CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA A

Hc 3,3-7.14-17a ; Cl 3,12-21 ; Mt 2,13-15.19-23

 

XÂY DỰNG HẠNH PHÚC NOI GƯƠNG THÁNH GIA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23

(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !”. (14) Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi va mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.(19) Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì chưng kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. (21) Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.

2. Ý CHÍNH: XUẤT HÀNH TỪ AI CẬP.

Tin Mừng hôm nay muốn nói lên tư tưởng Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa bảo vệ khỏi bàn tay độc ác của bạo vương Hê-rô-đê. Người là Mô-sê Mới, dẫn đầu dân Ít-ra-en Mới, xuất hành ra khỏi Ai Cập trần gian để về miền Đất Hứa là thiên đàng đời sau.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-14: + Sứ thần Chúa hiện ra: Tin Mừng Mát-thêu ghi lại 4 lần sứ thần Chúa hiện ra với ông Giu-se (Mt 1,20; 2,13; 2,19; 2,22). + Báo mộng cho ông Giu-se: Sứ thần Chúa hiện đến cùng Giu-se trong giấc mộng và thay mặt Thiên Chúa ra lệnh cho Giu-se phải làm theo. + Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập: Lệnh truyền này nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa để bảo vệ Hài Nhi Cứu Thế. Ai Cập là một nước lớn nằm sát bên nước Do thái về phía Nam, và là nơi những người Do thái bị ruồng bắt thường tìm đến lánh nạn (x. 1V 11,40). Đi từ Bê-lem tới Ai Cập mất khoảng 5-6 ngày đường. + Vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy: Hài Nhi Giê-su được đem sang Ai Cập để trốn khỏi sự khủng bố của vua Hê-rô-đê độc ác, giống như Mô-sê ngày xưa cũng phải trốn khỏi sự ruồng bắt của Pha-ra-ô nước Ai-cập (x. Xh 2,15). + Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”: Câu này rút ra từ sách ngôn sứ Hô-sê (x. Hs 11,1), nói về cuộc Xuất hành của dân Ít-ra-en xưa. Khi đó dân Ít-ra-en đã được Đức Chúa gọi là “con Ta” (x. Xh 4,22).

- C 19-20: + Thánh gia trốn sang Ai-cập trong thời gian bao lâu: Khoảng từ vài tháng tới 3 năm. Giả sử thánh gia được triệu về ngay sau khi Ác-khê-la-ô lên kế vị (năm 750 tức khoảng năm thứ 4 đến thứ 6 sau Công Nguyên), thì thời gian ở bên Ai-cập của Thánh Gia không thể quá 3 hay 4 năm được. + Công Nguyên là gì: Công Nguyên hay Kỷ Nguyên Chung được tính bắt đầu từ năm Chúa Giáng Sinh. + Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập: Khi vua Hê-rô-đê Cả chết, ông Giu-se lại được sứ thần Chúa hiện đến trong giấc mơ ra lệnh cho ông mau đem Hài Nhi và mẹ Người trở về quê hương, vì mối nguy đã chấm dứt với cái chết của vua Hê-rô-đê. + Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi: Câu này chính là lời Đức Chúa báo cho Mô-sê về cái chết của Pha-ra-ô Ai-cập (x. Xh 4,19). Đây là một bằng chứng cho thấy Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi chính là Mô-sê của thời Tân Ước.

- C 23: + Và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét: Thánh Gia về cư ngụ ở Na-da-rét là ứng nghiệm lời sấm đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”. Ta có thể hiểu rằng Mát-thêu dùng danh xưng này để ám chỉ việc tự hạ của Đấng Cứu Thế. Nói Đấng Cứu Thế là người Na-da-rét cũng giống như nói Người đã bị người đời miệt thị khinh dể vậy.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Giu-se phải đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập ? 2) Thánh Gia trốn sang Ai Cập đến khi nào về ? 3) Tại sao Giu-se lại đem Hài Nhi đến ở thành Na-da-rét ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (14):

2. CÂU CHUYỆN: TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỜ KINH TỐI GIA ĐÌNH:

Một cha xứ kia đi thăm các gia đình trong xứ để kiểm tra nhân danh. Gặp một đôi vợ chồng không đọc kinh tối gia đình, cha hỏi: “Gia đình ông bà có đọc kinh chung gia đình không ?”. Họ trả lời không, vì con cái phải đi học thêm hay phải đi làm theo ca. Ông phải ưu tiên kiếm sống cho gia đình như người ta thường nói: “Có thực mới vực được đạo !” Bấy giờ cha xứ lại hỏi: “Nếu ông bà biết rõ là nhờ đọc kinh tối hàng ngày mà một đứa con sẽ tránh được cơn bệnh hiểm nghèo, tránh được một tai nạn; Nhờ đọc kinh tối mà chúng mới có công ăn việc làm đều đều, chúng mới có đủ sáng suốt để làm bài thi; Nhờ đọc kinh mà các linh hồn tiên nhân ông bà cha mẹ và những người thân đã chết sẽ sớm được lên thiên đàng… thì ông bà có tổ chức đọc kinh gia đình hàng ngày không ?” Họ trả lời: “Có thể chúng con sẽ đọc”. Cha xứ lại hỏi: “Giả như gia đình làm ăn thất bại phải mang nợ tới 100 triệu đồng, khó lòng trả nợ cả vốn lẫn lãi, mà nếu ngày nào có đọc kinh tối 15 phút, thì gia đình sẽ được chủ nợ trừ bớt số lời 100.000 đồng, thì ông bà có đọc kinh tối chung không ?”. Bấy giờ ông kia hỏi lại: “Thưa cha, cha hỏi như vậy để làm gì ?” Bấy giờ cha xứ mới ôn tồn trả lời: “Tôi nói như vậy để cho thấy nguyên nhân gia đình ông bà không đọc kinh tối, không phải vì không có thời giờ hay vì bận làm việc, mà lý do chính là vì nghĩ rằng đọc kinh tối gia đình là điều vô ích. Chỉ cần đi lễ nhà thờ đã đủ. Tôi hỏi vậy để cho thấy việc đọc kinh cũng quan trọng không kém việc giữ gìn sức khỏe và sự an toàn của các người thân trong gia đình, cũng có giá trị như một số tiền thiêng liêng, giúp bớt phần phạt cho các thân nhân ông bà đã qua đời, và giá trị của việc đọc kinh cũng có thể tương đương với số tiền cần chi dùng hàng ngày”.

3. SUY NIỆM: LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA ĐÌNH ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?

1) Nguyên nhân đổ vỡ hạnh phúc là do không sông đúng vai trò trong gia đình: Mỗi người cần phải sống đúng vị trí của mình là chống, vợ hay con cái: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu họ thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền quyết định mọi việc ?” Kết quả cho thấy có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 15% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có một số rất ít trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì Anh quốc là nước số gia đình ly hôn chiếm tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám đâm đơn ra tòa xin ly hôn.

2) “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”: Vợ chồng phải bàn bạc trao đổi với nhau trong mọi việc: Phải một lòng một ý về việc: cư xử với tha nhân, nuôi dạy con cái, mua sắm đồ dùng trong nhà, làm ăn sinh sống… Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.

3) Gia đình phải có Chúa hiện diện: Thực vậy, nếu gia đình thực sự có đức tin, có lòng đạo đức, thì sẽ thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Chồng thương yêu vợ, vợ yêu thương chồng, con cái thảo kính cha mẹ và thương yêu nhau. Trong đời sống vợ chồng, chắc sẽ có lúc vui lúc buồn, nhiều khi vợ chồng còn phải vác thánh giá của nhau và phải vác đến chết để đền đội.

4) Vợ chồng hãy chịu đựng lẫn nhau: Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép Thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây Thánh giá xin đem lên gần gian cung thánh để được làm phép. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây Thánh giá thì lại cõng bà vợ chân bị liệt lên. Tới lúc cha đến trước từng người tay đang cầm thánh giá để rấy nước thánh. Thay vì giơ cây Thánh giá lên như mọi người thì ông cụ lại cố giơ bà cụ lên cao trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến cùng !” Qua lời nói của ông cụ, chúng ta hiểu người bạn đời chính là thánh giá sống mà chúng ta phải mang từ khi lấy nhau cho đến hết. Vợ là thánh giá của chống và ngược lại, chồng cũng là thánh giá của vợ. Ai trung thành vác thánh giá ấy theo Đức Giê-su đến cùng, thì sau này hy vọng sẽ được sống lại với Người và cùng được hưởng hạnh phúc với Người.

4. THẢO LUẬN:

1) Các gia trưởng và hiền mẫu Công giáo cần học tập những gì nơi thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a để gia đình được hạnh phúc ? 2) Nguyên nhân làm cho các gia đình đổ vỡ ly hôn là gì ? Khi xảy ra ly hôn thì trong hai vợ chồng ai là người có lỗi hơn ? 3) Bạn có đồng ý với câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không ? Tại sao ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật là hạnh phúc: Với nét mặt rạng rỡ và trong bộ y phục trắng đẹp mới tinh, họ đi bên nhau lên cử hành hôn lễ. Nhưng rồi năm tháng qua đi, con lại thấy gia đình họ lại biến thành hỏa ngục trần gian, khi “kẻ thì khóc lóc đau khổ, người lại nghiến răng giận hờn”. Lý do đổ vỡ hạnh phúc có rất nhiều: Tại tính xấu của người này hay tại thói hư của người kia ? Theo con nghĩ thì “tại anh tại ả tại cả đôi đàng !”. Tại hai người đã không biết nuôi dưỡng tình yêu ban đầu. Tình yêu có đặc điểm là không đòi hỏi nhau, nhưng là hy sinh cho nhau. Cây tình yêu của hai vợ chồng rất cần được bắt đi những con sâu đục khoét hạnh phúc gia đình như: Sâu ích kỷ “chỉ nghĩ đến mình”, sâu độc đoán hẹp hòi, sâu vô trách nhiệm khi say sỉn cờ bạc hút sách, sâu tình cảm bất chính vụng trộm… Tình yêu cũng đòi phải được tưới bón bằng lời cầu nguyện cho nhau, bằng những lời khen tặng nhau cách thành thật, bằng những lời nói cử chỉ âu yếm dành riêng cho nhau.

LẠY CHÚA, xin ban cho các gia đình tín hữu chúng con luôn “trên thuận dưới hòa”, “một lòng một ý”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì tình yêu ban đầu. Xin cho họ biết “cho nhiều hơn nhận”, biết “ân cần phục vụ” cho nhau, biết “quảng đại tha thứ và nín nhịn các yếu đuối lỗi lầm” của nhau. Biết “nói ít làm nhiều”, và “sẵn sàng vác thánh giá” là chịu đựng người bạn đời của mình”... Nhờ đó các gia đình chúng con hy vọng sẽ trở thành thiên đàng trần gian, là dấu chỉ chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu sau này.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM