LỄ CUNG HIẾN THÁNH ÐƯỜNG LATÊRANÔ
Ngày 09/11
1. LỜI CHÚA: Ga 2,13-22
13 Gần đến lễ Vượt Qua của
người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ
có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người
liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền
Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế
của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra
khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của
Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà
tôi đây sẽ phải thiệt thân. 18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu
lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức
Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây
dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu
năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng
Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ
cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh
Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
2. TÌM HIỂU:
1) Lịch sử của và cấu trúc
thánh đường La-tê-ra-nô:
Vương cung Thánh đường
thánh Gio-an La-tê-ra-nô là một trong những ngôi thánh đường đầu tiên của Hội
thánh Công giáo. Thánh đường này được hoàng đế Con-stan-ti-nô xây dựng và được thánh
hiến vào năm 324 để dâng kính Chúa Cứu Thế. Đây là nhà thờ chánh tòa của Giám
Mục thành Rôma là Đức Giáo Hoàng, và được mang danh là “Mẹ của mọi nhà thờ”
trên thế giới. Cũng giống như các đền thờ khác, thánh đường La-te-ra-nô đã nhiều
lần bị hỏa hoạn. Đến thế kỷ thứ 16, đã đươc xây dựng lại như ngày nay dưới thời
Đức Giáo Hoàng Sis-tô V (1585-1590).
Thánh đường La-tê-ra-nô
có chiều dài 130 m, chia thành 5 gian. Gian chính dài 87 m, rộng 16 m, có tượng
12 tông đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào thánh đường, bên phải có cây đàn
phong cầm vĩ đại với 2000 ống. Sau tòa giảng là Giếng rửa tội mà theo truyền thuyết, tại đây hoàng đế Con-stan-tine đã được Đức Giáo Hoàng Sil-ves-tro ban bí tích rửa tội. Phía ngoài
bên trái nhà thờ, có cây tháp cao tới 47 mét làm bằng đá hoa cương màu đỏ.
2) Về đại lễ Vượt Qua của
đạo Do thái :
Đối với dân Do
thái, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm biến cố dân Do thái vượt qua biển Đỏ
do Mô-sê lãnh đạo để về Đất Hứa là xứ Ca-na-an. Lễ Vượt qua được tổ chức hằng
năm vào ngày 15 tháng Ni-san, tức tháng 4 Dương lịch. Mọi người Do thái từ 12
tuổi đều tham gia cuộc hành hương về Giê-ru-sa-lem tham dự đại lễ. Cả những
người Do thái tản mác khắp thế giới cũng về tham dự ngày đại lễ quan trọng nhất
trong năm này. Dầu ở đâu, người Do thái vẫn ước mơ được về dự lễ Vượt Qua tại thành
Giê-ru-sa-lem quê nhà ít nhất một lần trong đời. Trong thời gian giảng đạo, vào
dịp lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đều về thủ đô dự lễ cùng với các môn đệ.
3) Thuế Đền Thờ là thuế nào ?
Đây là một sắc thuế
mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên hằng năm phải đóng vào đên thờ
Giê-ru-sa-lem. Mỗi năm, người Do thái phải đóng thuế đền thờ trị giá nửa đồng siếc-lơ,
tương đương với 2 ngày công nhật. Đồng siếc-lơ là loại tiền đơn giản do đền thờ
phát hành, Các đồng tiền này phân biệt với đồng tiền Rô-ma: Trên đồng tiền này
không có hình và ký hiệu của hoàng đế Rô-ma như tiền Rô-ma lưu hành ngoài xã
hội. Để tạo điều kiện giúp người dân đóng thuế cho đền thờ, các tu tế cho lập
các bàn đổi từ đồng tiền Rô-ma sang đồng tiền Đền thờ. Tiền huê hồng từ tiền
Rô-ma sang đồng siếc-lơ băng một phần tư ngày công lao động. Do đó số tiền thuế
Đền thờ và số lợi tức do việc đổi tiền mang lại là rất lớn.
4) Tại sao Đức Giê-su nổi
giận và Người đã làm gì với bọn người
này ? :
- Điều khiến Đức Giê-su nổi giận là những tệ nạn bóc lột khách hành
hương với giá cắt cổ của bọn con buôn do các thượng tế cấp phép hoạt động. Thật
là tồi tệ khi tôn giáo đã bị bon đầu mục và đám con buôn Do thái lạm dụng trục
lợi bất chính, gây bao thiệt hại cho người nghèo..
- Bên cạnh bàn đổi
tiền, một số người lại mang bò, chiên, bồ câu đến bán cho khách thập phương dâng
vào đền thờ. Luật này quy định các con vật được dâng làm của lễ phải lành lặn
không mang tỳ vết. Các con vật trước khi dâng phải qua cuộc kiểm định. Tuy
nhiên mỗi con vật được mua bán trong đền thờ lại đắt gấp 15 lần so với bên
ngoài.
- Chính những điều này
đã khiến Đức Giê-su bức súc nổi giận. Người đã lấy các đoạn dây thừng bện lại
làm roi và đuổi bọn con buôn cùng đoàn vật là chiên bò ra khỏi đền thờ; còn
tiền của những người đổi bạc, Người cũng làm tung tóe và lcòn ật đổ bàn ghế của
chúng.
5) Phải đánh giá thế nào về cơn
giận của Đức Giê-su ?
- Trong Tin mừng
rất ít khi Đức Giê-su tỏ thái độ nóng giận. Trừ vài ba trường hợp nặng lời quở
trách thói giả hình của người Pha-ri-sêu (x. Mt 23,13-32), hay trách mắng Si-mon
Phê-rô (x. Mt 16,23), còn Đức Giê-su luôn tỏ ra bình thản trước các biến cố xảy
ra: Người đón nhận nụ hôn phản bội của môn
đồ Giu-đa (x. Mt 26,50); im lặng trước những lời vu cáo buộc tội của các đầu
mục Do thái trước thượng hội đồng Do thái (x. Mt 26,59-63), im lặng khi bị cáo
gian trước tòa Phi-la-tô (x.Mt 27,12); Người cũng cầu xin Chúa Cha tha tội và
bào chữa lỗi cho những kẻ hành hạ Người “vì họ không biết việc họ làm” (x Lc
23,34).
- Vậy tại sao Đức
Giê-su lại nỗi giận, xua đuổi con buôn ra khỏi đền thờ và nói: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng
biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16), vì: "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi
làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).
Qua những từ: Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", đã ứng nghiệm
lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a xưa đã trách mắng dân Do thái ( x Gr 7,11).
- Đức Giê-su đã làm
một cuộc thanh tẩy Đền thờ do lòng yêu mến nhà Chúa, như lời thánh vịnh: "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ
phải thiệt thân" (Tv 69,10). Về sau dân Do thái đã quyết định giết Đức
Giê-su khi xét xử Người trước thượng hội đồng và tòa Phi-la-tô (x Mt 26,65-66).
3. SUY NIỆM:
1) Vai trò của nhà thờ thời Cựu
Ước và Tân Ước:
Trong thời Cựu ước,
đền thờ và hòm bia giao ước là những nơi đặc biệt dành riêng cho việc thờ
phượng như lời Đức Chúa: “Từ nay Ta sẽ ghé mắt nhìn và lắng tai nghe lời cầu
nguyện dâng lên ở nơi đây. Vì Ta đã chọn và thánh hoá nhà này, để muôn đời Danh
Ta ngự tại đây” (2 Sb 7,15-16). Điều này giải thích thái độ nổi giận của Đức
Giê-su với những người đổi tiền bạc trong đền thờ, vì họ đã biến nhà thờ phượng
Chúa Cha thành nơi buôn bán (x. Ga 2,16). Trong thời Tân Ước, Đức Giê-su có lần
đã khẳng định với người phụ nữ Sa-ma-ri-a: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng
Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem… Giờ những người thờ
phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-23).
Tuy nhiên, nhà thờ và nhà tạm vẫn luôn là nơi cầu nguyện, cử hành việc phụng tự
và là nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa.
2) Tại sao Hội thánh mừng kính một
ngôi thánh đường bằng vật chất ? :
Hôm nay là lễ cung
hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô. Có người thắc mắc: tại sao Hội thánh lại mừng kính mừng
một ngôi thánh đường, thay vì thờ kính Chúa, Đức Mẹ hay các thánh như thường lệ
? Sở dĩ Hội thánh mừng kính thánh đường La-tê-ra-nô, vì là nhà thờ chính toà
của Đức Thánh Cha, và là biểu hiệu của hai điều quan trọng này: Một là nói lên sự
hiệp nhất của các tín hữu, là nơi liên kết mọi thành phần trong cộng đoàn trở thành
thân mình mầu nhiệm của Chúa là Hội thánh. Trong đó Đức Giê-su là đầu, và mọi tín
hữu đều là anh em của nhau. Hai là thánh đường là nơi sinh hoạt đức tin: Hằng
ngày hằng tuần, các tín hữu hội họp trong nhà thờ để cùng cầu nguyện và làm việc
thờ phượng tạ ơn và cầu xin các ơn lành hồn xác.
3) Phải chăng chỉ cần giữ đạo
tại tâm, không cần phải đến nhà thờ? :
Có những người cho
rằng Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi, nên người ta có thể cầu nguyện với Ngài bất
cứ lúc nào và ở đâu, chứ không cần phải đến nhà thờ mới thờ phường được.
Thực ra, nên nhớ
rằng: loài người chúng ta có 5 giác quan, nên cần phải có những biểu hiệu bên
ngoài như nhà thờ, bàn thờ, tượng ảnh, đèn nến... để khơi dạy đức tin và tâm
tình đạo đức trong lòng của các tín hữu. Chính khi đến nhà thờ hiệp thông cầu
nguyện sẽ được Chúa nhậm lời. Ngoài ra, nhờ có nhà thờ hữu hình mà các tín hữu cũng
được nâng đỡ rất nhiều về đức tin. Khi làm việc thờ phượng chung tại nhà thờ, người
tín hữu sẽ được ăn hai của ăn là Lời Chúa và Mình thánh Chúa. Ngoài ra khi bị
khô khan, nếu biết cậy trông và phó thác mọi sự trong quyền năng của Chúa khi
cầu nguyện tại nhà thờ thì đức tin của chúng ta sẽ ngày một tăng cường.
4) Vai trò quan trọng của nhà
thờ đối với đức tin:
a) Nhà thờ là trung tâm sinh
hoạt đức tin của người tín hữu: Nhà thờ là nơi gắn
liền mọi sinh hoạt đức tin: Từ khi mới sinh, ta đã được cha mẹ đưa đến nhà thờ
để lãnh nhận bí tích rửa tội. Đến tuổi khôn, chúng ta được xưng tội, rước lễ
lần đầu và thêm sức trong nhà thờ. Khi lỡ sa ngã phạm tội, chúng ta đến nhà thờ
để được lãnh ơn giao hòa với Chúa qua bí tích giải tội. Khi lập gia đình, đôi
thanh niên nam nữ cùng nhau đến nhà thờ cử hành bí tích hôn phối. Khi một người
đươc gọi lên chức thánh, chúng ta đến nhà thờ chính toà tham dự thánh lễ truyền
chức phó tế và linh mục. Khi bị bệnh nặng có nguy cơ tử vong, chúng ta đến nhà
thờ xin linh mục ban bí tích xức dầu bệnh nhân, hoặc mời linh mục đến tư gia hay
bệnh viện ban các bí tích sau hết. Rồi khi nhắm mắt lìa đời, thân xác chúng ta lại
được người thân rước ra nhà thờ tham dự thánh lễ an táng trước khi được chôn
cất tại nghĩa trang hay hỏa thiêu và được gửi tro cốt vào trong nhà chờ phục
sinh.
b) Thái độ phải có khi vào nhà
thờ:
-Về y phục: Nhà thờ không những là nhà của Thiên Chúa, mà còn là nhà của Hội
thánh, trong đó mỗi tín hữu là một thành viên. Khi đến gặp gỡ một nhân vật quan
trọng, chúng ta phải ăn mặc lịch sự đẹp đẽ. Cũng vậy, khi đến gặp Chúa Giê-su tại
nhà thờ, chúng ta cần chuẩn bị một tâm hồn thanh sạch, với thái độ trang nghiêm
phù hợp, để biểu lộ niềm tin tưởng và yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa và
chắc chắn sẽ làm vui lòng Ngài.
-Cử chỉ tôn kính: Thánh đường công giáo nếu được cung hiến sẽ trở thành nơi thờ
phượng chung. Trong thánh đường luôn có Chúa Giê-su Thánh thể hiện diện trong
nhà tạm, nên cần phải biểu lộ đức tin bằng cử chỉ tôn kính như bái gối, cúi
mình. Người Do thái hay Hồi giáo khi đến Đền thờ luôn tỏ thái độ tôn kính đền
thờ và bàn thờ dâng lễ vật, bằng việc để giày dép ở ngoài nhà thờ.
- Thờ Chúa trong tâm hồn: Mỗi người tín hữu đều có bổn phận biến tâm hồn trở thành một nhà
thờ, xứng đáng cho Chúa vào ngự trị. Trong ngôi thánh đường thiêng liêng này, mỗi
người chúng ta có bổn phận thắp lên ngọn nến đức tin, giúp chúng ta vững bước
trên đường tin yêu phó thác. Trái tim của chúng ta phải là bàn thờ, mỗi ngày được
dâng lên Chúa của lễ cao quý là tâm tình yêu mến biết ơn kèm theo những việc
lành cụ thể để kết hiệp với lễ vật cao trọng nhất là Chúa Giê-su, đã dâng mình
trên thánh giá xưa, nay tiếp tục tái hiện trong bí tích Thánh thể trên bàn thờ
để nhờ đó chúng ta sẽ nhận được ơn cứu độ.
- Xây dựng tâm hồn trở thành
đền thờ của Thiên Chúa: Trong Đức Kitô, chúng ta đã
trở nên đền thờ sống động và được cung hiến khi chúng ta chịu phép rửa tội như
lời thánh Phaolô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa,
và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16). Thiên Chúa yêu
thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá. Bởi vì đền
thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Giê-ru-sa-lem đi nữa thì
một ngày kia, cũng sẽ bị sụp đổ như lời Đức Giê-su: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết
không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6). Khi người Do thái
chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ
phá Đền thờ này đi, trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Người ám chỉ đến
cái chết và sự phục sinh của Người.
5) Dốc quyết: Đền thờ nói tới ở đây chính
là thân thể của Đức Giê-su mà mỗi tín hữu là một viên đá sống động xây dựng nên
đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa Giê-su chính là một đền thờ mới, nơi
con người thờ phượng Thiên Chúa đích thực, trong tinh thần và chân lý (Ga
4,24). Mỗi người quyết tâm làm gì để biến thân xác nên đền thờ dâng kính Thiên
Chúa?
4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Tin mừng lễ kính đền
thờ La-tê-ra-nô hôm nay cho thấy Chúa đã nổi giận thẳng tay xua đuổi bọn con buôn
ra khỏi đền thờ, vì họ đã làm ô uế đền thờ khi biến một nơi dành để thờ phượng
Thiên Chúa thành nơi buôn bán đầy xảo trá bất công và gian ác. Xin Chúa cũng
hãy ngự vào lòng con mỗi lần con dự lễ và rước lễ, xin hãy xua đuổi các tội lỗi
và các thói hư ra khỏi lòng trí chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng trở
thành ngôi đền thờ sống động của Thiên Chúa. Amen.
LM
ĐAN VINH - HHTM