CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Tham dự vào cuộc Thương Khó của
Chúa Giê-su
Lắng
nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 26:14-27:66)
Để giúp giáo dân sốt sắng tham dự vào cuộc Thương Khó của
Chúa Giê-su, nhiều nơi trong giáo hội Việt Nam có thói quen diễn lại “tuồng Thương
Khó”, bắt đầu từ Chúa Nhật lễ Lá. Sau
Công đồng Vatican II, chúng ta cử hành phụng vụ bằng tiếng Việt, cho nên việc
theo dõi cuộc Thương Khó của Chúa không còn trở ngại nữa. Tuy nhiên câu hỏi cốt lõi là chúng ta chỉ
“xem” hoặc “nghe kể lại” cuộc Thương Khó như khách bàng quan, hay chúng ta thực
sự tham dự vào cuộc Thương Khó với tất cả tâm tình kết hiệp với Chúa
Giê-su? Làm thế nào để cuộc Thương Khó
đem lại cho đời sống thiêng liêng của chúng ta những hoa trái tích cực?
Thực ra mọi người chúng ta đã nghe hay đọc bài Thương Khó nhiều
lần và hầu như đều đã biết được những gì xảy ra trong đó. Nếu muốn suy niệm tất cả, e rằng chúng ta có
thể “bội thực thiêng liêng” mất thôi! Do
đó, chúng ta cứ dừng lại ở vài ba chặng Thương Khó của Chúa, đặt mình trong
khung cảnh ấy và cảm nghiệm ý nghĩa nỗi đau khổ Chúa Giê-su phải gánh chịu vì
chúng ta.
Điểm dừng đầu tiên là cuộc ăn mừng lễ Vượt Qua của Chúa
Giê-su và các môn đệ tại phòng Tiệc Ly.
Trời đánh còn tránh miếng ăn!
Nhưng Chúa Giê-su không tránh, Người công bố một tin sét đánh và rất buồn: “Thầy bảo thật, một người trong anh em sẽ nộp
Thầy”. Nghe tin ấy, ai cũng muốn rằng kẻ
nộp Thầy không phải là mình, cho nên mọi người lần lượt hỏi Chúa: Chẳng lẽ con sao? Chúa không trả lời dứt khoát là phải, nhưng
cách Người trả lời rõ ràng ám chỉ hết mọi người: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó
là kẻ nộp Thầy”. Tất cả các môn đệ đều
chấm chung một đĩa với Chúa, nên mọi người đều là kẻ nộp Thầy! Dĩ nhiên, kể cả chúng ta hôm nay nữa cũng là kẻ
nộp Chúa, chỉ cách này hay cách khác mà thôi.
Điểm thứ hai là vườn Ghết-sê-ma-ni, nơi Chúa Giê-su cầu nguyện
với Chúa Cha và xin vâng ý Người mà chấp nhận cuộc Thương Khó. Chúa Giê-su cầu nguyện cho bản thân Người,
nhưng cũng là cầu nguyện cho chúng ta.
Đúng vậy, cuộc Thương Khó này được thực hiện là vì ích lợi cho chúng
ta. Chúa muốn chúng ta hiểu rõ chân lý “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình” (Gio-an 15:13).
Việc Chúa cầu nguyện nhắc nhở chúng ta đáp trả tình yêu của Người. Do đó, nếu Chúa Giê-su tha thiết cầu nguyện
như vậy, mà chúng ta cứ lăn ra ngủ mê như ba môn đệ thì thật là vô ơn bạc
nghĩa!
Điểm thứ ba là Gôn-gô-tha.
Tại đây Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá và trút linh hồn. Cuộc Thương Khó kết thúc ở đây, nhưng là giai
đoạn cam go nhất. Đã phải chịu cực hình
đóng đinh vào thập giá, đau đớn mà vẫn chưa đủ, Chúa Giê-su còn phải chịu những
đau đớn tinh thần trước những lời nhục mạ của dân chúng và các nhà lãnh đạo
Do-thái nữa. Giữa đám dân chúng bạc tình
ấy, có bạn, có tôi… Chúng mình đều “tham dự” vào cuộc đóng đinh và cái chết hy
sinh của Chúa Giê-su đấy!
Cũng tại Gôn-gô-tha, những người “bạn” của Chúa đã làm
gì? Các phụ nữ đã đi theo Chúa từ
Ga-li-lê thì “đứng nhìn từ đàng xa”.
Nhưng may mắn còn có người môn đệ tên là Giô-xép, can đảm đến gặp
Phi-la-tô và xin ông cho phép mình lo việc an táng cho Chúa. Chúng ta đều là bạn hữu của Chúa, vì Người đã
gọi chúng ta như thế (Gio-an 15:15). Nhưng
chúng ta sẽ làm gì khi thấy người “Bạn” đã phải chết để cứu chúng ta?
Sống sứ điệp Tin Mừng
Vậy phải làm thế nào để tham dự tích cực vào cuộc Thương Khó
của Chúa đây? Có lẽ hai hình ảnh mô tả
Chúa Giê-su như Người Tôi Trung (I-sai-a 50:4-7) và Đấng trút bỏ vinh quang, mặc
lấy thân nô lệ (Phi-líp-phê 2:6-11), là những động lực thúc giục chúng ta hãy
tháp nhập những đau khổ cuộc đời chúng ta vào cuộc Thương Khó của Chúa. Chúng ta hãy để cho hai hình ảnh ấy về Chúa
Giê-su luôn hiện rõ trong tâm hồn chúng ta, nhắc nhở chúng ta nhận biết giá trị
vô biên của cuộc Thương Khó, và đón nhận một cách biết ơn Tình Yêu vô điều kiện
của Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta.
Lm.
Đaminh Trần đình Nhi