LỄ GIÁNG SINH
Đón nhận sứ điệp Tin Mừng Giáng Sinh
Lắng nghe sứ điệp Tin Mừng Giáng Sinh (các
bài Tin Mừng: Lu-ca 2:1-20; Gio-an
1:1-18)
Có khi nào chúng ta đọc luôn một lúc cả ba bài Tin Mừng kể lại
câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su không?
Chắc chắn đây không phải là một sáng kiến, nhưng là ý của Giáo Hội khi sử
dụng ba bài đọc này để trình bày ý nghĩa sứ điệp Tin Mừng Giáng Sinh và việc nhân
loại phải đón nhận sứ điệp ấy như thế nào. Sau khi kể lại biến cố Giáng Sinh, thánh Lu-ca
đã đưa ra những mẫu đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh, từ thái độ chiêm niệm của Mẹ
Ma-ri-a đến thái độ ngạc nhiên của dân chúng và sau hết là “các người chăn
chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.
Trước hết, bài Tin Mừng lễ Nửa Đêm trình bày khung cảnh và
biến cố Giáng Sinh. Rõ ràng thánh sử
Lu-ca muốn đặt biến cố Giáng Sinh vào trong khung cảnh lịch sử của nhân loại. Những niên hiệu và biến cố chính trị, tên tuổi
các người lãnh đạo quốc gia, biến cố kiểm tra dân số và những địa danh, tất cả nhắm
mục đích nói lên rằng Thiên Chúa đã thực sự bỏ lại những phẩm tính siêu việt của
Người để đến trần gian, thu mình trong không gian và thời gian của nhân loại,
hoặc nói cụ thể như thánh Gio-an, là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ
giữa chúng ta” (1:14). Hơn thế nữa, qua
sự kiện thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a trở về Bê-lem để khai tên, Thiên Chúa là Đấng
ban Lề Luật giờ đây lại còn chịu phục tùng lề luật của con người, cho dù luật
kiểm tra dân số chỉ nhắm mục đích biểu dương quyền lực của nhân loại!
Khi nói đến khung cảnh địa phương và nhỏ hẹp của biến cố
Giáng Sinh, thánh Lu-ca đưa chúng ta tới một hoàn cảnh nghèo nàn: Hài Nhi sinh ra được đặt trong máng cỏ ngoài
đồng hoang “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”, chỉ có “những người
chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật” là những người “láng
giềng” đầu tiên viếng thăm!
Tuy nhiên đây không phải là một biến cố tầm thường và vô
danh, trái lại là biến cố của Thiên Chúa, Thiên Chúa đến viếng thăm và ở lại với
nhân loại. Do đó, cả triều thần trên trời
gồm các đạo binh và sứ thần đã cùng nhau cất lên bài ca ngợi khen Thiên Chúa và
loan báo bình an: Vinh danh Thiên Chúa
trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Quả thực đây là bài ca thật tuyệt vời chúc tụng
tình yêu của Thiên Chúa!
Tiếp theo trình bày biến cố Giáng Sinh, thánh Lu-ca cho
chúng ta biết việc các người chăn chiên đã “hối hả ra đi và gặp bà Ma-ri-a, ông
Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Mà không phải họ chỉ “gặp”, nhưng còn “kể lại”
cho người khác biết những gì họ “đã được nghe nói về Hài Nhi này”. Chứng từ của họ đã làm cho “tất cả những ai
nghe đều ngạc nhiên”. Tuy nhiên hình ảnh
đẹp nhất trước biến cố Giáng Sinh phải là hình ảnh về người mẹ của Hài Nhi: “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều
ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Những
cách đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh vừa kể đều là tích cực. Nhưng cũng không thiếu những phản ứng rất
tiêu cực đã được bài Tin Mừng của thánh Gio-an nhắc tới, đó là “Ngôi Lời ở giữa
thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”
(1:10).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Những cách tích cực đón nhận sứ điệp Tin Mừng Giáng Sinh được
thánh Lu-ca nói đến là những lời mời gọi của Chúa và Giáo Hội muốn nói với
chúng ta trong mùa Giáng Sinh này. Chỉ
“ngạc nhiên” như những người nghe các mục đồng kể lại thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta cần tiến thêm một bước nữa, là phải
“hối hả đến gặp Hài Nhi”, nhất là chúng ta hãy noi gương Mẹ Ma-ri-a mà “ghi nhớ
tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Thánh Gio-an đã chỉ cho chúng ta con đường đón nhận Tin Mừng
Giáng Sinh và đến gặp gỡ Đấng là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền
trở nên con Thiên Chúa… Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận
hết ơn này đến ơn khác” (1:12,16). Phải,
“nguồn sung mãn của Người”, đó là điều duy nhất loài người chúng ta đang cần đến. Đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh là đón nhận “nguồn
sung mãn” của Thiên Chúa vậy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi