13)

 

Câu nhập đề nầy có cấu trúc song song với câu 3:1. Mục đích là cho thấy con người và sứ vụ của Gioan đang chấm dứt và được thay thế bởi Chúa Giêsu và sứ vụ của Chúa Giêsu. Gioan đã nói với dân chúng về việc nầy (3:11). Matthêô ghi nhận ngắn gọn trong câu nầy những dự kiện chính yếu đã trình bày trước đó. “Chúa Giêsu đến”, như 3:1, Matthêô dùng cách nói nầy để giới thiệu Người như là khuôn mặt chính từ đây trong tin mừng nầy. “Từ Galilêa”, trước đây Giuse đem Hài nhi và mẹ Người về cư ngụ tại Nazaréth, thuộc miền Galilêa (2:23). “Sông Giorđan”, Gioan đang làm phép rửa tại đó cho dân chúng (3:5-6). Họ từ  Giêrusalem và khắp vùng Giuđêa, trong khi một mình Chúa Giêsu đến từ Galilêa. Họ đến xưng thú tội và chịu phép rửa. Chúa Giêsu cũng đến để lãnh nhận phép rửa dù không làm hành vi xưng thú tội. Người muốn đứng chung với những người tội lỗi.

 

Đối thoại với Gioan (3:14-15)

 

Matthêô không có chung đoạn nầy với các tin mừng khác. Matthêô không cho biết làm sao Gioan có thể nhận ra Chúa Giêsu; do đó không muốn làm phép rửa cho Người (3:14). Động từ diakōlyō có nghĩa là “ngăn cản” bằng cách đẩy ra xa. Gioan tìm cách đẩy Người ra xa. Ông không muốn làm vì theo lời ông tuyên bố, Người sẽ làm phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” (3:11). Những đại danh từ “Người” “tôi” (3:14) nhằm nhấn mạnh căn tính của mỗi bên: chính ông mới là người cần được Người làm phép rửa, chứ không ngược lại.

 

Câu trả lời của Chúa Giêsu không đề cập gì cả đến quyền hạn và bản tính của Người, mà đến ý của Thiên Chúa, “hoàn tất mọi điều công chính” (3:15). Chúa Giêsu nói đến mục đích của việc Người chịu phép rửa bởi tay Gioan. Động từ plēroō “hoàn tất” thường liên quan đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được tiên báo qua các ngôn sứ. Trong những trường hợp chỉ sự kiện đã xảy ra để “ứng nghiệm” điều đã được nói trước trong Cựu ước, động từ nầy thường ở thể thụ động (1:22; 2:15.17.23…). Và động từ nầy ở thể chủ động khi nói đến những việc Chúa Giêsu làm (3:15; 5:17). Chúa Giêsu đến để hoàn thành mọi ý định cứu độ của Thiên Chúa như đã được nói trong lề luật và các ngôn sứ. Dikaiosynē, “sự công chính” trong Matthêô là một cách diễn tả về sự cứu độ, “Phúc cho ai đói khát sự công chính” (5:6). Sự công chính gắn liền với “Nước Trời” (5:10.20; 6:33), với “Cha trên trời” (6:1). Do đó “hoàn tất điều công chính” đối với Chúa Giêsu là làm theo ý Chúa Cha để cứu độ mọi người. Và Thiên Chúa muốn con người tìm kiếm sự công chính/cứu độ nầy và Nước Trời trước tiên (6:33).

 

“Mọi sự công chính” mà Chúa Giêsu hoàn tất là gì? - Người đến giữa những người tội lỗi và cứu vớt họ. Chúa Giêsu đứng chung với những người “xưng thú tội” (3:6). Họ là những tội nhân và muốn hoán cải. Ý nghĩa tên của Người là “cứu dân của Người khỏi tội lỗi của họ” (1:21). Đó cũng là sứ mạng của Người sẽ được mặc khải sau nầy: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính mà những người tội lỗi” (9:13). Trong việc làm phép rửa nầy, không chỉ Chúa Giêsu, mà cả Gioan nữa, “chúng ta (c. 15), cũng phải hoàn tất mọi điều công chính. Gioan không làm phép rửa do sáng kiến riêng của ông, mà do Thiên Chúa muốn (x. 21:25). Do đó, việc ông làm phép rửa cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi ông là do ý muốn của Thiên Chúa. Không bên nào làm theo ý của mình.

 

Thánh Thần ngự xuống trên Người và lời xác nhận của Chúa Cha (3:16-17)

 

Có thể nhận ra khá dễ dàng ba phân đoạn trong hai câu nầy: - Câu tóm lược việc Chúa Giêsu đã chịu phép rửa xong và lên khỏi nước (3:16a); - Một thị kiến trên trời, dẫn đầu với kai idou (3:16b); - Một lời phán từ trời, dẫn đầu với kai idou (3:17). Thiên Chúa Cha có lời cuối cùng về Con của Người.

 

“Lên khỏi nước” kết thúc việc Chúa Giêsu chịu phép rửa.

 

Tên “Giêsu” được nêu lên lần nữa ở đây và đặt trong tương quan với Thánh Thần và Chúa Cha. Trong khi đó, trên kia tên “Giêsu” đặt bên cạnh tên “Gioan”, nguời làm phép rửa cho Người. “Trời mở ra” là cách nói chỉ một thị kiến (Cv 7:56; 10:11; Ezk. 1:1), bao gồm hành động của Thiên Chúa (3:16b) và mạc khải của Người (3:17). Động từ ở thể thụ động được hiểu là do Thiên Chúa hành động. Matthêô trình bày Chúa Giêsu trong tình trạng chủ động, “Người thấy Thánh Thần Thiên Chúa như chim câu ngự xuống trên Người” (3:16b). Việc Thánh Thần ngự xuống trên Người chỉ Chúa Giêsu là người tôi tớ của Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành sứ vụ cứu độ của Người (12:18; x. 1 Sam 10:6.10; Is 11:2). Đây cũng là khúc quanh quyết định của lịch sử cứu độ. Chỉ sau khi Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Người, Người mới bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai (x. Lc 4:14; Cv 10:38).

 

Mạc khải của Thiên Chúa (3:17)

 

“Tiếng từ trời” (3:17) chỉ tiếng nói của Thiên Chúa (x. 17:5). Có thể Matthêô kết hợp Tv 2:7 và Is 42:1 trong câu “Đây là Con Ta yêu dấu, người Ta sủng mộ”. Tv 2:7 nói đến việc Thiên Chúa tuyển chọn một người và đặt người ấy làm vua vua. Vị vua nầy được gọi là “Con của Ta”. Is 42:1 nói đến sự hài lòng về người tôi tớ, và đặt người tôi tớ nầy “đem sự công chính đến mọi dân tộc”. Áp dụng ở đây: Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa (1:20.23; 4:3.6…;27:4) được đặt lên như một vị vua (2:2; 27:37.42); đồng thời Người cũng là người tôi tớ (12:18) của Thiên Chúa làm theo ý của Thiên Chúa để mang lại ơn cứu độ cho con người. Cụm từ “Con chí ái, người Ta sủng mộ” đi chung với nhau và chỉ được dùng cho Chúa Giêsu (3:17; 12:18; 17:5). Động từ eudokeō “hài lòng” bao hàm ý nghĩa là Chúa Giêsu được Thiên Chúa yêu thương, hài lòng; do đó Người được tuyển chọn ban Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin mừng (12:18). Mọi người phải nghe lời Người để được ơn cứu độ (17:5). Vậy, Chúa Giêsu vừa là “vua” vừa là “tôi tớ”. Thiên Chúa sai Người đến để cứu độ con người. Người đi xuống nước và đứng chung với những tội nhân như một “tôi tớ đau khổ” không phân biệt với họ. Như một vị vua, Đấng Kitô, Người cứu vớt họ. Sự công chính mà Người phải hoàn tất chính là “cứu vớt dân Người” (1:21) theo ý muốn của Thiên Chúa.

 

Một cách giải thích về “Thánh Thần như chim bồ câu” (J - L. Ska, Cose Nuove e Cose Antiche (Mt 13,52). Pagine scelte del Vangelo di Matteo, Bibbia e Spiritualità, EDB, 2004, no. 22, p. 48-49): “Trong thế giới Kinh thánh, bồ câu là loài chim di trú. Mùa thu bay đi và trở lại vào đầu mùa hạ. Thành thử việc bồ câu trở lại trùng với cuối mùa mưa và đầu mùa ấm áp và xinh đẹp (Nhã ca 2:12). Cũng thế, con bồ câu mang về tàu Nôe một nhành lá ôliu sau đại hồng thủy báo hiệu một mùa mới cho vũ trụ, chấm dứt một mùa mưa gió dai dẳng (Kn 8:10-11; Nhã ca 2:11). Có thể nghĩ rằng tin mừng đã nhìn thấy trong việc Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu lời loan báo của một mùa xuân mới, một mùa mới trong lịch sử cứu độ, vì cùng với Chúa Giêsu “Nước Trời đã đến (3:2)”.

 

Bởi sứ mạng của Chúa Giêsu là “cứu dân của Thiên Chúa khỏi tội”, Người đã khởi đầu sứ mạng nầy bằng việc đến và đứng giữa những tội nhân, và kết thúc bằng việc đổ máu ra để cứu chuộc họ (26:28). Chỉ ai thú nhận mình là tội nhân mới được Người ban ơn cứu độ và đưa về lại trong thông hiệp hoàn hảo với Thiên Chúa.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến