CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Cám dỗ về căn tính
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 4:1-11)
Có rất nhiều lần trong đời, chúng ta đã thắng được cám dỗ là
vì chúng ta chợt nhớ căn tính của mình là người Công giáo. Hôm nay trong bài Tin Mừng, thánh Mát-thêu
ghi lại việc ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-su, ít nhất đã có hai lần tên quỷ cám dỗ đề
cập đến căn tính của Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa… Căn tính thuộc
về bản chất chúng ta, nhưng lại có thể vừa là lợi khí ma quỷ dùng để xúi giục
chúng ta làm điều ngược lại với căn tính, vừa là sự chắc nhở giúp chúng ta chống
lại cám dỗ. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay
thực là một bài học sống động Chúa Giê-su để lại cho chúng ta, giúp chúng ta biết
phải đối phó với cám dỗ như thế nào.
Mỗi lần nói cho Chúa Giê-su biết về căn tính của Người là
“Con Thiên Chúa”, Xa-tan đều đề nghị Người hãy làm một việc để có vẻ như “chứng
minh” cho căn tính ấy. Nhưng thực ra
thâm ý của Xa-tan là cám dỗ Người “khoe khoang” và kiêu hãnh với căn tính ấy. Rồi hậu quả tiếp theo là sự kiêu căng sẽ khiến
Chúa Giê-su hành động theo kế hoạch của riêng mình, chứ không theo kế hoạch của
Thiên Chúa.
Trước hết, là Con Thiên Chúa, dĩ nhiên Chúa Giê-su có đầy đủ
quyền năng để “truyền cho những hòn đá hóa bánh”. Mục tiêu của phép lạ mà Xa-tan muốn Chúa Giê-su
thực hiện là gì nếu không phải chỉ là làm hết cơn đói của Chúa sau bốn mươi
ngày ăn chay? Nhưng Con Thiên Chúa không
sử dụng quyền năng để thỏa mãn tư lợi, mà sau này Người sẽ biến năm cái bánh và
hai con cá hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng! Hơn nữa, mục đích của phép lạ biến hòn đá
thành bánh chỉ là để ăn cho hết đói, còn hóa bánh ra nhiều là để biểu dương
lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Đối với cám dỗ thứ hai, Chúa Giê-su coi hành động gieo mình xuống từ nóc
Đền Thờ mà vẫn được an toàn không phải là hành động của người Con tin vào sự chở
che của Cha mình, nhưng là hành động thử thách quyền năng Thiên Chúa. “Ép buộc” Thiên Chúa phải gìn giữ cho mình được
an toàn thì đâu phải là hành vi do động lực tình yêu, nhưng hàm chứa những ý đồ
khác. Có thể đấy là lợi dụng căn tính
Con Thiên Chúa để tạo danh tiếng cho mình, vì khi một người nhảy từ nóc đền thờ
xuống mà vẫn bình yên, thì sẽ gây được tiếng vang và thán phục từ đám dân
chúng! Sau cùng, cám dỗ bái lạy ma quỷ để
được lợi lộc từ các nước trên thế gian quả thực là một cám dỗ nhắm thẳng vào
căn tính đích thực của Chúa Giê-su. Nếu
Người thay đổi căn tính của mình, thay vì làm Con Thiên Chúa và tùng phục Thiên
Chúa thì sẽ làm con Xa-tan, Người sẽ được thỏa mãn với mọi sự của thế
gian! Nhưng Chúa Giê-su đã nắm vững lấy
căn tính đích thực của Người, vì chỉ có Thiên Chúa Cha mới là Đấng để con người
Giê-su bái lạy và thờ phượng mà thôi!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Tại sở làm, tôi thấy có người gian lận, hoặc không làm việc
cần mẫn nhưng phí phạm thời giờ của sở.
Thế là tôi bị cám dỗ: người ta
làm như thế có sao đâu, vậy tại sao tôi phải chăm chỉ hoặc tránh mọi phung phí
làm hại vật chất của sở làm gì? Lúc ấy,
tôi hãy nhớ lại mình là người con của Chúa, là người Công giáo! Tại trường học, tôi thấy nhiều bạn ăn mặc lố
lăng, phong cách không đàng hoàng, bồ bịch lung tung, sử dụng ma túy, có khi
còn phá thai nữa. Đôi khi tôi cũng thấy
“ngứa ngáy” muốn buông theo lối sống của họ, hoặc sợ mình bị chê là cổ lỗ, không
hợp thời trang, hoặc bị họ xa lánh. Để
thắng cám dỗ, tôi hãy nói với mình: tôi
chẳng phải là người Công giáo hay sao?
Nhớ lại căn tính của mình là người Công giáo, hoặc là con
cái Chúa, nhất định là một phương thức tốt để chống lại cám dỗ. Sau khi lãnh nhận phép rửa của thánh Gio-an,
Chúa Giê-su đã nghe tiếng Chúa Cha phán:
“Con là Con yêu dấu của Ta. Con
làm đẹp lòng Ta mọi bề”. Lời khẳng định ấy
nằm sâu trong tâm trí Chúa Giê-su và trở thành khí giới lợi hại và mạnh mẽ để
chiến thắng mọi thứ cám dỗ. Cũng vậy,
khi được rửa tội, chúng ta thực sự là con yêu dấu của Cha trên trời và là em của
anh trưởng Giê-su. Căn tính này đòi hỏi
chúng ta phải sống làm sao cho phù hợp với những danh hiệu đích thực của chúng
ta!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi