CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Biết Là Sống

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 24:37-44)

          Đề tài chính bài giảng của Chúa Giê-su về ngày Quang lâm nhấn mạnh tới thái độ phải tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày Chúa đến lần thứ hai.  Nhưng tại sao lại phải tỉnh thức và sẵn sàng?  Câu trả lời hết sức đơn giản:  “anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”.            Trước hết, Chúa Giê-su lấy sự kiện Lụt Hồng thủy để nói về thái độ “không hay biết gì” của những người sống đồng thời với gia đình ông Nô-ê.  Thái độ “không hay biết gì” ở đây không hẳn có nghĩa là không có khả năng nhận ra, mà là không muốn biết.  Việc ông Nô-ê đóng một con tàu lớn để chứa bao nhiêu súc vật và đại gia đình của ông không thể qua mắt được những người đương thời.  Vậy mà “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, làm như sẽ không có gì xảy ra cả!  Thời ông Nô-ê, việc đóng tàu đã trở nên tín hiệu cho một thực tại chắc chắn sẽ xảy đến là nạn lụt hồng thủy.  Cũng thế, trong thời đại cứu độ, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị khốn khổ và tàn phá là tín hiệu của ngày Chúa Ki-tô quang lâm.  Cũng như nạn hồng thủy là một sự kiện lịch sử đã xảy ra đột ngột, thì “ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”, nghĩa là Chúa Giê-su sẽ trở lại lần thứ hai vào một thời điểm nào đó không ai biết được.  Biết một sự kiện chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng lại không biết nó sẽ xảy ra vào lúc nào, điều này đưa chúng ta tới một cái biết khác, là biết phải chuẩn bị sẵn sàng như thế nào.  Đó cũng chính là điểm Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta:  “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.      

          Điểm quan trọng ở đây là chúng ta hãy nhận ra sự tương đồng giữa hành động đóng tàu của ông Nô-ê và công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su.  Ông Nô-ê chỉ cứu được gia quyến ông và một số sinh vật trong một biến cố ngắn hạn.  Còn Chúa Giê-su cứu độ toàn thể nhân loại mọi thời mọi nơi, cho đến ngày Người trở lại phán xét trần gian.  “Con Người sẽ đến” là sứ điệp đem lại niềm hy vọng và vui mừng cho chúng ta, chứ không phải là lời đe dọa tai họa sắp xảy tới.  Ý thức như vậy, chúng ta sẽ có thái độ chuẩn bị một cách tích cực.  Chuẩn bị tích cực không phải là cứ “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, sống như không có đời sau, nhưng là cố gắng “trở nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mát-thêu 5:48), hoặc “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Phi-líp-phê 3:11), “sống trong tình bác ái như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta” (Ê-phê-xô 5:2).  Chúng ta không biết ngày nào sẽ tận thế, nhưng chúng ta biết chắc chắn Chúa Ki-tô sẽ lại đến.  Quan trọng hơn hết, là chúng ta biết rõ ràng Chúa muốn chúng ta phải chuẩn bị để sẵn sàng đón tiếp Người đến bất ngờ.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Giáo Hội sắp đặt mùa Vọng để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh.  Những bài đọc trong Thánh lễ và những điều giảng dạy của Giáo Hội nói với chúng ta về lời hứa cứu độ của Chúa đã được thực hiện.  Tuy nhiên mùa Vọng của mỗi người chúng ta không chỉ là bốn tuần lễ trước Giáng Sinh, mà là cả một đời chuẩn bị cho ngày Chúa đến với chúng ta vào phút cuối cùng cuộc sống.  Cuộc đời chúng ta có thể ví như cộng tác vào việc “đóng tàu” của ông Nô-ê.  Chúng ta không tự cứu được mình, nhưng là hoàn toàn nhờ Chúa Ki-tô là Nô-ê Mới và Đấng Cứu độ.  Chúng ta không lên thiên đàng một mình, nhưng là đồng hành với Chúa Ki-tô và những người anh chị em chúng ta.  Hy vọng cái nhìn này giúp chúng ta sống mùa Vọng cuộc đời cho đúng với ý nghĩa của nó.  Người Việt Nam chúng ta nói:  Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.  Chúng ta biết Con Người sẽ đến.  Chúng ta biết Chúa Giê-su dạy chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng như thế nào.  Nhưng nếu chúng ta có sống những điều biết ấy thì biết mới là sống vậy.                                                                           

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A