BIẾN ĐỔI THEO THÁNH Ý CHÚA
(CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY, A)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Mỗi khi Mùa Chay về, ấy là lúc chúng ta
nghe đây đó văng vẳng bên tai: hãy đi xưng tội; làm việc lành; bố thí; hy sinh
hãm mình và ăn chay để đền tội.... Tuy nhiên, điều đó cần, nhưng không đủ, nên Mùa
Chay vẫn cứ đến rồi lại đi mà ít làm cho người tín hữu suy tư và quyết định biến
đổi con người cũ là con người ích kỷ, kiêu ngạo, tội lỗi, để mặc lấy con người
mới, con người giống hình ảnh của Đức Giêsu.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức
Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này mời gọi mỗi chúng ta một phần biết
sống những đòi hỏi của Tin Mừng. Mặt khác cũng cần phải biến đổi để trở nên con
người mới thực sự theo ánh sáng của Tin Mừng, tức là theo thánh ý Thiên Chúa.
1.
Ý nghĩa Lời Chúa
Khởi đi từ bài đọc I: trình thuật việc Đức
Chúa kêu gọi ông Abram: "Hãy rời bỏ
xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,
1). Ông Abram đã sẵn sàng vâng nghe tiếng Chúa truyền, sẵn sàng từ bỏ cuộc
sống yên ổn tại quê nhà, để lên đường đến nơi Chúa sẽ chỉ cho trong tương lai.
Sự ra đi của Abram là một cuộc từ bỏ tiên quyết. Vì thế, Chúa đã hứa ban cho
ông và dòng dõi ông hưng thịnh đến độ: trở nên một dân lớn. Ông được chúc phúc,
được vinh quang và trở thành trung gian để chúc phúc cho người khác cũng như mọi
dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ông mà được chúc phúc (x. St 12, 2-3).
Sang bài đọc II: thánh Phaolô mời gọi
người môn đệ dấu yêu của mình là Timôthêô hãy bắt chước ngài như chính ngài đã
bắt chước Đức Kitô; đồng thời cũng mời gọi ông cộng tác trên hành trình loan
báo Tin Mừng mà thánh nhân đang loan báo. Lộ trình và kế hoạch đó là của Thiên
Chúa đã được tiền định từ lâu. Khi được chọn và gọi để tham gia vào sứ mạng đến
với muôn dân như thế, người môn đệ phải hiểu, sống và hăng say loan báo về Đấng
“ ... đã tiêu diệt thần chết, và đã
dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10).
Cuối cùng là bài Tin Mừng: thánh Mátthêu
trình thuật biến cố Đức Giêsu hiển dung như một sự kiện toàn cho tất cả những
gì đã tiên trưng trong Cựu Ước mà sách Luật và lời các tiên tri đã loan báo.
Hình ảnh của Đức Giêsu sáng chói được hiện
lên trong vai trò là nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Ngài hiển dung giữa
hai vị đặc biệt có liên hệ đến mình là Môsê và Êlia. Tại sao lại có sự xuất hiện
hy hữu và đặc biệt này? Thưa! Điều đó dễ hiểu vì:
Môsê là nhà lập luật cho Đạo Dothái. Sự
hiện diện của ngài muốn nói lên rằng: nhiều lần, Đạo luật Môsê báo trước về Đấng
Cứu Độ, và hôm nay Đấng Cứu Độ ấy chính là Đức Giêsu đang xuất hiện. Tiếp theo,
ngụ ý rằng, Đức Giêsu đến thế gian không phải để hủy bỏ Luật cũ, và lập lên một
thứ đạo hoàn toàn mới. Nhưng Ngài đến để bổ xung, hầu cho nó được kiện toàn.
Còn Êlia chính là vị ngôn sứ quan trọng
trong thời Cựu Ước. Sự hiện diện của ông có thể được hiểu là đại diện cho các
ngôn sứ. Bởi vì ngài là người đã gìn giữ và canh tân Luật Môsê. Điều đặc biệt
hơn cả nơi tiên tri Êlia chính là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế (x. Ml 3, 23-24).
Sự hiện diện của hai nhân vật điển hình
cho thời Cựu Ước có mặt trong cuộc biến hình của Đức Giêsu muốn nói lên sự gạch
nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Đồng thời
qua biến cố này, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ về bản tính của mình
trong vinh quang, để các ông đi vào Mầu Nhiệm Ánh Sáng của ơn cứu độ. Vì thế,
thật hạnh phúc cho các ông khi được nếm trải trước giây phút huy hoàng của Nước
Trời.
Đây là một trong hàng trăm ngàn phần thưởng
mà Đức Giêsu hứa ban cho những ai bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Vì thế, Phêrô đã
thốt lên: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay
quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một
cái, và ông Êlia một cái” (Mt 17, 4). Khi các ông còn đang ngây ngất như thế,
thì Chúa Cha xuất hiện như một lời chứng về Người Con yêu quý của mình; đồng thời
cũng mặc khải cho các ông hiểu rằng: muốn được vào vinh quang thì phải vâng
nghe lời Đức Giêsu.
2. Hãy
vâng nghe Lời Người
Nếu trước đó, Đức Giêsu đã mời gọi những
môn đệ từ bỏ mọi sự để đi theo mình, đồng thời Ngài cũng đưa ra khuôn mẫu của người môn đệ cần
có là: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Lúc khác, Ngài nhấn mạnh
hơn khi nói: "Ai yêu cha hay yêu mẹ
hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy,
thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Rồi ngài cũng tiên báo cho các ông biết
rằng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người
thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,
22).
Những điều kiện mà Đức Giêsu vạch ra và
đòi hỏi các môn đệ đi theo như thế, không phải là một con đường xa lạ đối với Ngài,
bởi chính Ngài đã vâng lời Thiên Chúa để đi trên con đường đau khổ đó hầu cứu
chuộc nhân loại. Vì thế, đã nhiều lần Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của
mình để các ông hiểu rõ sứ vụ của thầy và chính các ông sẽ tiếp bước (x. Mt 16,
24). Lời mời gọi này được Đức Giêsu đưa ra đúng vào thời điểm mà các môn đệ
đang tranh nhau chỗ nhất, nhì trong vương quốc của Ngài; lại có những môn đệ
đang so đo tính toán thiệt hơn, thì có thể sẽ làm cho các ông chùn bước vì phải
bước đi theo Thầy trên hành trình đầy gian nan khốn khổ và chết chóc.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không để các môn
đệ của mình thất vọng, nên ngay sau khi tiên báo về cuộc thương khó lần thứ nhất,
người đã đưa các ông lên trên núi để biến hình trước mặt các ông, hầu như một động
lực nâng đỡ và khuyến khích họ tiến bước trên con đường khổ giá. Việc Đức Giêsu
biến hình là một lời mời gọi cho các môn đệ: nếu muốn được vào vinh quang thì
phải trải qua thập giá. Muốn tiến tới hạnh phúc vĩnh cửu thì cũng phải biến đổi
hình dạng, tức thay đổi con người cũ trở thành con người mới, trở nên đồng hình
đồng dạng với Đức Giêsu.
Qua biến cố này, Đức Giêsu hé mở cho các
ông thấy một chút tương lai của cuộc hành trình ấy. Đây chính là phần thưởng
mãn nguyện, tuyệt vời nhất mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ thân tín của
mình.
Nhưng để được như vậy, người môn đệ phải
trải qua con đường tập giá, phải biến đổi.
Ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng đang mời gọi
mỗi chúng ta đón nhận cùng một sứ điệp như đã mặc khải cho các môn đệ khi xưa.
3.
Một cuộc biến đổi của
chúng ta
Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống
xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối [...] và phải mặc lấy
con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống
thật sự công chính và thánh thiện” (Ep 4,22.24). Thật vậy, chúng ta
theo Chúa, là chúng ta phải chấp nhận con đường phưu lưu, đầy gian khổ và đôi
khi cả cái chết nữa. Chấp nhận biến đổi. Như vậy, người đi theo Chúa và sống những
điều Chúa đòi hỏi phải là những người liều. Liều vì Chúa. Liều vì sứ mạng. Liều
vì Giáo Hội. Chứ không phải liều cách mù quáng. Liều vì bị ép phải liều.
Biến đổi! Lời mời gọi mang tính quyết định.
Nếu chúng ta không biến đổi con người cũ là con người tội lỗi như: tham, sân,
si, của bản năng con người, thì chúng ta chẳng khác gì dòng sông không chảy, một
cái ao tù được tạo thành ngay trong tâm hồn những ai cố chấp không chịu biến đổi.
Tuy nhiên, nói biến đổi thì dễ lắm, nhưng
khi thực sự quan tâm mới thấy là khó.
Trong đời sống thực tế, chúng ta vẫn thấy
đây đó có nhiều người hô hào canh tân, đổi mới, cách mạng, nhưng là thứ biến đổi
mù quáng, nhằm tôn thờ khoái lạc, coi trọng tiền bạc, thượng tôn quyền thế, và
đề cao những thứ hạnh phúc nhất thời, tạm bợ. Họ sẵn sàng bỏ qua hay coi thường
sự hy sinh, nhẫn nại, khiêm nhường... Canh tân như vậy thì không những không
đem lại cho con người hạnh phúc, mà lại mở đường đưa con người vào chốn diệt
vong. Canh tân như thế chính là canh tân, hy sinh theo kiểu Biệt Phái, chứ
không theo cung cách và đòi hỏi của Tin Mừng.
Trong đời sống đạo hiện nay nơi chúng
ta, hẳn mỗi người không lạ gì khi vẫn thấy đây đó những người luôn tự hào, can
đảm cũng như sẵn sàng vác thánh giá cho cả làng, nhưng thánh giá của chính mình
thì đè đầu ấn cổ và bắt người khác vác thay. Hy sinh như thế là hy sinh người
khác chứ không phải hy sinh chính mình. Lại có những người hy sinh giả tạo mà Đức
Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã nói đến trong sách Đường Hy Vọng: “Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn
vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc
hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh
lặng khó lắm!” (ĐHV số 171).
Biến đổi giả tạo hay ngụy trang như vậy
thì chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”.
Thậm chí còn tệ hơn trước. Họ hô hào cách mạng người khác, chứ bản thân thì
không hề thay đổi. Những người như thế được ví như: “Thay quần, thay áo, thay hơi, thay dáng, thay dấp, mà người chẳng
thay” (Ca dao). Những chuyện “đao to
búa lớn” được cất lên hiệu triệu để làm cho con người, cuộc sống, xã hội được
tốt hơn, nhưng trên thực tế không biết bao lần nhân loại đã phải đau đớn mà nhận
định rằng: “thay đổi kiểu đó thì chẳng
khác gì ‘treo đầu dê, bán thịt chó’”, hay “cái đầu thì không thay đổi mà chỉ ngồi bẻ mấy đốt ngón tay”.
Biến đổi và canh tân mà sứ điệp Lời Chúa
hôm nay muốn chúng ta thi hành chính là: “Ai
muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt
16,24). Đòi hỏi này phải chăng rất khó! Tuy nhiên, con đường này là con đường dẫn
đến hạnh phúc, bình an và hoan lạc. Nhưng tiếc thay, con đường này rất ít người
đi.
Thật vậy, con người ngày hôm nay rất sợ
hy sinh, và người ta tìm mọi cách để làm sao cho mình thoát ra khỏi những sự bất
trắc của cuộc sống. Nhưng nên nhớ rằng: chúng ta là người kitô hữu, nên nếu
tránh gian khổ, chúng ta đừng mong làm thánh. Hay thánh mà không qua đau khổ
chính là thánh giả, thánh lâm thời. Khi những đau khổ, gian nan thử thách ập đến,
nước sơn giả tạo bên ngoài phai nhạt đi thì lúc đó tượng thánh sẽ lộ hiện lên
nguyên hình Quỷ.
Cuộc đời của chúng ta đi theo Chúa không
chỉ có chuyện hoa thơm, trái ngọt; chỉ có niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống;
nhưng vẫn luôn còn đó những thất bại, mật đắng, dấm chua... Nhưng điều quan trọng
là ta “thay thái độ để đổi cuộc đời” và
phải hiểu rằng: thử thách gian khổ là "giấy phép theo Chúa" để hưởng
hạnh phúc hân hoan với Chúa: "Ai muốn
theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá..." (ĐHV 714). Sống được như
thế, thì trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố chúng ta đều: "loan truyền việc Chúa chịu chết và
tuyên xưng việc Chúa sống lại".
Như vậy, Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi con
cái mình hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Hãy hướng về Đức Giêsu để làm một cuộc
cách mạng biến đổi cái cũ là tội lỗi, ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo... để trở
thành một con người mới với nhiều hoa thơm nhân đức như: hy sinh, từ bỏ, khiêm
nhường, dấn thân, liên đới và bao dung...
Lạy Chúa, xin cho chúng con được ơn biến
đổi và canh tân. Xin tăng thêm niềm tin cho chúng con để chúng con can đảm bước
theo Chúa cho trọn cuộc đời, hầu qua đau khổ, chúng con được tiến vào vinh
quang Nước Trời. Amen.