CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Gốc tích của Chúa Giê-su giáng sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 1:18-24)

          Bài Tin Mừng Chúa Nhật cuối cùng mùa Vọng giới thiệu với chúng ta về “gốc tích Đức Giê-su Ki-tô”.  Nói đến gốc tích là nói đến những đấng sinh thành.  Gốc tích của mỗi người chúng ta thường là đơn giản, đôi khi có chút rắc rối bí ẩn.  Nhưng gốc tích của Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người, vừa gần gũi với chúng ta, nhưng cũng hết sức mầu nhiệm vì là sự kết hợp giữa trời với đất.

          Trong đoạn Tin Mừng hôm nay của thánh Mát-thêu, có ba nhân vật liên hệ đến gốc tích của Chúa Giê-su:  bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Chúa Thánh Thần.  Mẹ Ma-ri-a có sứ mệnh cưu mang Con Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần thì dùng quyền năng để cho Ngôi Lời “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gio-an 1:14).  Còn sứ mệnh của thánh Giu-se tuy âm thầm, nhưng lại hết sức quan trọng, vì Ngài chính là đấng giúp Thiên Chúa “hợp thức hóa” việc Nhập Thể của Ngôi Lời.  Thực vậy, trên phương diện pháp lý của nhân loại, thánh Giu-se là “con cháu Đa-vít” để cho Chúa Giê-su được làm “Con vua Đa-vít”.  Thánh Giu-se là “người công chính” để Đấng Công Chính được cư ngụ giữa chúng ta.  Đức Mẹ sinh con trai, nhưng thánh Giu-se mới là người “phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”, nghĩa là Ngài là người cộng tác với Thiên Chúa để định hướng sứ mệnh của Chúa Giê-su, là “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

          Sứ mệnh của thánh Giu-se quả là cao cả, nhưng cũng hoàn toàn tùy thuộc vào sự ưng thuận của Ngài.  Người ta hay đặt câu hỏi:  giả như Đức Mẹ không ưng thuận lời báo tin của sứ thần Gáp-riên thì sao?  Nhưng ít khi nào người ta đặt câu hỏi ấy cho thánh Giu-se!  Nhận một người đàn bà đã có thai về làm vợ là một việc không thể đối với “người công chính” như thánh Giu-se.  Nhưng vì sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, thánh Giu-se đã dẹp bỏ mọi “toan tính” và “ngại ngùng” để khiêm nhường làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.  Xét theo một ý nghĩa nào đó, lòng khiêm nhượng và sự ưng thuận của hai vị, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, là thực tại đối nghịch với sự kiêu căng và chống đối của ông A-đam và bà E-và.  Kết quả là một bên gieo tội, một bên sinh phúc, một bên đánh mất, một bên cứu độ.

          Thánh Mát-thêu khéo léo đề cao vai trò và nhân đức của thánh Giu-se.  Cũng như Mẹ Ma-ri-a đã quảng đại và khiêm nhượng cộng tác với Thiên Chúa thế nào, thì thánh Giu-se cũng làm y như vậy.  Gốc tích của Chúa Giê-su không phải là ông vua này hay bà hoàng hậu kia, nhưng là gốc tích từ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa Cha và quyền năng Chúa Thánh Thần, cộng với lòng khiêm nhượng cũng như quảng đại của thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a.  Nhờ đó, Ngôi Lời “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta có nhiều điều để suy niệm và sống qua bài Tin Mừng hôm nay.  Cảm tạ vì tình yêu của Thiên Chúa và quyền năng Chúa Thánh Thần.  Vui mừng và hy vọng vì Hài Nhi chính là Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, và là Đấng “sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi”.  Học với Mẹ Ma-ri-a để biết sống “xin vâng”.  Học với thánh Giu-se để biết dẹp bỏ mọi “toan tính” loài người, hầu quảng đại cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa.

          Gốc tích của Chúa Giê-su là từ tình yêu của Thiên Chúa mà đến.  Nhưng Chúa có thực sự đến được với nhân loại hay không, thì Người vẫn tôn trọng tự do của con người và chờ đợi sự ưng thuận của con người.  Thái độ thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đáp trả tình yêu vô bờ của Thiên Chúa như thế nào, đó chính là bài học Tin Mừng dành cho chúng ta hôm nay.  Tình yêu Thiên Chúa đến với chúng ta mỗi ngày qua những tình huống của cuộc sống.  Nhưng quan trọng nhất đối với chúng ta vẫn là sẵn sàng mở lòng để đón tiếp Người.            

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A