Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên Năm A
Người Tôi Tớ của Yavê
(Ys 49,3.5-6; 1 C 1,1-3; Yn 1,29-34)
Phúc Âm: Ga 1, 29-34
"Ðây Chiên Thiên
Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian".
Khi ấy, ông Gioan
thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây
Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã
có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng
để Ngài được tỏ mình ra với
Giới Thiệu Ngày Chúa
Nhật
Thật sự không có mùa
Thường niên, mà chỉ có những ngày Chúa nhật với những tuần lễ
"thường", tức là không quy về một lễ lớn nào. Ngày xưa, người ta gọi
đó là những Chúa nhật và tuần lễ sau Hiển linh hay sau Hiện xuống. Ngày nay
chúng ta muốn gọi vắn tắt là Mùa Thường Niên; nhưng không ổn lắm vì có cả một
Mùa Chay và một Mùa Phục sinh khá dài nằm trong thời gian đó và chia nó thành
hai khúc không cân đối. Do đó, tốt hơn nên đơn sơ dùng từ ngữ: các Chúa nhật và
các tuần lễ "thường". Và để mở đầu, nên tìm hiểu ý nghĩa phụng vụ của
các ngày Chúa nhật này.
Các sách Tin Mừng
thuật lại: vào ngày thứ Nhất trong tuần, Chúa Yêsu đã sống lại. Người hiện ra
với một số phụ nữ, rồi với Phêrô. Người cũng đến đi đường với hai môn đệ tới
Emmau, khiến hai ông đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Và cũng chính hôm đó,
Người hiện ra với các Tông đồ, ăn với họ và tuyên bố: Như Cha đã sai Ta, Ta
cũng sai các con. Rồi Người thổi hơi vào họ và nói: Các con hãy nhận lấy Chúa
Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, người ấy sẽ được tha.
Bằng ấy sự kiện đã
xảy đến trong ngày thứ Nhất trong tuần và toàn là những sự kiện đầy ý nghĩa
trong Lịch sử cứu độ: Chúa sống lại; Người hiện ra; Người dùng bữa với các Tông
đồ, ban Thánh Thần tha tội và sai họ đi truyền giáo. Thành ra, chẳng ai lạ gì
khi thấy tám ngày sau các môn đệ lại họp nhau. Và Chúa lại đến. Người cho Thôma
xem các vết thương tử nạn của Người và biến ông thành con người được đức tin.
Từ đó cứ tám ngày
sau, tức là vào ngày thứ Nhất trong tuần, các môn đệ lại hội họp. Chúa không
hiện đến nữa, vì không cần thiết nữa. Người đã ở giữa họ rồi, vì chính Người đã
phán: Khi nào hai, ba anh em họp nhau cầu nguyện, thì Người sẽ ở giữa; và Người
ở với các môn đệ hàng ngày cho đến tận thế. Nhất là lễ nghi bẻ Bánh khi cộng
đoàn hội họp nhau cho phép họ có Mình và Máu Người ở trong tay và trong lòng
mọi người. Họ trở thành những con người tin tưởng mãnh liệt hơn và muốn sống
xứng đáng hơn với đức tin của mình.
Thói quen hội họp như
vậy đã trở thành thông lệ. Nhiều chỉ dẫn trong Tân Ước cho thấy các cộng đoàn
tín hữu vẫn cử hành ngày thứ Nhất trong tuần: 1C 16,2; Cv 20,6-12. Nhiều tài
liệu giáo phụ cũng làm chứng như thế: xem thư thánh Ignaxiô thành Antiokia
(+107) gửi tín hữu Magnêsia; xem sách Minh giáo của thánh Yustinô (+165). Thư
của Pline le Jeune gửi hoàng đế Trajan cũng khẳng định: người Kitô hữu có thói
quen hội họp ca hát vào "ngày nhất định", mà ai cũng hiểu là ngày
Chúa nhật. Nhưng cảm động hơn cả là lời chứng của các Tử đạo ở Tunisie. Ngày
12.2.304, có 31 đàn ông và 18 phụ nữ đã bị bắt vì tụ họp bất hợp pháp. Họ đều
khẳng định: "Chúng tôi có luật phải cử hành Ngày của Chúa... Chúng tôi
không thể sống mà không cử hành Ngày của Chúa...".
Như vậy cùng với thói
quen hội họp, danh từ "Ngày của Chúa" dần dần đã được thông dụng để
gọi ngày thứ Nhất trong tuần, hay là ngày thứ tám sau ngày thứ Nhất. Ngày nay
chúng ta gọi: "Ngày Chúa nhật" là vì lẽ đó. Tuy nhiên cần phải nhớ,
chữ "Chúa" ở đây không nói về "Thiên Chúa" nhưng về Chúa Yêsu,
Ðấng đã sống lại, tập họp chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Thần tha tội và sai
ta đi đem Tin Mừng khắp thế gian, trong ngày đó. Nhưng trong nhiều thứ tiếng (Anh,
Ðức) danh từ gọi tên Ngày Chúa nhật không gợi lên ý tưởng về Chúa (Sunday, Sonntag),
mà về mặt trời; vì lẽ hoàng đế Constantinô tán thành và cổ võ cả hai thứ tôn
thờ: Chúa Kitô và Mặt Trời. Và ông ra lệnh nghỉ "việc" trong ngày ấy.
Từ đó, ngày Chúa nhật
không những trở thành lẽ sống của người tín hữu, mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt
của người ngoài Giáo hội. Các Công đồng trong những thế kỷ tiếp đã ấn định luật
dự lễ và nghỉ việc trong ngày Chúa nhật, nhưng chẳng thêm yếu tố thần học nào
hơn những điều chúng ta đã nói ở trên.
Việc cử hành ngày
Chúa nhật rõ ràng đã đưa Giáo hội Chúa Kitô ra khỏi phụng vụ Dothái giáo; và
việc giáo dân hội họp ngày Chúa nhật đã khiến họ biệt lập với cộng đồng cử hành
ngày Sabat. Nhất là đang khi đạo cũ nhấn mạnh đến sự nghỉ việc trong ngày Sabat,
thì Ðạo Mới trong ngày Chúa nhật lại tập trung cố gắng vào việc cử hành mầu
nhiệm Tử nạn - Phục sinh.
Thế nên ngày đó thật
là Ngày Chúa nhật, tức là ngày của Chúa Kitô, ngày Người sống lại hiện diện ở
giữa các môn đệ để chuyển biến họ thành tín hữu hoàn toàn hơn khi cho họ xem
các vết thương vinh hiển của Người và ban cho họ được Thánh Thần để tha tội và
truyền giáo.
Ngày Chúa nhật vừa là
ngày thứ Nhất vừa là ngày thứ tám trong tuần. Cả hai lối gọi đều đúng; nhưng ý
nghĩa hơi khác nhau. Ngày thứ Nhất gợi lên ý tưởng khởi nguyên của nếp sống
mới; còn ngày thứ Tám nói lên ý nghĩa trở lại của sự sống đời đời: chúng ta cử
hành ngày đó cho đến khi Chúa trở lại. Nhưng dù được gọi bằng danh từ nào, Ngày
Chúa Nhật vẫn là ngày kính nhớ mầu nhiệm Phục sinh, trong niềm trông đợi việc
Chúa trở lại, nhờ việc cử hành mầu nhiệm hiện diện Bí Tích của Người trong
Thánh Thể. Ba chủ đề đó phải được nổi bật trong phụng vụ Thánh Lễ Chúa Nhật của
ta. Và ta hãy cử hành các nghi thức đặc biệt của Phụng vụ Chúa nhật cho ý nghĩa:
* Trước hết việc rảy
nước Thánh nhắc nhở và làm sống lại ơn thánh tẩy mà mọi tín hữu đã lãnh nhận
trong niềm tin mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Chúa. Ðó là cửa mở đưa chúng ta
vào Nhà Chúa. Hơn thế nữa, đó là ơn tái sinh chúng ta thành tạo vật mới, trở
nên con cái Chúa và được sát nhập vào cơ thể Ðức Kitô là Ðền thờ của Ðạo Mới để
chúng ta có thể dâng lễ.
* Bài giảng lễ có
tính cách bó buộc để cả chủ tế lẫn cộng đồng tín hữu suy nghĩ về Lời Chúa vừa
nghe đọc, để Lời ở miệng Chúa phán ra nuôi sống con người và đưa mọi người đến
việc đón nhận Ngôi Lời trở thành Thịt Máu.
* Lời nguyện giáo dân
phải diễn tả được cảm nghĩ và ước vọng của Dân Chúa, để qua lời phát biểu,
người ta có thể thấy cộng đoàn đang thao thức những gì; và như vậy sẽ lôi kéo
mọi người vào một sự hiệp thông cụ thể.
* Việc quyên tiền
trong thánh lễ khó đạt được mục đích chia sẻ bác ái hữu hiệu của nó, vì sự đóng
góp thường không đáng kể so với yêu cầu của sinh hoạt cộng đoàn. Tuy nhiên nó
vẫn phải giữ nguyên vẹn ý nghĩa thiêng liêng cao cả mà Chúa đã nói lên khi đáng
giá việc người góa phụ bỏ đồng tiền nhỏ vào hòm tiền cúng: người ấy muốn dâng
mạng sống mình cho Chúa. Và chỉ có thái độ ấy mới khiến ta xứng đáng cử hành
mầu nhiệm Chúa ban Thịt Máu Người cho ta.
Tất nhiên, những việc
trên không quan trọng nhất trong phụng vụ ngày Chúa nhật, nhưng là những việc
mà chúng ta thường chỉ làm trong ngày đó và chúng ta hãy thánh hóa tối đa mọi
việc chúng ta làm.
Ước gì việc nhắc lại
lịch sử và nội dung thần học của ngày Chúa nhật cũng như ý nghĩa những việc
trên đây giúp chúng ta quan tâm sống phụng vụ các ngày Chúa nhật nhiều hơn, để
những ngày đó trở thành những ngày của Chúa thật sự, tức là thật sự ban Ðức
Kitô phục sinh cho chúng ta. Chúng ta sẽ được như các Tông đồ: tiếp xúc với
Chúa sống lại đức tin của họ cũng đã sống lại; họ được lãnh nhận Thánh Thần và
ra đi làm chứng cho Tin Mừng cứu độ, tạo nên những nếp sống mới và những xã hội
mới.
Suy Niệm:
Chúa Nhật II Thường
Niên A
(Ys 49,3.5-6; 1 C
1,1-3; Yn 1,29-34)
Ba bài Kinh Thánh hôm
nay cho phép ta gọi tên Chúa Nhật này là "Chúa Nhật Người Tôi Tớ".
Không những bài sách Isaia rõ ràng nói đến Người Tôi Tớ của Chúa; mà cả bài Tin
Mừng Yoan cũng chỉ rõ nghĩa khi hiểu Ðức Kitô theo các bản văn Cựu Ước nói về
Người Tôi Tớ. Và cuối cùng, mấy câu mở đầu thư I gửi người Côrinthô sẽ phong
phú nếu chúng ta hiểu mình cũng là những người được ơn gọi trở nên tôi tớ trung
thành của Chúa.
Vậy chúng ta hãy suy
nghĩ về chủ đề Người Tôi Tớ nơi Cựu Ước, nơi Ðức Kitô và nơi mỗi người chúng ta.
A. Nơi Cựu Ước
Isaia không phải là
tác giả duy nhất nói đến Người Tôi Tớ của Ðức Yavê. Nhiều sách khác trong Cựu
Ước, đã gọi Môsê, Ðavít, các tiên tri và nhiều người khác là Tôi tớ của Thiên
Chúa. Nhưng trong sách Isaia phần II (gồm các chương 40-55) có bốn đoạn đặc
biệt nói về Người Tôi Tớ (42,1-7; 49,1-9; 50,4-9; 52,13-53,12). Ðó là bốn Bài
ca về Người Tôi tớ, mà chúng ta chỉ có thể hiểu được khi đọc trong bối cảnh của
cả phần II của sách ấy.
Trước hết chúng ta
nên biết, ngày nay không còn mấy ai nghĩ rằng Isaia là tác giả của những chương
sách này. Các nhà chú giải nhất trí bảo đó là tác phẩm của một tác giả khác.
Ông cũng là tiên tri, sống vào khoảng cuối thời lưu vong, tức là vào hạ bán thế
kỷ VI trước Công nguyên. Ông tuyên cáo Lời Chúa về vận mạng của Dân. Ngài sẽ ra
tay cứu độ. Dân sẽ được giải phóng như hồi ở Aicập. Và còn hơn cả thời bấy giờ
nữa. Ngài sẽ dùng sứ mạng của một Người Tôi Tớ. Ai là con người này?
Chính tác giả cũng
không rõ ràng. Câu đầu tiên trong bài hôm nay nói, Người Tôi Tớ sẽ là cả dân
Nhưng sứ mạng giao
cho toàn dân, Người lại muốn thể hiện nơi và qua một số ít, gọi là "số sót
của Israel", và cuối cùng, nơi và qua Một Con Người tiêu biểu. Chỉ người
này đáng gọi tên là "Người Tôi Tớ của Ðức Yavê".
Tất nhiên chẳng ai
trong Cựu Ước đã thực hiện được sứ mạng như "Isaia" mô tả, vì chẳng
ai "đã đem được Yacob về cho Chúa và quy tụ được
B. Nơi Ðức Yêsu Kitô
Thế nên thật là ý
nghĩa, việc phụng vụ dùng bài tiên tri Isaia này để đọc trong thánh lễ hôm nay.
Lập tức chúng ta đã hiểu: Người Tôi tớ làm vinh danh Thiên Chúa, được Người
hình thành ngay từ trong lòng mẹ, để trở nên ánh sáng cứu độ muôn dân, chính là
Ðức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng mà chúng ta đã thấy sinh ra trong mùa phụng
vụ trước đây và sẽ thấy Người cứu thế trong mùa Chay và Phục sinh. Mùa này,
Người đang ở giữa chúng ta, nhưng chưa được nhiều người biết. Phụng vụ qua bài
sách Tiên tri Isaia muốn giới thiệu Người là Người Tôi Tớ đích thực của Ðức
Yavê để chúng ta vui mừng vì ơn cứu độ đã gần. Nhưng chính bài Tin Mừng mới
thật sự làm chứng điều đó.
Thật ra thì Yoan Tẩy
giả đã không trực tiếp giới thiệu Ðức Yêsu là Người Tôi Tớ. Ông nói Người là
"Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian". Mặc dầu hình ảnh con
chiên có thể gợi ngay đến ý tưởng về chiên vượt qua, chiên tế vật, nhưng liền
sau đó, Yoan đã nói đến Ðấng xóa tội trần gian, Ðấng đến sau ông nhưng lại có
trước ông và cao trọng hơn ông, nhất là Ðấng ấy lại được xức dầu bằng Thánh
Thần... khiến chúng ta phải hiểu Yoan đã mượn lại mọi tư tưởng trong sách Isaia
về Người Tôi Tớ.
Isaia, trong đoạn 53,
tức là ở Bài ca IV về Người Tôi Tớ đã vẽ ra hình ảnh con người bị khinh khi,
phế bỏ, vì đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta; người bị tra tấn, nhưng không
hề mở miệng như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, để nhờ các
vết hằn người chịu, chúng ta được chữa lành; người đã mang lấy tội lỗi nhiều
người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch.
Trước đó, trong Bài
ca I, Isaia đã viết: "Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta
sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người". Và đó là điều Yoan muốn gợi đến
khi ông tuyên chứng đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu
Ðức Yêsu.
Yoan đã nhìn thấy nơi
Ðức Kitô hình ảnh Người Tôi Tớ trong sách Isaia. Bề ngoài, Người có vẻ thua kém
ông, khi đến xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng khi Yoan thấy Thánh Thần
xuống trên Người, ông biết ngay, đây là Ðấng mà mình có sứ mạng đi trước dọn
đường như một người đầy tớ. Chính Người là Ðấng cao trọng, Ðấng mà Thánh Thần
xuống ngự ở trên, nhưng bề ngoài rất khiêm nhu, đúng là Người Tôi Tớ mà sách
Isaia đã tiên báo. Và phép rửa mà Người mới chịu là hình ảnh về cuộc khổ nạn mà
Người Tôi Tớ phải chịu để đưa nhà Israel về với Chúa và đem ơn cứu độ của Chúa
đến tận cùng trái đất. Yoan đã thấy như vậy và ông tuyên chứng để chúng ta hết
thảy tin Ðức Yêsu Kitô thật là Người Tôi Tớ và là Người Tôi Tớ đau khổ của
Thiên Chúa. Người đã đến thế gian, đóng vai trò Người Tôi Tớ để, như lời sách
Isaia viết, Người giải án tuyên công cho nhiều người, hầu ý định của Thiên Chúa
được nên trọn. Thế nên, sau khi đã tin Người là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa,
chúng ta còn phải xem Người chấp nhận sứ mạng ấy để làm gì? Và câu trả lời,
chúng ta đã gặp thấy trong bài thư Phaolô hôm nay nói về chúng ta.
C. Nơi Chúng Ta
Thánh Phaolô ý thức:
ngài được gọi là Tông đồ của Ðức Yêsu Kitô, do thánh ý của Thiên Chúa. Ðồng
thời ngài khẳng định: chúng ta và mọi người kêu cầu Danh Chúa Yêsu Kitô cũng
được gọi để nên thánh, hầu mọi người đều được ân sủng và bình an của Thiên Chúa
Cha và của Ðức Yêsu Kitô.
Chúng ta không thể
không cảm thấy lòng hân hoan của thánh Phaolô khi viết những dòng thư này. Ngài
thấy rõ Thiên Chúa thật tốt lành. Người có cả một ý định thánh thiện, đầy yêu
thương đối với mọi người. Ý định đó, Người đã nhờ Ðức Yêsu Kitô thực hiện, như
trên ta đã nói và như bài thư Phaolô đây khẳng định. Chính nhờ Ðức Yêsu Kitô và
trong Ðức Yêsu Kitô mà chúng ta hết thảy được gọi nên thánh thiện và làm tông
đồ, để mọi người được ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Tức là mọi người chúng
ta cũng được gọi đi vào trong sứ mạng của Ðức Yêsu Kitô, để tham dự, chia sẻ và
tiếp nối sứ mạng ấy.
Khi đáp lại tiếng
Người kêu gọi mà chạy đến kêu cầu Danh Người, mọi tội lỗi của ta sẽ được chính
đôi vai Người gánh lấy. Người là Người Tôi Tớ đau khổ, là Chiên của Thiên Chúa
xóa tội trần gian: Người làm cho chúng ta nên thánh thiện, để chúng ta được
giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy Người đưa nhà Yacob trở về và quy tụ nhà
Khi ấy chúng ta sẽ
được thừa tự sản nghiệp Lời Hứa, được trao ban sứ mạng của Dân được chọn. Và
như trên đã nói, đó là sứ mạng trở thành người tôi tớ thân tín để thực hiện
chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa, tức là trở nên ánh sáng muôn dân, đem ơn
cứu độ đến tận cùng trái đất, trở thành tông đồ của Ðức Yêsu Kitô cũng là trở
thành Người Tôi Tớ của Thiên Chúa vậy.
Chúng ta hãy tạ ơn
Thiên Chúa vì kế hoạch đầy tình thương của Người. Người đã ban Ðức Yêsu Kitô
cho ta để làm Người Tôi Tớ thực hiện kế hoạch ấy. Và Ðức Yêsu Kitô giờ đây
trong thánh lễ này lại tha thiết kêu gọi mọi người chúng ta quy tụ vào Thân Thể
mầu nhiệm Người, để Người sai ta đem ân sủng và bình an đi, tiếp nối sứ mạng
của Người Tôi Tớ. Dĩ nhiên muốn thực hiện sứ mạng này, chúng ta phải giơ vai ra
gánh lấy hết mọi khổ đau nhọc nhằn của đồng bào. Thế mà nhiều người còn từ chối
chung vai gánh vác những nghĩa vụ hiện này với đồng bào. Họ sợ nặng ư? Nhưng
chính Chúa đã nói: gánh của Chúa vừa nhẹ vừa êm, bởi vì Thánh Thể Chúa luôn sẵn
sàng bổ sức cho những ai yếu nhọc. Thế thì chúng ta hãy sốt sắng cử hành mầu
nhiệm Thánh Thể này để có sức mạnh thực hiện sứ mạng của Người Tôi Tớ.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)