CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Những chứng nhân cho sự Phục Sinh
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
20:1-9)
Đọc đoạn Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại về biến cố Chúa sống
lại, chúng ta nhận ra những hoạt động bận rộn của ba người môn đệ Chúa: bà Ma-ri-a Mác-đa-la, hai tông đồ Phê-rô và
Gio-an. Hành vi chính của các chứng nhân
là thấy và chạy. Những gì họ thấy đã là
động lực thúc giục họ phải chạy cho nhanh để báo tin, để kiểm chứng, để hiểu lời
Kinh Thánh, và cuối cùng là để tin. Hoạt
động của các chứng nhân đầu tiên ấy có thể được lập lại trong cuộc sống chúng
ta, những chứng nhân hôm nay làm chứng rằng Chúa Phục Sinh đang sống trong
chúng ta.
Thánh Gio-an đã lần lượt nói lên những gì các chứng nhân thấy
từ bên ngoài cho đến bên trong ngôi mộ của Chúa. Trước hết, bà Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá
lăn ra khỏi mộ”. Bà lập tức nghĩ tới việc
xác Chúa bị ai lấy đi, nên hốt hoảng chạy về báo tin cho ông Phê-rô và môn đệ
Chúa thương mến. Tuy thánh sử không viết
xuống, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng chính lòng yêu mến của bà Ma-ri-a đã giục
giã bà chạy cho nhanh để kiếm người giúp tìm lại thi thể của Chúa. Lòng yêu mến không thể để bà mất Chúa được,
dù chỉ là xác chết! Tuy nhiên, cũng
chính lòng mến của bà đã gián tiếp “làm chứng” rằng xác Chúa không còn ở trong
mộ nữa. Ngôi mộ trống không biết nói,
nhưng được bà xác nhận như một chứng tích không thể chối cãi và hùng hồn cho thấy
rằng Chúa đã sống lại thật và không còn ở trong mộ nữa.
Tiếp đến là hai môn đệ Phê-rô và Gio-an. Họ cũng chạy vội đến mộ và thấy nhiều điều,
chứ không chỉ là hòn đá lấp cửa mộ. Ông
Gio-an chạy nhanh hơn và tới mộ trước.
Nhưng vì tôn trọng vai trò trưởng nhóm của Phê-rô, nên để cho ông này
vào trước và “chứng nghiệm” bên trong mộ.
Ông Phê-rô cũng nôn nao muốn biết điều gì đã xảy ra, nên “ông vào thẳng
trong mộ”. Ông thấy một điều lạ: các băng vải để ở một góc, còn “khăn che đầu
Đức Giê-su được cuốn lại và xếp riêng một nơi”.
Trong khi ông Phê-rô bóp trán suy nghĩ sự kiện này, thì ông Gio-an bước
vào. Thánh sử đã ghi lại ở đây một bước
nhảy vọt của đức tin: từ những gì trông
thấy tiến đến đức tin vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô; nói khác đi, hai ông đã được ơn soi sáng để
hiểu ý nghĩa lời Kinh Thánh ám chỉ rằng “Chúa Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.
Trông thấy và chạy chỉ là những hành vi bình thường trong cuộc
sống chúng ta. Nhưng ở đây, chúng ta
không quan tâm đến động tác thể lý, mà chú ý đến động lực tại sao các chứng
nhân chạy, chạy nhanh, và chú ý đến những vật được trông thấy. Chạy nhanh vì lo lắng cho xác Chúa và vì yêu
mến Chúa. Trông thấy hòn đá chắn cửa mộ
đã lăn ra ngoài thì biết chắc đã có gì xảy ra cho xác Chúa. Trông thấy những băng vải để một chỗ, còn
khăn phủ mặt để một nơi riêng, làm cho người trông phải suy nghĩ về nhiều khả
thể: có thể xác Chúa bị lấy đi, nhưng chẳng
lẽ người lấy đi còn quan tâm hoặc còn thì giờ mà gỡ các băng vải, rồi lại cất
công xếp riêng khăn che mặt ra một chỗ hay sao?
Nếu thế, chỉ có nghĩa là Chúa đã sống lại. Đúng vậy, Gio-an đã giúp ông Phê-rô có câu trả
lời: “Ông đã thấy và đã tin”. Phải, tin Chúa đã sống lại theo lời Kinh
Thánh.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Các chứng nhân đầu tiên về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su đã để
lại cho chúng ta những chứng từ thật sống động.
Họ đều đã thấy và đã tin. Nhưng
đó không phải là niềm tin giữ lấy cho riêng mình. Các ngài đã đem tất cả cuộc đời còn lại để tiếp
tục rao giảng cho mọi người những gì họ đã thấy và đã tin. Ca tiếp liên đã nói lên câu trả lời của bà
Ma-ri-a: Tôi đã thấy mộ Chúa Ki-tô, Đấng
hằng sống, và vinh quang Phục Sinh của Chúa Giê-su. Điểm đặc biệt nhất bà đã thấy, đó là Chúa
Ki-tô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!
Thánh Gio-an thì viết sách Tin Mừng với những suy tư thần học
sâu xa về con người và sứ mệnh của Chúa Ki-tô.
Còn thánh Phê-rô vẫn tiếp tục “chạy” đi rao giảng những điều ngài “thấy”
nơi Chúa Giê-su, như trong bài đọc thứ nhất hôm nay kể lại. Ngoài việc rao giảng cho đồng bào Do-thái,
thánh Phê-rô cũng là người đầu tiên rao giảng về Chúa Giê-su cho Dân ngoại, tức
cho gia đình ông Co-nê-li-ô tại Xê-da-rê.
Bạn và tôi, chúng ta đã “thấy” gì nơi Chúa Giê-su
Ki-tô? Chắc chắn phải là những cảm nghiệm
cá nhân. Rồi chúng ta có “chạy” đi rao
giảng hay không?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi