CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
Hành trình của ngôi sao và những ai đi tìm Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
2:1-12)
Khi còn bé chúng ta thường hiểu lầm về chuyển động của tinh
tú trên trời. Vào đêm trăng sáng, chúng
ta tưởng như mặt trăng luôn đi theo khi chúng ta di chuyển! Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta một
hình ảnh tương tự. Các nhà chiêm tinh đã
thấy “ngôi sao của Chúa xuất hiện bên phương Đông”, rồi theo ánh sao, họ lên đường
đi “bái lạy Người”. Tới Giê-ru-sa-lem, họ
không còn thấy ngôi sao nữa. Sau khi họ
gặp vua Hê-rốt, ngôi sao lại hiện ra và “dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở”. Tin Mừng muốn diễn tả hành trình của ngôi sao
Bê-lem, đồng thời cũng là hành trình của những người đi tìm Chúa.
Nếu ngôi sao là biểu tượng cho Đức Vua mới sinh thì hành
trình của nó chính là để đưa người ta đến với Đức Vua ấy. Trước hết ngôi sao xuất hiện bên phương Đông,
xuất hiện để khởi đầu cho một cuộc ra đi tìm kiếm nhân vật nó biểu tượng. Ngôi sao có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với mấy
nhà chiêm tinh, đến nỗi họ sẵn sàng bỏ lại mọi sự để lên đường dấn thân vào một
cuộc mạo hiểm đầy chông gai. Ai biết được
những liều lĩnh và gian nan đang chờ đón họ.
Sức lôi cuốn của Ngôi sao là đức
tin mà Ngôi sao đã cấy vào tâm hồn các nhà chiêm tinh để giúp họ đủ sức đối
phó với nguy hiểm.
Tuy nhiên đức tin không phải là một thực tại rõ ràng cố định,
nhưng lúc hiện lúc mờ và sẵn sàng dành chỗ cho tri thức để giúp người ta có được những xác tín. Đây là điểm dừng của Ngôi sao, để cho các nhà
chiêm tinh có cơ hội tìm tòi hỏi han về Đức Vua mà nó biểu tượng. Nếu đã là một Đức Vua thì tại sao người ta không
đến mà tra cứu với ông vua đang cai trị ở chính nơi Ngôi sao ẩn đi? Cho nên họ đã tới hỏi vua Hê-rốt. Ông vua trần gian này vốn là thù địch với Vua
trên trời, vì ông ta sợ mất đi quyền lực mình đang nắm trong tay. Nhưng Thiên Chúa lại dùng chính thù địch của
Đức Vua để giúp đỡ cho những kẻ đi tìm kiếm Đức Vua. Ngoài Hê-rốt ra, các thượng tế và kinh sư
cũng là những thù địch của Đức Vua. Một
lần nữa Thiên Chúa cũng sử dụng những kẻ thù này để củng cố đức tin của những kẻ
đi kiếm tìm, vì những kẻ thù này đã tra cứu Kinh Thánh và đưa ra những thông
tin về Đức Vua trên trời. Ngôi sao đã tạo
cơ hội để chúng ta có thể học hỏi và hiểu biết thêm về Đức Vua.
Sau một thời gian vắng bóng, Ngôi sao lại xuất hiện. Lần này Ngôi sao đã “dẫn đường cho họ đến tận
nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Quả thực
là một hành trình đức tin tuyệt vời!
Ngôi sao dừng lại nơi Hài Nhi ở.
Nói khác đi, ngôi sao của đức tin chúng ta đưa chúng ta đến với Đấng là
“Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”.
Suy niệm về biến cố Hiển Linh, thường chúng ta có khuynh hướng
nghĩ nhiều hơn về cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh hay được gọi là Ba
Vua. Nhưng đúng ra biến cố này nói với
chúng ta về hành động của Thiên Chúa, Đấng muốn “tỏ mình ra” cho chúng ta qua
hành trình của Ngôi sao là đức tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô. Đức tin đóng vai trò dẫn đưa chúng ta không
những đi tìm Đấng Cứu Độ, mà còn đưa chúng ta đến gặp gỡ và kết hiệp với Người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Những gì các nhà chiêm tinh đã làm đối với Ngôi sao cũng phải
là những gì chúng ta đang sống hiện nay.
Trước hết, chúng ta phải “thấy”
Ngôi sao. Thấy không phải bằng con mắt
thường, mà là con mắt đức tin! Chúng ta
thấy Chúa Ki-tô qua những dấu vết Ngôi sao để lại. Dấu vết ấy ở ngay trong chúng ta, ở nơi chung
quanh, thí dụ nơi những người thân, những người dạy dỗ chỉ bảo chúng ta, ngay cả
nơi kẻ thù giống như vua Hê-rốt, các thượng tế và kinh sư, ở trong gia đình,
nơi sở làm, trong giáo xứ, trong xóm láng…
Một điều khác các nhà chiêm tinh đã làm, đó là “trông thấy
ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng”. Niềm vui do đức tin vào Chúa Ki-tô của chúng
ta phải là niềm vui đích thực. Chỉ Chúa
Ki-tô mới ban cho chúng ta niềm vui ấy, giống như Người ban “bình an của Người”
cho các môn đệ. Niềm vui ấy sẽ là sức mạnh
giúp chúng ta tích cực và lạc quan sống đức tin vào Chúa Ki-tô, chứ không phải
như những Ki-tô hữu bị áp đặt nặng nề buồn thảm!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi