SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Xưa cũng như nay, Giáo Hội luôn quan tâm
đến sứ mạng truyền giáo, bởi xác định đây là bản chất của Giáo Hội. Mất yếu tố
này, chúng ta mất đi căn tính, hay nói đúng hơn, không phải là người Công Giáo
đúng nghĩa, bởi lẽ đã là người Công Giáo, thì việc truyền giáo là của chúng ta,
thuộc về chúng ta, vì thế, không lẽ gì chúng ta thờ ơ với sứ vụ này được!
Sứ mạng này được khởi đi từ Thiên Chúa Cha khi
sai Con Một của mình xuống trần gian để loan báo về Nước Trời cho muôn dân và
cứu độ nhân loại; bắt nguồn từ lệnh tryuền của Đức Giêsu cho các môn đệ trước
khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”
(Mt 28, 19-20); lệnh truyền đó đã được tiếp diễn trong suốt dọc dài lịch sử từ
thời các Tông đồ cho đến ngày nay và mãi về sau.
1.
Đức Giêsu ra đi, các
Tông đồ, môn đệ tiếp bước
Lúc sinh thời, đã có lần Đức Giêsu mặc khải: “... tôi
từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi" (Ga 7, 29); khi sắp
chia tay các Tông đồ để đi chịu chết chuộc tội thiên hạ, thấy các ông buồn bã
vì sắp phải chia ly, kẻ đi người ở, Ngài đã củng cố niềm tin của họ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên
Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1); Ngài căn dặn và an ủi thêm: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu
không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi
dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở
đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3); Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã báo
trước giây phút Ngài sẽ về cùng Cha của Ngài, Ngài nói:“Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên
Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
Qua lời dạy của Đức Giêsu, nhất là biến cố về
trời của Ngài, Đức Giêsu mặc khải mà chúng ta biết, chúng ta có một nơi ở khác,
nơi ở đó là một nơi tràn đầy hạnh phúc vì được diện kiến Thiên Chúa. Niềm tin
này cũng được thánh Phaolô nói nhắc đến: “Còn
chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Ðức
Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3, 20). Còn gì hạnh phúc cho bằng,
khi Nước Trời là cùng đích của ta, nơi đó, chúng ta sẽ được sung mãn nguồn tình
yêu, và không bao giờ sợ mất nữa, nơi mà: “trộm cướp không thể lấy mất và mối
mọt không thể gặm nhấm".
Cuối cùng, Đức Giêsu đã được
cất lên trời trước mắt các ông, để như lời Ngài đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã để lại cho các Tông đồ,
môn đệ lệnh truyền của Ngài, để các ông ra đi loan báo và làm chứng nhân cho
Ngài đến tận cùng trái đất, hầu mọi người sẽ được lên nơi mà Đức Giêsu đã mặc
khải: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn
dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt
28, 19-20).
Như vậy, sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ
và môn đệ đã xuống núi để ra đi thi hành lệnh truyền đó của Đức Giêsu, bắt đầu
từ Giêrusalem và đến tận cùng trái đất...
2.
Truyền giáo là bản chất
của chúng ta
Nếu trước kia, Đức Giêsu truyền lệnh cho các
Tông đồ và môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ, thì hôm nay, cũng cùng
lệnh truyền đó, Ngài trao phó cho mỗi chúng ta sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho
muôn dân.
Câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolô trong thư
thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô cũng phải là nỗi thao thức của tất cả chúng ta:“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin
Mừng! ” (1Cr 9, 16); và, lệnh truyền của Đức Giêsu năm xưa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), vẫn mãi là một lời mời gọi,
luôn thôi thúc, mang tính mầu nhiệm và cấp thiết cho Giáo Hội cũng như mọi
thành phần, qua mọi thời, mọi nơi.
Vì thế, ở bất cứ nơi đâu, ngoài việc cầu nguyện
cho công cuộc truyền giáo, mỗi người phải thể hiện vai trò ngôn sứ mà mình đã
lãnh nhận ngày chịu Phép Thánh Tẩy bằng và qua hành động. Trong nhiều cách thế,
có lẽ là trở nên những chứng nhân của những lời loan báo là điều quan trọng và
có tính khả tín.
Cách thức này đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI
nói đến trong Thông điệp “Evangelii
Nuntiandi”, ngài nói: “Người thời nay
sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy
dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41).
Thật vậy, truyền giáo và làm chứng chẳng khác
gì như hai mặt trên một bàn tay, nên không thể nói rằng: tôi chỉ nói, loan báo
về Chúa còn việc tôi sống là chuyện khác!
Trong thế giới ngày nay, con người dần mất đi
cảm thức về tâm linh, từ đó như một hệ quả, họ sống trong sự thất vọng, bởi
khám phá ra trong cuộc sống có nhiều điều không thỏa lấp được nỗi khát vọng
thâm sâu trong tâm hồn của con người. Vì thế, là người kitô hữu trong thế giới
hôm nay, chúng ta phải là những chứng nhân của niềm hy vọng, khi mang trong
mình tràn đầy cảm nghiệm về Thiên Chúa. Thánh Phêrô cũng đã nói đến vai trò
chứng nhân của niềm hy vọng, ngài nói: “Hãy
luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”
(1Pr 3,15).
Ngoài ra, làm chứng cho Chúa trong một xã hội
đang dần mất đi tinh thần liên đới, trách nhiệm với nhau, là một tiêu điểm
trong xã hội hôm nay mà chúng ta phải quan tâm, bởi lẽ, con người ngày nay họ
luôn bị vô cảm, dửng dưng và ích kỷ, không muốn liên lụy đến bản thân. Thực
trạng cho thấy: “không thiếu những cái
đầu lớn, nhưng bên cạnh đó lại quá nhiều trái tim nhỏ”; hay “không thiếu gì cái đầu nóng, nhưng lại có
trái tim lạnh”. Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi dấn thân trong môi
trường đang trở nên xa lạ đối với cuộc sống con người. Khi tiến bước và trở nên
chứng nhân như thế, mỗi chúng ta trở nên một hình ảnh của Đức Giêsu hiền hòa,
nhân hậu, bao dung, liên đới và sẵn sàng tha thứ cho mọi người. Làm được như
thế, ấy là lúc chúng ta: “ngửi thấy mùi
chiên”.
Lạy Chúa Giêsu, lệnh truyền của Chúa khi xưa cho các Tông
đồ, môn đệ cũng chính là lệnh truyền cho mỗi chúng con ngày hôm nay. Xin Chúa
ban cho chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng tình
thương. Tin Mừng cứu độ đến cho hết mọi người. Amen.