CHÚA NHẬT II MÙA
CHAY
Học Biết Mầu Nhiệm
Chúa Ki-tô
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 17:1-9)
Có vài cách giúp chúng ta lắng nghe sứ điệp của câu chuyện
Tin Mừng hôm nay. Trước hết, chúng ta dựa
vào lời thánh Phao-lô mời gọi môn đệ Ti-mô-thê:
“Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (bài đọc
2). Đó cũng là lời kêu gọi của Chúa
Giê-su, khi Người đưa ba môn đệ lên núi và biến đổi hình dạng trước mặt các
ông: Người muốn các môn đệ hãy tham dự
vào sứ mệnh của Người. Cách thứ hai là
chúng ta nhớ lại trong biến cố Chúa chịu phép rửa của Gio-an, Chúa Cha đã
phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài
lòng về Người”. Nhưng hôm nay trong biến
cố Chúa Giê-su hiển dung, Thiên Chúa Cha còn phán thêm lời này với các môn đệ
Chúa Giê-su: “Các ngươi hãy vâng nghe lời
Người”.
Trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?” quả thực không dễ dàng. Các môn
đệ sống bên cạnh Chúa, đã nghe, đã thấy, đã được dạy dỗ đặc biệt, nhưng điều ấy
không có nghĩa là các ông đã hiểu rõ căn tính và sứ mệnh của Người. Có thể việc dạy cho tất cả Nhóm Mười Hai là
chuyện khó, cho nên Chúa Giê-su chọn riêng ba “học trò xuất sắc nhất” để tham dự
một khóa học đặc biệt trên núi chăng! Chẳng
có thánh sử nào ghi lại được nội dung của khóa Ki-tô học này. Lý do cũng dễ hiểu. Vì với đầu óc ngu muội và đầy tham vọng của
đám học trò, thì có dạy về Đấng Mê-si-a chịu đau khổ cũng bằng nước đổ lá khoai
mà thôi. Nhưng khung cảnh “lớp học” có
thể đã đủ để giúp các ông nắm được ý tưởng chính. Đó là sự hiện diện của ông Mô-sê, đại diện
cho Lề Luật, và ngôn sứ Ê-li-a, đại diện cho sách các Ngôn sứ. Chúa Giê-su “đàm đạo” với hai vị này. Hoặc nói cách khác, hai vị này đem những điều
ghi trong Lề Luật và các sách Ngôn sứ để giúp Chúa Giê-su xác tín sứ mệnh cứu độ
của Người. Một lớp học sống động với ba
giáo sư như vậy mà các học trò chẳng thu nạp được kiến thức nào! Tuy nhiên kiến thức không quan trọng bằng
lòng mến và quyết tâm theo Thầy. Chúa
Giê-su chỉ muốn ở nơi họ cái hồn tông đồ, sẵn sàng “đồng lao cộng khổ’ với Người
“để loan báo Tin Mừng”. Cho nên Chúa biến
đổi hình dạng là để thắp sáng lên tình yêu và nhiệt thành trong tâm hồn họ. Khi xuống núi, Chúa còn căn dặn các ông không
được nói gì về thị kiến hôm nay, bởi vì học biết về Mầu nhiệm Chúa Ki-tô chỉ
hoàn tất “khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.
Một điểm tối quan trọng, đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa
Cha: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Điều này nói lên tầm quan trọng của Mầu nhiệm
Chúa Ki-tô trong đời sống của các môn đệ.
Chúa Ki-tô là “Ân Sủng Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta từ muôn thuở”. Người đã “cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân
thánh của Người…, đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ
phúc trường sinh bất tử” (bài đọc 2). Đấy
là tóm tắt sứ mệnh của Chúa Ki-tô, cho nên chúng ta không thể không “vâng nghe
lời Người”! Và đấy cũng là Mầu nhiệm mỗi
Ki-tô hữu chúng ta phải cố gắng rao giảng bằng lời nói và gương sáng của mình!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Giáo Hội đưa biến cố Chúa
Giê-su Hiển dung vào Phụng vụ Thánh lễ mùa Chay. Chắc chắn mục đích là giúp chúng ta chuẩn bị
cử hành Mầu nhiệm Phục Sinh. Làm sao cử
hành Mầu nhiệm Phục Sinh được, nếu không hiểu rõ sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su
là gì! Kinh Thánh Cựu Ước đã khẳng định
về sứ mệnh của Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Mà cử hành không chỉ là làm các nghi thức, nhưng là sống. Chúng ta sống Mầu nhiệm Phục sinh bằng cách sống
với Chúa Giê-su (lắng nghe và thực hành Tin Mừng), chết với Chúa Giê-su (rũ bỏ
con người cũ tội lỗi của chúng ta) và sống lại với Chúa Giê-su (đón nhận đời sống
mới trong Thánh Thần).
Biến cố Hiển dung hiện
diện trong Phụng vụ mùa Chay còn để giúp chúng ta vững tin vào Đấng cứu độ
chúng ta, hoặc theo Lời nguyện nhập lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa “lấy lời
hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con
sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con”.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi