Chúa
Nhật IV Mùa Vọng A
Người
Công Chính
Mt 1:18-24:
18 Ðức Yêsu Kitô sinh ra thế này: Maria, mẹ Ngài đã đính hôn với Yuse;
trước khi
ông bà phối hợp cùng nhau, thì xảy ra là bà đã có thai do tự Thánh Thần. 19
Yuse, chồng bà, vì là người công chính và không muốn tố giác bà, thì định âm
thầm ly dị. 20 Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì này: Thiên Thần Chúa hiện
ra cho ông trong mộng bảo rằng: "Yuse, con của Ðavít, chớ sợ lấy Maria vợ
ông: thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần; 21 bà sẽ sinh con, và ông sẽ đặt tên
cho người con là Yêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi".
22 Sự đã
xảy ra tất cả là để được nên trọn điều Chúa đã phán nhờ vị tiên tri nói rằng:
23 Này,
nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch
được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.
24 Tỉnh
giấc, Yuse đã làm như Thiên Thần Chúa truyền cho ông, và ông đã rước vợ về nhà;
25 và giữa ông và bà không có việc giao tri vợ chồng, cả đến lúc bà sinh con,
và ông đã đặt tên cho là Yêsu.
Gia phả của Chúa Giêsu khởi từ thời Abraham, đến
Đavít và cao điểm là việc Người sinh ra (1:1-17). Sau đó Matthêô trình bày việc
Chúa Giêsu giáng sinh để hoàn tất lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa đối với dân
Người (2:1-12). Trình thuật về Giuse (1:18-25) là đoạn chuyển tiếp giữa hai đoạn
về gia phả và giáng sinh. Chủ đề chính của đoạn là Chúa Giêsu Kitô từ Thiên Chúa
mà đến và sứ mạng cứu chuộc của Người. Phần Giuse, ông được tham dự vào sứ mạng
cứu độ của Người bằng việc đem mẹ Maria về nhà, đặt tên cho Chúa Giêsu, và qua ông
Chúa Giêsu được kể là thuộc dòng tộc Đavít. Những từ liên kết đoạn nầy với hai đoạn
trước và sau là: “sự sinh ra” genesis
(1:1.18), “sinh ra”, gennaō (1:2;
2:1); Iēsous (1:1.18.25; 2:1). Câu
1:17 như là bảng tổng kết của gia phả, trong khi những gì được trình bày trong
câu 1:16 sẽ được giải thích chi tiết trong đoạn về câu chuyện Giuse (1:18-25).
Bố cục của đoạn nầy: - Dẫn nhập: lập lại bối cảnh
của việc Chúa Giêsu giáng sinh (1:18); - Giuse và sứ mạng của ông đối với việc
giáng sinh của Chúa Giêsu (1:19-25). Iēsous
(1:18.21.25) và Iōsēph (1:18.19.20.24)
là từ xuất hiện nhiều nhất trong đoạn nầy, qua đó Giuse được bàn đến trong tương
qua chặt chẽ với Chúa Giêsu.
Được cưu mang bởi Chúa Thánh Thần (1:18)
Câu 1:16 chỉ ghi nhận sự
kiện cách khách quan là sự sinh ra của Chúa Giêsu, trong khi câu 1:18b tập
trung vào trường hợp nào Người được cưu mang. Tên “Giêsu Kitô” trở thành tên kép
của Đấng được sinh bởi mẹ Maria ở đây. “Giêsu Kitô” nầy là “con của Đavít, con
của Abraham” (1:1). Có một phân biệt tinh tế ở đây là Giuse được giao nhiệm vụ đặt
tên cho Đấng sẽ được sinh ra nầy là “Giêsu” (1:21.25), trong khi tước hiệu “Kitô”
thì do Thiên Chúa. Cụm từ “được gọi là Đấng Kitô” trở thành yếu tố cần thiết để
xác định căn tính của “Giêsu” (x. 1:16; 27:17.22). Trong khi tên “Kitô” thường được
gắn liền với “Con Thiên Chúa” (16:16; 26:63), tên “Giêsu” gắn liền với Giuse
(13:55), chỉ nguồn gốc nhân loại và thuộc dòng tộc Đavít của Người (9:27;
12:23; 20:30.31; 21:9.15). Rất có thể Matthêô đưa tên kép “Giêsu Kitô” vào ngay
trong câu dẫn nhập nầy để khẳng định nguồn gốc thiên tính của Chúa Giêsu khi bàn
về mẹ Maria mang thai “bởi Chúa Thánh Thần”. Điều nầy được thiên sứ xác định lại
với Giuse trong giấc mộng (1:20).
Những chi tiết về Maria
được đưa ra khá đầy đủ trong câu nầy: “đã đính hôn”, “mẹ của Người”, “trước khi
về chung sống”, và đáng chú ý hơn cả là Maria “được thấy mang thai (dịch theo từ
ngữ là “có trong bụng”) bởi Chúa Thánh Thần”. Trước hết cách dùng động từ “heuriskō”, “được tìm thấy” ở thể thụ động
chỉ một tình trạng hay sự kiện được Thiên Chúa hoặc con người khám phá ra. Khó có
thể cho rằng Maria là chủ từ của động từ nầy (x. Lc 1:28-38), càng không thể là
dân chúng, dựa trên những điều Giuse suy nghĩ có thể sẽ làm (1:19). Chỉ có thể
là Giuse, từ đó mới dẫn ông đến những quyết định. Rồi theo cách trình bày của
Matthêô, chỉ người cha mới “sinh con”, gennaō;
trong khi người mẹ tham gia vào việc nầy. Giới từ “ek”, “bởi” với sở hữu cách (genitive) của người mẹ chỉ nguồn gốc của
người được sinh ra: bởi Tamar (1:3), Rahab, Ruth (1:5), vợ của Uria (1:6), Maria
(1:16), Thánh Thần (1:18.20). Rất hiếm khi nói là người mẹ sinh con; chỉ thấy
trong Luca 1:13.57; 23:29; và
Gioan 16:21. Với
Chúa Giêsu, Matthêô dùng động từ gennaō
nầy luôn luôn ở thể thụ động “được sinh ra” (1:16.18.20; 2:1.4) để chỉ Thiên Chúa
Cha sinh ra Người. Hơn nữa trong câu 1:20 có một chút dị biệt so với 1:18 là
“Người được sinh ra, gennaō, trong vợ
ông (Maria) bởi Chúa Thánh Thần”. Matthêô
nhất quán với mình là ngay cả mẹ Maria cũng không sinh ra Chúa Giêsu, nhưng Người
được Chúa Cha sinh ra trong mẹ Maria bởi Chúa Thánh Thần. “Bởi Chúa Thánh Thần”
có thể dẫn đến kết luận là Thánh Thần đóng vai trò như người mẹ trong việc sinh
ra Chúa Giêsu Kitô. Sau cùng, không nên tách rời “được thấy mang thai” khỏi “bởi
Chúa Thánh Thần”. Việc biết nầy phải là “mang thai bởi Thánh Thần”, chứ không
phải chỉ là “mang thai”, bằng không sẽ dẫn đến chuyện hiểu sai những quyết định
của Giuse. Và hai yếu tố “đã đính hôn” và “trước khi về chung sống” ra hiệu cho
biết mẹ Maria mang thai không bởi Giuse. Trong câu kết luận 1:25 Matthêô còn nhắc
lại lần nữa là “Ông không biết bà cho đến lúc bà sinh con”. Điều nầy chỉ muốn nói
là Giuse không tham dự chút nào vào việc hình thành thai nhi trong lòng mẹ, và
mẹ Maria là trinh nữ khi mang thai Chúa Giêsu Kitô và cho đến lúc sinh hạ Người.
Điều nầy sẽ được khẳng định lại trong lời của thiên sứ khi nhắc lại Is 7:14 “Này, nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con”. Vậy,
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã được hình thành trong lòng mẹ Maria bởi Chúa Thánh
Thần và Giuse không dự phần vào việc nầy.
Con người và quyết định của Giuse (1:19)
Giuse được khẳng định là
“chồng”, anēr, của mẹ (1:16.19) và mẹ
Maria được gọi là “vợ”, gynē, của ông
(1:20.24) hay là “mẹ của Người/con trẻ” (1:18; 2:13). Khó khăn trong chú giải là
làm sao giải thích được tương quan của hai mệnh đề phân từ trong câu nầy:
“Giuse là người công chính” và “và ông không muốn tố giác bà, quyết định lìa bỏ
bà cách kín đáo”. Những câu hỏi được đặt ra là hiểu thế nào là “công chính”? Nếu
đi tố giác mẹ Maria, Giuse vẫn là người công chính? Giuse không muốn tố giác mẹ,
nhưng bỏ mẹ mà đi cách kín đáo; đó không phải là một cách tố giác gián tiếp sao?
Nếu không đi tố giác và âm thầm bỏ đi vì là người công chính, việc Giuse nghe lời
thiên sứ đón nhận Maria về nhà sẽ làm cho ông hết là người công chính? Nếu
Giuse biết mẹ Maria mang thai bởi Chúa Thánh Thần, sao lại đi tố giác? Bất cứ một
cố gắng giải thích tiêu cực nào về quyết định và hành động của Giuse đều gặp phải
khó khăn.
Để giải quyết, trước tiên
cần tìm hiểu từ “công chính” áp dụng cho Giuse. Dikaios, “công chính”, 17 lần, và dikaiosynē 7 lần được dùng trong Matthêô theo nhiều nghĩa khác
nhau. Trước tiên, “công chính” dùng để phân biệt cách chung với những người không
công chính, cũng như người tốt lành đối nghịch với người xấu (5:45; 13:49); rồi
chỉ những người sống theo luật Chúa trong Cựu ước (13:17; 23:29.35[2x]); chỉ những
người tự cho mình là công chính (x. 9:13; 28:38); sau cùng là những người sống
theo đòi hỏi và tinh thần của Chúa Giêsu (5:45; 10:41; 25:37.46). Giuse là người
công chính không chỉ vì ngài tuân giữ luật Chúa như những người do thái tốt lành
thời ấy, mà còn hơn thế nữa. Sự công chính của ngài chắc chắn vượt hơn hẳn sự công
chính của các thầy thông luật và những người nhóm Pharisêô (5:20). Bởi đó, ngài
không thể là công chính theo nghĩa vì tuân theo lề luật mà đem mẹ Maria ra bêu
xấu trước mặt công chúng (Đnl 22:20-21.23-24). Ngài không thể làm như các thầy
thông luật và Pharisêô đã làm khi đem người phụ nữ ngoại tình ra trước mặt Chúa
Giêsu và mọi người để xét xử theo luật (Gio 8:3-11). Chính Chúa Giêsu không làm
theo ý họ, mà còn bênh vực cho người phụ nữ nầy. Cũng không thể hiểu theo nghĩa
là vì người công chính có lòng thương xót vị hôn thê, nên Giuse không đi tố giác.
Việc âm thầm bỏ đi đã là một tố giác trực tiếp rồi. Nếu thật sự có lòng thương
xót, Giuse phải ở lại với mẹ Maria.
Động từ “deigmatizō” là một từ hiếm (hapax legomenon) trong tin mừng nhất lãm.
Chỉ xuất hiện duy nhất ở đây, và trong thư gởi cho các tín hữu Côlôsêô 2:15. Ý
nghĩa căn bản của động từ nầy là “trưng bày”, “đưa ra cho công chúng thấy”; “deigma” có nghĩa là “mẫu” “sự hiển nhiên”.
Bởi đó, động từ có nghĩa trung tính là trình bày cho mọi người đều thấy sự hiển
nhiên, chứ không có nghĩa là “tố giác” hay “làm cho ai xấu hổ trước mặt công chúng”
(x. Côl 2:15). Nếu động từ nầy có “para-”
đi trước thì có thể hiểu theo nghĩa trên là “tố giác” (x. Do thái 6:6; Ds 25:4;
Giêr 13:22; Êzêk 28:17). Giuse không muốn cho mọi người biết sự kiện Đấng Kitô đang
được cưu mang trong lòng mẹ Maria bởi Thánh Thần. Ông không nói ra vì phải tôn
trọng công việc của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cấm các môn đệ không được nói cho
mọi người biết Người là Đấng Kitô sau lời tuyên xưng của Phêrô (x. 16:20). Giuse
quyết định li dị mẹ Maria vì ông biết mẹ Maria cưu mang Đấng Kitô bởi Thánh Thần
(xem trên). Ông li dị vì ông sợ nhận Maria vợ ông. Cụm từ “nhận Maria về nhà” (1:20.24)
đóng khung sứ điệp của thiên sứ (1:20-23), trong đó thiên sứ nói đến con người
và sứ mạng của Chúa Giêsu, và cả bổn phận đặt tên của ông cho con trẻ. Giuse sợ
và không muốn nhận Maria làm vợ mình nữa, vì Maria đã trở thành mẹ của Đấng Kitô.
Ông thấy mình bất xứng với người ông đã đính hôn, nên phải rút lui. Đây là thái
độ đúng của người công chính. Mẹ Maria cũng sợ khi thiên sứ truyền tin (x. Lc
1:30), dân chúng sợ khi thấy điều kỳ diệu Chúa Giêsu làm cho người bại liệt (9:8).
Như thế, chính quyết định của Giuse cho thấy cách hiển nhiên ông là người công
chính trước khi ông được củng cố lòng tin và mời gọi tham dự vào công việc cứu
chuộc của Thiên Chúa.
Hai cuộc truyền tin của
Giuse và mẹ Maria tương tự nhau. Cả hai đều sợ trước lời mời gọi cộng tác trực
biết vào việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Tuy không nói, Giuse đã làm như mẹ
Maria là thi hành ý muốn của Thiên Chúa là “đem mẹ về nhà mình”. Đứng trước Thiên
Chúa ai mà không run sợ và thấy mình bất xứng?
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến