Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần
Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm – A
(Ga 3, 16-18)
Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo
hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, giúp
chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng
cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất.
Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ
Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là
Một Thiên Chúa.
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hòa quyện vào
nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế
giới. Đây là Một trong những mầu nhiệm cao cả nhất của đức tin chúng ta. Mục
đích của Giáo hội muốn rằng, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta phải đi
loan báo Thiên Chúa thật cho mọi người, không kể là Do thái hay dân ngoại, cho
họ biết Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất trong Tình Yêu và
ca lên : « Chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
vì Người hằng thương xót chúng ta » ( Ca nhập lễ).
Một
trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm
Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu
về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên
Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là
không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm
Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất
trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết : « Thiên
Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ».
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không
thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích
được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên
các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách
đó là Dấu Thánh Giá : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới
cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và
sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm
… Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta
được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời
tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.
Dấu Thánh Giá là dấu kẻ có
Đạo.
Đức
Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để
trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà
chúng ta là những người « kitô hữu », nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta
tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để
cứu chuộc chúng ta.
Trong
năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu
Thánh Giá.
- Mùa Phục Sinh chỉ
cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
- Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một
Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa
tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta
được « vẽ » và « ghi » dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài
không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời
cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành
động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì
Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con
Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến
thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa
nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời
đọc : « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng
định mầu định Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh
giá nghiêm túc hơn.
Hành
động của Đức Cậy.
Niềm hy vọng của
chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để
cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa
Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng
định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta
hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến.
Thánh Giá gốm hai
thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc
trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha
nhân ».
Cần phải ghi nhận
rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc
của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng
ta đối với tha nhân được « nâng đỡ »
bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình
yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ
nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức
Ái : « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ».
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có
còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần
thiết : là mến Chúa và yêu người ».
Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : “Nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu
trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương
tha nhân. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn
Độ