Chúa Nhật II Thường Niên A

Người là Con Thiên Chúa

 

Gio 1:29-34: 29 Hôm sau, ông thấy Ðức Giêsu đến với ông, thì ông nói: "Này là Chiên của Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của thế gian. 30 Chính Ngài là Ðấng tôi đã nói: "Sẽ đến sau tôi, một người đã vượt trước tôi, vì Ngài đã có trước tôi." 31 "Phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra cho Israel, mà tôi đã đến thanh tẩy bằng nước". 32 Và Yoan đã đoan chứng rằng: "Tôi đã trông thấy Thần khí như chim câu đáp xuống tự trời và đã lưu lại trên Ngài. 33 Tôi chưa hề biết Ngài, nhưng Ðấng đã sai tôi đến thanh tẩy bằng nước, chính Người đã nói với tôi: Ngươi thấy Thần khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh thần. 34 Và tôi đã được xem thấy, và xin đoan chứng: Chính Người là Con Thiên Chúa".

 

Vai trò làm chứng của Gioan về Chúa Giêsu để mọi người có thể tin vào Người đã được nói từ đầu trong Lời Tựa (1:6-8.15). Từ 1:19 Lời Tựa chuyển sang thể văn tường thuật. Phần còn lại của chương 1 nầy (1:19-51) gồm ba đoạn: 1:19-28; 29-34; 35-51. Ba đoạn nầy liên kết với nhau rất chặt chẽ chung quanh chủ đề “làm chứng”: Gioan làm chứng trước những người được phái đến từ Giêrusalem là ông không phải là Đấng Kitô, mà là Đấng đến sau ông (1:19-28); ông làm chứng trực tiếp về Chúa Giêsu cho dân Israel (1:29-34); và ông làm chứng cho hai môn đệ của ông về Chúa Giêsu (1:35-37).

 

Trong đoạn 1:29-34 nầy, Gioan tuyên bố Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” khi ông thấy Người đi ngang qua đó (1:29); rồi ông làm chứng về thị kiến Thánh Thần ngự xuống trên Người; sau cùng ông làm chứng Người là “Con Thiên Chúa” (1:34). Trung tâm của trình thuật là Chúa Giêsu, Người được Gioan làm chứng. Bố cục của đoạn có thể phân chia thành hai phần, do động từ “làm chứng” ở các câu 1:32 và 34: - Chiên của Thiên Chúa (1:29-31); - Con của Thiên Chúa (1:32-34). Đoạn nầy được đóng khung bởi “Con Chiên của Thiên Chúa (1:29) và “Con của Thiên Chúa” (1:34), và được giới hạn bởi chỉ dẫn thời gian “Hôm sau” (1:19.25).

 

Chiên Thiên Chúa (1:29-32). Chỉ dẫn thời gian “Hôm sau” mở đầu một màn mới (1:29.35.43).  Ở phần kết thúc của mỗi đoạn đều có một quả quyết rất quan trọng (1:34.43.51). Việc làm chứng của Gioan bắt đầu bằng việc “thấy”. Ba động từ “nhìn thấy” blepein (c. 29) - “chiêm ngắm” theōrein (c. 32) -  “thấy” horan (c. 34) chỉ những thay đổi tinh tế về việc “thấy” trong những khoảng nối tiếp nhau. Khi Chúa Giêsu đi đến phía ông, Gioan “nhìn thấy”. Khi Thánh Thần ngự xuống trên Người, ông “chiêm ngắm”. Và sau khi đã chứng kiến mọi sự, ông nói là “đã thấy” Người. Với động từ “thấy” horan, Gioan đã quả quyết trong Lời Tựa là “Thiên Chúa không ai thấy bao giờ” (1:18); thế mà bây giờ Gioan đã thấy Người (1:29 “Kìa”; 1:34.36). Cũng thế, chỉ khi Lời mặc lấy xác phàm, “chúng ta mới chiêm ngắm, theōrein, vinh quang của Người” (1:14).

 

Đối tượng của việc “thấy” là Chúa Giêsu, Người đang đến. Tên “Giêsu” trong lần đầu tiên qui chiếu về “Đấng sẽ đến” (x. 1:15.27). Lần nầy “Giêsu” được xác định rõ hơn về căn tính của Người. Người là “Chiên Thiên Chúa”. Tước hiệu nầy được dùng lại lần nữa khi Gioan nói với hai môn đệ của ông (1:26). “Chiên Thiên Chúa” gắn liền với sứ mạng “mang lấy tội trần gian”. Trong sách Công vụ Tông đồ, “Chiên Thiên Chúa” được áp dụng cho Chúa Giêsu (8:32-35). Tước hiệu nầy làm nghĩ đến “Người Tôi Tớ” trong Is 53:7-8. Về Người Tôi Tớ nầy, ngôn sứ Isaia viết: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt”. “Con chiên” trong Isaia chịu đau khổ vì tội lỗi của dân. “Chiên Thiên Chúa” không chỉ như thế, mà còn mang lấy tội lỗi ấy (x. 19:31-37). Tội lỗi mà Gioan dùng ở số ít, chỉ một tội duy nhất: đó là tội không tin vào Chúa Giêsu khi Người đến trần gian nầy (16:8-9). Điều nầy phù hợp với khẳng quyết là Ánh Sáng đến trong trần gian, nhưng trần gian không nhận biết Người (1:9-10). “Con Chiên” là “của Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng ban Con Chiên nầy cho trần gian; tương tự như “bánh của Thiên Chúa”, nghĩa là Bánh do Thiên Chúa ban cho (x. 6:33). Động từ “đến” (c.30) chỉ sứ mạng cứu chuộc của Chúa Giêsu khi Người đến trần gian. 

 

Cụm từ “Tôi đã không biết Người” (1:31.33) muốn nói là khi chưa gặp Người thì Gioan đã không biết Người. Động từ “biết” ở đây chỉ sự kiện “đã không hề biết”. Trong khi ở câu 1:26, Gioan nói với những người đến với ông là họ đã không biết và ngay cả bây giờ họ cũng không biết. Gioan chỉ mới biết Chúa Giêsu và làm chứng cho Người khi ông được Thiên Chúa sai đến làm phép rửa cho Người. Phép rửa ông làm cho Người có mục đích là “để Người được tỏ mình ra cho dân Israel”. Tương tự trong 1:24-27, trong đó Gioan trả lời cho những Người thắc mắc về chân tính của ông khi ông làm phép rửa. Trong câu 1:32 Gioan sẽ quả quyết về “phép rửa trong Thánh Thần” Chúa Giêsu sẽ làm.  Trong tin mừng Gioan, “dân Israel” ám chỉ dân của Thiên Chúa (1:29. 49; 3:10; 12:13); trong khi “Do thái” chỉ những người đại diện cho thế giới chống lại Thiên Chúa (1:19; 2:6.13.18.20…). Mục đích của việc tỏ mình ra là để người ta có thể tin vào Người: các môn đệ đã tin vào Người trong phép lạ đầu tiên tại Cana (2:11; 17:6; 21:1.14); những người sống trong sự thật đến cùng ánh sáng (3:21). Còn thế gian nầy không tin vào Người nên Người không tỏ mình ra cho họ (7:4-5).

 

Con Thiên Chúa (1:32-34). “Phép rửa” liên kết hai phần với nhau. Đoạn nầy được đóng khung bởi động từ “làm chứng” (c. 32.34). Việc làm chứng của Gioan trong phần nầy cụ thể hơn. Trong phần nầy sẽ nói đến một phép rửa khác. Đó là phép rửa trong Thánh Thần. Điều kiện để Chúa Giêsu có thể làm phép rửa trong Thánh Thần là Thánh Thần phải ngự xuống trên Người trước và ở lại trong Người. Khác với các tin mừng nhất lãm nói là Chúa Giêsu thấy Thánh Thần ngự xuống trên Người. Trong tin mừng Gioan, chính Gioan có thị kiến về việc nầy; như thế chính ông cũng tham dự vào thị kiến nầy.

 

Cảnh Thánh Thần ngự xuống như hình chim bồ câu trên Người và ở lại với Người có nhiều cách giải thích. Có thể nghĩ hình ảnh chim bồ câu liên quan đến cuộc tạo dựng (Kn 1:2), và là dấu hiệu của một thời kỳ mới (Kn 8:10-11; Nhã ca 2:11-12). Việc Chúa Giêsu đến mở ra thời kỳ cứu độ mới. Ai muốn trở nên thành phần trong dân mới Israel đều phải lãnh phép rửa trong Thánh Thần. Việc Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu đưa Gioan đến kết luận trong lời chứng là chính Người là Con Thiên Chúa (x. 11:27). Tước hiệu “Con Thiên Chúa” xuất hiện lần cuối cùng vào cuối tin mừng Gioan, và cho biết mục đích của tin mừng nầy được viết ra: “Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng: Ðức Giêsu chính là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ Danh Ngài” (20:31).

 

Lời chứng của Gioan được nối tiếp bằng những điều ghi lại trong tin mừng theo thánh Gioan. Lời chứng nầy luôn mời gọi lòng tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa để được sự sống đời đời.


Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A