CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH A
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt
28,16-20
LÀM CHỨNG CHO CHÚA HÔM NAY
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 28,16-20:
(16) Mười một Môn đệ đi tới
miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17)
Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18)
Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền
trên trời dưới đất”. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở
thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần để chứng
minh cho các môn đệ thấy Người đã thực sự từ cõi chết sống lại. Nhưng
lần này trước khi về trời, Đức Giê-su hiện ra lần cuối với Nhóm
Mười Một trên một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Người không chứng minh
Người đã sống lại như các lần trước, nhưng trao sứ mạng rao giảng Tin
Mừng phổ quát cho Hội Thánh qua Nhóm Mười Một môn đệ như sau: “Hãy đi
thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng truyền cho
các ông tiếp tục dạy cho các tín hữu phải tuân giữ các huấn luyện
của Người và hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.
3. CHÚ THÍCH:
- C 16-17: +Mười một môn đệ: Nhóm Mười Hai
lúc này đã bị mất Giu-đa phản bội, nên chỉ còn mười một người (x. Mt 10,1-4; 27,5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Vâng lời
dạy của thiên thần nhắn cho các môn đệ qua hai phụ nữ và sau đó Chúa
Phục Sinh cũng nhắc lại lệnh truyền này khi hiện ra với hai bà này vào
sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Mt 28,7.10).
Ga-li-lê là trung tâm truyền giáo của Đức Giê-su trong
thời gian Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. +
Đến ngọn núi: Tin Mừng không xác định là núi nào. Còn sách
Công Vụ Tông Đồ cho biết là núi Ô-liu (x. Cv 1,12).
Núi tượng trưng nơi Thiên Chúa mặc khải cho các ngôn sứ thời Cựu Ước
(x. Xh 3,1-5; 19,20; 1 V 19,8-14). Trong Tin Mừng
Mát-thêu, nhiều lần Đức Giê-su cũng mặc khải những điều quan trọng
trên núi. Chẳng hạn: Công bố Tám Mối Phúc Thật trên một quả núi (x.
Mt 5,1), biến hình trước mặt ba môn đệ trên núi
cao (x. Mt 17,1); ra lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi
dân tộc trên một ngọn núi (x. Mt 28,16). (17) + Khi thấy Người, các ông bái
lạy: Các môn đệ thấy Chúa Giê-su Phục Sinh và biểu lộ niềm
tin bằng việc sấp mình bái lạy Người. Hành động này tương tự như các
đạo sĩ đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Cứu Thế (x. Mt 2,2.8.11); Người
phong cùi bái lạy xin Đức Giê-su chữa lành (x. Mt 14,33); Người đàn bà
xứ Ca-na-an bái lạy xin Đức Giê-su chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ
ám (x. Mt 15,25). + Có mấy ông lại hoài nghi: Nói đến có môn đệ còn
hoài nghi sau khi các ông đã bái lạy Chúa xem ra bất nhất và khó
hiểu. Thực ra, lúc này khi từ giã Chúa Giê-su sắp về trời thì mọi
môn đệ đều đã tin, và không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng các trình
thuật Tin Mừng hiện ra khác đều nói đến sự nghi ngờ, và đều được Người
đánh tan sự nghi ngờ ấy. Riêng Tin mừng Mát-thêu ghi nhận sự kiện môn đệ hoài
nghi vào thời điểm này và cũng đã được Chúa Giê-su đánh tan khi cho các ông
biết Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt
28,18). Theo một số tác giả thì sự hoài nghi ở đây nhắm đến sự hoài nghi
của cộng đoàn nói chung, vì từ đây các tín hữu sẽ không còn thấy
Chúa Phục Sinh hiện ra nữa. Sự hoài nghi này sẽ được Lời Chúa đánh
tan. Do đó, các tín hữu cần dựa vào Lời Chúa để củng cố đức tin hầu
được chúc phúc như Chúa Phục Sinh đã nói với Tô-ma: “Phúc thay những người
không thấy mà tin !” (Ga 20,29).
- C 18-19: + Đức Giê-su đến gần: Đến gần là
hành động ưu ái đặc biệt, lấp đầy khoảng cách giữa thiên quốc và
trần gian mà chỉ Đức Giê-su Phục Sinh mới làm được. +
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi
đầu việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã từ chối nhận quyền do ma
quỷ hứa ban cho Người trên mọi nước thế gian (x. Mt 4,8-10), thì giờ
đây, sau khi đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để đi con đường "Qua đau
khổ vào vinh quang", Người đã được Chúa Cha ban mọi quyền năng
trên trời dưới đất, để ứng nghiệm lời tuyên sấm trong sách Đa-ni-en
về Con Người: “Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều.
Tất cả các dân các nước và các tiếng nói đều phải phụng sự Người”
(Đn 7,14), và quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (x. Cv
13,33). + Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ:
Các môn đệ đại diện Hội Thánh nhận bài sai của Chúa Giê-su để đi chinh
phục thế giới. Từ nay Hội Thánh phải nhân danh Chúa Giê-su mà làm cho
muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do
thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân trên thế giới (x. Mt 8,11;
21,41). + Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần: Làm cho người ta trở thành môn đệ Chúa Ki-tô gồm
cả việc rao giảng Tin Mừng. Để chu toàn việc này, các môn đệ phải
cho họ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nghĩa là đặt người
dự tòng trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần.
- C 20: + Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Việc đào tạo người ta nên môn đệ Chúa phải được tiếp tục
sau phép rửa qua lời giảng dạy, cho tới khi Hội thánh đạt tới sự
viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). Vì thế các
Tông đồ phải hướng dẫn muôn dân tuân giữ các giới răn của Chúa. Dân
của Giao Ước Mới phải sống theo Luật Mới do Chúa Giê-su công bố mà
các Tông đồ phải truyền đạt. + Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến
tận thế: Chúa Ki-tô Phục Sinh hứa sẽ hiện diện mãi trong Hội
Thánh để hỗ trợ, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng
cho đến tận thế. Vì Người chính là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa
ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23).
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao chỉ còn Mười
Một môn đệ có mặt khi Chúa lên trời ? 2) Tại
sao các môn đệ lại họp mặt tại miền Ga-li-lê ? 3)
Chúa lên trời trên núi nào ? 4) Tại sao các môn
đệ bái lạy Đức Giê-su khi Người xuất hiện ? 5)
Tại sao Tin Mừng nhắc đến thái độ hoài nghi của các môn đệ vào lúc này ? 6) Tại sao trước khi lên trời Chúa Giê-su tuyên bố
mình được trao toàn quyền trên trời dưới đất ?
HỎI 7) Mệnh lệnh thâu nạp
môn đồ khắp muôn dân cũng như công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi
chính xác đến mức độ nào, đang khi sách Công Vụ Tông Đồ lại cho biết Hội
Thánh sơ khai dùng công thức rửa tội “nhân danh Chúa Giê-su” (x. Cv 2,38; 10,48) ?
ĐÁP 7): Thực ra, mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và
việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong
đoạn Tin Mừng Mát-thêu nói trên bắt nguồn tư Chúa Giê-su. Tuy nhiên việc mở
rộng sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc đã dần dần được sáng tỏ do
tác động của Chúa Thánh Thần (x. Cv 11,15-18). Sau một
thời gian sống và rao giảng Tin Mừng, Hội Thánh do kinh nghiệm thực tế đã
dần dần hiểu biết trọn vẹn lệnh truyền của Chúa Giê-su và đưa công thức rửa
tội nhân danh Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào phụng
vụ phép rửa. Đến khi biên soạn Tin Mừng thứ nhất (khoảng thập niên 80-90),
Mát-thêu được Thánh Thần linh hứng, đã đưa mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vào lệnh
truyền rửa tội của Chúa Giê-su cho các môn đệ trước khi lên trời (x. Mt
28,19).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thầy đã được
trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn
dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt
28,18b-20).
2. CÂU CHUYỆN:
1) DÙNG LỜI NÓI ĐỂ LÀM CHỨNG
CHO CHÚA:
JUNE là một bé gái 5 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần
và rất lanh lợi. Cha mẹ em đều là nhà giáo có lòng đạo đức. Mẹ
thường đem em đi theo mỗi khi bà có việc phải đi ra ngoài. Một hôm, hai
mẹ con dắt nhau vào trong bưu điện thành phố. Đang lúc bà mẹ lo gửi
thư bảo đảm cho một người thân, thì bé June chạy chơi loanh quanh gần
đó quan sát người ta làm việc. Bấy giờ một ông lão ngồi gần đó thấy
bé gái kháu khỉnh dễ thương, liền bắt chuyện làm quen như sau: “Này cháu
bé. Cháu có mái tóc đẹp lắm ! Mà tại sao mái
tóc của cháu lại đẹp đến thế nhỉ ?” Cô bé liền
vui vẻ trả lời: “Thưa ông, mẹ cháu dạy rằng: Chính Thiên Chúa đã ban
mọi sự tốt đẹp cho cháu và cháu phải biết tạ ơn Người nhiều lắm đó !” Nói xong em nhìn thẳng vào mặt ông lão, nhoẻn
một nụ cười thật dễ thương và hỏi: “Thế ông đã được Chúa ban cho
điều gì tốt đẹp chưa ? Ông có đươc Chúa ban ơn
cứu độ không ?”. Ông lão kinh ngạc và xúc động
trước câu hỏi đơn sơ của cô bé. Ông ngẩn người
suy nghĩ giây lát về tình trạng của mình rồi đáp: “Chưa đâu, cháu ạ”. Em
bé liền nói: “Thế thì ông phải cầu xin Chúa ban ngay đi. Rồi Chúa sẽ
cho ông trở thành con của Chúa, và ông sẽ được Chúa biến đổi nên một
người mới rất xinh đẹp đó !” Nói xong, bé vội
chạy về phía mẹ đang vẫy gọi ở lối đi bên kia. Ít tuần sau, ông lão tìm đến một nhà thờ xin học giáo lý
dự tòng. Về sau ông cho biết: chính câu nói đơn sơ của cô bé hôm
ấy đã đánh động tâm hồn vốn chai lì của ông, và luôn ám ảnh khiến
ông không thể quên được. Cuối cùng ông đã quyết định phải theo đạo để được
trở nên con của Thiên Chúa và được biến đổi nên tốt đẹp như em đã nói.
Câu nói của một bé gái tuy đơn sơ nhưng đã có sức mạnh
khiến một người già cứng lòng phải suy nghĩ và quay trở về với
Chúa. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta có dám
biểu lộ đức tin trước mặt người khác không ?
Có dám nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa để họ tin
Chúa và đi theo làm môn đệ Người hay không ?
2) LÚC CẤP BÁCH CẦN TRUYỀN ĐẠT
ĐỨC TIN CÁCH CỤ THỂ:
Trong tác phẩm “Hương rượu mới”, tác giả thuật lại về giờ
phút cuối cùng của cha mình như sau: Bấy giờ cha tôi đang hấp hối trên
giường bệnh. Trong khi tôi chỉ biết ngồi nhìn cha với
tâm trạng chán nản thất vọng, thì một nữ tu Công giáo với dáng
người nhỏ nhắn đã bước vào phòng. Chị đi vòng qua bên kia giường cha tôi đang nằm, cầm lấy tay ông đưa lên vỗ
nhè nhẹ. Sau đó chị hỏi: “Bác có nghe cháu nói không
?” Ông cụ gật đầu. Đoạn chị nói với ông: “Trước đây bác đã tin
Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế chưa ?” Ông cụ lắc
đầu. Chị nữ tu liền nói: “Bây giờ bác có muốn tin Chúa không ?” Ông cụ đáp: “Dạ có”. Thế là chị yêu cầu ông
lặp lại theo mình: “Lạy Chúa Giê-su, con tin nhận
Chúa là Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa ban cho con được làm môn đệ
Chúa và được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa trên trời. Lạy Chúa Giê-su,
xin đón nhận linh hồn con”. Ông cụ lặp lại theo từng
câu và sau đó từ từ nhắm mắt qua đời.
3. SUY NIỆM:
1) THẾ NÀO LÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA ?
Làm chứng cho Chúa là giới thiệu Đức Giê-su cho người khác.
Muốn giới thiệu Đức Giê-su thì trước hết là phải làm cho đức tin nơi mình được
lớn lên nhờ năng tham dự các buổi hiệp sống Tin Mừng với cộng đoàn hằng tuần,
năng đến nhà thờ dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng để được kết hiệp với Chúa,
năng cầu nguyện bằng lời nguyện tắt…
Mỗi tín hữu đã chịu phép Thêm Sức đều đón nhận được ơn Chúa Thánh
Thần để nên trưởng thành về đức tin và chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa
Giê-su theo lệnh Chúa truyền trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Cụ thể chúng
ta cần loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, bắt đầu từ những người
thân như: chồng vợ, con cái, cha mẹ, anh chị em… Rồi đến những người cùng xóm
ngõ, bạn bè, đồng nghiệp …
Sau cùng là mọi người nhất là những người bất hạnh, các bệnh
nhân, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa…
2) PHƯƠNG CÁCH TRUYỀN GIẢNG TIN
MỪNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU:
Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su đã nhận sứ mạng Thiên Sai từ nơi Chúa
Cha khi được Chúa Cha giới thiệu là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” (x. Mt
3,17) và truyền dạy các môn đệ “Hãy vâng nghe lời
Người” (x. Mt 17,5).
Người đã thực thi sứ mạng Thiên Sai ấy nhờ kết hiệp với Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần: Được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1); Nêu gương cầu nguyện trước khi chọn mười hai Tông đồ
(x. Lc 6,12-16). Hằng ngày đi cầu nguyện với Chúa Cha ngay từ sáng tinh sương (x.
Mc 1,35).
Người nêu gương khó nghèo “Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt
8,20), ăn ở “hiền hậu và khiêm nhường” (x. Mt 11,29), nêu gương hầu hạ rửa chân
môn đệ trước khi dạy bài học yêu thương phục vụ lẫn nhau (x. Ga 13,12-15), và
chỉ thị cho các môn đệ cách ứng xử khiêm tôn yêu thương phục vụ khi sai các ông
đi thực tập truyền giáo (x. Mt 10,5-42).
Người giảng dạy Tin Mừng trong các hội đường Do thái (x. Mt 13,54), giữa cánh rừng vắng (x. Mt 14,13), ở ven biển hồ (x.
Mt 13,1), vừa đi đường vừa giảng như tại Giê-ri-cô (x. Lc 19,1-6), giảng trong
bữa tiệc (x. Lc 5,29-32). Người giảng trong các thành thị làng mạc trên đường
lên Giê-ru-sa-lem (x. Lc 13,22), và tại Đền thờ
Giê-ru-sa-lem (x. Ga 10,22-30)…
Người trình bày giáo lý bằng những ví dụ cụ thể thường ngày là các
dụ ngôn để diễn tả các mầu nhiệm cao siêu về Nước Trời (x. Mt 13,3-52). Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền (x. Mt 7,29).
Người rao giảng Tin Mừng Nước Trời kèm theo việc làm phép lạ cứu
nhân độ thế như: xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyện trong dân
(x. Mc 1,21-22.32-34), quan tâm đáp ứng nhu cầu tinh
thần và thể xác của dân chúng và đòi môn đệ cộng tác vào phép lạ nhân bánh ra
nhiều (x. Mt 14,15-18).
Nhờ rao giảng theo phương cách bác ái cụ thể như vậy mà Đức Giê-su
đã được dân chúng tin theo rất đông, thể hiện ra khi Người khải hoàn vào
Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,10-11).
3) PHƯƠNG CÁCH HỮU HIỆU LÀM
CHỨNG CHO CHÚA HÔM NAY:
Ngày nay để làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu, mỗi tín hữu cũng
cần học tập phương cách truyền giáo của Đức Giê-su. Cụ thể làm những việc như sau:
- Cầu nguyện để xin ơn trợ giúp: Muốn làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu trước hết phải cầu nguyện như lời Đức Giê-su dạy:
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai
thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Phải cầu nguyện xin ơn
Chúa giúp vì đây là việc làm vượt khả năng tự nhiên giới hạn của chúng ta, như
lời Chúa Giê-su đã nói trong diễn từ giã biệt: “Vì không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được” (Ga 15,5).
- Nêu gương sống tốt lành thánh
thiện: chúng ta còn phải tỏa hương thơm nhân
đức, có thái độ ứng xử hiền hòa nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, biết quên mình để nghĩ đến người khác, khiêm tốn
phục vụ người nghèo như phục vụ chính Chúa Giê-su. Nhất là các vị chủ chăn
cần ý thức mình là hiện thân của Đức Giê-su trước mặt lương dân, nên cần noi
gương hiền hậu bao dung và khiêm tôn phục vụ khi làm các thủ tục về hôn phối
giữa tín hữu đạo gốc với tân tòng hay phép chuẩn khác đạo, hoặc trong thánh lễ
có người lương tham dự… Chính thái độ bao dung nhân hậu và thánh thiện thanh
thoát của các vị mục tử sẽ gây ấn tượng tốt và giúp người lương hiểu đúng về
đạo công giáo và dễ tin theo Chúa sau này.
- Quảng bá văn hóa đức tin công
giáo: Làm chứng cho Chúa bằng phương tiện truyền thông xã hội như
lập nhiều website Công Giáo nội dung phong phú và có uy tín, xuất bản các sách truyện
tranh Kinh thánh, truyện các thánh, sách hộ giáo nghắn gọn dễ hiểu để giải tỏa các
thắc mắc về đức tin, luân lý công giáo… Trao
tặng các cỗ tràng hạt kèm theo sách hướng dẫn lần
hạt Mân côi kèm theo Lời Chúa và lời cầu trước mỗi mầu nhiệm Vui Sáng Thương
Mừng khi lầm hạt mân côi…
- Chủ động đi bước trước đến
với tha nhân: Mỗi người cần làm chứng cho Chúa bằng
việc chủ động mỉm cười làm quen với người mới gặp, lắng nghe những người đau
khố tâm sự hoàn cảnh để cảm thông và khôn ngoan đáp ứng theo
khả năng giới hạn của mình… Chọn một người chưa biết Chúa, một gia đình lương
mình quen biết để cầu nguyện cho họ …
- Lời rao giảng phải đi đôi với
việc bác ái cụ thể: Ngoài việc làm chứng cho Chúa bằng việc
trình bày về Chúa, Hội thánh ngày nay
còn chú trọng làm việc bác ái cụ thể như: Cứu trợ thiên tai lũ lụt, mở cô nhi
viện, nhà nuôi người già, giúp người khuyết tật, mở lớp học tình thương, mở các
đợt khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu vùng xa, mở bữa
ăn miễn phí cho người hành khất hay quán cơm phục vụ giá rẻ cho người lao động v.v…
Ngoài ra về mặt xã hội, Hội Thánh cũng khuyến khích các tín hữu tích cực tham
gia làm công tác xã hội với các người thiện chí như: Dọn vệ sinh môi trường, phòng
chống dịch bệnh, hiến máu nhân đạo để cứu người bị tai nạn, góp phần đẩy lùi và
loại trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, hút chích sì-ke, đĩ điếm, say xỉn ra khỏi
khu vực…
TÓM LẠI: Nhờ các việc bác ái cụ thể được thực hiện trong sự khiêm tốn yêu
thương vô vụ lợi, mà Tin Mừng Nước Trời sẽ tỏa sáng, giúp cho nhiều anh em
lương dân nhận biết chúng ta thực là môn đẹ Chúa Giê-su và tôn vinh Thiên Chúa Cha
chúng ta ở trên trời như lời Đức Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi
trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
4. THẢO LUẬN: 1) Theo bạn,
các công tác bác ái từ thiện noi gương Đức Giê-su như: chia sẻ cơm áo gạo tiền
cho những người nghèo đói bệnh tật… có hữu hiệu trong xã hội hiện nay không ? Tai sao? 2) Bạn có kinh
nghiệm nào để giới thiêu Chúa cách hữu hiệu cho người bên cạnh trong một chuyến
đi xa, hay một bệnh nhân nằm chung phòng tại bệnh viện … ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay cùng với Hội
Thánh, chúng con mừng lễ Chúa về trời. Trời đích thực là quê hương
của chúng con, là nơi chúng con luôn hướng về. Tuy nhiên, trong
bài Sách Thánh hôm nay, thiên thần lại nói với các môn đệ: “Hỡi những
người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức
Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự
đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).
Qua đó, Chúa muốn dạy rằng: điều quan trọng nhất các ông phải làm bây
giờ là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giê-su, bằng việc loan Tin
Mừng “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và
cho đến tận cùng trái đất”. Làm chứng trước hết bằng sự rao giảng
Tin Mừng Nước Trời với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng con
cũng có thể làm chứng bằng những hành động bác ái yêu thương, bằng
sự khiêm nhường phục vụ, bằng việc quảng đại cho đi, bằng việc hy
sinh bản thân vì lòng mến Chúa và yêu tha nhân... Xin giúp chúng con chu tòan sứ mạng ấy trong cuộc sống đời thường của
chúng con.
- LẠY CHÚA. Chúng con thường hay cho tằng: “Tôi phải lo cái
ăn cái mặc cho bản thân và gia đình tôi trước đã !
Tôi không có khả năng trình bày về Chúa cho người khác !
Tôi không có thì giờ …” Đang khi Chúa dạy chúng con: “Trước hết hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả
những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Vậy
xin Chúa giúp chúng con hôm nay đừng quá lo cơm áo vật chất cho bản thân
hay gia đình, nhưng phải biết lo việc của Chúa và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Xin Chúa giúp chúng con biết làm
lợi gấp năm gấp mười nén vàng đức tin mà Chúa đã ban cho chúng con,
để nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương xét xử khoan dung và nói với
chúng con: “Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành !
Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA
NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH -
HHTM